Hoạt động tiếp công dân của Ban tiếp Công dân tỉnh Bình Dương và các giải pháp để hoàn thiện
Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, các cơ quan Nhà nước tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, cơ quan tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân thay mặt cơ quan Nhà nước lắng nghe tiếng nói của dân. Thái độ của cán bộ tiếp công dân, của cơ quan tiếp công dân được người dân xem như thái độ của Đảng và Nhà nước đối với yêu cầu của nhân dân. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân của Nhà nước ta, củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, thông qua công tác tiếp công dân giúp cho Đảng và Nhà nước luôn luôn tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
1. Khái quát về hoạt động tiếp công dân
Khái niệm tiếp công dân có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên đến năm 2013, khi Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật tiếp công dân thì lần đầu tiên khái niệm này mới được quy định trong luật. Tại khoản 1, Điều 2 Luật tiếp công dân năm 2013 quy định: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy theo quy định của Luật, tiếp công dân là việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được quy định tại Điều 4 của Luật tiếp công dân năm 2013, đó là:
- Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ; Tổng cục và tổ chức tương đương; Cục; Ủy ban nhân dân các cấp; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp công dân có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động này nhằm:
- Giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận thấy những việc làm trái pháp luật của mình, để từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa những sai lầm do cơ quan mình thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “giữ chặt mối quan hệ với dân chúng, lắng tai nghe ý kiến của dân chúng đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy xa cách dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lững giữa trời nhất định sẽ thất bại”. Cơ quan nhà nước phải tiếp dân mới thể hiện rõ Đảng và nhà nước luôn giữ vững mối liên hệ với dân, luôn lắng nghe, chăm lo đến cuộc sống của người dân có như vậy Nhân dân mới có niềm tin vào chính quyền.
- Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là một kênh thông tin để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, đánh giá tính khả thi của các chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước. Các chính sách cũng như hoạt động quản lý nhà nước trên thực tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, vì vậy cần có các kiến nghị, phản ánh của người dân. Trên cơ sở các thông tin thu được qua việc tiếp công dân các nhà hoạch định chính sách sẽ xem việc tồn tại chính sách có hợp lý hay không, để kịp thời bãi bỏ, điều chỉnh bổ sung chính sách.
- Tiếp công dân tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội. Khiếu nại, tố cáo là một phương thức thể hiện quyền dân chủ của Nhân dân và là phương thức để Nhân dân tham gia giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ tạo nên một xã hội hài hòa, ổn định. Khi người dân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm mới đến cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo nếu cơ quan nhà nước không tiếp dân để giải quyết kịp thời sẽ tạo nên bức xúc của công dân với cơ quan nhà nước, lâu dần sẽ phát sinh các vấn đề lớn về mặt xã hội.
- Tiếp công dân còn nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng chính sách, pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
2. Những kết quả cơ bản của hoạt động tiếp công dân của Ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương
a) Khái quát về Ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương:
Ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương do Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập, trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ cấu tổ chức của Ban tiếp công dân tỉnh bao gồm 1 Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 7 công chức làm công tác chuyên môn được chia làm 2 phòng: Phòng tổng hơp, Phòng xử lý đơn thư.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 7, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ban hành ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân. Theo đó Ban Tiếp công dân của tỉnh sẽ có một số chức năng và nhiệm vụ chính như: Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật; Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh; Của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; Báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, Thanh tra tỉnh và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung…
Ban tiếp công dân tỉnh hoạt động tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Trụ sở này được xây dựng khang trang tại địa chỉ số 1000, đường Cách mạng tháng 8, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trụ sở được xây dựng từ năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân. Đây là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh với Tỉnh Uỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh.
b) Những kết quả cơ bản của hoạt động tiếp công dân của Ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương
- Về công tác tiếp công dân:
Trong những năm qua việc tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân của tỉnh được thực hiện theo quy trình và đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cụ thể: Việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh được thực hiện theo đúng lịch đã niêm yết, Ban tiếp công dân tỉnh đã tổ chức chu đáo, nghiêm túc từ khâu đăng ký, hướng dẫn công dân, chuẩn bị hồ sơ tài liệu phục vụ Lãnh đạo tiếp công dân, đến việc phối hợp với lực lượng được mời tham gia bảo vệ Trụ sở Tiếp công dân kịp thời xử lý ổn định tình hình tại nơi tiếp công dân. Trong quá trình tiếp công dân, Ban Tiếp công dân đã trực tiếp tham mưu Lãnh đạo tỉnh xử lý từng vụ việc, ghi ý kiến kết luận của chủ trì buổi tiếp công dân, tiếp nhận đơn thuộc thẩm quyền, soạn thảo Thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh trình ký ban hành và thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc nhắc nhở các ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện các thông báo kết luận, chỉ đạo tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo tỉnh.
Số lượng cuộc, lượt, vụ tiếp công dân trong những năm qua nhìn chung có thay đổi phụ thuộc vào chủ trương quy hoạch và bồi thường, giải tỏa, tái định cư các Dự án. Trong năm 2016, Trụ sở tiếp công dân của tỉnh đã tiếp được 357 cuộc với 1.671 lượt người, 381 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gồm 263 vụ cũ và 118 vụ mới), 13 đoàn đông người, giảm 86 cuộc, tăng 85 lượt người so với cùng kỳ (tăng số người do phát sinh đoàn đông người tiểu thương chợ Thủ Dầu Một đến nhiều lần), trong đó: Tiếp định kỳ của Lãnh đạo tỉnh 35 cuộc với 1.177 lượt người, 63 vụ (gồm 32 vụ cũ và 31 vụ mới); Tiếp thường xuyên: 318 cuộc với 494 lượt người. Tiếp đột xuất của lãnh đạo tỉnh có 4 người.
Trong năm 2017, Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh đã tiếp được 247 cuộc với 1.519 lượt người, 287 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gồm 150 vụ cũ và 137 vụ mới), giảm 110 cuộc, 152 lượt người so với cùng kỳ, trong đó: Tiếp định kỳ của Lãnh đạo tỉnh 39 cuộc với 1,295 lượt người, 79 vụ (gồm 31 vụ cũ và 48 vụ mới), tăng 118 lượt người so với cùng kỳ; Tiếp thường xuyên: 208 cuộc với 224 lượt người, 208 vụ (gồm 119 vụ cũ và 89 vụ mới).
Đặc biệt trong năm 2017 tiếp 10 đoàn đông người: gồm các hộ dân khiếu nại một số vấn đề liên quan đến quy hoạch và bồi thường, giải tỏa, tái định cư thuộc Dự án Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (24 lần); Dự án khu Liên hiệp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (20 lần); Các hộ dân phản ánh liên quan đến việc công ty Cổ phần Đầu tư Hùng Anh sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường xung quanh (4 lần); Các hộ dân kiến nghị một số vấn đề liên quan đến chủ trương quy hoạch Công trình Trạm biến áp 500kv Tân Uyên - đầu nối (3 lần)…
Trong năm 2018, Trụ sở tiếp công dân của tỉnh đã tiếp được 260 cuộc với 1.326 lượt người, 347 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gồm 196 vụ cũ và 151 vụ mới), tăng 13 cuộc, giảm 193 lượt người so với cùng kỳ, trong đó: Tiếp định kỳ của Lãnh đạo tỉnh 44 cuộc với 1,054 lượt người, 210 vụ (gồm 103 vụ cũ và 107 vụ mới); Tiếp thường xuyên: 216 cuộc với 272 lượt người, 210 vụ (gồm 103 vụ cũ và 107 vụ mới).
Nội dung tiếp công dân chủ yếu là các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như: tranh chấp quyền sử dụng đất; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc các Dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; Phản ánh về môi trường…Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, giải tỏa, bồi thường, bao che cho cấp dưới làm sai, tố cáo hành vi hành chính của người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của công dân hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
Kết quả công tác tiếp công dân trong năm 2016; 2017; 2018
Cũng qua công tác tiếp công dân cũng cho thấy, số lượt công dân đến các buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo có tăng, đặc biệt là các đoàn khiếu nại đông người nhưng thực tế hầu hết là các vụ việc cũ, khiếu nại kéo dài, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết nhiều lần, đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết khiếu nại, có vụ việc đã kết luận giải quyết của cơ quan Trung ương nhưng công dân vẫn không chấp hành và thường xuyên làm áp lực yêu cầu giải quyết lại. Ban tiếp công dân đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan kịp thời xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, góp phần ổn định trật tự tại các buổi tiếp công dân.
- Về công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn:
Đơn đến Trụ sở tiếp công dân từ nhiều nguồn khác nhau, từ nguồn trực tiếp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…đến nộp trực tiếp tại Trụ sở. Nguồn gián tiếp từ bưu điện hoặc từ các cơ quan khác chuyển đến. Nhiệm vụ của Ban tiếp công dân tỉnh là tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn theo quy định của pháp luật. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Hướng dẫn, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đối với đơn đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban tiếp công dân cấp tỉnh, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.
Trong năm 2018, Ban tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận 1.048 đơn, tăng 04 đơn so với cùng kỳ (369 đơn khiếu nại, 183 đơn tố cáo, 411 đơn kiến nghị, 81 đơn phản ánh, 03 đơn tranh chấp), trong đó có 122 đơn thuộc thẩm quyền, 477 đơn không thuộc thẩm quyền và 449 đơn không đủ điều kiện xử lý. Đối với 122 đơn (94 vụ) thuộc thầm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban tiếp công dân đã soạn văn bản tham mưu UBND tỉnh giao các ngành xác minh, giao Thanh tra tỉnh rà soát, soạn công văn trả lời đến công dân. Đối với 477 đơn không thuộc thẩm quyền, Ban tiếp công dân đã lập phiếu hướng dẫn, soạn văn bản chuyển đơn đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Qua kết quả xử lý đơn cho thấy số lượng đơn đến từ các nguồn tăng không đáng kể so với năm 2017 (tăng 04 đơn) số lượng đơn trùng lắp nhiều, chiếm đa số (hầu hết là các vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết, trả lời nhiều lần hoặc không đủ điều kiện giải quyết theo quy định của pháp luật). Ban tiếp công dân tỉnh đã xử lý đơn kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Kết quả xử lý đơn được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Các công tác khác:
Ngoài công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn ra, Ban tiếp công dân của tỉnh còn thực hiện các nhiệm vụ khác như tham mưu giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; Tham mưu, tổng hợp cho Chủ tịch UBND tỉnh để đưa ra các ý kiến chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt hoạt động tổng hợp báo cáo về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo lên cấp trên…Những hoạt động này Ban tiếp công dân tỉnh đều thực hiện rất trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh nhà đạt kết quả cao trong những năm vừa qua, trong buổi thảo luận về kết quả tiếp công dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018 tại Quốc hội sáng 14/11 công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương so với quy định vượt 250%.
Công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ như vậy ngoài sự cố gắng, nỗ lực, đầy tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo, công chức của Ban tiếp công dân tỉnh còn có những nguyên nhân sau:
- Các văn bản về công tác tiếp công dân được ban hành đầy đủ, thống nhất và hướng dẫn thi hành chi tiết như Luật tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ban hành ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân. Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân. Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật Trụ sở tiếp công dân cũng ban hành nội quy, quy chế tiếp dân, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân tại nơi tiếp công dân, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân tại nơi tiếp công dân…
- Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo sát sao, quan tâm đến công việc cũng như động viên tinh thần cho cán bộ, công chức của Ban tiếp công dân tỉnh. Trang bị cơ sở vật chất hiện đại với 2 phòng chờ được trang bị bàn ghế, nước uống, màn hình chờ, máy lạnh, quạt mát, camera…Phòng tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân định kỳ được trang bị bàn ghế, nước uống, máy lạnh, 2 hệ thống camera ghi hình và ghi tiếng, hệ thống cửa cách âm hiện đại.
- Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Ban tiếp công dân với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên, đột xuất, định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân. Sự phối hợp chặt chẽ của Ban tiếp công dân và công an phường Chánh nghĩa, công an thành phố Thủ Dầu Một, công an tỉnh Bình Dương tại các cuộc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo.
3. Một số hạn chế, khó khăn của công tác tiếp công dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải pháp khắc phục
a) Một số hạn chế, khó khăn:
Tuy đạt được những thành tựu lớn trong công tác tiếp dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những năm qua. Tuy nhiên trong công tác này Ban tiếp công dân của tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Trường hợp công dân khiếu nại kéo dài, chây ì, cố ý tụ tập tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và Trung tâm hành chính tỉnh gây áp lực với cơ quan nhà nước, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, chửi bới cán bộ, cản trở việc tiếp công dân, vi phạm nội quy tiếp công dân…nhưng chưa có sự phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp công dân của Lãnh đạo.
- Một số sở ngành cử người tham gia tiếp công dân định kỳ không đúng thành phần, không đảm bảo thời gian, không nắm đầy đủ các thông tin về vụ việc khiếu nạo, tố cáo do cơ quan, đơn vị mình tham mưu…, do đó không tham mưu được cho lãnh đạo trong việc giải thích, trả lời và hướng dẫn công dân; Không tham gia hỗ trợ vận động, thuyết phục công dân ổn định tình hình khi có tình huống phức tạp xảy ra…Vấn đề này tạo áp lực rất lớn cho cán bộ, công chức của Ban tiếp công dân trong việc phối hợp tham mưu tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh.
- Các văn bản quy định về vấn đề tiếp công dân tuy được ban hành đầy đủ nhưng một số vấn đề thực tế phát sinh chưa cụ thể hóa trong luật nên gây khó khăn trong quá trình tiếp công dân. Như quy định tại Khoản 5, Điều 12 của Luật tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. Tuy nhiên vấn đề này rất khó thực hiện trong thực tế. Về việc từ chối tiếp công dân: Theo quy định của Luật tiếp công dân, người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài dù đã ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Tại Khoản 6, Điều 8 Luật tiếp công dân quy định người tiếp công dân có quyền yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên thực tế nếu có hành vi trên thì người tiếp công dân mới dừng lại ở việc nhắc nhở, vận động, thuyết phục.
- Sự phối kết hợp của các sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố trong việc tham mưu, xác minh, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm so với quy định của pháp luật ảnh hưởng đến công tác tiếp công dân của Ban tiếp công dân tỉnh.
b) Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn:
- Một bộ phận cán bộ tiếp công dân chưa nhiệt tình trong công tác và còn hạn chế về kỹ năng tiếp công dân nên trong nhiều trường hợp chưa thuyết phục được người dân.
- Một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nên cố tình gây khó khăn cho công chức thực thi và kéo dài các vụ khiếu nại…
- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước của một số cơ quan chưa cao nên chưa nghiêm túc trong việc phân công đúng người có thẩm quyền tiếp công dân; Sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa ăn khớp, nhịp nhàng với nhau đã làm cho hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn của Ban tiếp công dân tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn
- Việc thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với tình hình thực tế, với tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương.
c) Một số giải pháp khắc phục:
Những khó khăn vướng mắc nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau từ phía công dân, từ cơ quan có thẩm quyền tiếp công dân và từ những bất cập của pháp luật đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản như sau:
- Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm công tác tiếp công để đón tiếp nhân dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra tiếp công dân là hoạt động đặc thù, đây là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân, là nơi chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới Nhân dân nên cán bộ tiếp công dân cần được trang bị thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng nắm bắt tâm lý người khác…để hoạt động công dân đạt kết quả cao.
- Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và các pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đất đai xây dựng bằng các hình thức khác nhau như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi sinh hoạt khu phố…
- Cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân để phù hợp với tình hình thực tế. Như cần điều chỉnh một số các quy định về việc tiếp công dân của Lãnh đạo, bổ sung thêm chế tài về việc công dân không chấp hành nội quy tiếp công dân, các quy định về tiếp công dân…
- Phải tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa các sở, ban ngành trong các khâu tiếp công dân như công tác tham mưu, công tác xác minh giải quyết khiếu nại tố cáo. Cũng như công tác giữ gìn an ninh trật tự tại các cuộc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Lãnh đạo.
- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố vận hành tốt phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn; Cập nhập đầy đủ dữ liệu, công khai kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo lên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, nhằm phục vụ tốt nhu cầu tra cứu thông tin liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Trên đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân của Ban tiếp công dân tỉnh. Làm tốt công tác này sẽ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tạo dựng lòng tin của Nhân dân, ổn định về chính trị góp phần đưa tỉnh nhà đạt được các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quốc hội, Luật tiếp công dân năm 2013, Hà Nội,năm 2013.
Ban tiếp công dân, Báo cáo Công tác tiếp công dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Bình Dương, năm 2016.
CN. Nguyễn Thị Ly - Giảng viên Khoa Nhà nước - Pháp luật