Kinh nghiệm từ một nông dân làm kinh tế giỏi tại xã Long Hoà, huyện Dầu Tiếng
1. Khái quát tình hình việc làm và thu nhập của nhân dân xã Long Hoà, huyện Dầu Tiếng
Xã Long Hoà, huyện Dầu Tiếng nằm ở phía Đông của huyện Dầu Tiếng, diện tích tự nhiên 6.326,52ha. Là địa phương với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu mà trọng tâm là cây cao su, với diện tích 5.766,59ha, chiếm 95% diện tích đất nông nghiệp của xã, trong đó, diện tích trồng cao su của nông trường Long Hoà thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Dầu Tiếng là 3.251,63ha. Vì vậy, về lao động việc làm: đa số hộ dân có đất trồng cao su và khoảng 1.200 lao động làm công nhân Nông trường cao su Long Hoà và các nông trường cao su khác và các công ty trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.
Như vậy, có thể nói, việc làm và nguồn thu nhập của đa số người dân ở Long Hoà phụ thuộc cây cao su. Cây cao su có những giai đoạn là nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong những năm qua, giá mủ cao su biến động theo hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng khó khăn lớn nhất là dịch bệnh. Việc làm và thu nhập của người dân không được ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Câu chuyện về người nông dân điển hình làm kinh tế
Trong điều kiện khó khăn về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Long Hoà, có 1 trang trại nấm vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả kinh tế cao và ổn định; đó là trang trại nấm Tấn Hưng. Chủ trang trại nấm Tấn Hưng là bà Nguyễn Thị Minh Tấn, sinh năm 1956.
Theo lời kể của bà Tấn, bà khởi nghiệp trồng nấm từ năm 1998, thời điểm cây cao su chưa có giá trị kinh tế cao và giá cả không ôn định, có nhiều gia đình chặt bỏ cây cao su để chuyển sang những loại cây trồng khác như nhãn da bò, điều...Bà Tấn tìm hướng đi khác cho gia đình mình khi từ bỏ một phần diện tích cây cao su, đó là trồng nấm. Ban đầu, với gần chục phôi nấm bào ngư, rồi tăng dần số lượng lên. Bà và các thành viên trong gia đình tự tìm sách, theo dõi chương trình hướng dẫn trên truyền hình về cách trồng nấm để học và làm theo. Hai năm đầu thử nghiệm thất bại vì các phôi nấm hoặc là không phát triển, hoặc mọc lên thành cây nhưng rồi cũng bị chết. Dù thất bại, mất nhiều tiền của, công sức nhưng bà vẫn kiên trì theo đuổi để thực hiện đam mê và ước vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2000, bà cùng con trai đến trại nấm Bảy Yết ở Hóc Môn để học tập kinh nghiệm trồng nấm. Mặc dù chỉ được chủ trang trại nấm Bảy Yết chuyển giao công nghệ 1 phần, nhưng bà đã tự nghiên cứu thêm và áp dụng bước đầu thành công ở khâu sau phôi nấm, còn kỹ thuật cấy meo, tạo phôi vẫn thất bại. Vì vậy, việc trồng nấm vẫn phải mua phôi từ các nơi khác nên tỷ lệ phôi sống phát triển đến khi thu hoạch đạt không cao như mong muốn. Không nản chí, năm 2002, bà tìm đến Giáo sư Lê Huy Thắng cán bộ trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia về lĩnh vực trồng nấm để được hướng dẫn. Cảm phục ý chí của người nông dân Nguyễn Thị Minh Tấn, Giáo sư Lê Huy Thắng đã trực tiếp đến cơ sở sản xuất của bà Tấn để khảo sát và hướng dẫn kỹ thuật về trồng nấm, đặc biệt là kỹ thuật “lò hấp phôi nấm”. Từ sự hướng dẫn của Giáo sư Lê Huy Thắng, bà Tấn đã áp dụng tại cơ sở của mình. Tuy nhiên, cũng phải khoảng 1 năm, thử nghiệm nhiều lần, nhiều lần thất bại, bà đã rút ra được những kinh nghiệm trong mỗi lần thử nghiệm đó để từng bước hoàn thiện công nghệ trồng nấm, công nghệ “lò hấp phôi nấm”. Ví dụ như với kỹ thuật “lò hấp phôi nấm” bà phải thử nghiệm hàng chục lần mới tìm ra vật liệu “thép” thay cho “đất nung” dùng để làm sàn hấp, nhiệt độ lò phù hợp nhất là phải đúng 1000C thì sản phẩm phôi nấm mới đảm bảo yêu cầu, nhất là yêu cầu về tiệt trùng.
Bà Nguyễn Thị Minh Tấn bên “lò hấp phôi nấm” mà bà đã thử nghiệm thành công
Từ đây trại nấm mang tên “Tấn Hưng” ra đời trên diện tích khoảng 1ha. Trang trại Tấn Hưng ngày càng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 20 đến 30 người lao động tại địa phương. Đến nay đã có nhiều sản phẩm nấm và từ nấm mang thương hiệu Tấn Hưng được bán trên thị trường.
Trong các sản phẩm thương mại của trang trại có hai loại chủ yếu là phôi nấm bào ngư và nấm linh chi. Với việc làm chủ kỹ thuật “lò hấp phôi nấm”, trang trại Tấn Hưng tập trung sản xuất và cung ứng sản phẩm phôi nấm bào ngư và phôi nấm linh chi. Lợi thế của việc sản xuất phôi nấm không chỉ ở việc làm chủ kỹ thuật “lò” mà còn ở giá thể làm phôi là mùn cưa của cây cao su, nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Hình ảnh giá thể chuẩn bị làm phôi nấm - mùn cưa cây cao su
Về tiêu thụ sản phẩm: trong các sản phẩm của trang trại, phôi nấm bào ngư được bán ra thị trường, phôi nấm linh chi để trồng tại trang trại lấy nấm thương phẩm (phôi nấm linh chi tự sản xuất nên trang trại chủ động được số lượng và chất lượng phôi). Sản phẩm phôi nấm bào ngư trang trại bán ra thị trường mỗi năm khoảng 150.000 phôi; giá tử 3.500đ đến 4.000 đ/phôi tùy theo từng thời kỳ. Phôi nấm bào ngư bán ở thị trường trong nước, trong đó một lượng nhỏ bán cho người dân địa phương. Hiện trên địa bàn xã Long Nguyên có khoảng 20 hộ dân mua phôi nấm của trang trại Tấn Hưng để sản xuất. Với những hộ dân này, bà Tấn đảm bảo chuyển giao công nghệ, tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Hình ảnh bà Tấn bên dàn phôi nấm bào ngư của trang trại nấm Tấn Hưng
Sản phẩm nấm linh chi bình quân bán được 2tấn/năm; giá bán khoảng 450.000đ đến 500.000 đ/kg. Nấm linh chi của trang trại chủ yếu xuất sang thị trường Cămpuchia. Ngoài ra, bà Tấn cũng đã nghiên cứu thử nghiệm thành công công nghệ sản xuất rượu linh chi đang trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình ảnh dàn nấm linh chi của trang trại nấm Tấn Hưng
Về thu nhập từ trang trại: với sản lượng và giá cả ổn định, doanh thu bình quân hằng năm (từ 2 sản phẩm chính là phôi nấm bào ngư và nấm linh chi) khoảng 1tỷ 400 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn khoản thu từ các sản phẩm khác của trang trại như nấm mèo, rượu linh chi... Bình quân thu nhập của các thành viên trong gia đình bà Tấn khoảng 200 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này gấp hơn 3 lần so với thu nhập bình quân đầu người (năm 2019) của xã Long Hoà (60 triệu đồng/năm).
Không chỉ phát triển trang trại nấm, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và mong muốn giúp nhiều người cùng làm kinh tế, bà Tấn đã đứng ra tổ chức thành lập và đảm nhận chức vụ giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ yến sào Long Thọ. Hợp tác xã với sự tham gia góp vốn của 18 xã viên, số vốn điều lệ là 1 tỷ 700 triệu đồng; trong đó có 17 xã viên là nông dân xã Long Hoà và một xã viên ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng. Đến nay, Hợp tác xã đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đã xây dựng xong cơ sở vật chất, chuẩn bị đi vào hoạt động từ quý IV năm 2020. Ngành nghề kinh doanh của HTX Yến sào Long Thọ không chỉ là các sản phẩm từ yến mà còn các nông sản khác trong đó có sản phẩm từ nấm. Đây cũng là điều kiện để trang trại nấm phát triển hơn trong thời gian tới.
Hình ảnh đoàn nghiên cứu thực tế của khoa Lý luận cơ sở tham quan HTX NN – TM – DV Yến sào Long Thọ do bà Tấn làm Giám đốc
Từ thành công trong phát triển trang trại nấm Tấn Hưng, bà Tấn đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 người lao động và 20 hộ gia đình làm kinh tế, có thu nhập ổn định góp phần đảm bảo cuộc sống. Thời gian tới khi hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ yến sào Long Thọ hoạt động không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên hợp tác xã mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn xã Long Hòa.
3. Kinh nghiệm từ sự thành công của nông dân Nguyễn Thị Minh Tấn trong quá trình khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình
Thứ nhất, làm kinh tế cần dám nghĩ, dám làm, kiên trì, không nản chí trong bất kỳ khó khăn nào và phải ham học hỏi.
Kinh nghiệm này do chính bà Tấn nói với đoàn nghiên cứu thực tế của khoa Lý luận cơ sở và chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó qua tìm hiểu thực tế từ câu chuyện của bà. Bà đã kể rằng, năm 2002 khi tìm gặp Giáo sư Lê Huy Thắng, ông ấy đã vừa cười vừa hỏi: “Chị có bao nhiêu ha đất”. Khi nghe câu hỏi, lúc đầu bà hơi ngỡ ngàng nhưng cũng thành thật trả lời là còn mấy ha đất cao su, nhưng sau đó bà đã hiểu ý Giáo sư muốn nói nghề trồng nấm rất gian nan, dễ thất bại, có khi phải bán cả “gia tài” để bù lỗ. Nhưng bà vẫn kiên định mục tiêu của mình, có gian nan, có thất bại nhưng rồi cũng đến ngày thành công.
Kiên trì và ham học hỏi, đó là bí quyết thành công của người nông dân Nguyễn Thị Minh Tấn. Dù sản xuất đã tương đối ổn định, nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về trồng nấm do địa phương tổ chức; nghe ở đâu có trại nấm sản xuất kinh doanh thành công là bà tìm đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; bà tích cực tham gia nhiều hội thảo khoa học liên quan đến nấm để giao lưu, trao đổi, học hỏi kỹ thuật mới, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm đồng thời cũng tận dụng cơ hội giới thiệu sản phẩm trang trại nấm Tấn Hưng… Bà Tấn không chỉ học trong sách vở, học từ đồng nghiệp, từ các chuyên gia mà bà còn học từ chính những thành công và thất bại của mình để tự làm giàu tri thức cho bản thân.
Thứ hai, sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương đối với quá trình khởi nghiệp của nông dân Nguyễn Thị Minh Tấn và phát triển của trang trại nấm Tấn Hưng
Trong quá trình từ khi khởi nghiệp đến nay, bà thường xuyên được sự hướng dẫn tận tình, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học thông qua những hình thức khác nhau. Họ không chỉ truyền đạt tri thức, kinh nghiệm về trồng nấm mà còn chỉ ra nguyên nhân thất bại liên quan đến yếu tố kỹ thuật và cách khắc phục. Đó là các chuyên gia hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trong các lớp tập huấn, hướng dẫn trên đài truyền hình; có nhà khoa học đến tận nơi khảo sát hướng dẫn như GS. Lê Huy Thắng; thông qua các Hội thảo bà cũng được gặp gỡ, trao đổi; bà cũng từng nhiều lần đến trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ và được các nhà khoa học ở đó tận tình hướng dẫn, chia sẻ kiến thức về nấm. Từ những chuyên gia, nhà khoa học đó mà bà Tấn, một nông dân chưa từng học qua trường đào tạo chuyên nghiệp nào về trồng nấm đã có được những kiến thức chuyên sâu để áp dụng thành công vào thực tiễn sản xuất.
Bên cạnh các chuyên gia và các nhà khoa học thi sự đồng hành của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cũng góp phần vào thành công của quá trình khởi nghiệp và phát triển của trang trại nấm Tấn Hưng. Bà Tấn cho biết, từ khi khởi nghiệp, ngoài nỗ lực của bản thân và gia đình thì bà cũng được sự động viên, hỗ trợ, tư vấn về vật chất và tinh thần và hướng dẫn về thủ tục hành chính của chính quyền, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Long Hoà. Đặc biệt là quá trình làm thủ tục đăng ký thương hiệu rau nấm sạch Tấn Hưng; đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm rượu linh chi; đăng ký thành lập hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ yến sào Long Thọ.
Tóm lại, bà Nguyễn Thị Minh Tấn là tấm gương điển hình về sự nỗ lực, cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới. Với sự thành công của mô hình phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình và tấm lòng lương thiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong đó có hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo, đồng bào ở những nơi gặp thiên tai, dịch bệnh, bà Tấn được nhân dân địa phương cảm phục, yêu mến, tin tưởng. Bà đã được cử tri bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khoá VIII. Bà Tấn và trang trại nấm Tấn Hưng là điển hình đã và cần được nhân rộng hơn nữa, không chỉ trên địa bàn xã Long Hoà mà lan xa tới các địa phương khác.
Ths. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Lý luận cơ sở