Một số bài học về nâng cao chất lượng đảng viên ở các tổ chức cơ sở Đảng qua nội dung di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẢNG VIÊN Ở CÁC TỔ CHỨC
CƠ SỞ ĐẢNG QUA NỘI DUNG DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên là nhiệm vụ trọng yếu. Trong bản Di chúc viết năm 1969, Người căn dặn “việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” . Người khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt” ; “tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng” ; “chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt” . “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”, góp phần duy trì mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân - nền tảng sức mạnh của Đảng. Mặt khác, Đối với đảng viên, thì chất lượng đội ngũ đảng viên quyết định thành công hay thất bại việc thực hiện hóa lý tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, bởi “mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi Nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành, mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng, mọi khẩu hiệu, kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện” ; “lời nói, việc làm của đảng viên rất quan trọng với sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng” . Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ đảng viên các tổ chức sơ sở đảng cần thực hiện tốt một số bài học sau:
Một là, “chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc”
Sinh hoạt chi bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc “chi bộ là gốc rễ của Đảng…chi bộ vững mạnh thì chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt” ; vì vậy, “quan trọng nhất là chỉnh đốn chi bộ, chi bộ là nền tảng của Đảng, nếu không chỉnh đốn chi bộ được tốt thì những phần tử xấu sẽ ngóc đầu lên” . Do vậy, sinh hoạt chi bộ “nghiêm túc” góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ và chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng với nhân dân, bảo đảm cho tổ chức đảng và toàn Đảng giữ vững vị trí lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang. Sinh hoạt chi bộ “nghiêm túc” là cơ sở để giáo dục, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ đảng viên, đồng thời, là cơ sở để đảng viên phát huy năng lực sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng Cộng sản, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người Đảng viên”
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, công tác tư tưởng của Đảng rất quan trọng, một mặt hướng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, mặt khác hướng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội để bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng của giai cấp công nhân, lý tưởng chủ nghĩa xã hội, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong và ngoài Đảng có nhận thức rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng, từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn, phức tạp ta cũng nhất định thắng lợi”.
Cho nên, các tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường giáo dục và rèn luyện đảng viên làm cho mỗi đảng viên luôn nhận thức rõ nhiệm vụ của đảng viên và “nhiệm vụ của Đảng là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng”, đồng thời, phải đánh giá đúng động cơ của người vào Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “vào Đảng là để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên” , không phải để làm quan phát tài” mà là “làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. “Để đạt được kết quả tốt, chúng ta phải nắm vững và làm đúng điều này: Khi phát triển đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng, quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên làm nhiều” , “Trước khi kết nạp đảng viên mới, phải dựa vào quần chúng mà xem xét cẩn thận: Thành phần giai cấp, lịch sử đấu tranh, trình độ giác ngộ, quan hệ với quần chúng, thái độ công tác. Khi kết nạp đảng viên mới, cần phải giữ vững những điều kiện Trung ương đã quy định và kết hợp với những công tác… Quyết không tùy tiện, cẩu thả, tách rời công việc thực tế” .
Ba là, “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”
Mục đích của tự phê bình và phê bình là để sửa chữa khuyết điểm, sửa đổi lối làm việc, giúp làm việc tốt hơn, đúng hơn, đoàn kết và thống nhất nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn “ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, đảng viên mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình” và trong “phê bình mình cũng như phê bình người phải giáo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, cay chua, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên bị phê bình mà nản trí, hoặc oán ghét” .
Trong mỗi cá nhân, khuyết điểm có nhiều thứ “khuyết điểm về tư tưởng , tức là bệnh chủ quan; khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là bệnh ba hoa. Đó là những chứng bệnh rất nguy hiểm, nếu không sửa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng” . “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm bênh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm nguy hiểm đến tính mệnh”. Do vậy, “Người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ”. Mọi đảng viên phải nhớ rằng: “cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to sẽ thất bại.Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành thành một ưu điểm lớn, rất có lợi cho Đảng”. Thực hành nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động sai trái của cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng và cách mạng thì mới góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân.
Bốn là, “đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”
Đảng viên là người lãnh đạo, tổ chức các phong trào cách mạng của quần chúng, nhân dân, vì vậy, phong trào cách mạng của quần chúng, nhân dân mạnh hay yếu là do đảng viên tốt hay kém. Đồng thời, từ phong trào cách mạng của quần chúng, nhân dân, Đảng sẽ phát hiện được quần chúng tích cực để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên và thử thách, rèn luyện đảng viên của mình. Mặt khác, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân là mối quan hệ máu thịt, hữu cơ, sống còn của Đảng. Trong đó, mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng là biểu hiện mối quan hệ trực tiếp, sinh động nhất giữa Đảng với quần chúng, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng” .
Để thực sự là những chiến sĩ tiên phong với tinh thần, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ” . Trong thực hiện nhiệm vụ, “phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo, phải thật sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” , đó là trách nhiệm, đạo đức của người đảng viên.
Năm là, “phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình đảng viên”
Trong công tác đảng viên, thì tự phê bình và phê bình là phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Nếu chỉ tự phê bình và phê bình trong Đảng thì chưa thể khẳng định thật rõ tính khách quan những ưu điểm, hạn chế của mỗi đảng viên. Do vậy, việc phê bình của quần chúng nhân dân đối với đảng viên là nguồn cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết cho tổ chức Đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ đảng viên. Nội dung phê bình của quần chúng đối với đảng viên giúp gợi mở cho tổ chức Đảng kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém vi phạm khuyết điểm của từng đảng viên để bồi dưỡng, giáo dục họ, kỷ luật nghiêm minh, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên bảo vệ nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh.
Việc quần chúng phê bình cán bộ đảng viên là nhân tố không thể thiếu, không thể tách rời với tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Để việc phê bình của quần chúng nhân dân với tổ chức đảng và cán bộ đảng viên được tốt thì cần phải thực hành dân chủ, thật sự cầu thị lắng nghe, tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm. Nếu không thực hành dân chủ, cầu thị, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm thì quần chúng nhân dân “họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác” ; “đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ không dám phê bình. Thành thử cấp trên cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra” . Vì thế, phải thực hiện đều đặn chế độ quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng với phê bình của quần chúng.
Sáu là, “công tác kiểm tra của Đảng phải thật chặt chẽ” , “kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh” , “phải luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”
Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, bộ phận quan trọng trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên để nắm hoạt động của dảng viên, khuyến khích, khen thưởng, biểu dương đảng viên chấp hành tốt quy định của Đảng, ngăn ngừa những sai phạm, khuyết điểm, đồng thời xử lý những đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, kiểm tra còn nhằm hoàn thiện các quyết định lãnh đạo và góp phần giữ gìn kỷ luật Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”, “khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công tác của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra” . Do vậy, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân.., góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức” .
Để xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong sạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cần “phải nâng cao kỷ luật Đảng, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng, người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết” . Do vậy, “muốn chi bộ tốt, thì những phần tử xấu phải xử trí đúng mức. Cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục. Việc này là việc quan trọng nhất…muốn xử trí đúng mức phải dựa vào quần chúng, muốn biết ai tốt ai xấu phải dựa vào quần chúng” . “Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm, hai điều đó không thể tách rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân”
Để nâng cao chất lượng đảng viên thì các tổ chức cơ sở đảng cần phải thường xuyên và thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên, chú trọng vào những căn cứ như: đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện đúng chế độ sinh hoạt Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu, có đơn thư tố cáo, uy tín trong quần chúng nhân dân thấp, qua chọn lọc, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Xây dựng đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng có ý nghĩa quyết định đến nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng./.
ThS. Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Bộ tỉnh Bình Dương, Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI,VII,VIII,IX,X. Lưu hành nội bộ.
2. Tỉnh ủy Bình Dương (2018), Báo cáo số 273-BC/TU Sơ kết Chương trình số 25-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bình Dương.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.