Một số bất cập trong quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã và hướng hoàn thiện
1/ Một số quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 ban hành để thay thế cho Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2003), có hiệu lực từ ngày 01/01/2010,với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ và chủ trương xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng. Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý để hình thành cơ chế quản lý, sử dụng riêng, phù hợp giữa đội ngũ cán bộ, công chức (những người thực thi quyền lực nhà nước).
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã đưa ra các quy định pháp luật tạo cơ sở pháp lý quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó xác định cán bộ, công chức cấp xã tại Khoản 3, Điều 4 như sau: “Cán bộ xã, phường, thị trấn là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Kèm theo Luật Cán bộ, công chức là hàng loạt các văn bản khác do Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành quy định cụ thể về những nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã, nhìn chung đã tạo hành lang pháp lý để quản lý cán bộ, công chức cấp xã, như: Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Thông tư số 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Nghị định 34/2019/NĐ-CP có nhiều quy định mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, công chức cấp xã. Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2016), theo đó tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đã có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Một trong những mục đích phân loại đơn vị hành chính là nhằm xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với từng loại đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời hiện nay cả nước đang triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó có việc sắp xếp và tinh giản biên chế chính quyền cấp xã.
Để tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật và thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.Trong phạm vi bài viết này tác giả trình bày một số bất cập trong quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã hiện nay và hướng hoàn thiện các quy định này.
2/ Một số bất cập của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã
2.1. Quy định về chức vụ, chức danh, số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ nhất, về số lượng và chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 61, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Cán bộ cấp xã bao gồm 11 chức vụ sau đây: Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Công chức cấp xã bao gồm 7 chức danh: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.
Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Điều 4, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã; cụ thể như sau:“Cấp xã loại 1: không quá 25 người; Cấp xã loại 2: không quá 23 người; Cấp xã loại 3: không quá 21 người”.
Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 6 năm 2019. Quy định như sau: “Cấp xã loại 1: Tối đa là 23 người; Cấp xã loại 2: Tối đa là 21 người; Cấp xã loại 3: Tối đa là 19 người”.
Việc xếp loại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn”. Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Như vậy, so với quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP giảm về số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Tất cả cán bộ, công chức cấp xã đều giảm biên chế 02 người so với trước đây. Điều này có nghĩa, áp dụng quy định mới, nếu các xã, phường, thị trấn đang có số cán bộ, công chức vượt mức thì phải thực hiện tinh giảm biên chế.
Đối với quy định cấp xã “loại 1tối đa là 23 người;loại 2 tối đa là 21 người; và loại 3 tối đa là 19 người” là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.Trong đó, cán bộ đoàn thể đã chiếm 5 vị trí, cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) từ 3 đến 5 vị trí, còn lại chỉ có 9 đến 13 vị trí là công chức chuyên môn.
Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 10. Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Quy định “Công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là công chức thuộc các chức danh công chức cấp xã quy định tại Luật cán bộ, công chức do, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương”.
Công chức chuyên môn cấp xã có 9 đến 13 vị trí, nhưng phải tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả khoảng 3 đến 4 người. Cơ cấu này chưa hợp lý bởi số lượng cán bộ đoàn thể làm phong trào nhiều, trong khi công chức chuyên môn làm nghiệp vụ ít. Việc quy định và áp dụng chung trên toàn quốc về số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo tác giả chưa hợp lý, bởi vì việc bố trí sắp xếp số lượng như nhau, trả lương như nhau theo phân loại đơn vị hành chính nhưng trên thực tế khối lượng công việc mà cán bộ, công chức ở mỗi xã, phường, thị trấn giải quyết không giống nhau, chính vì vậy chưa tạo sự công bằng trong công việc nếu đem so sánh đơn vị này với đơn vị khác.
Thứ hai, về số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Tuy không phải là cán bộ, công chức cấp xã nhưng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đóng vai trò hỗ trợ cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương và được hưởng phụ cấp từ ngân sách từ nhà nước. Hiện nay, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP chỉ quy định về số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại theo đơn vị hành chính (Điều 13): “Cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người; Cấp xã loại 2 được bố trí tối đa không quá 20 người; Cấp xã loại 3 được bố trí tối đa không quá 19 người.”. Nghị định số 34/2019/NĐ-CPquy định “Loại 1 tối đa 14 người. Loại 2 tối đa 12 người. Loại 3 tối đa 10 người”.
Về chức danh, cả hai Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CPkhông quy định cụ thể mà tạo điều kiện linh hoạt cho các địa phương quy định. Điều này mặc dù phù hợp với xu thế phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, nhưng chính quy định này đã dẫn đến tình trạng mỗi địa phương đưa ra những quy định về các chức danh rất khác nhau, không thống nhất với nhau. Cụ thể như chức danh của người làm công tác tuyên giáo có địa phương quy định là “Cán bộ tuyên giáo”, có địa phương lại quy định là “Trưởng ban Tuyên huấn” hoặc “Trưởng ban Tuyên giáo”; chức danh của người làm công tác tổ chức của Đảng ủy cấp xã có nơi gọi là “cán bộ tổ chức”, có nơi gọi là “Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy”; chức danh làm công tác văn phòng Đảng ủy có nơi gọi là “Thường trực Văn phòng Đảng ủy” có nơi gọi là “cán bộ Văn phòng Đảng ủy”; chức danh làm công tác dân vận có nơi gọi là “Thường trực Khối dân vận”, có nơi gọi là “Trưởng ban dân vận” hoặc “cán bộ dân vận”, chức danh làm công tác kiểm tra thì có nơi gọi là “cán bộ kiểm tra” nơi gọi là “Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra”... Chúng ta rõ ràng nhận thấy rằng, việc các địa phương quy định về cùng một chức danh nhưng đưa ra cách gọi tên khác nhau là điều không cần thiết. Hơn thế nữa đây là các chức danh của những cán bộ cơ sở nằm trong hệ thống chính trị cơ sở. Do đó, khi quy định về “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” cần có quy định thống nhất về tên gọi các chức danh này để tránh sự tùy tiện trong quy định của địa phương, ảnh hưởng đến tính thống nhất trong hoạt động quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, một số tỉnh quy định quá nhiều chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là không cần thiết, gây áp lực cho ngân sách địa phương.
Thứ ba, về số lượng và chức danh những người không chuyên trách hoạt động ở thôn, ấp, tổ dân phố (hay còn gọi là cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố,… ).
Tuy không phải là cán bộ, công chức cấp xã nhưng những người những người không chuyên trách hoạt động ở thôn, ấp, tổ dân phố cũng hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước và chủ yếu tạo cầu nối hỗ trợ chính quyền cấp xã trong công tác tự quản ở địa phương. Về số lượng, chức danh và mức phụ cấp của những người không chuyên trách hoạt động ở thôn, ấp, tổ dân phố, Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định, (Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP). Chính vì vậy có những tỉnh số lượng và chức danh ít, có tỉnh lại nhiều. Như vậy việc áp dụng những quy định của pháp luật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không thống nhất. Thậm chí không giảm bớt gánh nặng ngân sách ở một số địa phương.
2.2. Về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã
Tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã bao gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể.Đối với cán bộ cấp xã, tiêu chuẩn chung và cụ thể được quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.Đối với công chức cấp xã, tiêu chuẩn chung được quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của Chính phủ, tiêu chuẩn cụ thể được quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ.
Theo những quy định này, tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ cấp xã và công chức cấp xã chủ yếu về trình độ học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ: tốt nghiệp trung cấp chuyên môn trở lên, giảm 1 cấp về trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, những quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã chưa phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính cấp xã theo hướng quy định cụ thể đối với chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn.
2.3. Về đánh giá cán bộ, công chức cấp xã
Đánh giá công chức là một nội dung quan trọng của công tác quản lý cán bộ, công chức vì nó liên quan trực tiếp đến các khâu khác trong công tác cán bộ như bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật,... Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không quy định riêng nội dung đánh giá cán bộ, công chức cấp xã mà được thực hiện theo quy định tương ứng với nội dung đánh giá cán bộ, công chức của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
Chính vì quy định chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể về các mức độ hoàn thành nhiệm vụ nên việc đánh giá cán bộ, công chức cấp xã hiện nay chưa phản ánh sát thực về phẩm chất và năng lực cán bộ, công chức cấp xã. Mặc dù Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ, công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ. Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc” là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời thực hiện phương châm “có vào, có ra” trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ là rất khó. Hơn nữa kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung của tập thể và lãnh đạo cơ quan, đơn vị nên nhiều nơi công tác đánh giá còn mang tính “dĩ hòa vi quý”, chưa thật sự công tâm và khách quan.
2.4. Về việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã
Thứ nhất, chế độ, chính sách cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được thực hiện theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP. Theo xu hướng khuyến khích tăng cường kiêm nhiệm để giảm số lượng người hiện nay. Về phụ cấp kiêm nhiệm, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định, thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm 50% mức lương bậc 1 + phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh kiêm nhiệm (trước đây chỉ được 20% mức lương hiện hưởng).
Khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh những người hoạt động không chuyên trách và hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh đó. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng phụ cấp cao nhất của các chức danh kiêm nhiệm. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau, công việc rất nhiều từ những chức danh kiêm nhiệm, nhưng thực tế việc hưởng phụ cấp thì chưa tương xứng với khối lượng công việc kiêm nhiệm, chưa khuyến khích, chưa tạo động lực chocán bộ, công chức cấp xã hoàn thành khối lượng công việc kiêm nhiệm đó.
Thứ hai, theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP, chỉ có cán bộ, công chức cấp xã mới được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tức là họ chỉ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: thực hiện theo mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách với hệ số là 1,00 so với mức lương tối thiểu hiện hành; Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, trong đó những người hoạt động không chuyên trách đóng 5% mức đóng, phần còn lại ngân sách địa phương hỗ trợ. Mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện: những người hoạt động không chuyên trách đóng 1/3 mức đóng theo quy định, còn lại 2/3 ngân sách địa phương hỗ trợ. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chỉ có hai loại hình: chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Do đó làm mất đi quyền lợi của họ rất nhiều. Ví dụ: họ không được hưởng chế độ thai sản, trong thời gian nghỉ thai sản họ không có lương nên không được đóng bảo hiểm xã hội.
3/ Phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã
Thứ nhất, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về số lượng và chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Hiện nay, Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn không còn hiệu lực, phân loại đơn vị hành chính căn cứ vào Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Song Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 không quy định bãi bỏ một phần hay toàn bộ nội dung của Nghị định số 159/2005/NĐ-CP. Do đó tác giả đề xuất không nêu cụ thể tên văn bản quy định phân loại đơn vị hành chính mà chỉ nêu “Việc xếp loại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Đối với quy định: “Cấp xã loại 1: Tối đa là 23 người; Cấp xã loại 2: Tối đa là 21 người; Cấp xã loại 3: Tối đa là 19 người”; thì không quy định “Công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là công chức thuộc các chức danh công chức cấp xã …”. Bởi quy định như vậy rất khó để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sắp xếp, bố trí nhân sự và ảnh hưởng đến việc xây dựng nền hành chính phục vụ do cán bộ giải quyết công việc mỏng. Theo tác giả, cán bộ làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã có thể là cán bộ hợp đồng, theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ hai, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về về số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Theo tác giả, để tạo sự thống nhất và phù hợp với xu hướng tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hoạt động, Chính phủ quy định thống nhất chức danh, số lượng đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo hướng giảm số lượng, chỉ giữ lại những chức danh như sau:
Các Phó đoàn thể cấp xã (5 người); Phó chỉ huy quân sự; Phó công an (đối với nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy); Thủ quỹ, văn thư; Đài truyền thanh, văn hóa, thể thao; Trưởng ban thanh tra nhân dân; Công tác tôn giáo, dân tộc; Văn phòng Đảng ủy. Như vậy, tổng cộng có 12 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Các chức danh khác bố trí theo hướng tăng cường kiêm nhiệm, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ ba, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về số lượng và chức danh những người không chuyên trách hoạt động ở thôn, ấp, tổ dân phố (hay còn gọi là cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố,… ).
Để giảm bớt gánh nặng ngân sách, theo tác giả Chính phủ thống nhất quy định chức danh và phụ cấp cho 3 chức danh sau: Bí thư chi bộ thôn, ấp, tổ dân phố; Trưởng thôn, ấp, tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận (nếu bố trí Bí thư chi bộ ấp, khu phố kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thì thêm 01 Phó Trưởng ấp, khu phố); mỗi đơn vị thôn, ấp, tổ dân phố được Trung ương hỗ trợ phụ cấp 3.0/mức lương cơ sở/tháng, còn lại tùy theo mỗi địa phương có thể dùng Ngân sách địa phương hỗ trợ thêm. Đối với những nơi thuộc các xã trọng điểm về an ninh, trật tự, biên giới, hải đảo, khó khăn về ngân sách và cấp xã loại 1 được được Trung ương hỗ trợ phụ cấp 5.0/mức lương cơ sở/tháng. Các chức danh khác chủ yếu hoạt động theo hình thức tự quản, không hưởng phụ cấp hàng tháng từ Ngân sách trung ương.
Thứ tư, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật vềtiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã
Để phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, tác giả đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn cụ thể theo hướng quy định cụ thể đối với chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn. Theo đó, đối với chính quyền đô thị, tiêu chuẩn về trình độ học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ: tốt nghiệp đại học trở lên ngành đào tạo phù hợp với chức danh cán bộ, công chức được đảm nhận. Đối với chính quyền nông thôn, tiêu chuẩn về trình độ học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ: tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên ngành đào tạo phù hợp với chức danh cán bộ, công chức được đảm nhận. Riêng đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, giảm một cấp về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong thực tế, việc quy định những tiêu chuẩn như trên chưa thật phù hợp. Nhiều cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn khi về công tác tại một xã, phường, thị trấn đã không phát huy, phát triển được, do không hiểu rõ về văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân ở địa phương. Khoảng cách về tập quán, văn hóa vùng miền giữa cán bộ, công chức cấp xã với đại đa số người dân của xã cũng là rào cản để cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình tuyển dụng, luân chuyển, quy hoạch cần phải tính tới tiêu chí văn hóa, tập quán của người cán bộ, công chứccấp xã với văn hóa, tập quán của người dân của xã mà cán bộ, công chức đó đến nhận nhiệm vụ.
Đa dạng về chế độ tuyển dụng, theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP, việc tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã theo các cách thức: Thứ nhất, thi tuyển. Thí sinh dự thi tuyển công chức cấp xã phải trải qua 02 vòng thi, vòng 1 thi trắc nghiệm, vòng 2 thi Nghiệp vụ chuyên ngành. Thứ hai, tuyển thẳng vào công chức cấp xã, cử nhân có bằng đại học loại giỏi sẽ được miễn thi tuyển vào công chức cấp xã. Đa dạng về chế độ tuyển dụngcán bộ, công chức cấp xã là cần thiết, góp phần thu hút nhân tài, xuất phát từ nhu cầu công việc, vì việc tìm người thay vì người để sắp xếp, bố trí việc và tránh tình trạng cục bộ địa phương trong tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã. Đa dạng chế độ tuyển dụng công chức cấp xã là cần thiết, theo tác giả, trong kì thi tuyển công chức cấp xã phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kì thi diễn ra công bằng và đạt kết quả thực chất.
Thứ năm, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật vềđánh giá cán bộ, công chức cấp xã
Tác giả đề xuất, trong tiến trình xác định và xây dựng vị trí việc làm cho chính quyền cấp xã, cũng cần cụ thể hóa các tiêu chí trong đánh giá cán bộ, công chức cấp xã, trong đó tập trung chủ yếu trên cả 3 nội dung: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là thái độ phục vụ nhân dân. Bởi cấp xã là cấp “gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính”, cán bộ, công chức cấp xã là những người tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân nhiều nhất, để nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, tất yếu cần cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ sáu, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật vềcán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh những người hoạt động không chuyên trách
Để cán bộ, công chức cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ những chức danh kiêm nhiệm. Tác giả đề xuất, mỗi cán bộ, công chức cấp xã chỉ kiêm nhiệm 01 chức danh những người hoạt động không chuyên trách.
Thứ bảy, phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật vềchế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc
Để đảm bảo quyền lợi cho những người hoạt động không chuyên trách, tác giả đề xuất nên sửa đổi quy định này theo hướng những người hoạt động không chuyên trách cũng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như cán bộ, công chức cấp xã./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. BCH Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Hà Nội, năm 2017.
2. Quốc hội, Luật Cán bộ,công chức, Hà Nội, năm 2008.
3. Quốc hội, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Hà Nội, năm 2015.
4. Quốc hội, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, Hà Nội, năm 2016.
5. Chính phủ, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Hà Nội, năm 2009.
6. Chính phủ, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, Hà Nội, năm 2003.
7. Chính phủ, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định về công chức xã, phường, thị trấn,, Hà Nội, năm 2011.
8. Bộ Nội vụ, Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, Hà Nội, năm 2004.
9. Chính phủ, Nghị định 34/2019/NĐ-CP có nhiều quy định mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, công chức cấp xã.
ThS. Nguyễn Văn Hiệp - Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật