Một số giải pháp cơ bản đổi mới công tác quản lý đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể và hội ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay
Sức mạnh của tổ chức đoàn, hội là do sức mạnh của lực lượng đoàn viên, hội viên tạo nên. Do đó, việc nâng cao chất lượng quản lý, phát huy vai trò của lực lượng đoàn viên, hội viên luôn là khâu then chốt, một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đoàn, hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các phong trào đoàn kết, tập hơp đoàn viên, hội viên luôn vận động và phát triển không ngừng.Vì thế việc nâng cao chất lượng quản lý đoàn viên, hội viên trong điều kiện, tình hình mới ngày càng trở lên bức thiết. Điều này, đòi hỏi các tổ chức đoàn, hội phải có công tác quản lý đoàn viên, hội viên thật sự hiệu quả và khoa học, phải đi sâu nghiên cứu nắm chắc thực trạng đội ngũ đoàn viên, hội viên mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.
Quản lý đoàn viên, hội viên là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của hệ thống tổ chức đoàn, hội thông qua các quy định, quy chế, các chính sách và bằng các phương pháp, biện pháp cụ thể, với những nội dung cụ thể, nhằm đạt được các mục đích, yêu cầu của công tác đoàn, hội.
Nội dung công tác quản lý đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể và hội bao gồm: Quản lý đoàn viên, hội viên về tổ chức;quản lý đoàn viên về tư tưởng; quản lý đoàn viên về công tác và sinh hoạt.
Thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng ngày 03/5/2016 có nội dung chỉ đạo xây dựng phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, trên cơ sở triển khai thực hiện Chương trình hành động số 69-CTHD/TU, ngày 26/8/2013 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chủ động, tích cực đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên với cách làm phổ biến là:
- Thông qua các phong trào thi đua yêu nước và hành động cách mạng tiến hành vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức đoàn thể và hội;
- Xác định nhu cầu về quyền, lợi ích chính đáng là vấn đề trọng tâm để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên và hội viên, qua đó giúp nâng cao đời sống, rèn luyện ý thức chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống;
- Chọn tổ chức đoàn thể làm hạt nhân xây dựng tổ chức kinh tế và dựa vào tổ chức kinh tế để góp phần duy trì tổ chức bộ máy, tạo sự gắn bó mật thiết giữa đoàn viên, hội viên với tổ chức đoàn thể;
- Lấy tổ chức đoàn thể, hội làm địa điểm sinh hoạt, chỗ dựa tinh thần cho đoàn viên, hội viên;
- Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý đoàn viên, hội viên.
Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức đoàn thể, hội ở cơ sở và các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện tốt vấn đề quản lý đoàn viên, hội viên thì vẫn còn không ít tổ chức đoàn thể, hội chưa quan tâm đầu tư đúng mức để thực hiện nội dung này, thậm chí còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể là:
- Công tác quản lý đoàn viên, hội viên mỗi cơ sở làm mỗi kiểu, không thống nhất do đó, hiệu quả chưa cao.
- Còn nhiều tổ chức đoàn thể, hội quản lý đoàn viên, hội viên theo phương pháp thủ công, tùy tiện, sơ sài, có nơi nắm danh sách chưa chính xác hoặc không nắm, hàng năm không rà soát danh sách để xóa tên những đoàn viên, hội viên không tham gia hoặc đã chuyển công tác, chuyển nơi cư trú…Mặc dù đã có phần mềm tin học về quản lý đoàn viên, hội viên nhưng nhiều tổ chức đoàn thể, hội không tiến hành nhập liệu danh sách đoàn viên, hội viên, con số và tỉ lệ kết nạp đoàn viên, hội viên. Công tác lưu trữ hồ sơ của đoàn viên, hội viên theo cách truyền thống cũng không đảm bảo quy định (các loại biên bản, văn bản đề nghị không ký tên, đóng dấu…)
- Vẫn còn tình trạng đoàn viên, hội viên “ảo”. Nhiều tổ chức đoàn thể, hội chạy theo chỉ tiêu phân bổ nên luôn báo cáo số lượng đoàn viên, hội viên của tổ chức mình năm sau cao hơn năm trước theo cách cộng dồn hàng năm nên tỉ lệ đoàn viên, hội viên hàng năm luôn ở mức rất cao trên 85% nhưng khi cần huy động lực lượng tổng thể của các tổ chức đoàn thể và hội tại một địa bàn nào đó thì không thể có số lượng và tỉ lệ thực tương ứng. Thậm chí, có những nơi cán bộ đoàn thể, hội tới gặp và vận động sau đó ghi danh sách, địa chỉ về báo cáo nhưng sau đó không rà soát, kiểm tra xem họ có tham gia sinh hoạt hay không.
- Vấn đề sinh hoạt định kỳ của các đoàn thể, hội chưa được quan tâm nhiều, đoàn viên, hội viên ít dự họp, bỏ họp hoặc thậm chí có nhiều trường hợp chưa bao giờ tham gia họp. Sổ biên bản ghi nội dung cuộc họp viết rất sơ sài, hầu như không có giá trị tham khảo, thậm chí chủ tọa buổi họp không kí tên…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém vừa nêu trên trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, Một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, hội.Chưa có giải pháp cụ thể, thiết thực, kịp thời để hướng dẫn các đoàn thể, hội trong sinh hoạt và hoạt động.
Hai là, Các tổ chức đoàn thể và hội theo hệ thống từ trên xuống ít coi trọng công tác quản lý đoàn viên, hội viên một cách sát sao, cụ thể và hiệu quả. Nhiều lúc, nhiều nơi còn có tư tưởng khoán trắng, buông lỏng cho đoàn thể, hội ở cơ sở tự quản lý.Việc kiểm tra công tác quản lý đoàn viên, hội viên hàng năm tuy có nhưng chưa được chú trọng, còn mang tính hình thức, hành chính.Nhiều khi có phát hiện sai sót, yếu kém trong công tác quản lý đoàn viên, hội viên ở cơ sở nhưng lại không tập trung uốn nắn, nhắc nhở khắc phục hạn chế.
Ba là, Ở một số cơ sở nghiệp vụ của Ban chấp hành, chi, tổ hội trưởng rất yếu, không nắm được Điều lệ của tổ chức mình, không chịu khó tham khảo văn bản của cấp trên, không nắm rõ nội dung công tác quản lý. Tài liệu về nghiệp vụ công tác quản lý còn thiếu. Cán bộ chưa được tập huấn đầy đủ.
Bốn là, Nhiều nơi vì bị áp đặt chỉ tiêu kết nạp đoàn viên, hội viên từ trên xuống nên các tổ chức đoàn thể, hội ở cơ sở bắt buộc phải chạy theo số lượng để có thành tích báo cáo nên bỏ qua chất lượng của đoàn viên, hội viên, thậm chí dẫn đến tình trạng đoàn viên, hội viên “ảo”.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý đoàn viên, hội viên ở cơ sở góp phần nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên làm nền tảng xây dựng tổ chức đoàn thể, hội vững mạnh trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.Tập trung quyết liệt chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.Gắn công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh. Đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy địa phương đối với công tác dân vận, thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, phải thường xuyên quán triệt việc quản lý chặt chẽ đoàn viên, hội viên không để xảy ra tình trạng hội viên “ảo” và tái “ảo” trên địa bàn. Cấp ủy đảng cũng phải có chủ trương cụ thể trong công tác cán bộ của các tổ chức đoàn thể, hội để từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ đoàn thể, hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp, cách thức quản lý đoàn viên, hội viên phải gắn liền với đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn, chi hội, tổ hội. Thông qua việc xây dựng một số mô hình hoạt động gắn với từng lĩnh vực kinh tế và phát huy được truyền thống, thế mạnh của địa phương, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị… Bên cạnh đó phải luôn chú ý đến vấn đề quan tâm, đáp ứng nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.
Mặt khác, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, hội, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên phải gắn với việc cụ thể hóa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và thực hiện đồng bộ các phong trào thi đua yêu nước của từng đoàn thể, hội và phong trào “Dân vận khéo”; gắn với xây dựng nề nếp sinh hoạt định kỳ của từng tổ chức đoàn thể và hội theo quy định của Điều lệ nhưng phải kế hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Thứ ba, bản thân mỗi tổ chức đoàn thể, hội phải phát huy vai trò cơ quan tham mưu và nòng cốt về công tác dân vận trong nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Mặt khác, phải thường xuyên tiến hành khảo sát, rà soát danh sách đoàn viên, hội viên của tổ chức mình để loại bỏ một số trường hợp danh sách “ảo”, không thực tế, không đúng quy định Điều lệ của tổ chức đoàn thể và hội. Cần xóa bỏ tư duy chạy theo số lượng để có thành tích báo cáo năm sau luôn cao hơn năm trước để từng bước củng cố nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên. Chúng ta luôn khuyến khích một công dân đồng thời tham gia nhiều tổ chức đoàn thể, hội nhưng khi tập hợp số lượng và tính tỉ lệ vận động, phát triển đoàn viên, hội viên toàn địa phương sẽ tính số lượng thực là con người, không cộng dồn số lượng trùng lắp từng tổ chức.
Thực hiện Dự án“Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực tế của các đoàn thể giai đoạn 2015 – 2020” nên các đoàn thể và hội phải biết sử dụng phần mềm tin học trong quản lý và theo dõi “trùng lắp” đoàn viên, hội viên để thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Tuy nhiên, việc quản lý đoàn viên, hội viên bằng phần mềm tin học cần phải được cụ thể hóa và có sự thống nhất giữa các tổ chức, các địa phương về cách tính toán, tổng hợp thống kê số lượng, tỉ lệ đoàn viên, hội viên để từ đó tạo được hiệu quả tích cực trong công tác quản lý đoàn viên tránh trường trường hợp mỗi nơi làm mỗi kiểu.
Nâng quy mô công tác phát triển đoàn viên, hội viên trên diện rộng, thu hút những người có uy tín, có kiến thức, kỹ năng tham gia vào tổ chức đoàn thể, hội. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên lạc với đoàn viên, hội viên đi làm ăn xa và vận động họ có ý thức xây dựng tổ chức hội, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức đoàn thể và hội mà họ đang sinh hoạt.
Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và hội cấp trên đối với cơ sở. Mỗi tổ chức đoàn thể, hội theo hệ thống từ trên xuống, tích cực tự đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Phải có trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý đoàn viên, hội viên của cơ sở thông qua việc lên kế hoạch kiểm tra định kỳ. Thực hiện tốt công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương “Về việc phân công cán bộ đi cơ sở dự sinh hoạt định kỳ với chi, tổ hội đoàn thể và Ban Công tác mặt trận ấp, khu phố”, mỗi tổ chức đoàn thể, hội cấp trên cần kịp thời phân công cán bộ đi cơ sở nắm tình hình, đối thoại với đoàn viên, hội viên, hỗ trợ hướng dẫn chi đoàn, chi hội, tổ hội…khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, hội viên.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tập huấn, cấp phát tài liệu để bôi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý, điều hành hoạt độngchi, tổ hội, phương pháp tổ chức sinh hoạt định kỳ và phát động phong trào thi đua cho cán bộ phụ trách đoàn thể và hội; xây dựng một số mô hình đoàn thể, hội phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của địa bàn dân cư. Mỗi mô hình cần có một cán bộ giỏi để phụ trách.
ThS. Vũ Thị Yến - GV khoa Dân vận