Một số giải pháp nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức
Mạng xã hội và ý thức sử dụng mạng xã hội
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo đó là sự xuất hiện của Internet có mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất đó là mạng xã hội đã có ảnh hưởng nhiều hơn đến tất cả mọi người cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Theo khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến nơi mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ,... hay có mối quan hệ ngoài đời thực. Mạng xã hội có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, có thể được trang bị thêm nhiều công cụ mới, và có thể vận hành trên tất cả các nền tảng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực. Nếu như trong mô hình mạng xã hội truyền thống như các forum đã tồn tại từ lâu trong lịch sử thì mạng xã hội trên web giúp người dùng kết nối với những người sống ở nhiều vùng đất khác nhau, ở thành phố khác hoặc trên toàn thế giới.
Nói đến ý thức sử dụng mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức là nói đến cách thức sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, chuẩn mực, hiệu quả. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần có cách tiếp cận thông tin trên không gian mạng một cách đa chiều; có hình thức xử lý thông tin hiệu quả để có thể lọc được những thông tin chính thống, hữu ích; từ đó có những phát ngôn, hoạt động cũng như cách ứng xử chuẩn mực, đúng đắn và mang lại hiệu quả trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Tại Việt Nam có nhiều mạng xã hội khác nhau đang hoạt động như: Facebook, Twitter, Instagram, Tumblr, Zalo, Lotus, Google plus, Zing me, Youtube... Hiện nay, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019. Thống kê từ WeareSocial và Hootsuite cũng cho thấy, người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. 94% người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày. Và 6% số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần.
Những lợi ích của mạng xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức
Hiện nay, đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng thì mạng xã hội dường như đã trở thành một khái niệm quen thuộc. Riêng số lượng viên chức Trường Chính trị tỉnh hiện nay là 38 trong đó hầu hết đều có sử dụng ít nhất 01 mạng xã hội (chủ yếu là Zalo, Facebook).
Mạng xã hội là một trong những phương tiện cần thiết để mỗi cán bộ, công chức, viên chức gửi tài liệu, thư điện tử, trao đổi, xử lý công việc trực tuyến một cách nhanh chóng, hiệu quả không kể thời gian và không gian. Do tính năng cập nhật và lan rộng nhanh của mạng xã hội mà các cơ quan thông tin đại chúng đã tích cực đăng tải thông tin hoặc các cơ quan nhà nước kịp thời cập nhật những tin tức và quy định mới để tiến tới một bộ máy hành chính công thông minh, thuận lợi phục vụ cho người dân. Đây cũng là một trong những tính năng nổi bật giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức cập nhật thông tin, phục vụ công tác chuyên môn, học tập, nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng của mạng internet, nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội ta, bởi cùng với những người khác, họ có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước.
Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng có nhiều mặt tiêu cực khác nhau đối với cán bộ, công chức, viên chức, chẳng hạn như:
- Mạng xã hội có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng có ý đồ xấu sẽ lợi dụng mạng xã hội để thu thập các thông tin của cá nhân như họ, tên, số điện thoại, số tài khoản tín dụng… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác, và tất nhiên, cán bộ, công chức, viên chức cũng không nằm ngoài danh sách của những kẻ xấu này.
- Đặc biệt nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng mạng xã hội để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lôi kéo kích động người dân biểu tình, tụ tập đông người chống phá Đảng và Nhà nước. Nếu như mỗi cán bộ, công chức, viên chức không vững vàng về bản lĩnh chính trị, nhận thức thiếu sâu sắc sẽ bị luận điệu của những thế lực thù địch này tác động, làm ảnh hưởng ý chí chiến đấu, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng.
- Mặt khác, khi cán bộ, công chức, viên chức tập trung quá nhiều vào mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian, giảm hiệu quả công việc, hạn chế sự sáng tạo, năng động, linh hoạt trong công việc.
- Trên không gian mạng, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đôi khi có những phát ngôn không đúng sự thật hoặc thiếu chuẩn mực dẫn đến sự nghi ngờ, đố kỵ, gây mất đoàn kết. Đã từng có trường hợp, viên chức tại một trường chính trị bị xử lý kỷ luật vì có những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
- Khi người cán bộ, công chức, viên chức sử dụng mạng xã hội để cập nhật, chia sẻ thông tin mà chưa hiểu rõ vấn đề, vô tình sẽ gây ra những sai phạm, ảnh hưởng tới người khác, đôi khi vô tình làm cho những thông tin đó phát tán rộng rãi hơn đến nhiều người dùng mạng xã hội khác.
Nói chung, đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, đặc biệt là các giảng viên, khi hoạt động trong môi trường lý luận chính trị, hành chính thì cần biết cách sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, chuẩn mực để mạng xã hội trở thành một công cụ, phương tiện, kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả, khoa học, đúng đắn những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng chống, đấu tranh chống lại những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc, những âm mưu thủ đoạn, "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đối với viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng trong việc tiếp cận, xử lý thông tin và cách thức sử dụng mạng xã hội hiệu quả, có thể tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
- Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi, cung cấp các thông tin chính thống, quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Riêng đối với Trường Chính trị tỉnh là đơn vị có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền về những nội dung trên, do đó lãnh đạo nhà trường cần tận dụng lợi thế này để tất cả cán bộ, viên chức, người lao động cũng như toàn thể học viên nâng cao bản lĩnh chính trị, thế giới quan, phương pháp luận khách quan, khoa học. Khi đó, đứng trước những thông tin trên mạng xã hội, cán bộ, viên chức của trường cũng như các học viên có thể có được cái nhìn đa chiều và có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thể tiếp cận và xử lý thông tin một cách đúng đắn. Đồng thời sẽ có được những phát ngôn, cách cư xử và cách thức sử dụng mạng xã hội một cách chuẩn mực, hiệu quả.
- Thứ hai, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tự ý thức trong việc học tập, trang bị trình độ lý luận chính trị; xây dựng một hệ thống tư liệu khoa học, một nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động của thế lực thù địch trên mạng xã hội. Khi chia sẻ, thể hiện ý kiến hay bình luận các thông tin trên mạng xã hội, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, chấp hành nghiêm Luật an ninh mạng. Đối với cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh, đặc biệt là các giảng viên không những phải nghiêm túc thực hiện mà còn phải là người giới thiệu, phổ biến rộng rãi đến học viên nhằm thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.
- Thứ ba, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên đấu tranh chống lại các luận điểm sai trái. Nâng cao trách nhiệm của mình trong việc sử dụng mạng xã hội, tận dụng ưu điểm và hạn chế, mặt trái của mạng xã hội trong phát ngôn, truyền dẫn thông tin; tránh chủ quan duy ý chí, đem quan điểm, cảm xúc cá nhân để bình luận bày tỏ quan điểm về tình hình chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Từ những tài liệu, văn bản hướng dẫn của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh cần lồng ghép những chủ trương về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước vào các chuyên đề giảng dạy, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin, luận điểm đúng đắn đến học viên.
- Thứ tư, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức. Nêu cao ý thức tự lực, tự cường, kiên trung, bền chí trước những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, không để đồng chí đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, chia sẻ, loan truyền những thông tin phản động trên mạng xã hội. Cá nhân mỗi viên chức có thể biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin chính thống, kết nối học viên với các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương để tạo nên một môi trường lành mạnh nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Nhìn chung, trước tình hình phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc các mạng xã hội ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị, tư tưởng của đại đa số người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Các thế thực thù địch cũng luôn ráo riết sử dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng phức tạp. Vì vậy, mỗi viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Dương cần phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đồng thời góp một phần công sức của mình trong công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền những chủ trương, định hướng đúng đắn đến mỗi người dân nhất là nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, độc hại./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội, Xây dựng Đảng Online, http://xaydungdang.org.vn.
2. Đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số, http://vista.gov.vn.
3. Hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://dangcongsan.vn.
4. Nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên, Trang thông tin điện tử UBND thành phố Vũng Tàu, http://vungtau.baria-vungtau.gov.vn.
5. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong tham gia, sử dụng mạng xã hội, Báo Nhân dân điện tử, http://nhandan.com.vn.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh – GV khoa xây dựng Đảng