Một số giải pháp xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025
Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2011 – 2020 đã được địa phương tổng kết, đánh giá những thành tựu và hạn chế, phân tích những nguyên nhân và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Mục tiêu của huyện Dầu Tiếng trong giai đoạn 2021 – 2025 là phấn đấu đến cuối năm 2021, có trên 50% số xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 50% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài viết nghiên cứu, đánh giá thực tiễn xây dựng xây dựng nông mới trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2011 – 2020, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025.
1. Những thành tựu cơ bản 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay 11/11 xã của Huyện đều đạt chuẩn xã nông thôn, đạt 100% và đạt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện đề ra. Huyện Dầu Tiếng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” và là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn nông thôn mới.
Các xã đều từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, cụ thể như: Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các xã nông thôn mới đều đạt chuẩn 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và nhiều tiêu chí chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1925/QĐ–UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh Bình Dương.
Năm 2018 xã Thanh An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến cuối năm 2020 huyện Dầu Tiếng tiếp tục có 04 xã (Định Thành, Định Hiệp, Long Hòa, Thanh Tuyền) hoàn thành thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy, 05 xã này là những địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí hướng tới đảm bảo chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới.
Theo đánh giá của UBND huyện Dầu Tiếng thì thành tựu xây dựng nông thôn mới của địa phương xuất phát từ sự lãnh đạothường xuyên, trực tiếp của các cấp ủy đảng từ huyện đến xã; sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở huyện Dầu Tiếng; là sự đồng thuận, hợp tác “chung tay” xây dựng nông thôn mới của nhân dân và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng cùng nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện.
Có thể nói, thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm qua; là tiền đề thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025.
2. Những khó khăn, thách thức trong thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một bước tiến cao hơn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là quá trình liên tục, có liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, như tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần và văn hóa của người dân nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, của địa phương và cộng đồng dân cư; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự ở khu dân cư nông thôn. Tuy nhiên để thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 huyện Dầu Tiếng sẽ có nhiều khó khăn, thách thức lớn cần phải vượt qua như sau:
Thứ nhất, khó khăn, thách thức từ yêu cầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu
Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 thì: Xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định và đáp ứng các tiêu chí sau: (1) Tiêu chí Sản xuất - Thu nhập- Hộ nghèo; (2) Tiêu chí Giáo dục - Y tế - Văn hóa; (3) Tiêu chí Môi trường; (4) Tiêu chí An ninh trật tự - Hành chính công; với các nội dung yêu cầu mức độ cao hơn so với tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 3499/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Bình Dương thì Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều nội dung ở mức cao hơn so với tiêu chí chung của cả nước, trong đó có những tiêu chí, chỉ tiêu là thách thức và khó thực hiện đối với Dầu Tiếng. Dẫn chứng một số tiêu chí, chỉ tiêu như sau:
(1) Tiêu chí Sản xuất - Thu nhập- Hộ nghèo:
- Chỉ tiêu 1.1 (Tổ chức sản xuất): Có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ ít nhất 10% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã với thời gian ổn định từ 02 năm trở lên. Có ít nhất 02 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả.
(Tiêu chí Tổ chức sản xuất xã NTM nâng cao chỉ yêu cầu Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã)
- Chỉ tiêu 1.2 (Thu nhập): Năm 2020 đạt 68 triệu, năm 2021 đạt 71 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt 83 triệu đồng/người/năm. (Tiêu chí thu nhập xã NTM nâng cao chỉ yêu cầu năm 2020: đạt 65 triệu đồng/người/năm)
(2) Tiêu chí Giáo dục – Y tế - Văn hóa:
- Chỉ tiêu 2.1 (Giáo dục): tỷ lệ huy động trẻ đi học mẫu giáo ≥ 90%. (Tiêu chí Giáo dục xã NTM nâng cao chỉ yêu cầu tỷ lệ trẻ vào mẫu giáo 5 tuổi 100%)
- Chỉ tiêu 2.2 (Y tế): tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 95%. (Tiêu chí Giáo dục xã NTM nâng cao chỉ yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 90%)
- Chỉ tiêu 2.3 (Văn hóa): Có mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu
như: Hội thi, hội diễn…; thi đấu thể dục, thể thao ≥ 60% người dân thường trú trên địa bàn xã tham gia.
(3) Tiêu chí Môi trường
- Chỉ tiêu 3.1: tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định là 95%.
- Chỉ tiêu 3.2: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp ≥ 50%.
(Tiêu chí Môi trường xã NTM nâng cao chỉ yêu cầu: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã được thu gom và xử lý theo đúng quy định ≥ 80%)
(5) Tiêu chí mẫu:
- Chỉ tiêu 5.1: Đạt 4 nhóm tiêu chí chung và chọn 1 trong 4 nhóm tiêu chí để đăng ký làm mẫu nổi trội nhất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (chỉ tiêu của nhóm được chọn phải cao hơn so với chỉ tiêu được quy định trong Bộ tiêu chí).
- Chỉ tiêu 5.2: có ít nhất một khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu hoặc một vườn mẫu được công nhận.
Đây là tiêu chí mới áp dụng đối với xã NTM kiểu mẫu và cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất.
Thứ hai, khó khăn, thách thức từ nội tại của huyện Dầu Tiếng
Đây là những khó khăn thách thức chủ yếu trong quá trình thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Dầu Tiếng.
Dầu Tiếng là huyện nông nghiệp, kinh tế chủ lực là cây cao su, nhưng trong những năm gần đây giá mủ cao su có chiều hướng giảm và chưa có khả năng phục hồi trong ngắn hạn làm cho thu nhập của người dân từ cây cao su bị giảm sút, không ổn định. Như vậy một số tiêu chí liên quan trực tiếp đến thu nhập sẽ khó thực hiện. Thống kê tại thời điểm năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong 11 xã của huyện chỉ đạt từ 52 triệu – 60 triệu đồng/người/năm so với yêu cầu chuẩn NTM kiểu mẫu là 68 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, mốc chuẩn thu nhập bình quân 81 triệu đồng năm 2025 các xã của Dầu Tiếng rất khó đạt được
Cũng bị ảnh hưởng bởi giá mủ cao su nên tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên cao su Dầu Tiếng nhiều năm qua gặp khó khăn đang trong quá trình chuyển đổi, ổn định. Vì vậy, sẽ khó đảm bảo tiêu chí thu nhập và việc huy động nguồn lực từ người dân và sự hỗ trợ của Công ty để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu sẽ hạn chế.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của UBND huyện Dầu Tiếng thì trong những năm qua tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện chưa bền vững; nhiều địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất và kết nối thị trường còn nhiều hạn chế; thị trường chăn nuôi và một số loại nông sản chưa ổn định. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, quy mô chưa đủ lớn; nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển.
Tình hình phát triển kinh tế tập thể chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện, chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Việc vận động, hướng dẫn người dân cách thành lập mới và cách tiếp cận nguồn vốn tỉnh hỗ trợ chưa được các xã quan tâm, hỗ trợ. Các mô hình sản xuất được tập trung xây dựng, nhưng việc tổ chức triển khai nhân rộng, chỉ dừng lại ở một nhóm nhỏ tham gia, chưa mang tính lan tỏa, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và chưa đồng nhất theo yêu cầu của thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Về thực hiện tiêu chí môi trường, trong đó liên quan đến chỉ tiêu xử lý rác thải rắn cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ việc nhận thức của người dân, nhiều hộ dân ở Dầu Tiếng do có diện tích đất vườn rất lớn nên họ thường tự tiêu huỷ rác sinh hoạt bằng cách đốt hoặc chôn dưới đất, hoặc không thực hiện phân loại rác nên tỷ lệ thu gom rác thải và tỷ lệ rác thải được phân loại khó đạt được chỉ tiêu theo quy định.
3. Đề xuất một số giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2025
Một là, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP
Chương trình OCOP (One Commune One Product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Thực hiện chương trình OCOP có thể giải quyết được khó khăn đối với Tiêu chí Sản xuất - Thu nhập- Hộ nghèo và góp phần thực hiện Tiêu chí mẫu trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trước hết ngoài cây cao su, các xã của Dầu Tiếng cần chọn một sản phẩm chủ lực phù hợp và có tiềm năng phát triển (thực hiện mỗi xã một sản phẩm hoặc liên kết). Ví dụ như cây măng cụt ở Thanh Tuyền; cây chuối, ổi, cây ăn quả có múi ở Thanh An, Long Hoà; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái – tâm linh ở Định Thành…
Để nâng cao hiệu quả của chương trình cần đẩy mạnh hình thức sản xuất liên kết giữa những người nông dân, hình thành tổ hợp tác tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn cả về diện tích và sản phẩm. Đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả và hợp tác xã có doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia góp vốn và nguồn lực trí tuệ. Khuyến khích phát triển các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện theo mô hình liên kết trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản; gắn kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước (vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường). Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ ở trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Các xã tiếp tục tăng cường vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất riêng lẻ, có nhận thức cao hơn về lợi ích mang lại từ sự liên kết, hợp tác sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất hàng hóa tập trung có đầu ra ổn định.
Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường
Tập trung giải quyết vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, các cơ sở sản xuất – cụm công nghiệp...) và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.
Kiểm soát tốt việc thực hiện các biện pháp thu gom, quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ sở chăn nuôi tập trung, xử lý triệt để tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Tuyền truyền, vận động nâng cao ý thức, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân và các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn (Phòng Tài nguyên – Môi trường cử công chức phối hợp với công chức môi trường và các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn). Có thể đưa nội dung tuyên truyền như kiến thức bổ trợ thông qua những giờ học thực hành trong trường học để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và cách phân loại rác thải cho học sinh. Đồng thời phải tổ chức, kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, tránh tình trạng rác được phân loại tại nguồn nhưng khi thu gom, xử lý lại không đảm bảo phân loại (huy động nguồn lực và sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân).
Để đảm bảo bền vững về môi trường, giải pháp cơ bản là vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, công sạch trong sản xuất và chế biến sản phẩm. Các cơ quan nhà nước, chính quyền xã và trực tiếp là phòng Tài nguyên – Môi trường, công chức phụ trách môi trường ở xã phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện các yếu tố cần thiết để thực hiện hiệu quả Tiêu chí Giáo dục - Y tế - Văn hoá
Để thực hiện được Tiêu chí này cần giải quyết xây dựng hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ về cơ sở vật chất: trường học, trạm y tế, cơ sở sinh hoạt văn hoá từ ấp đến xã. Đồng thời chú trọng đào tạo và thu hút đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ làm công tác văn hoá đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng nhu cầu và điều kiện cụ thể của Nhân dân ở địa phương. Đây là điều kiện cần thiết để công tác vận động nhân dân cho con, em ở độ tuổi đến trường, trong đó có trẻ học mẫu giáo và vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế và tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở được thuận lợi hơn.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, đổi mới hình thức sinh hoạt văn hoá, thể thao, đảm bảo tính quần chúng, đa dạng, thiết thực để việc tham gia các hoạt động văn hoá trở thành nhu cầu tự thân của người dân.
Trung tâm Y tế huyện và nhất là các trạm Y tế xã cần tăng cường trang bị phương tiện, công cụ và đổi mới phong cách phục vụ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu và hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm y tế. Từ đó người dân sẽ cảm nhận và nhận thức được ý nghĩa thiết thực của việc tham gia BHYT và tích cực tham gia.
Tóm lại, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là mục tiêu cao hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Dầu Tiếng trong giai đoạn 2021 – 2025. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc thực hiện những giải pháp trên đây, huyện Dầu Tiếng cần phải kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác với động lực là sự đồng thuận, đoàn kết và quyết tâm cao của nhân dân và cả hệ thống chính trị ở địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng bộ huyện Dầu Tiếng, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. UBND huyện Dầu Tiếng, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của huyện Dầu Tiếng.
3. UBND xã Định Thành, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
4. UBND xã Thanh Tuyền, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
5. UBND xã Long Hoà, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
6. UBND xã Minh Hoà, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ THÀNH TỰU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN DẦU TIẾNG
Mô hình sản xuất theo Vietgap của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ ở xã Thanh Tuyền
Hồ Dầu Tiếng trên địa phận xã Định Thành – Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái – tâm linh
Nhà văn hoá xã Minh Hoà, Dầu Tiếng
Trung tân y tế xã Minhh Hoà, Dầu Tiếng
Trường Mầm non xã Thanh Tuyền
Ths. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Lý luận cơ sở
UBND huyện Dầu Tiếng, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của huyện Dầu Tiếng