Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng những năm vừa qua
Huyện Dầu Tiếng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Dương, phía Bắc giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Đông giáp huyện Bàu Bàng và Đông Nam là thị xã Bến Cát cùng thuộc tỉnh Bình Dương; phía Tây là hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu và Tây Nam là huyện Trảng Bàng cùng thuộc tỉnh Tây Ninh; phía Nam là huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Huyện Dầu Tiếng có diện tích 719,39 km2 và dân số là 119.000 người. Huyện lỵ là thị trấn Dầu Tiếng nằm trên đường tỉnh lộ 744, cách thành phố Thủ Dầu Một 50 km về hướng Tây Bắc và cách hồ Dầu Tiếng 7 km về hướng Nam. Tỉnh Lộ 240 theo hướng Đông Nam đi Bến Cát, tỉnh lộ 239 theo hướng Đông Bắc đi Chơn Thành, Bình Phước. Cơ cấu hành chính của huyện gồm có thị trấn Dầu Tiếng và các xã: Thanh Tuyền, Thanh An, An Lập, Định Hiệp, Long Tân, Long Hòa, Minh Tân, Định An, Minh Thạnh, Minh Hòa và Định Thành.
Dầu Tiếng là một huyện nông nghiệp mà chủ lực là cây cao su, nhưng những năm qua giá mủ cao su xuống thấp; thêm vào đó, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh, cùng với sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, huyện Dầu Tiếng đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp.
Từ năm 2015 đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển dịch tích cực: diện tích cao su hiện nay là 49.800 ha, giảm 1,2% so với đầu nhiệm kỳ (cao su tiểu điền là 22.750 ha); diện tích cây ăn quả 650 ha (tăng 100% so với đầu nhiệm kỳ). Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 – 2020; thực hiện các dự án khuyến nông, các đề án nông nghiệp; phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, các mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Huyện cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp và đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I triển khai thực hiện dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 117 ha, lập thủ tục đầu tư tại xã Long Hòa 2.300 ha cây có múi ứng dụng công nghệ cao; người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 27 ha. Công ty thực phẩm 3F Việt đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm theo hướng tự động gắn với bảo vệ môi trường tại ấp Kiến An, xã An Lập. Đồng thời người dân cũng đã đầu tư một số mô hình như: nuôi trồng sinh vật cảnh; trồng nấm ăn, nấm dược liệu; trồng dưa lưới,...
Mô hình trồng nấm linh chi của bà Tấn tại ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng
Ngành chăn nuôi phát triển theo định hướng tập trung, đến nay toàn huyện có 218 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (trại lạnh) là 149 trại (chiếm 68,3%). Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 116.000 m2. Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4.241 tỷ đồng, chiếm 23,73% trong cơ cấu kinh tế huyện (trong đó: trồng trọt chiếm 58%, chăn nuôi chiếm 42%). Huyện cũng đã quán triệt việc xây dựng nông thôn mới gắn liền với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo cơ sở hạ tầng khang trang và môi trường sống nông thôn tốt hơn. Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt 100%; huyện được công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, có 5/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Định Thành là 1 trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Dầu Tiếng
Thành tựu đổi mới trên lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, nhất là cấp huyện trong trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng trong những năm qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là đảng ủy các xã đối với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp sạch, bền vững vẫn và sẽ là con đường đi lên chủ yếu, lâu dài của các xã trong huyện. Từ đó, các cấp ủy đảng cần nắm chắc các quy định của huyện, tỉnh, Trung ương để thực hiện sáng tạo ở địa phương; đồng thời thực hiện đồng bộ và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu và thực hiện. Chỉ khi người dân có chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy, cách làm; chủ động, tích cực đầu tư và chăm lo phát triển các mô hình sản xuất thì kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng mới có hiệu quả thiết thực.
Vườn bưởi của ông Cường ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng
Hai là, xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, mấu chốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện trong thời gian tới. Muốn vậy, phải rà soát, đánh giá đặc điểm, tình hình, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực để quy hoạch phát triển nông nghiệp một cách khoa học, bền vững (Thanh Tuyền, Thanh An phát triển du lịch và vùng cây ăn trái; Long Hòa trồng cao su và phát triển một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; Định Thành phát triển du lịch tâm linh…). Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, những loại cây, con có thế mạnh, từng bước sắp xếp và quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh để dần tạo thương hiệu nông sản hàng hóa. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lòng hồ Dầu Tiếng là một trong những địa danh du lịch đẹp của Bình Dương
Ba là, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương hồ đập, lưới điện… Chú ý triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao của huyện. Quan tâm xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản; thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tiếp cận những thị trường có tiềm năng và đòi hỏi chất lượng cao hoặc giới thiệu và đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện vào các siêu thị lớn…
Bốn là, nhất quán quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông nghiệp phải được đặt trong tổng thể sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Quan tâm chỉ đạo giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh ở nông thôn, trước hết là vấn đề về thu nhập, việc làm, ô nhiễm môi trường, an ninh nông thôn. Phát huy đầy đủ quyền làm chủ, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân. Kịp thời động viên, khuyến khích và thúc đẩy, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; kịp thời xem xét, giải quyết triệt để đơn thư khiếu kiện nảy sinh, không để trở thành điểm nóng, phức tạp. Địa phương ổn định là một trong những điều kiện rất quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp toàn tâm, toàn ý và dồn mọi nguồn lực để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng.
Năm là, phát huy có hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là Hội Nông dân huyện trong việc quán triệt, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy và Huyện ủy đến với đoàn viên, hội viên. Phát động sâu rộng các phong trào thi lao động sản xuất; đổi mới, cải tiến các mô hình sản xuất ở nông thôn; phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đẩy mạnh nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao; tích cực tuyên truyền thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới trong việc thực hiện các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tập trung vào các vấn đề như: xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phù hợp với thực tiễn cơ sở; tuân theo quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; bố trí và quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư; công tác tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua; xem xét những khó khăn, vướng mắc và những điểm bất hợp lý của các chủ trương, chính sách, đồng thời nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của cơ sở. Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao trong tập thể Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền cơ sở; không ngừng nâng cao dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo của các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở và của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện nhà.
Bảy là, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, hoàn thành, giữ vững và nâng cao các mục tiêu nông thôn mới. Quy hoạch, phát triển 1 đến 2 khu liên hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Long Hòa, Minh Tân. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hình thành vùng cây ăn quả có sản lượng, chất lượng cao. Tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết ngành chăn nuôi. Tăng cường các biện pháp để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm với mô hình kinh tế thích hợp gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời giữ vững, nâng mức đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là phù hợp với phát triển nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Văn Hân - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở