Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin
Sau vài năm làm việc tại Trường chính trị, tôi được tham gia nghiên cứu, trao đổi và giảng dạy một số môn cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Qua đó bản thân tôi thấy rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo của Trường đòi hỏi phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; học viên cần nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu và tích cực hợp tác với giáo viên trong quá trình dạy - học; tăng cường công tác quản lý học viên; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ cho học viên và giáo viên…Về phía giáo viên, để nâng cao chất lượng giảng dạy thì cũng cần thực hiện nhiều việc khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ với các đồng nghiệp một vài kinh nghiệm sau đây.
1. Tìm hiểu đối tượng giảng
Đây là công việc đầu tiên mà mỗi giáo viên cần thực hiện trước khi lên lớp giảng. Nhìn chung, so với trước đây, học viên ở Trường chính trị Bình Dương hiện nay tương đối đồng đều về độ tuổi trung bình, về trình độ…Về độ tuổi trung bình thì hiện nay đang được trẻ hoá, đa phần từ 30 – 40 tuổi; về trình độ đa phần đã hoặc đang học đại học ở các chuyên ngành khác nhau và các hệ khác nhau.
Tuy nhiên, đối tượng học viên không phải lúc nào cũng đồng nhất giữa các lớp mà luôn có sự khác nhau dù là tương đối. Trong đó có thể có sự khác nhau về hệ lớp (hệ tập trung hoặc hệ vừa làm vừa học), hai hệ này khác nhau rõ nhất là về độ tuổi, về vị trí công việc, về thời gian thực học…Kế đến là sự khác nhau giữa lớp tập trung ở Trường với các lớp ở huyện, thị xã; giữa lớp cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn với lớp cán bộ cấp tỉnh; giữa các lớp cán bộ nói chung với các lớp đặc thù của ngành như Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Y tế…Vì vậy, giáo viên phải tìm hiểu rõ từng đối tượng khác nhau ở các lớp khác nhau để lựa chọn phương thức truyền đạt một cách hiệu quả nhất. Bởi lẽ, tuỳ theo đối tượng khác nhau thì nhu cầu của họ cũng khác nhau, trong khi đó nhiệm vụ của giáo viên là cung cấp những gì học viên cần chứ không phải cung cấp những gì giáo viên có. Chẳng hạn, đối với các lớp mở cho các ngành thì hầu như 100% học viên đã tốt nghiệp đại học, trong đó có một bộ phận đã học sau đại học. Cho nên trình độ chuyên môn của họ là cao hơn so với một số đối tượng khác. Như vậy, họ đã trải qua ít nhất một lần học các môn lý luận Mác-Lênin. Chính điều này, đòi hỏi giáo viên phải nâng chất nội dung bài giảng theo hướng vừa sâu, vừa rộng và có tầm khái quát cao hơn so với các đối tượng khác để phù hợp với tầm hiểu biết và nhu cầu của học viên. Có như vậy mới tránh được sự nhàm chán và thông qua đó kích thích sự hứng thú học tập của học viên.
2. Việc trích dẫn và giải thích thuật ngữ, khái niệm phải đơn giản và dễ hiểu
Tâm lý chung của học viên là càng ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu thì càng tốt, tránh rườm rà, chung chung. Thực tế trong giáo trình có một số từ, cụm từ, thuật ngữ kinh điển, một số khái niệm hơi khó hiểu, vì vậy khi lên lớp giảng viên phải giải thích thật cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu, tức là phải đơn giản hóa các thuật ngữ, khái niệm đến mức có thể.
Việc trích dẫn và giải thích kinh điển và quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình giảng dạy các môn học của chương trình Trung cấp nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng, rất cần sự hiểu biết sâu về kinh điển nhưng không lạm dụng, trích dẫn kinh điển quá nhiều mà phải hạn chế đến mức thấp nhất và chỉ trích kinh điển khi thật cần thiết. Bên cạnh đó, khi trích kinh điển phải chính xác, đặc biệt là không được cắt xén những câu nói của các nhà kinh điển, vì như thế rất dễ dẫn đến sự hiểu sai của học viên hoặc bị xuyên tạc.
Hơn nữa, khi trích kinh điển thì phải giải thích rõ nội dung, ý nghĩa và liên hệ đến thực tiễn, tránh trường hợp trích xong câu nói của các nhà kinh điển rồi bỏ lững, không giải thích. Vì tâm lý chung của học viên là muốn biết những kiến thức thực tế hơn là học các câu kinh điển, nhất là những câu nói khó hiểu hoặc chung chung. Để làm được điều này đòi hỏi giảng viên phải hiểu tận gốc các câu kinh điển mà mình trích dẫn trong bài giảng và trích dẫn phải đúng lúc, đúng chỗ chứ không phải trích tràn lan, muốn đưa vào chỗ nào cũng được.
Một điều cần thiết nữa, cũng như các môn lý luận khác, giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin cũng cần đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhưng cần lưu ý rằng, giữa lý luận và thực tiễn cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn toàn trùng khớp với nhau, mà thường thì thì có độ vênh nhất định giữa lý luận và thực tiễn ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, đa phần học viên, nhất là học viên ở cấp cơ sở, là những người trực tiếp hoạt động thực tiễn, gắn bó với thực tế cuộc sống cho nên có khi họ rất hiểu về vấn đề này, cho nên khi trích dẫn cũng phải chọn lọc thật kỹ càng, phải phân tích cho học viên thấy được những điểm đúng, phù hợp và cả những điểm chưa phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung và phát triển…Tránh trường hợp chỉ nói một chiều và có như vậy mới thuyết phục được học viên.
3. Cần thiết áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực
Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với mọi giáo viên khi lên lớp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tuỳ theo số lượng học viên của mỗi lớp nhiều hay ít mà giáo viên chọn phương pháp nào cho phù hợp. Nếu thực hiện tốt việc này thì trước hết sẽ tạo tâm lý cởi mở từ học viên từ đó tạo ra bầu không khí thoải mái, kích thích được tinh thần tự học của học viên.
Thứ hai là, chính sự tích cực tham gia phát biểu ý kiến của học viên sẽ giúp cho chính học viên hiểu rõ vấn đề hơn, nhớ lâu hơn, từ đó góp phần vào việc chuyển từ quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Thứ ba là, học viên là những người hoạt động thực tiễn, những ý kiến của họ sẽ cung cấp kiến thức thực tiễn rất hữu ích đối với giáo viên. Hay nói cách khác, giáo viên có thể “Học” từ học viên. Chính điều này sẽ giúp cho quá trình dạy - học thành quá trình dạy - học - dạy ngày càng tốt hơn.
4. Tăng cường đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở
Bài giảng Trung cấp nói chung, môn lý luận thuộc chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng cơ bản có hai phần: một là phần lý luận và hai là phần thực tiễn. Để đảm bảo nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn thì đòi hỏi giáo viên phải hiểu biết nhiều về thực tế cuộc sống. Muốn vậy, một trong những yêu cầu đối với giáo viên là tăng cường đi nghiên cứu thực tế, về cơ sở để tìm hiểu sâu những vấn đề mà mình cần.
Để thực hiện tốt việc này thì giáo viên cần phải xác định rõ vấn đề nào cần tìm hiểu, sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện và gửi về cơ sở nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ. Trong quá trình đi nghiên cứu ở cơ sở, trước hết cần thiết có sự trao đổi, thảo luận, tọa đàm giữa giáo viên với cán bộ ở cơ sở. Thứ nữa là đi thăm những nơi mà mình cần đến như các công ty, trang trại, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi điển hình…Thông qua đó, có thể giúp giáo viên tiếp thu nhiều kiến thức thực tiễn hữu ích, từ đó thấy được tính phù hợp giữa lý luận và thực tiễn; giữa chủ trương, chính sách, pháp luật với thực tế cuộc sống; giữa nhu cầu, mong mỏi, nguyện vọng của cán bộ, của người dân với sự đáp ứng của Đảng, Nhà nước…Đây là một trong những công việc cần thiết mà bất kỳ một giáo viên nào cũng có thể thực hiện được nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Tô Văn Sơn
Phó Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh