Một số kinh nghiệm từ thực tiễn sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2018 - 2020
Sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiệu đại.
Huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương cùng với các địa phương trong cả nước tiến hành triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của huyện có những thuận lợi, khó khăn nhất định và đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Qua quá trình nghiên cứu thực tế, tác giả bài viết đánh giá và rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW trong phạm vi cấp cơ sở của huyện Dầu Tiếng.
1. Khái quát về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Cấp cơ sở huyện Dầu Tiếng có 12 đơn vị hành chính (11 xã và 01 thị trấn). Trong đó có 11 đơn vị hành chính loại 1 và 01 đơn vị hành chính loại 2. Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, Ban Thường vụ Huyện uỷ Dầu Tiếng đã ban hành Kế hoạch số 06-KH/HU ngày 01/11/2015, UBND huyện Dầu Tiếng ban hành Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 31/12/2015 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2015 – 2021. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và các văn bản của huyện đến trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dầu Tiếng đã tinh giản được 26 cán bộ, công chức cấp xã. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là 273 biên chế và 181 người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Bình Dương về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở, xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
2. Quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương
Để triển khai tổ chức thực hiện, huyện Dầu Tiếng đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá các văn bản của Trung ương và tỉnh Bình Dương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó bao gồm: Kế hoạch số 55-KH/HU ngày 29/3/2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 82-KH/HU về tuyên truyền thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU và Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương; Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác ban hành văn bản được đánh giá đảm bảo kịp thời, đầy đủ nội dung đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị huyện.
Sau 2 năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng đã đạt được kết quả như sau:
- Về tinh giản biên chế: đã tinh giản 07 biên chế là cán bộ, công chức và giảm 43 người hoạt động không chuyên trách. Trong đó giảm 06 biên chế chức danh chủ chốt cấp xã. Như vậy so với nhiệm vụ phải tinh giản 106 biên chế theo Đề án 711 thì số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã của huyện Dầu Tiếng tối đa 29 người/đơn vị hành chính và như vậy vẫn còn dư 56 người. Tuy nhiên, hiện nay huyện Dầu Tiếng đang triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”. Theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP thì số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tối đa 37 người đối với xã loại 1 và đối với xã loại 2 là 33 người tăng nhiều hơn so với quy định tại Đề án 711. Đến nay nhiều xã đã thực hiện tinh giản theo Nghị định 34 nhưng đều có số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách thấp hơn so với mức tối đa quy định. Huyện Dầu Tiếng vẫn xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, trong đó có hệ thống chính trị cấp xã trong thời gian tới.
- Về thực hiện chủ trương kiêm nhiệm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 43-KH/TU và Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương: Chủ trương Bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã đã được thực hiện ở một số địa phương trên địa bàn huyện Dầu Tiếng từ giai đoạn 2010 – 2015, giai đoạn 2015 – 2020 tiếp tục thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 3 đơn vị là xã Định Hiệp, xã Minh Hoà và xã Long Hoà. Mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện ở 3 xã là Thanh An, An Lập và Định An. Ngoài ra huyện cũng đã thực hiện mô hình phó bí thư thường trực đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ cấp xã ở các xã Thanh An, Định Hiệp, Minh Hoà, Long Hoà; mô hình phó Chủ tịch HĐND đồng thời là Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra cấp xã tại các đơn vị: thị trấn Dầu Tiếng, xã Định Thành, Thanh An, Minh Tân, Long Tân, Định Hiệp, Thanh Tuyền, Minh Hoà, Định An, Long Hoà. Hầu hết các địa phương đều tăng cường thực hiện bố trí cán bộ, công chức kiêm nhiệm công việc để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách.
Sau khi thực hiện sắp xếp, các địa phương cấp cơ sở huyện Dầu Tiếng đều đánh giá bộ máy cơ bản ổn định, phù hợp, hoạt động hiệu quả tuy vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Mặc dù thời gian hoạt động của tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức cấp cơ sở sau sắp xếp lại chưa đủ để đánh giá mức độ hiệu quả của bộ máy nhưng với những kết quả đạt được trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm thành công trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng như sau:
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền thực hiện tổng hợp, đồng bộ, thường xuyên trong toàn hệ thống chính trị, với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch số 82-KH/HU về công tác tuyên truyền trong toàn Đảng bộ huyện (đã tổ chức 02 đợt triển khai với 745 người tham dự). Cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến từng cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên. Cấp uỷ cơ sở đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng đối với những người là đối tượng tinh giản biên chế, kết quản hầu hết những người này đều tự nguyện thực hiện.
Các cơ quan thông tin, truyền thanh của địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, định hướng dư luận, tạo sự ủng hộ của nhân dân ở cơ sở trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nói chung và hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng nói riêng.
Hai là, sự quan tâm thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ tinh giản sau sắp xếp tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương.
Việc giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp được huyện Dầu Tiếng thực hiện theo các văn bản của Chính phủ và của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ như: người bị tinh giản không đủ điều kiện quy định; Nghị định 113/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019 và kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách năm 2019; Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 30/11/2018 của HĐND tỉnh Bình Dương về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Chính sách hỗ trợ này được thực hiện kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2018 có sự chênh lệch về chế độ, mức hỗ trợ đối với người trong diện tinh giản trước và sau khi các văn bản này có hiệu lực…Các khó khăn khác như việc làm, thu nhập của những người bị tinh giản…cũng ảnh hưởng đến quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cấp cơ sở huyện Dầu Tiếng
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Huyện Dầu Tiếng và trực tiếp là chính quyền cấp xã đã thực hiện nhanh các thủ tục để những người nghỉ việc được hưởng chế độ chính sách sớm nhất có thể để ổn định cuộc sống. Phương châm là giải quyết chế độ chính sách theo hướng có lợi nhất cho người thuộc diện tinh giản do sắp xếp tổ chức bộ máy. Ngoài ra các địa phương còn chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ cho những người thuộc diện tinh giản (ví dụ: xã Định Thành tạo quỹ “tinh giản” từ vận động cán bộ, công chức đóng góp tiền tăng thu nhập hằng năm; xã Long Hoà, An Lập lấy từ nguồn quỹ tiết kiệm chi của địa phương; một số địa phương vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp…). Các hoạt động hỗ trợ khác như giới thiệu việc làm, hợp đồng làm việc lại từ nguồn kinh phí khoán những trường hợp đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí việc làm mà địa phương thực sự cần. Những hoạt động hỗ trợ này đã góp phần đảm bảo quyền lợi và giải quyết những khó khăn cho những người đã ra khỏi bộ máy và tạo niềm tin cho những người còn ở trong bộ máy yên tâm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được huyện chú trọng thực hiện thường xuyên; đồng thời thực hiện sơ kết từng giai đoạn để kịp thời phát hiện và định hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng nói chung và hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng nói riêng.
Ba là, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Huyện Dầu Tiếng chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải đồng bộ trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương gắn với vị trí việc làm đã được phê duyệt; tạo thuận lợi cho việc thực hiện các chức danh kiêm nhiệm, bố trí công chức phù hợp với yêu cầu đảm nhiệm nhiều việc làm khác nhau, do đó đạt được mục tiêu tinh giản biên chế.
Thực hiện tinh giản biên chế gắn với chọn lọc, tuyển dụng, thu hút người có đức, có tài; đảm bảo trong bộ máy vừa có tính kế thừa vừa có những nhân tố mới có sức trẻ, có năng lực sáng tạo để làm động lực cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng luôn gắn với cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án tổ chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại UBND các xã, thị trấn đạt hiệu quả cao và ngày càng được hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và con người. Các thủ tục hành chính và văn bản có liên quan được niêm yết công khai góp phần giảm thời gian của cả người dân, tổ chức và cán bộ, công chức. Đây cũng là điều kiện quan trọng để bộ máy hoạt động hiệu quả sau khi thực hiện tinh giản biên chế.
Tóm lại, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương, Đề án số 02-ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện uỷ Dầu Tiếng, hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng nói chung và hệ thống chính trị cơ sở nói riêng đã thực hiện mô hình kiêm nhiệm, giảm nhiều chức danh cấp trưởng, tinh giản biên chế làm cho bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn. Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đã đảm bào dân chủ, khách quan, bám sát thực tiễn của dịa phương, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân. Kết quả đạt được mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Trong thời gian tới Dầu Tiếng cần tập trung với quyết tâm chính trị cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 02-ĐA/HU nói chung và mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở huyện Dầu Tiếng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nói riêng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện uỷ Dầu Tiếng, Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 18,19 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII;
2. Huyện uỷ Dầu Tiếng, Kế hoạch số 55-KH/HU ngày 29/3/2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
3. Huyện uỷ Dầu Tiếng, Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
4. Huyện uỷ Dầu Tiếng, Kế hoạch số 82-KH/HU về tuyên truyền thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU và Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương;
5. Ủy ban nhân dân xã An Lập, Báo cáo kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng
6. Ủy ban nhân dân xã Định Thành, Báo cáo kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng
7. Ủy ban nhân dân xã Long Hoà, Báo cáo kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng
8. Ủy ban nhân dân xã Minh Hoà, Báo cáo kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Đề án số 02-ĐA/HU ngày 19/9/2018 về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
Hình ảnh Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại UBND xã Minhh Hoà
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở đi nghiên cứu thực tế về quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở xã Long Hoà, Dầu Tiếng
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở đi nghiên cứu thực tế về quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở xã Định Thành, Dầu Tiếng
ThS. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Phòng Nội vụ huyện Dầu Tiếng ban hànhcông văn số 49/PNV-XDCQ ngày 09 tháng 7 năm 2019 về việc báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND