Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và những kiến nghị
I. NHẬN THỨC LÝ LUẬN VỀ BẦU CỬ Ở VIỆT NAM
Quyền bầu cử là một thành tố rất quan trọng của dân chủ, vì bảo đảm quyền lực và sự tham gia của người dân trong việc thiết lập bộ máy nhà nước và lựa chọn đường lối, chính sách phát triển của đất nước. Đây là một quyền chính trị cơ bản theo luật nhân quyền quốc tế, được ghi nhận, bảo vệ trong Hiến pháp và luật của các quốc gia, được bảo đảm thực hiện bằng các cơ chế pháp lý khác nhau, bao gồm cơ chế tư pháp.
Xét theo nghĩa rộng, quyền bầu cử bao gồm hai quyền chính là quyền bỏ phiếu (quyền chủ động), và quyền ứng cử (quyền thụ động). Khi nói đến bầu cử như một quyền của công dân tức là đồng thời nhấn mạnh đến các nghĩa vụ pháp lý của nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc tôn trọng, bảo vệ và hỗ trợ công dân thực thi các quyền này.
Bầu cử dân chủ tại Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện năm 1946, ngay sau khi đất nước giành độc lập (năm 1945). Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã đề nghị một trong những nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là cuộc bầu cử đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra chỉ sau hơn 4 tháng nước nhà được độc lập.
Kể từ đó đến nay, đã có 14 cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ở Việt Nam, cụ thể như sau:
Stt
|
Nhiệm kỳ bầu cử
|
Ngày bầu cử
|
Số lượng đại biểu được bầu
|
1
|
Quốc hội khóa I (1946-1960)
|
06/01/1946
|
333
|
2
|
Quốc hội khóa II (1960-1964)
|
08/5/1960
|
362 (gộp với 91 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm)
|
3
|
Quốc hội khóa III (1964-1971)
|
26/4/1964
|
366 (gộp với 87 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm)
|
4
|
Quốc hội khóa IV (1971-1975)
|
11/4/1971
|
420
|
5
|
Quốc hội khóa V (1975-1976)
|
06/4/1975
|
424
|
6
|
Quốc hội khóa VI (1976-1981)
|
25/4/1976
|
492
|
7
|
Quốc hội khóa VII (1981-1987)
|
26/4/1981
|
496
|
8
|
Quốc hội khóa VIII (1987-1992)
|
19/4/1987
|
496
|
9
|
Quốc hội khóa IX (1992-1997)
|
19/7/1992
|
395
|
10
|
Quốc hội khóa X (1997-2002)
|
20/7/1997
|
450
|
11
|
Quốc hội khóa XI (2002-2007)
|
19/5/2002
|
498
|
12
|
Quốc hội khóa XII (2007-2011)
|
20/5/2007
|
493
|
13
|
Quốc hội khóa XIII (2011-2016)
|
22/5/2011
|
500
|
14
|
Quốc hội khóa XIV (2016-2021)
|
22/5/2016
|
500
|
II. THỰC TIỄN CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021
Tại Điều 27 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 kế thừa các quy định về bầu cử đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, bao gồm các quy định về độ tuổi bầu cử, ứng cử, về quyền bầu cử và các nguyên tắc bầu cử...
Để thi hành chế định bầu cử trong Hiến pháp năm 2013, việc đầu tiên là cần thể chế, cụ thể hóa chế định đó trong luật bầu cử. Công việc này đến nay đã được thực hiện khá nhanh chóng với việc Quốc hội thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (thay thế cho hai đạo luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước đây).
Vào ngày 26/5/2016 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng, được Đảng và Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016; là đợt vận động, sinh hoạt dân chủ sâu rộng để sáng suốt lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Để công tác bầu cử tại các địa phương được tổ chức đúng quy định và hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử như: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2016 về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16 tháng 01 năm 2016 về hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chính phủ phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01 tháng 02 năm 2016 về quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/TT-BNV ngày 01 tháng 02 năm 2016 về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2016 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử; Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số 151/KH-BTTTT ngày 15 tháng 01 năm 2016 về thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử; Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 564/KH-TTCP ngày 24 tháng 3 năm 2016 về kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kế hoạch số 634/KH-TCCP ngày 30 tháng 3 năm 2016 về phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cuộc bầu cử; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn số 82/HD-BTĐKT ngày 20 tháng 01 năm 2016 thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức bầu cử; đồng thời các Bộ, ngành Trung ương đã kịp thời có nhiều văn bản hướng dẫn và trả lời các địa phương về công tác bầu cử.
* Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Theo số liệu thống kê, cả nước có 67.485.482 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri, đạt tỷ lệ 99,35%. Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22-5-2016 và bầu cử thêm ngày 29-5-2016 ở Thành phố Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu bốn đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu); trong đó, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (đạt 36,70%); đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 312 người (đạt 62,90%). Cơ cấu kết hợp như sau: Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (đạt 17,30%); Phụ nữ: 133 người (đạt 26,80%); đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (đạt 4,20%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (đạt 14,30%)...
Về bầu cử đại biểu HĐND các cấp, số lượng đại biểu HĐND từng cấp trúng cử như sau: Cấp tỉnh, 3.908 người; cấp huyện, 25.181 người; cấp xã: 292.306 người. Về bầu cử thêm: Có hai đơn vị bầu cử của Thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm hai đại biểu Quốc hội. Không có bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp tỉnh; có ba đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở ba tỉnh và 642 đơn vị bầu cử thuộc 538 xã của 33 tỉnh, thành phố tổ chức bầu thêm 1.285 đại biểu HĐND cấp xã...
Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu QH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu, kết quả không công nhận tư cách hai đại biểu. Như vậy, có 494 đại biểu trúng cử, được công nhận đủ tư cách đại biểu QH khóa XIV; cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện, 292.305 đại biểu HĐND cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
* Theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này cũng có những hạn chế nhất định, cụ thể:
- Thứ nhất, là việc chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến, vẫn có trường hợp sau khi trúng cử, không đủ tư cách đại biểu Quốc hội; vẫn còn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu; vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay.
- Thứ hai, một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Thứ ba, một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa đạt được như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng; nhiều người do Trung ương giới thiệu không trúng cử ở một số tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Phú Yên.
- Thứ tư, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất, có nơi tổ chức ít, có nơi tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc gây tâm lý cho người ứng cử.
- Thứ năm, một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan trung ương chậm được ban hành, thiếu thống nhất; một số biểu mẫu thống kê có sự điều chỉnh bổ sung chậm đã gây khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai, thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương.
- Thứ sáu, công tác tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia bỏ phiếu bầu cử còn chưa thường xuyên, nhiều cử tri chưa nắm rõ quy định của pháp luật về bầu cử nên còn lúng túng trong việc nhận thức, hiểu chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử.
- Thứ bảy, việc lập, rà soát danh sách cử tri chưa chặt chẽ, khoa học dẫn đến số liệu, danh sách cử tri chưa chính xác, biến động tăng, giảm ở thời điểm sát ngày bầu cử, ảnh hưởng đến việc phân chia khu vực bỏ phiếu, cấp thẻ cử tri, in tài liệu và phiếu bầu.
III. NHỮNG KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ THỰC TẾ TỔ CHỨC CÁC CUỘC BẦU CỬ
Để đạt được hiệu quả, chất lượng và thực chất của các cuộc bầu cử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu để hoàn thiện, sửa đổi một số quy định, pháp luật về bầu cử còn chưa hợp lý và cần sớm khắc phục những hạn chế đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua nhằm thi hành hiệu quả và đầy đủ các quy định về bầu cử trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
1. Việc pháp luật chưa thừa nhận tranh cử mà chỉ có vận động bầu cử dẫn tới một số ứng viên không có các chương trình hành động cụ thể, hoặc có chương trình hành động sơ sài, khiến cho cử tri khó nắm bắt thông tin về ứng cử viên, trình độ, khả năng và cam kết của ứng viên để cử tri đưa ra những lựa chọn xác đáng về những đại biểu sẽ đại diện cho mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “bỏ lọt” một số đại biểu không xứng đáng hoặc không đủ điều kiện như đã xảy ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV này. Vì vậy, cần phải sớm nghiên cứu vấn đề tranh cử để luật hóa và vận dụng một cách hợp lý với thực tiễn của đất nước nhằm tạo ra hiệu quả, chất lượng tốt nhất của các cuộc bầu cử.
2. Luật bầu cử hiện chưa có quy định về việc bỏ phiếu từ nước ngoài. Trong thực tế, chưa tổ chức bầu cử cho công dân ở nước ngoài, ngoại trừ cho một số cán bộ và người Việt Nam đang công tác, làm việc tại cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở một số nước. Điều này có thể coi là sự hạn chế quyền hiến định về bầu cử của cử tri là công dân Việt Nam đang học tập, lao động, công tác tại nước ngoài. Kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu quy định vấn đề này để đảm bảo quyền hiến định của mọi công dân về bầu cử.
3. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chưa phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người ứng cử đại biểu Quốc hội (trong trường hợp nào thì do Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết, trường hợp nào do Ủy ban bầu cử giải quyết) và đối với khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý (như trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã bị tố cáo, nếu Ban bầu cử cấp xã giải quyết dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, mặt khác còn vướng quy định của Luật tố cáo là trong trường hợp này do Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết).
Vì vậy, cần phải phân định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người ứng cử Đại biểu Quốc hội, theo đó Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan nhân sự ứng cử là cán bộ do Trung ương giới thiệu và nhân sự do địa phương giới thiệu nhưng thuộc diện Trung ương quản lý; Ủy ban bầu cử cấp tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với nhân sự do địa phương giới thiệu còn lại.
4. Hoạt động bầu cử được tổ chức dân chủ, công bằng, đúng pháp luật. Yếu tố quan trọng nhất của công tác bầu cử là chất lượng đại biểu, do đó, công tác hiệp thương cần có những sửa đổi phù hợp để đảm bảo lựa chọn được những đại biểu xứng đáng nhất, phát huy được tính tích cực, chủ động của người dân. Thành phần hội nghị hiệp thương cần có sự bình đẳng giữa đại diện một số tổ chức, cơ quan tham gia và các tổ chức, cơ quan không được tham gia. Cần chấm dứt tình trạng, một số nơi xem hiệp thương như là quá trình “tiền bỏ phiếu”, quyết định đến 70%, cử tri chỉ còn 30% - điều mà trái với nguyên tắc bầu cử quy định trong Hiến pháp.
5. Cần nâng cao tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong danh sách chính thức, tăng số dư để cử tri có sự lựa chọn tương thích và phù hợp. Quy định về số dư người ứng cử cần giống nhau để hạn chế tình trạng thiếu sự bình đẳng về khả năng trúng cử giữa các ứng cử viên, giữa ứng cử viên đại biểu ở các đơn vị bầu cử có số lượng đại biểu được bầu khác nhau.
6. Cần bổ sung quy định về điều kiện ứng cử của người Việt Nam ở nước ngoài, nỗ lực tổ chức bầu cử cho những công dân Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có biện pháp đảm bảo quyền bầu cử và ứng cử của các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn, thiết kế loại phiếu riêng cho những người khiếm thị, người không biết chữ.
7. Cần cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin liên quan đến các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử, để cử tri có khà năng quyết định bầu cho những người mà họ tin tưởng và thấy xứng đáng đại diện cho họ. Việc vận động bầu cử và chương trình hành động của các ứng cử viên cần phải là một trong những căn cứ để cử tri quyết định lựa chọn đại biểu.
Tóm lại: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng, là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, là dịp để nhân dân tham gia trực tiếp vào việc xây dựng chính quyền các cấp ở địa phương thực sự trong sạch, vững mạnh.
Năm 2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2025 được tổ chức cùng một ngày 23 tháng 5 năm 2021 trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2021.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 năm 2016 của Hội đồng bầu cử Quốc gia.
2. Hiến pháp năm 2013;
3. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thi hành Hiến pháp năm 2013 - Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2019;
4. Luật tổ chức Quốc hội năm 2014;
5. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015;
6. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
7. Nghị quyết số 617,NQ-HĐBCQG ngày 08/6/2016 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV./.
ThS. Mai Văn Bằng - Giảng viên khoa Nhà nước & Pháp luật
Nguồn: Báo cáo Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 năm 2016 của Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Nguồn: Báo cáo Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 năm 2016 của Hội đồng bầu cử Quốc gia.