Nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài liệu của học viên trong học tập các môn lý luận chính trị
Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cuả người học thông qua hệ thống các môn như: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Xây dựng Đảng, … Đây là các môn khoa học xã hội mang tính tổng hợp với hệ thống tri thức trải rộng trên nhiều lĩnh vực, mang tính trừu tượng hóa, khái quát hóa và tính thực tiễn cao. Vì vậy, việc giảng dạy và học tập hiệu quả các môn học này đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau. Một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng học tập các môn học này là việc học viên phải biết sử dụng các tài liệu học tập trước, trong và sau giờ lên lớp. Đây cũng chính là một trong những hình thức học tập tự giác, độc lập của học viên với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên.
Tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị rất đa dạng, phong phú, từ những nguồn tài liệu bắt buộc như các giáo trình, đến những tài liệu truyền thống như sách, báo, tạp chí, tiểu luận và các nguồn tài liệu hiện đại khác như các trang thông tin điện tử, sách điện tử, mạng xã hội, … đã và đang đem lại cho người học những khối lượng thông tin rất lớn. Học qua tài liệu giúp học viên phát triển kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng tra cứu tài liệu, kỹ năng đọc, phân tích, tổng hợp kiến thức. Đặc biệt hình thức học này còn giúp học viên chủ động học theo tốc độ riêng tùy thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy các môn lý luận chính trị cho thấy, có không ít học viên học qua tài liệu chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản nhất đó là đọc tài liệu một cách thụ động theo yêu cầu của giảng viên. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao hiệu quả việc học tập qua tài liệu của học viên trong các môn lý luận chính trị thực sự là một hình thức học tập bổ ích, hiệu quả, phát huy được tính tích cực, chủ động của học viên. Để giải quyết được thực trạng trên, với vai trò là một giảng viên và đã từng học qua chương trình lý luận chính trị, tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, học viên cần biết lựa chọn những tài liệu phù hợp để tiếp cận.
Từ sự hướng dẫn của giảng viên, học viên cần lựa chọn những nguồn tài liệu vừa sức, phù hợp với trình độ, sát với kiến thức của bài học và chương trình học nhằm giúp học viên dễ tiếp thu hơn những kiến thức có trong tài liệu này. Đồng thời, học viên cũng cần phải lắng nghe và tiếp cận những thông tin trái chiều để có cách phòng, tránh những cái sai, cái độc hại, cái không có ích. Đôi khi, cần phải tìm hiểu thông tin về những luận điệu xuyên tạc, chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch để từ đó, chúng ta có được phương thức phản biện, đấu tranh cho phù hợp và nâng cao bản lĩnh chính trị cho bản thân.
Hình ảnh minh họa (Ảnh: Trần Cảnh)
Thứ hai, học viên cần thực hiện một số yêu cầu khi tiếp cận tài liệu như:
- Tìm kiếm những thông tin thú vị, tâm đắc khi tiếp cận một tài liệu cụ thể và có thể xin được trình bày những thông tin đó ngay trong tiết học trên lớp.
- Tìm hiểu và nêu ra những thông tin cụ thể nào đó trong tài liệu gắn với trọng tâm bài học, môn học đó.
- Thảo luận, nhận xét, đánh giá những luận điểm nêu ra trong tài liệu, so sánh với các tài liệu khác để rút ra kết luận.
- Trình bày trước tập thể những phát hiện và những kết luận của mình, những vấn đề được yêu cầu và đưa ra ý kiến của mình trước kết luận của các thành viên khác.
Thứ ba, thực hiện một số kỹ thuật khi tiếp cận tài liệu. Mỗi học viên có những đặc điểm tâm lý, trình độ, năng lực, khả năng tiếp cận tài liệu khác nhau và cách đọc cũng khác nhau. Vì vậy sẽ không có một cách khai thác tài liệu hiệu quả nhất cho tất cả mọi người. Tuy nhiên cũng có một số kỹ thuật có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng học viên như sau:
- Bước 1: Khảo sát tài liệu. Ở bước này người đọc chỉ cần tìm hiểu tài liệu một cách khái quát và chú ý đến nội dung và bố cục của tài liệu. Những nội dung này thường thể hiện trong tên và mục lục của tài liệu.
- Bước 2: Đặt câu hỏi. Trước khi đọc kỹ từng phần, hãy dừng lại và đặt câu hỏi: Cái gì đang được đề cập đến trong tài liệu này? Ta cần tìm thông tin gì trong tài liệu này?.
- Bước 3: Đọc kỹ từng phần và trả lời những câu hỏi đã đặt ra ở Bước 2 và giải quyết những vấn đề của giảng viên yêu cầu.
- Bước 4: Kiểm tra. Sau khi đọc xong mỗi phần của tài liệu cần kiểm tra lại toàn bộ, chú ý đến bố cục nội dung tài liệu, ý đồ của tác giả.
- Bước 5: Tổng kết lại. Cuối mỗi phần, mỗi chương, mỗi mục của tài liệu nên dừng lại để chốt những điểm chính.
- Bước 6: Nhận xét và rút ra kết luận. Sau khi xác định được những thông tin cần tìm, cần đưa ra những đánh giá của cá nhân về những thông tin trong tài liệu và rút ra những kết luận cần thiết.
Sự phát triển không ngừng của nền văn minh nhân loại, đặc biệt là sự bùng nổ công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận những nguồn tài liệu khổng lồ phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu nói chung và học tập các môn lý luận chính trị nói riêng. Trong nguồn thông tin phong phú và đa dạng đó có cả những luồng thông tin độc hại phần nào ảnh hưởng đến nhận thức của con người. Vì vậy khi tiếp cận bất kỳ nguồn tài liệu nào, mỗi học viên cần quan tâm đến nội dung, mục đích của tài liệu đó và có sự chắt lọc những thông tin từ những nguồn chính thống. Các môn học lý luận chính trị là các môn mang tính Đảng một cách sâu sắc và có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng cho mọi người nhận thức đúng đắn và niềm tin vào lý tưởng cộng sản, vào con đường và biện pháp do Đảng vạch ra, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên trang bị đầy đủ, toàn diện hơn, có sự hiểu biết sâu sắc hơn tri thức lý luận chính trị; giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin vào tương lai của dân tộc, của cách mạng, lý tưởng cộng sản; làm cho cán bộ, đảng viên tự tin hơn trong công tác; là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trong những năm qua, việc học tập môn học này còn nhiều hạn chế, sự thiếu quan tâm của một bộ phận không nhỏ học viên cũng phần nào bắt nguồn từ nguyên nhân học viên chưa tìm ra phương pháp học tập một cách hiệu quả. Vì vậy, vấn đề sử dụng tài liệu như thế nào cho hiệu quả cũng cần phải đặt lên hàng đầu, chắc chắn nó sẽ trở nên phổ biến trong nền giáo dục hiện đại, trong đó có quá trình dạy và học các môn khoa học lý luận chính trị.
Trong bài viết này, tác giả chỉ đưa ra một số giải pháp mang tính chất khái quát góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu cho học viên khi học tập các môn lý luận chính trị. Vấn đề này cần được quan tâm, nghiên cứu một cách chi tiết, quy mô và có hệ thống hơn nữa nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên./.
@ThS. Trần Cảnh - Phòng NCKH-TT-TL