Nhiệm vụ giữ gìn và phát triển phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam – Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa ...
Nhiệm vụ giữ gìn và phát triển phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam – Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh
Sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn vì mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương giàu đẹp, văn minh đang trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó cần phát huy, phát triển những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam; cần có một nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó người phụ nữ mới phải có trí tuệ cao, có kỹ năng lao động giỏi, có nhân cách và đạo đức tốt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương phụ nữ chiếm 51.72% dân số và 51.14% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong những năm qua với khẩu hiệu: phụ nữ Bình Dương “Tự tin – Học tập – Vươn lên – Phát triển” đã có những đóng góp rất to lớn vào quá trình phát triển của tỉnh nhà.
1. Truyền thống và những đóng góp to lớn của phụ nữ Bình Dương qua các thời kỳ
Khi đất nước có chiến tranh, với truyền thống yêu nước, thương nòi, yêu độc lập, tự do, phát huy truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Thủ Dầu Một – Bình Dương đã kề vai sát cánh với đồng bào chống giặc bằng mọi hình thức: vườn không, nhà trống, bất hợp tác với giặc, thông báo tin tức về địch, tiếp tế cho bộ đội. Không chỉ tham gia trực tiếp cầm súng đánh giặc, các dì, các mẹ còn là những người làm công tác binh vận hiệu quả. Các phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp lẫn bí mật, bất hợp pháp trong tỉnh đều có sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ từ nông thôn, đồn điền đến thị xã, thị trấn đòi dân chủ, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Trong giai đoạn này các dì, các mẹ còn tích cực hưởng ứng chống giặc dốt, phong trào xây dựng đời sống mới. Chính các phong trào đấu tranh sôi nổi đã là trường học đào tạo ra nhiều cán bộ phụ nữ nòng cốt, tô điểm thêm hình ảnh “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Bình Dương nói riêng. Qua nhiều năm chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân trong tỉnh chịu nhiều hi sinh mất mát về người và của, ruộng đất bị hoang hóa đầy hố bom, pháo đạn, mìn, không phát triển được sản xuất, người dân đều nghèo khổ, bệnh tật. Cùng với nhân dân cả tỉnh, phụ nữ Bình Dương bước vào thời kỳ mới với vai trò là lực lượng quần chúng đông đảo tích cực tham gia hàng loạt công tác để khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố và xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Song song với kết quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, phụ nữ toàn tỉnh đã có sự đóng góp to lớn trên các mặt văn hóa, xã hội. Phụ nữ tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động trong từng gia đình, xóm ấp, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ khắp nơi, phong trào bảo vệ bà mẹ, trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng được lan tỏa rộng rãi.
Tiếp bước truyền thống anh hùng của “đội quân tóc dài” trong chiến tranh, trong không khí đổi mới của đất nước để đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh đã thôi thúc chị em phụ nữ phải tự giác học tập, nâng cao kiến thức, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng cho gia đình, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đồng thời góp phần củng cố, nâng cao địa vị phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Về chính trị, thông qua việc tham gia trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng 25,71%; cấp huyện tăng 26,54%; cấp xã tăng 28,77%.Về kinh tế, phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc, kể cả những lĩnh vực trước đây chỉ dành riêng cho nam giới. Sự đóng góp của đội ngũ đội ngũ cán bộ nữ khoa học, lao động nữ trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế; nhiều chị em đã phấn đấu vươn lên, giữ nhiều cương vị chủ chốt trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Về giáo dục, trình độ học vấn của nữ giới trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Số nữ thạc sỹ, cử nhân tăng theo từng năm, nhiều học sinh, sinh viên nữ đỗ thủ khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia. Phụ nữ các địa phương trong tỉnh đã tích cực tham gia học tập bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ và luôn chăm lo đến việc học tập của con, góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong nền giáo dục tỉnh nhà. Về xây dựng gia đình, phụ nữ giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình, đảm đang gánh vác việc nước, việc nhà, là lực lượng chính để xây dựng và bảo vệ tổ ấm gia đình. Chị em đã thể hiện rõ nét trong vai trò xây dựng gia đình theo chuẩn mực no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình.
2. Những yếu tố tác động và yêu cầu đặt ra đối với việc giữ gìn, phát triển phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam - Bình Dương trong giai đoạn hiện nay
2.1. Những yếu tố tác động đối với việc giữ gìn và đối với việc giữ gìn, phát triển phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam - Bình Dương trong giai đoạn hiện nay
- CNH, HĐH cũng đang chuyển một số lượng lớn diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng khu công nghiệp và đô thị hóa, ảnh hưởng lớn tới một bộ phận dân cư, trong đó phụ nữ chịu tác động nhiều hơn. Đa số phụ nữ lớn tuổi chuyển đổi nghề bằng công việc buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, “chạy chợ” lo kiếm sống, thời gian chăm lo cho bản thân, học hỏi, nâng cao hiểu biết ngày càng ít; một bộ phận phụ nữ trẻ thiếu đất sản xuất ra thành phố kiếm sống cũng dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội, dễ trở thành đối tượng nghiện hút, mại dâm, buôn bán ma túy, môi giới mại dâm… làm băng hoại phẩm chất, đạo đức truyền thống.
- CNH, HĐH cũng thu hút một bộ phận khá lớn nam giới đi ra thành phố, khu công nghiệp kiếm việc. Không ít nam giới cũng rơi vào các tệ nạn xã hội, nhất là nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS, đem về truyền sang vợ con… đã làm cho nhiều gia đình kiệt quệ về kinh tế, tan nát về tình cảm… Người phụ nữ tiếp tục phải hy sinh, mất mát để “giải cứu” những người thân, thậm chí họ còn bị xã hội lên án gay gắt một cách bất công do đã để chồng con rơi vào tình trạng tệ nạn. Đó là thách thức không nhỏ đặt ra đối với một bộ phận phụ nữ hiện nay. Muốn bảo đảm cuộc sống và hạnh phúc gia đình, người phụ nữ phải có ý thức phát huy tinh thần đảm đang, phải năng động, sáng tạo phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời phải có hiểu biết, lòng yêu thương giúp chồng, con phòng ngừa tệ nạn xã hội.
- Tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình cũng đang bị khúc xạ bởi lợi nhuận, đồng tiền trong nền kinh tế thị trường. Đã không ít tình trạng bạo lực, đổ máu, nhẹ hơn là không nhìn mặt nhau giữa những người thân, hàng xóm… cũng diễn ra. Không ít giá trị truyền thống dân tộc đang biến dạng trước sự tấn công của cơ chế thị trường. Mối quan hệ giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, anh - em… đang xuống cấp ở nơi này, nơi khác. Lòng tốt của con người nhiều lúc trở nên lạc lõng trước nhiều vấn nạn hiện nay. Một bộ phận phụ nữ sống thiếu lý tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội, cộng đồng; một bộ phận nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.
- Cơ chế thị trường tạo ra cho nhiều gia đình có thu nhập khá giả, nhưng tình trạng trẻ em hư lại gia tăng trong các gia đình đó. Sự lỏng lẻo của gia đình thời nay, sự cám dỗ của nhiều tệ nạn xã hội là thách thức trong việc giáo dục con cái của nhiều gia đình… đang đè nặng lên đôi vai người phụ nữ. Sự cạnh tranh quyết liệt của kinh tế thị trường đòi hỏi người lao động có kỹ năng và trình độ. Do vậy, phụ nữ cũng phải đầu tư thời gian cho việc học tập nâng cao năng lực. Đồng thời, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ phải mất 5 - 6giờ/ngày cho công việc gia đình, điều này dẫn đến tình trạng người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã phải lao động quá mức độ cho phép. Mặc dù kinh tế gia đình đã khá hơn trước đây, nhưng áp lực công việc xã hội cùng trách nhiệm đối với gia đình (dạy con cái, chăm sóc người già, nội trợ...) khiến cho việc thực hiện chức năng “kép” của phụ nữ hiện đại ngày càng khó khăn hơn... Nhận thức của một bộ phận phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ; tình trạng ngoại tình, ly hôn có chiều hướng gia tăng; lối sống thiếu văn hoá, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang là vấn đề đáng lo ngại.
- Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, một số phụ nữ đề cao giá trị cá nhân, xem nhẹ giá trị cộng đồng. Tính ích kỷ cá nhân, chủ nghĩa thực dụng của phương Tây đang xâm lấn những giá trị truyền thống. Một số phụ nữ có quan niệm: lấy chồng nhưng không có nghĩa là phải làm dâu; họ muốn sống riêng để được tự do, độc lập; trách nhiệm của họ là kiếm nhiều tiền thuê “ôsin” chăm sóc bố mẹ là đủ; quan hệ họ hàng, thân tộc, những người xung quanh là nhiệm vụ của những thế hệ già, còn thế hệ trẻ có nhiệm vụ lo kiếm tiền, do vậy tình cảm gia đình, dòng tộc cũng bị xem nhẹ, mờ nhạt…
2.2. Yêu cầu đặt ra đối với việc giữ gìn và đối với việc giữ gìn, phát triển phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam - Bình Dương trong giai đoạn hiện nay
- Quá trình CNH, HĐH đất nước gắn với kinh tế tri thức luôn đòi hỏi người lao động phải quan tâm hàng đầu về phẩm chất trí tuệ. Thiếu trí tuệ, thiếu tri thức thì không một dân tộc, quốc gia, cá nhân nào có thể phát triển và tự khẳng định được. Phụ nữ nước ta tham gia đông đảo vào quá trình sản xuất công nghiệp, do vậy, để đáp ứng được yêu cầu nền sản xuất này, phụ nữ phải có trí tuệ, có trình độ học vấn, kiến thức cao. Phẩm chất này giúp cho người phụ nữ tham gia một cách chủ động vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với những tri thức, thành tựu khoa học, công nghệ mới của thế giới, có kiến thức phong phú, liên ngành nhưng lại chuyên sâu về công việc chuyên môn. Chỉ có trí tuệ cao, phụ nữ mới có thể góp phần sáng tạo khoa học, công nghệ, ứng dụng nó vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao trong lao động.
- Toàn cầu hóa về kinh tế đang kéo theo sự hội nhập, giao lưu về văn hóa, lối sống. Do vậy, tiếp cận, hội nhập với nền văn hóa thế giới đối với Việt Nam là một tất yếu khách quan, nhưng yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phụ nữ Việt Nam cùng với dân tộc là những người tham gia sáng tạo ra nền văn hóa mới mang đậm bản sắc dân tộc và phản ánh được tính thời đại; vừa là người giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng nhân nghĩa, khoan dung, vị tha, trên tinh thần trân trọng học tập, tiếp thu những giá trị văn hóa mới, những phẩm chất, đạo đức mới của thời đại.
- Yêu cầu của xã hội hiện đại đối với việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam hiện nay. Phụ nữ vừa là thành viên của gia đình lại luôn được coi là “linh hồn”, là “trung tâm” của gia đình; họ vừa là một công dân, là một thành viên của tổ chức nhất định, là thành viên của cộng đồng dân cư… Người phụ nữ có nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp, do vậy, người phụ nữ rất cần có lối sống văn hóa, sống đẹp, sống tốt, có lòng nhân hậu. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện chức năng “kép” của phụ nữ càng khó khăn hơn bởi gia đình Việt Nam đang bị tác động rất nhiều yếu tố thuận chiều, nghịch chiều. Trong khi, tính chất công việc đòi hỏi phụ nữ phải dành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc sản xuất, kinh doanh, lao động chuyên môn…
3. Nhiệm vụ giữ gìn và phát triển phẩm chất đạo đức, truyền thống của phụ nữ Việt Nam - Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh
Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh đòi hỏi mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ, phải tự “nâng mình lên” ngang tầm thời đại. Nghị quyết 11 - NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị đã nêu rõ các nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phụ nữ, đây cũng có thể xem như những nhiệm vụ cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy phẩm chất, đạo đức năng lực của người phụ nữ Việt Nam – Bình Dương trong giai đoạn này.
3.1. Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới
- Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội.
- Các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
- Hội LHPN Việt Nam tỉnh, UBQGVSTBPN Việt Nam của tỉnh phấn đấu làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện các giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới.
3.2. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ
- Triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ.
- Có cơ chế để Hội LHPN Việt Nam tỉnh chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển của địa phương.
- UBNDTỉnh cần phối hợp với các ban ngành ban hành một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.
3.3. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu
- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
- Coi trọng công tác tư vấn, hòa giải mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình.
- Có các chính sách cơ bản nhằm nhằm phát triển gia đình Việt Nam thời kỳ CHN, HĐH theo tiêu chí "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc".
- Nghiên cứu và thực hiện việc giáo dục, xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc" và giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH.
3.4. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
3.5. Xây dựng, củng cố Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ tỉnh xuống cơ sở thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ
- Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội LHPN.
- Các cấp Hội LHPN Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng "hành chính hóa", hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, chăm lo thiết thực quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phương pháp vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Tóm lại, Việc nghiên cứu, tìm hiểu những yêu cầu đối với vấn đề giữ gìn và phát triển phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam – Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh là việc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tuy nhiên, xác định chuẩn mực đạo đức người phụ nữ hiện nay đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử cụ thể. Mỗi phẩm chất đặt ra không phải là cố định, vĩnh viễn mà luôn vận động đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Phụ nữ, H. 2017.
2. Văn kiện Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016- 2021.
3. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương: Phụ nữ Bình Dương 30 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, ST. 2005.
4. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị ( 10-1930)
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.523.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.289.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI
8. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS. Vũ Thị Yến - Khoa Dân vận
Bài viết đã được đăng trong Hội thảo khoa học của BTG Tỉnh ủy