Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Bàu Bàng
Huyện Bàu Bàng được thành lập theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ và Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 13/02/2014 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/04/2014. Huyện Bàu Bàng có diện tích tự nhiên 34.002,11 ha (340,02 km2), dân số 106.507 người với 07 đơn vị hành chính cấp cơ sở, bao gồm: thị trấn Lai Uyên, các xã Long Nguyên, Lai Hưng, Trừ Văn Thố, Cây Trường, Tân Hưng, Hưng Hòa, với 43 ấp và khu phố. Địa giới hành chính phía Đông giáp huyện Phú Giáo; phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng; phía Nam giáp thị xã Bến Cát của tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp huyện Chơn Thành của tỉnh Bình Phước.
Huyện Bàu Bàng được thành lập trong bối cảnh chung hết sức khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu; tình hình biển Đông và một số khu vực trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm khó dự báo. Tuy nhiên, trong “giai đoạn 2016 – 2020, ngành công nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện đạt 73.165,11 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 21,31%”, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp. Tính đến 31/12/2020, huyện Bàu Bàng “đã thu hút được 212 dự án đăng ký mới và 20 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đăng ký là 1.618 tỷ 250 triệu đồng và 263,15 triệu USD. Tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay là 1.153 dự án, trong đó: đầu tư trong nước là 954 dự án với tổng số vốn đăng ký 31.149 tỷ 964 triệu đồng, đầu tư nước ngoài là 199 dự án với tổng số vốn đăng ký là 03 tỷ 520,11 triệu USD”.
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng kinh tế tập thể mà nòng cốt là các Hợp tác xã của huyện Bàu Bàng cơ bản đã có nhiều đổi mới, phát triển ổn định, tạo ra sự chuyển biến mới về chất trong tổ chức, quản lý, nội dung và phương thức hoạt động. Nhiều loại hình kinh tế hợp tác phát triển đa dạng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế; đã xuất hiện một số mô hình hoạt động có hiệu quả, gắn bó chặt chẽ với lợi ích vật chất, tinh thần của xã viên, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Mô hình dưa lưới giống Nhật được trồng trong nhà kính của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu HTP GREEN
Thứ nhất, về Hợp tác xã.
Tính đến hết ngày 31/12/2020, huyện Bàu Bàng có 11 Hợp tác xã bao gồm: Hợp tác xã Đại Đồng Tiến, Hợp tác xã Phước Thạnh, Hợp tác xã Vận tải xây dựng dịch vụ Toàn Năng, Hợp tác xã Vận tải Bàu Bàng, Hợp tác xã Tân Hợp Phát, Hợp tác xã Vận tải sản xuất thương mại du lịch Lai Hưng, Hợp tác xã Đại Lợi, Hợp tác xã Vận tải Minh Anh, Hợp tác xã Phượng Hằng, Hợp tác xã Măng tre Điền Trúc, Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu HTP GREEN. Tổng số thành viên là 81 thành viên. Vốn đầu tư ban đầu là 44 tỷ 675 triệu đồng. Tổng số cán bộ Hợp tác xã là 33 người; tổng số lao động trong Hợp tác xã là 96 ngưởi; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong Hợp tác xã năm 2020 từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.
Các Hợp tác xã hoạt động trên địa bàn huyện được phân theo các ngành nghề kinh doanh như sau: Hợp tác xã Nông nghiệp: 04, Hợp tác xã Xây dựng: 01, Hợp tác xã Vận tải: 05 và Hợp tác xã Môi trường: 01.
Trong năm 2020, trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 01 Hợp tác xã giải thể là Hợp tác xã Trường Phát với 7 thành viên, vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng; 02 Hợp tác xã ngưng hoạt động làm thủ tục giải thể là Hợp tác xã Vận tải sản xuất thương mại du lịch Lai Hưng, Hợp tác xã Vận tải xây dựng dịch vụ Toàn Năng và 02 Hợp tác xã tạm ngưng hoạt động là Hợp tác xã Đại Đồng Tiến, Hợp tác xã Phước Thạnh. Hiện nay các Hợp tác xã còn lại trên địa bàn huyện đều hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh:
- Lĩnh vực nông nghiệp có 02 Hợp tác xã là Hợp tác xã Phượng Hằng và Hợp tác xã măng tre Điền Trúc, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực như thủy lợi, cung ứng vật tư, khuyến nông, làm đất, bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ, nuôi trồng kinh doanh nấm, tiêu thụ nông sản, sản xuất giống, rau an toàn, hoa kiểng các loại. Doanh thu năm 2020 đạt 5.261.000.000 đồng; lợi nhuận 3.261.000.000 đồng; lợi nhuận bình quân của các thành viên năm 2020 là 233.000.000 đồng.
- Lĩnh vực vận tải có 03 Hợp tác xã là Hợp tác xã Tân Hợp Phát, Hợp tác xã Vận tải Minh Anh và Hợp tác xã Vận tải Bàu Bàng. Doanh thu năm 2020 đạt 13.232.000.000 đồng; lợi nhuận 3.942.000.000 đồng; lợi nhuận bình quân của các thành viên năm 2020 là 188.000.000 đồng.
- Lĩnh vực môi trường có 01 Hợp tác xã là Hợp tác xã Đại Lợi. Doanh thu năm 2020 đạt 3.000.000.000 đồng; lợi nhuận: 1.200.000.000 đồng; lợi nhuận bình quân của các thành viên năm 2020 là 171.000.000 đồng.
Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, các Hợp tác xã trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển. Nhiều Hợp tác xã đã ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt và chăn nuối gia súc, gia cầm, làm nòng cốt trong công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh, áp dụng các biện pháp luân canh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mở mang các loại ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm cho xã viên và người lao động, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, củng cố quan hệ kinh tế nông thôn. Một số Hợp tác xã nông nghiệp đã có tích lũy vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; thay các giống cũ vào sản xuất để sớm giải phóng đất trồng các loại hoa màu; đầu tư con giống mới có hiệu quả kinh tế... Các Hợp tác xã này đã có tốc độ phát triển ổn định, bền vững, từng bước thể hiện trên thực tế mô hình Hợp tác xã kiểu mới nhiều triển vọng.
Mô hình dưa lưới giống Nhật được trồng trong nhà kính của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu HTP GREEN
Thứ hai, về Tổ hợp tác.
Huyện Bàu Bàng, tính đến ngày 31/12/2020 có 07 Tổ hợp tác với 61 tổ viên, vốn đầu tư ban đầu là 6 tỷ 684 triệu đồng. Các Tổ hợp tác trên địa bàn huyện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, được phân theo ngành nghề như sau: chăn nuôi 01, trồng trọt 06. Hiện nay cả 07 Tổ hợp tác của huyện đều hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác.
Năm 2020 vừa qua, trên địa bàn huyện thành lập mới 03 Tổ hợp tác với tổng số tổ viên là 24, vốn đầu tư ban đầu 1 tỷ 380 triệu đồng, đó là các Tổ hợp tác: Tổ hợp tác trồng Bưởi, xã Tân Hưng, số tổ viên: 8, vốn đầu tư ban đầu 400 triệu đồng; Tổ hợp tác trồng cây có múi, xã Tân Hưng, số tổ viên: 9, vốn đầu tư ban đầu 480 triệu đồng; Tổ hợp tác cây ăn trái, xã Tân Hưng, số tổ viên: 7, vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng. Cũng trong năm 2020 này, trên địa bàn huyện giải thể 04 Tổ hợp tác là: Tổ hợp tác chăn nuôi gà ấp 2, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác chăn nuôi gà ấp 4, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác chăn nuôi heo, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác cưa xẻ gỗ cao su và đóng pallet, thị trấn Lai Uyên với tổng số 47 tổ viên, vốn đầu tư ban đầu 1.908 triệu đồng.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà kính của Tổ hợp tác ở huyện Bàu Bàng
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh:
- Lĩnh vực chăn nuôi có 01 Tổ hợp tác là Tổ hợp tác sản xuất dịch vụ và chăn nuôi bò sữa, ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng. Doanh thu năm 2020 đạt 495.000.000 đồng; lợi nhuận 180.000.000 đồng; lợi nhuận bình quân của tổ viên năm 2020 là 45.000.000 đồng.
- Lĩnh vực trồng trọt có 06 Tổ hợp tác là Tổ hợp tác Ổi Lê, xã Trừ Văn Thố; Tổ hợp tác sinh vật cảnh, xã Hưng Hòa; Tổ hợp tác trồng cây cảnh, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác trồng Bưởi, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác trồng cây có múi, xã Tân Hưng; Tổ hợp tác trồng cây ăn trái xã, Tân Hưng. Doanh thu năm 2020 đạt 3.220.000.000 đồng; lợi nhuận 630.000.000 đồng; lợi nhuận bình quân của tổ viên năm 2020 là 11.000.000 đồng.
Nhìn chung, các Tổ hợp tác trong thời gian vừa qua đã thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia, qua đó có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà. Hoạt động của các Tổ hợp tác bước đầu đã khơi dậy được tiềm năng to lớn trong nhân dân khi hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể là bảo đảm tính dân chủ, tự nguyện. Mục tiêu hoạt động của các Tổ hợp tác là không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống; cùng nhau hợp tác để giải quyết nhu cầu chung của các thành viên trong việc thúc đẩy sản xuất, tận dụng các nguồn lực trí tuệ, lao động, vốn, kỹ thuật, tài nguyên nhằm góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các Tổ hợp tác cũng đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trở thành cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương với nhân dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, các Tổ hợp tác này cũng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và là những nhân tố dự nguồn để phát triển thành Hợp tác xã trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, công tác quản lý và điều hành kinh tế tập thể của huyện Bàu Bàng được củng cố và hoạt động có hiệu quả hơn do thời gian qua huyện đã luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho cán bộ Hợp tác xã, Tổ hợp tác, qua đó góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Kinh tế tập thể phát triển đã góp phần phát huy ý tưởng, sức mạnh của tập thể, sử dụng quỹ đất hiệu quả, giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cũng thường xuyên đổi mới phương thức quản lý và phương thức phân phối nhằm bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai. Một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết ra bên ngoài, tăng quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân. Sản phẩm, dịch vụ của một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội của địa phương.
Như vậy, trong thời gian vừa qua, kinh tế tập thể của huyện Bàu Bàng đã phát triển khá tốt. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, kinh tế tập thể của huyện phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có; quy mô còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực nội tại thấp, chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí chủ lực của kinh tế tập thể trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năng lực hoạt động không đồng đều, tính cạnh tranh thấp; chưa thu hút được nhiều loại hình sản xuất trong xã hội tham gia; thu nhập kinh tế từ kết quả hoạt động của Hợp tác xã, Tổ hợp tác đem lại cho các thành viên tham gia không cao; tính hợp tác, tương trợ cùng giúp nhau và tham gia phát triển cộng đồng không mạnh; chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển; khả năng tiếp cận với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập kinh tế thế giới còn hạn chế…
Một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác chưa có trụ sở làm việc, chưa mở rộng được các hoạt động, hiệu quả thấp, lợi ích kinh tế mang lại cho các thành viên chưa nhiều. Ngoài ra, còn phải kể đến một bộ phận các Hợp tác xã và Tổ hợp tác chưa thể hiện đầy đủ giá trị của mình và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động. Hầu hết các Hợp tác xã và Tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn về trình độ quản lý, vốn, công nghệ, nguồn lực lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm… Hoạt động thường không có tài sản chung, thiếu tính bền vững, các lợi ích kinh tế của xã viên chưa được đảm bảo một cách ổn định. Từ đó dẫn đến một bộ phận xã viên thiếu gắn bó với Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Tỷ lệ Hợp tác xã, Tổ hợp tác yếu kém không giảm mà có xu hướng tăng thêm. Chỉ tính riêng năm 2020 đã có 01 Hợp tác xã giải thể, 02 Hợp tác xã ngưng hoạt động làm thủ tục giải thể, 02 Hợp tác xã tạm ngưng hoạt động và 04 Tổ hợp tác giải thể.
Nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác yếu cả về năng lực quản lý và khả năng tài chính; công nghệ, kỹ thuật và quy mô nhỏ bé, tự phát, thường không có hợp đồng hợp tác, thiếu gắn kết và tự giải thể; hoạt động chủ yếu nhờ vốn tự có và tài sản cố định; chưa tiếp cận được các chính sách đã được ban hành do chưa đủ nội lực để tham gia đối ứng. Trong rất nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác ở huyện Bàu Bàng thì chỉ có Hợp tác xã Phước Thạnh là đã có nhiều đóng góp lớn trong việc thi công các công trình giao thông. Cụ thể, Hợp tác xã này đã huy động được đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nguồn vốn đầu tư và máy móc trang thiết bị bảo đảm, giải quyết việc làm thường xuyên cho xã viên và lao động tại địa phương.
Cùng với đó còn phải kể đến tâm lý xã hội, cách nhìn nhận, đánh giá Hợp tác xã, Tổ hợp tác có lúc, có nơi bị sai lệch. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng, lâu dài của kinh tế hợp tác và chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ cho kinh tế hợp tác phát triển. Công tác tuyên truyền tạo nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh chưa được triển khai nghiêm túc tại địa phương…
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của kinh tế tập thể, huyện Bàu Bàng cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần phải có nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể là một trong những thành phần kinh tế có vị trí quan trọng, chiến lược lâu dài, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tích cực phối hợp tham gia thực hiện các giải pháp củng cố, phát triển Hợp tác xã và Tổ hợp tác.
Hai là, thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã để thực hiện cải cách, công khai các thủ tục về hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong việc đăng ký mới, thay đổi ngành nghề Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện. Cùng với đó cần tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiếp cận nhanh nhất, dễ dàng nhất các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nguồn quỹ, ngân hàng và tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường phát triển mới và kiện toàn lại hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân các xã vùng nông thôn.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Song song đó, các cơ quan chức năng cần triển khai các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể đã ban hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác phát triển đúng hướng, đạt mục đích, yêu cầu đã đề ra. Tư vấn cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy, đào tạo, dồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các thành phần kinh tế khác.
Bốn là, các cơ quan chuyên môn của huyện Bàu Bàng cần làm tốt công tác dự báo, nghiên cứu thị trường để định hướng cho bà con làm ăn hiệu quả, tạo phong trào phát triển sâu rộng hơn nữa góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Đặc biệt, trong thời gian tới cần tập trung củng cố, nâng cao năng lực nội tại, huy động, khai thác tốt hơn khả năng góp vốn, góp công, góp sức của các thành viên Hợp tác xã và Tổ hợp tác; khắc phục tình trạng yếu kém về tổ chức quản lý, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, huy động vốn và giải thể các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn ngưng hoạt động hoặc không còn khả năng hoạt động.
Năm là, xây dựng và đúc rút kinh nghiệm để phổ biến, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác kiểu mới làm ăn có hiệu quả trên địa bàn. Đối với Tổ hợp tác cần chú trọng phát triển nhóm hộ, Tổ hợp tác gắn với phát triển các ngành kinh tế tiềm năng của huyện như trồng rau, nuôi cá, du lịch… Đối với các Hợp tác xã cần xây dựng được các mô hình Hợp tác xã điển hình tiên tiến như Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã trang trại, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, Hợp tác xã công nghiệp… Bên cạnh đó cần tổ chức các phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm gắn với phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất ổn định đời sống của xã viên và người lao động, xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả phong trào: “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và “Hợp tác xã tiên phong trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Bộ huyện Bàu Bàng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Ban Bí thư.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Bàu Bàng: Báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002.
6. Ủy Ban Nhân dân huyện Bàu Bàng: Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2021.
ThS. Nguyễn Văn Hân - GV khoa Lý luận cơ sở
Ủy Ban Nhân dân huyện Bàu Bàng: Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2021, tr.1.