Phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức pháp luật cho đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương - nhân tố quan trọng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NÂNG CAO Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN HIỆN NAY
Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, có mặt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, là nguồn nhân lực quan trọng, dồi dào cho sự phát triển của đất nước. Do đặc tính tâm lý, lứa tuổi thanh thiếu niên ham hiểu biết, nhạy cảm, năng động, thường nhanh chóng tiếp thu, thích nghi với cái mới, luôn có nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân…Ở nước ta, thanh niên chiếm khoảng 20% dân số, là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, lớp người xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển của thanh niên không những liên quan đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc. Vì vậy, “giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên” như lời Hồ Chủ tịch là nhiệm vụ cần thiết trong mọi thời đại và cấp bách trong tình hình hiện nay. Trong đó, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh niên Việt Nam.
* Đảng ta luôn xác định thanh thiếu niên chính là lực lượng chiến lược của quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, nhưng đây cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Tại Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII), đã nêu: “thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng...”. Báo cáo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nêu: “đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định “xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có ý thức chấp hành pháp luật…”. Trên cơ sở chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng, tại Điều 2 Luật Giáo dục cũng nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực trạng hiện nay cho thấy, khó khăn khách quan đầu tiên cần phải nói đến là vấn đề ý thức và chất lượng đoàn viên hiện nay. Có thể thấy đoàn viên, thanh niên hiện nay tỏ ra kém nhiệt tình với phong trào hơn so với các thế hệ đi trước. Một số có biểu hiện non bản lĩnh, dễ bị kích động và dễ thoả hiệp về chính trị, thiếu mạnh dạn và thẳng thắn đấu tranh với cái xấu. Về mặt kiến thức, thanh niên ngày nay được trang bị kiến thức rộng hơn nhưng không sâu bằng thế hệ trước, dẫn tới xu hướng tiếp nhận cái mới nhanh hơn, dễ dàng hơn, song cũng ít được chọn lọc và dễ bị thay thế hơn. Sống trong thời đại thông tin, một lượng lớn thông tin đa chiều, đa dạng đang xâm nhập và định hình trong mỗi cá nhân những hệ giá trị riêng, không rập khuôn hay theo một khuôn mẫu lý tưởng có sẵn. Đó có thể là một ưu điểm nhìn từ góc độ xây dựng bản sắc cá nhân nhưng cũng là một thách thức không nhỏ cho công tác thanh vận và giáo dục lý tưởng của Đoàn.
Một bộ phận thanh niên thiếu bản lĩnh sống, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên có nhiều chuyển biến phức tạp, các đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi, nhưng lại thực hiện những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Có thể khẳng định, đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, công tác giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh, thiếu niên Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hội nhập, phát triển như hiện nay. Do đó, hiện nay việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên rất cần thiết.
II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017-2021
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương, luôn được Tỉnh Đoàn phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết chấp hành pháp luật trong ĐVTN, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
1. Về công tác nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn Đoàn trong công tác PBGDPL
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương đã chủ động tham mưu Đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014-2018 triển khai thực hiện trong toàn Đoàn; Tham mưu các nội dung về tuyên truyền pháp luật (Hội thi Tìm hiểu pháp luật hằng năm; các tờ gấp, Infographic về luật thanh niên; thực hiện các chuỗi hành trình tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy;..). Bên cạnh đó, Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành trong tỉnh (Công An, Quân sự, Sở Tư Pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Chi cục Dân số) trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền các nội dung trong phổ biến giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo hệ thống Đoàn các cấp thực hiện tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập giáo dục pháp luật trong Đoàn viên, thanh thiếu niên một cách rộng rãi qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác PBGDPL, đổi mới các hình thức tổ chức tạo điều kiện tốt để đẩy mạnh các hoạt động PBGDPL, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của Đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tỉnh Bình Dương và địa phương, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ chính trị được giao.
2. Về tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đồng bộ Luật PBGDPL; chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL
Các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở duy trì với việc triển khai cho ĐVTN học tập, tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Luật Thanh niên, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các nội dung luật liên quan đến ngành học, ngành nghề lao động được các cơ sở Đoàn đầu tư triển khai cho ĐVTN học tập. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy các phương thức giáo dục truyền thống, nhiều cơ sở Đoàn đã chủ động đổi mới cách làm, phối hợp, phát huy các đơn vị chuyên môn để thực hiện công tác giáo dục pháp luật và đã đạt được nhiều kết quả cao.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức 14 Hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên cho hơn 7.800 cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp với nội dung tuyên truyền về Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại; những thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của tỉnh Bình Dương; thành tựu trong hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, của Tỉnh ta đối với bạn bè quốc tế; thông tin nội dung chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các kiến thức, quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; về nghĩa vụ của công dân; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tuyên truyền phòng chống tác hại rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích; thông tin tình hình an ninh, tư tưởng, dư luận xã hội trong năm và các nội dung định hướng trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, trong năm 2020 đầu năm 2021 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đổi mới hình thức Hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên bằng hình thức trực tuyến với 01 điểm cầu cấp tỉnh và 09 điểm cầu trực tuyến cấp tỉnh và các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc, qua đó giúp đội ngũ cán bộ Đoàn có thêm kiến thức, từ đó tuyên truyền rộng rãi cho đoàn viên, thanh niên tại đơn vị. Tổ chức được 331 chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật, phiên tòa giả định, các diễn đàn, tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các chi Đoàn, chi Hội, chi Hội TNCN, trường học tại các phường, khu nhà trọ, khu tập thể, chi Đoàn khu phố, chi Đoàn thanh niên xa quê,… thu hút hơn 10.000 đoàn viên, hội viên thanh niên, học sinh tham gia; Phát hành và phân bổ 100.000 tờ báo, tờ rơi, sổ tay, băng – rôn, poster tuyên truyền pháp luật; Tổ chức các lớp tập huấn dành cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên (BCV, TTV) pháp luật, các Đội Thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật (TNTNTTPL) của các Huyện, Thị, Thành phố và đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Đội Thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật ở các Huyện, Thị, Thành phố và tương đương cũng đã tổ chức được 800 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 800 lượt chi Đoàn, chi Hội, chi Hội TNCN, trường học tại các phường, khu nhà trọ, khu tập thể, chi Đoàn khu phố, chi Đoàn thanh niên xa quê,…thu hút hơn 40.705 lượt đoàn viên, hội viên thanh niên, học sinh tham gia.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật, thực hiện tốt phong trào “4 nhất” trong TNCN và phong trào “3 trách nhiệm” trong cán bộ, công chức, viên chức thông qua các mô hình, chương trình, hoạt động tại các đơn vị thu hút gần 500 ĐVTN khối cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, 100% cơ sở Đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, thanh niên và nhân dân thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Tiết kiệm - chống lãng phí”, xây dựng hình ảnh cán bộ công chức trẻ giỏi, thân thiện; tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước thông qua các hoạt động tìm hiểu, các buổi sinh hoạt, hội thảo... Song song đó, các cơ sở Đoàn còn tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội. Kết quả, đã tổ chức được 250 cuộc, với hơn 18.000 lượt ĐVTN tham gia, góp phần bảo vệ môi trường sống thêm trong lành và tạo cảnh quan thêm xanh - sạch - đẹp.
Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các kênh thông tin của Đoàn được thực hiện thường xuyên và hiệu quả thông qua chuyên trang Báo Bình Dương thứ 7, trang Thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh Đoàn, các chương trình Phát thanh thanh niên, chương trình truyền hình “Tuổi trẻ Bình Dương” phát sóng hàng tuần trên sóng phát thanh và Đài truyền hình của Tỉnh đã thực hiện được 76 chương trình phát thanh, 24 chương trình truyền hình, phát hành 40.000 tờ báo Bình Dương vào thứ Bảy hàng tuần với các tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tỉnh, tuyên truyền các hoạt động của tuổi trẻ tỉnh nhà, trong đó có việc tuyên truyền phòng chống tội phạm, ma tuý, các TNXH và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên.
Bên cạnh đó, BTV Tỉnh Đoàn biên soạn Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn, tài liệu sinh hoạt Chi hội hàng tháng, định hướng tuyên truyền hàng tháng trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh Đoàn và các kênh thông tin của Đoàn các cấp, đồng thời chỉ đạo 100% các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tổ chức các chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật, triển khai các chính sách pháp luật mới lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội tại địa phương, đơn vị, tài liệu sinh hoạt được tiếp cận với hơn 89.000 Đoàn viên, 158.737 Hội viên Hội LHTN Việt Nam, 21.451 Hội viên Hội Sinh viên Việt Nam.
Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được 372 lượt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; phát hành hơn 15.200 tờ rơi tuyên truyền pháp luật (Luật phòng chống ma túy, Luật bảo hiểm, Luật Hôn nhân&Gia đình, Luật giao thông đường bộ, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng, Luật Lao động, Luật Thanh niên,...); phát 10.000 móc khóa thông báo số điện thoại trực ban Công an các đơn vị, địa phương; tặng 1.000 mũ bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại các Chi đoàn, Chi hội, khu nhà trọ, công ty và các trường học trên địa bàn tỉnh thu hút sự tham gia của 61.300 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, tổ chức Ngày hội Thanh niên với văn hóa, giao thông.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn duy trì và xây dựng các mô hình can thiệp cộng đồng về phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội như nhóm “Niềm tin”, Câu lạc bộ “Vì tương lai”, Chi hội thanh niên cùng tiến, Câu lạc bộ "Thắp sáng niềm tin”, Câu lạc bộ “Phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Vì bạn bè quanh ta”,... Tổ chức các Đội hình thanh niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự xã hội ở địa bàn dân cư nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước. Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp cùng Công an lập danh sách những thanh niên có biểu hiện vi phạm, thường xuyên tụ tập hoặc nghi vấn vi phạm trên địa bàn để tổ chức giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; Xây dựng các mô hình can thiệp cộng đồng về phòng chống ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS như Nhóm “Niềm tin”, Câu lạc bộ “Vì tương lai”, Chi hội Thanh niên cùng tiến; Triển khai cho ĐVTN đăng ký tham gia phong trào “3 không” (không thử, không giữ, không dùng ma túy) và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Nhiều hoạt động nổi bật đã được các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả như: Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (BCĐ 138) tỉnh tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6); Tổ chức chương trình “Hội trại tòng quân”, các hoạt động triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Tổ chức trao giải Cuộc thi nhãn dán tuyên truyền ATGT trên nón bảo hiểm và phương tiện giao thông trong ĐVTN, đồng thời in ấn và phát hành hơn 10.500 nhãn dán đến các cơ sở Đoàn; BTV Tỉnh đoàn tổ chức Chương trình Hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam 9/11 với nhiều hoạt động ý nghĩa như trao tặng sách tuyên truyền phòng chống ma túy với các nội dung về pháp luật phòng, chống ma túy, luật lao động, luật bảo hiểm y tế, tổ chức tuyên truyền pháp luật tại các địa phương, Hội thi “Tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên”. Ngoài ra, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức 87 Hội thi “Tìm hiểu pháp luật” cấp cơ sở và tổ chức 04 Hội thi Tìm hiểu pháp luật cấp tỉnh với các nội dung xoay quanh Luật Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội, Nghĩa vụ quân sự,…với sự tham gia của gần 14.500 lượt đoàn viên, thanh niên...
3. Kết quả tổ chức Hội thi và Cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật
- Hội thi tìm hiểu pháp luật
Trong 05 năm qua, đã tổ chức 03 hội thi tìm hiểu pháp luật, trong đó tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật phòng, chống bạo lực trong gia đình; pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật hộ tịch và Luật nghĩa vụ quân sự, Luật giao thông đường bộ, Luật phòng chống ma túy. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng cai tổ chức thực hiện 03 Hội thi tìm hiểu pháp luật trong khối Trung học phổ thông năm 2016, 2017 và 2018 trong toàn tỉnh, mỗi năm thu hút hơn 300 thí sinh và đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh cổ vũ. Qua các hội thi, nhiều hiến kế hay, ý kiến bổ ích giúp cho tổ chức Đoàn, các cơ quan Ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền pháp luật đến với ĐVTN cũng được các thí sinh giới thiệu trong các hội thi qua hình thức tiểu phẩm tuyên truyền. Hội thi cấp huyện đã được tổ chức tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố và tương đương với 42 hội thi cấp huyện thu hút trên 50.000 lượt ĐVTN tham gia, cổ vũ.
Ngoài ra, trên cơ sở phối hợp với Ban an toàn giao thông, phòng tài nguyên môi trường, các đơn vị như: thị đoàn Thuận An, Thị đoàn Tân Uyên, Huyện Đoàn Bắc Tân Uyên, Đoàn khối Doanh nghiệp, Đoàn khối các cơ quan, Thị đoàn Dĩ An, Huyện Đoàn Bàu Bàng,…tổ chức các hội thi tìm hiểu về Pháp luật An toàn giao thông, hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, hội thi “Tìm hiểu pháp luật và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2017 – 2022”…
- Cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật”: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Pháp luật về hôn nhân và gia đình và Pháp luật về phòng chống bạo lực trong gia đình” cho đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh tham gia đã thu hút 3.336 bài dự thi. Đây là cuộc thi nhằm phát huy sự sáng tạo và tinh thần xung kích của các bạn Đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh để hiến kế cho tổ chức Đoàn, các sở, ban ngành có liên quan, nhằm góp phần đưa ra các chương trình hiệu quả, thiết thực góp phần nâng cao hiểu biết về các quy định của Pháp luật về hôn nhân và gia đình và Pháp luật về phòng chống bạo lực trong gia đình cho thanh niên, từ đó, giúp thanh niên hiểu và nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước. Qua cuộc thi, Ban tổ chức đã trao các giải I, II, III, Khuyến khích cho các cá nhân và tập thể.
4. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp pháp lý
Trong 05 năm qua, Ban Chỉ đạo phối hợp với Ban Tổ chức thực hiện Đề án của các đơn vị, 2 Đoàn khối, 2 Công ty cao su, các trường Đại học – Cao đẳng trong tỉnh, cùng với Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 152 buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, phát tài liệu tuyên truyền tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, đối tượng được Ban chỉ đạo chú trọng đến trong các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật là thanh niên công nhân và thanh niên nông thôn, cụ thể như sau:
+ Thực hiện được 152 phiên tòa giả định; Thực hiện được 132 chương trình kịch diễn đàn, tập trung vào các vấn đề thời sự, đáng quan tâm đối với thanh niên; Thực hiện được 152 buổi tư vấn pháp luật tại chỗ về các luật lao động, luật bảo hiểm xã hội, luật hôn nhân gia đình, luật phòng, chống bạo lực gia đình, luật giao thông đường bộ,…
Bên cạnh đó, tại các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, Tổ thư ký Đề án đã phát nhiều phần quà ý nghĩa cho các đoàn viên, thanh niên, hội viên khi các bạn tham gia hỏi – đáp và đặt ra các câu hỏi tình huống pháp luật. Các chương trình đã thu hút trên 50.000 lượt ĐVTN và bà con nhân dân tham gia.
Phối hợp cùng với Sở Tư pháp tỉnh biên soạn và phát hành tài liệu, tờ rơi tuyên truyền pháp luật. Số lượng tờ rơi phổ biến kiến thức pháp luật được phát cho các ĐVTN và bà con ở các địa phương là trên 104.000 tờ được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống của ĐVTN và bà con nhân dân ở các địa phương, bao gồm các nội dung như: Tìm hiểu về Luật Hộ tịch; tìm hiểu Luật phòng, chống tham nhũng; tìm hiểu Luật Nghĩa vụ quân sự, tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, tìm hiểu Luật Phòng chống ma túy, tìm hiểu Bộ luật Lao động…
5. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật của các Đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật (TNTNTTPL)
Các đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho trên 120.000 lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân, học sinh, sinh viên và bà con nhân dân, trong đó đội hình TNTNTTPL của Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh đã đến được 104 Chi Đoàn, chi hội nhà trọ; các trường ĐH-CĐ-THCN, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; đội hình TNTNTTPL của Đoàn khối doanh nghiệp đã tổ chức các bàn tư vấn pháp luật, tuyên truyền pháp luật trong các chương trình dành riêng cho đối tượng thanh niên công nhân như: Tuần lễ thanh niên công nhân, ngày hội thanh niên công nhân, Ngày đoàn viên, Phiên chợ vui... đã tư vấn được 500 trường hợp.
Đội TNTNTTPL huyện Bắc Tân Uyên tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, thanh niên công nhân trên địa bàn trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội với các Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ,… tại 54 ấp và 36 chi hội TNCN với 130 lượt với 3.000 ĐVTN tham gia.
Đội TNTNTTPL huyện Dầu Tiếng phối hợp cơ sở tổ chức tuyên truyền pháp luật cho thanh niên công nhân công ty TNHH Hưng Thịnh Gia, Hùng Anh, Mai Thảo, Phú Đỉnh với các nội dung phong phú như: Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Nghị quyết đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Luật lao động, sức khỏe sinh sản, Luật GTĐB, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật BHYT – BHXH, Luật Đất Đai,…; Tư vấn pháp luật tại xã, thị trấn, các trường THPT trên địa bàn huyện, kết quả được 115 cuộc, thu hút trên 8.531 lượt ĐVTN và người dân tham gia. Đồng thời CLB Khối cơ quan huyện tổ chức tặng sách, báo pháp luật tại các chi đoàn – chi hội khu phố - ấp trên 1200 sách, báo và tư vấn được 12 buổi thu hút trên 1200 lượt ĐVTN, nhân dân tham gia.
Đội TNTNTTPL Thành phố Thủ Dầu Một phối hợp tham gia trực tại các chốt đèn giao thông trọng yếu; phối hợp ra quân lập lại trật tự đô thị (được 20 cuộc, có trên 3.000 lượt cán bộ, ĐVTN tham gia, phát hơn 2.000 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về An toàn giao thông). Tổ chức được 189 cuộc tuyên truyền, giáo dục về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống Ma túy, Luật Giao thông đường bộ…
BTC thực hiên đề án Khối các cơ quan tỉnh tổ chức được 20 phiên tòa giả định và 42 buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại các chi Hội, chi Đoàn trên địa bàn tỉnh, phát hơn 80.000 tờ rơi tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, thanh niên công nhân.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những thuận lợi.
Nhìn chung các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp thực hiện tốt, ngày càng đi vào chiều sâu, các hoạt động ngày càng phong phú, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách linh hoạt và phù hợp nhất. Các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đoàn viên, thanh niên và người dân, kịp thời cung cấp các kiến thức cần thiết, các chủ trương chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước đến với đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân trong toàn tỉnh.
Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền pháp luật được các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện hiệu quả đã góp phần tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh, như tổ chức chuỗi các hành trình tuyên truyền theo đặc thu khối đối tượng tạo nên chiều sâu, sức lan tỏa; tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia,…
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phát động rộng rãi phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời huy động các nguồn lực tham gia công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, bảo vệ an ninh Tổ quốc, tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, giảm tỷ lệ tội phạm trong thanh thiếu niên.
Cán bộ, ĐVTN trong toàn tỉnh luôn tích cực tham gia thực hiện tốt và tích cực tham gia công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tích cực hưởng ứng các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ma tuý, TNXH và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân, cổ vũ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Có thể khẳng định cán bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên trong tỉnh luôn quan tâm và có ý thức cao về việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do đó công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên, hiệu quả góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.
2. Hạn chế và nguyên nhân
Hiện nay, việc đổi mới về nội dung và phương thức trong công tác giáo dục pháp luật đã có nhiều đổi mới tuy nhiên ở một số cơ sở Đoàn chưa có hình thức và kỹ năng tuyên truyền phù hợp để thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia các buổi tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm, ma tuý, TNXH ở một số nơi còn chưa được sâu rộng, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng. Nguyên nhân chủ yếu do thành phần thanh niên nhập cư đông, thường xuyên di chuyển chỗ ở, chủ yếu làm ăn kinh tế và ít quan tâm đến các hoạt động của Đoàn - Hội; Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác PBGDPL chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm, ít người có chuyên môn về luật nên còn gặp nhiều khó khăn.
Hình thức TTPBGDPL tuy có nhiều đổi mới, song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Một số nơi còn nặng nề về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức cho phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đoàn viên thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc phối hợp giữa các đơn vị trong công tác TTPBGDPL chưa thực sự tạo được bước đột phá, cơ chế phối hợp chưa hài hòa, đồng bộ nên cũng chưa phát huy sức mạnh tập thể trong công tác này.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác PBGDPL chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm, ít người có chuyên môn về Luật, nên còn gặp nhiều khó khăn.
Ý thức pháp luật của đoàn viên thanh niên trong nhiều trường hợp còn thấp, còn thiếu sự chủ động, học hỏi, hợp tác với các lực lượng trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Vốn sống và và hiểu biết xã hội của thanh niên còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng; đồng thời tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội không ngừng tăng nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt đã có tác động xấu đến lối sống của một bộ phận thanh niên trong việc chấp hành pháp luật…
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN TỈNH BÌNH DƯƠNG THỜI GIAN TỚI
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cho đoàn viên thanh niên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1.Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật; các kỹ năng trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc... trong đoàn viên, thanh thiếu niên nhất học sinh, sinh viên, trong thanh niên công nhân. Đặc biệt, tiếp tục duy trì chuỗi các hành trình tuyên truyền pháp luật theo từng khối đối tượng và đến từng địa bàn.
Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng vùng. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải được thực hiện kịp thời, có trọng tâm, có trọng điểm, xác định đối tượng cụ thể sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền phù hợp và phong phú hơn với thực tiễn tại từng địa phương; chú trọng phổ biến pháp luật cho thanh niên công nhân, thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, thanh niên chậm tiến nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; đảm bảo nâng cao tỷ lệ hoà giải thành các đơn thư khiếu nại của nhân dân; tăng cường tình đoàn kết, nhất trí trong cộng đồng dân cư….
2. Tăng cường công tác tập huấn các kỹ năng cho cán bộ Đoàn phụ trách công tác tuyên truyền pháp luật đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cơ bản cần thiết cho Đoàn viên, Hội viên, Thanh niên trong cuộc sống và công việc, giúp thanh niên chậm tiến nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
3. Cần tiếp tục kết hợp hoạt động giáo dục pháp luật với hoạt động phong trào để tăng cường giáo dục qua thực tiễn, tác động đến từng đối tượng thanh thiếu niên; lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào các cuộc vận động, các hoạt động do Ban Thường vụ Thành Đoàn hoặc Đoàn khối phát động,… Thường xuyên tổ chức các sân chơi, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tạo điều kiện để các đoàn viên tham dự các phiên tòa; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các chiến dịch tình nguyện hè;… Tiếp tục duy trì và đổi mới hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật kết hợp hiệu quả giữa các hình thức như: Tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền qua băng gôn, áp phích, tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo, các buổi sơ kết, tổng kết… Thực tế cho thấy hiện nay việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã có nhiều đổi mới song điều kiện phục vụ cho buổi tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hội nghị, các buổi sơ kết, tổng kết còn những hạn chế nhất định, nhiều nội dung tuyên truyền mang tính lý thuyết, chưa đưa ra các tình huống cụ thể thực tế để đoàn viên, thanh niên cùng xử lý, thực hành, tranh luận và nhận diện đúng sai để hiểu vấn đề một cách thấu đáo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trong đội ngũ cán bộ Đoàn, thanh niên là các cán bộ, công chức, viên chức, xem đó là một trong những tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” và phong trào “3 trách nhiệm”.
5. “Hiện đại hóa” công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, phát huy thông qua các cơ quan thông tin,… để tạo nên sự tương tác với đoàn viên, thanh niên trong công tác giáo dục pháp luật, tránh tuyên truyền mang tính áp đặt, nhàm chán, đơn điệu. Mặt khác, chủ động phối hợp với Hội Luật gia của đơn vị, các phòng, ban Tư pháp, các văn phòng luật sư và các đơn vị truyền thông báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật… Sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) như một công cụ để góp phần nắm bắt những diễn biến tình hình trong thanh niên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các bộ ảnh, các đoạn phim ngắn đánh sâu vào nhận thức của thanh niên; đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao.
KẾT LUẬN: Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, công tác giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh, thiếu niên Việt Nam. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Có thể thấy, thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp ĐVTN trên địa bàn tỉnh Bình Dương có sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn về pháp luật, qua đó hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự thành công trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong thời kỳ hội nhập./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch 3851/KH-UBND ngày 05/9/2017 của Ban Chấp hành Đoàn tỉnh Bình Dương.
2. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012;
3. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa VII;
4. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
6. Một số văn bản pháp luật khác....
ThS. Mai Văn Bằng - Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật