Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức con người mới và giá trị thực tiễn trong phát triển bền vững tại Bình Dương
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Sự nghiệp trồng người Bác nói tới ở đây là xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng con người một cách toàn diện và một trong những nhân tố quyết định việc tạo nên con người toàn diện là trú trọng đào tạo, bồi dưỡng con người về đạo đức.
Đạo đức con người – một đề tài xưa nhưng chưa bao giờ cũ, nó cũng đã xuất hiện nhiều trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của Người. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì mọi người lại càng giành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm lại, ôn lại, học tập và làm theo lời dạy của Bác về xây dựng đạo đức con người mới, làm tốt vấn đề này là góp phần vào thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.
1. Khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức con người mới
Hồ Chí Minh có những đóng góp lớn lao trong vấn đề xây dựng đạo đức con người mới. Người đã phát triển, hoàn thiện đạo đức học Mácxít về vai trò của đạo đức, những chuẩn mực đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp với Việt Nam . Nhờ đó đã tạo được một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức ở nước ta.
Theo Hồ Chí Minh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa, để xây dựng thành công con người xã hội chủ nghĩa một nhiệm vụ phải tập trung là xây dựng đạo đức xã hội chủ nghĩa. Theo quan niệm của Bác, đạo đức xã hội chủ nghĩa của con người mới phải đảm bảo những yếu tố sau:
Thứ nhất, có lòng yêu nước nồng nàn, tận trung với nước theo tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”
Thứ hai, cần, kiệm, liêm,chính trong xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc. Trước đây chúng ta quan niệm chữ “cần” đơn giản là cần cù, chăm chỉ, làm hết ngày hết giờ. Nhưng ở đây Bác đưa ra một quan niệm toàn diện và khoa học về chữ “cần”, trong đó “cần” phải đảm bảo 3 nội dung sau: “cần” là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, lao động có kế hoạch, sáng tạo, trong công việc phải phân công. Bác nói: “Người siêng năng thì mau tiến bộ/ Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no/ Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh/ Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Bác là tấm gương về sự siêng năng, cần cù, cầu tiến bộ. Lênin có nói: “Học, học nữa, học mãi”, cũng với ý đó Bác khẳng định: đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng và Bác là một tấm gương. Bên cạnh đó phải thực hiện chữ “kiệm”, cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của một người, Bác dạy “Cần mà không kiệm thì như cái thùng không đáy, kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm”. bên cạnh đó con người phải thực hiện tốt cả “liêm” và “chính”. Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, Người so sánh tứ đức cần đối với mỗi người như một quy luật tự nhiên: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”() . Cần, kiệm, liêm, chính cũng là nền tảng của đời sống mới.
- Thứ ba, thương yêu con người, sống có tình có nghĩa, với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ cùng với việc trải nghiệm của chính bản thân mình qua hoạt động cách mạng thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xác định: Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Bác khẳng định tình cảm yêu thương đó trước hết là tình yêu đồng bào, đồng chí, đồng đội và lớn hơn nữa là tình yêu nhân loại, yêu thương tất cả những người bị ấp bức, bóc lột trên thế giới.
- Thứ tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, tinh thần quốc tế là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ quốc tế vĩ đại. Người không chỉ giáo dục tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung mà còn là hiện thân của tinh thần quốc tế, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Khi nói về mối quan hệ Việt – Trung, Bác khẳng định: “Mối tình hữu nghị Việt –Trung/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”, nói về mối quan hệ Việt – Lào: “Việt, Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, nói về anh em vô sản thế giới: “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”. Tinh thần quốc tế trong sáng là phẩm chất, là yêu cầu đạo đức của người Việt Nam trong mối quan hệ rộng lớn, vượt qua phạm vi quốc gia, dân tộc.
Không chỉ tập trung bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, Người yêu cầu cần bồi dưỡng về trí tuệ, trình độ văn hoá khoa học - kỹ thuật, ngoại ngữ, nhấn mạnh tới việc nâng cao trình độ lý luận chính trị. Lý luận cùng với kinh nghiệm thực tế như hai mắt của con người. Theo Hồ Chí Minh, những con người mới cũng cần có sức khoẻ với ý nghĩa đầy đủ của quan niệm sức khoẻ: vật chất và tinh thần, thể xác và tâm hồn.
Có thể thấy rằng, những quan điểm của Hồ Chí Minh về con người và xây dựng đạo đức con người mới cho thấy sự nhìn nhận, phân tích khách quan, toàn diện, biện chứng của Người về bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội.
2. Vận dụng quan điểm của bác trong xây dựng đạo đức con người mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương là tỉnh có dân số đông thứ 6 trong 63 tỉnh thành và cũng là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư, hơn 50% dân số Bình Dương là dân nhập cư.
Hơn 40 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bình Dương đã phát triển năng động, biết vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương, phục vụ đắc lực tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp) với tốc độ tăng trưởng trên 13%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng trong đó tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Không chỉ ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, vùng đất Bình Dương xưa và nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa quyện vào lịch sử - văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo, tạo ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân. Tính đến tháng 9.2019, Bình Dương có 12 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận ở cấp Quốc gia, 39 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp tỉnh. Trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hoá làng nghề thủ công truyền thống, Bình Dương tạo dấu ấn sâu sắc với các sản phẩm thủ công được chế tác từ những làng nghề nổi tiếng đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm tiêu biểu như: làng gốm sứ; làng mộc; làng sơn mài …
Ngoài ra, Bình Dương còn có các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch sinh thái, các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt khách thập phương như: lễ hội chùa bà thiên hậu (thành phố Thủ Dầu Một), vườn trái cây lái thiêu với đặc sản là măng cụt và sầu riêng (thị xã Thuận An), khu du lịch lạc cảnh Đại Nam văn hiến, khu du lịch núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng,…; cùng thưởng thức vị ngon đặc trưng của ẩm thực bình dương, thương hiệu bánh bèo Mỹ Liên (chợ Búng, phường An Thạnh, thị xã Thuận An) có lịch sử hơn 100 năm, được công nhận là một trong 10 món đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á…
Hiện nay, hòa chung không khí của cả nước, Bình Dương đang tiến hành đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, quá trình này đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nó vừa có tính tích cực, vừa có tính tiêu cực đối với việc hình thành và phát triển đạo đức của con người.
* Về mặt tích cực:
Thứ nhất, sự phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho sự phát triển con người về mọi mặt, trong đó có đạo đức. Trong quá trình này, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Bình Dương đã được giao lưu, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới từ đó tiếp thu những yếu tố mới tích cực và tiến bộ về văn hóa nói chung, đạo đức nói riêng, để phát triển con người toàn diện theo hướng chân, thiện, mỹ.
Thứ hai, với sự phát triển hiện nay tại Bình Dương đã tạo điều kiện để con người khẳng định bản thân, phát huy mọi năng lực cá nhân như tính quyết đoán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động sáng tạo trong lập thân, lập nghiệp được khẳng định.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục, các trường đại học mới, hiện đại nhất là hệ thống trường học đạt chuẩn quốc tế được xây dựng, đáp ứng yêu cầu cao về học tập và đào tạo nguồn nhân lực. góp phần vào giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lòng yêu nước, giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.
* Về mặt tiêu cực:
Bên cạnh những mặt tích cực nói trên, hiện nay Bình Dương phải đối mặt với hàng loạt những hiện tượng tiêu cực về vấn đề đạo đức và tiến bộ xã hội.
Thứ nhất, với sự phát triển mạng mẽ tại Bình Dương, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc, từ đó làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Phân tầng xã hội là một quy luật tất yếu; tuy nhiên, bên cạnh những người làm giàu hợp pháp từ trí tuệ, từ kinh doanh hợp pháp… thì trong nền kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại những trường hợp làm giàu từ trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng…. Thực tế này làm ảnh hưởng tới lòng tin và tác động tiêu cực đến việc hình thành đạo đức, nhân cách thế hệ trẻ.
Thứ hai, là một tỉnh công nghiệp với hơn 50% dân nhập cư từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, trình độ văn hóa không đồng đều, sự phức tạp trong thành phần dân cư nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy, mại dâm..., tội phạm từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp nhất là các địa bàn phát triển công nghiệp, đô thị; tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lớn về xã hội.
3. Một số giải pháp để xây dựng đạo đức con người mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã khẳng định để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng con người về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng. Đó là những con người theo truyền thống Nhân, Trí, Dũng của dân tộc. Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Những lời dạy của Bác về xây dựng đạo đức con người mới đến nay vẫn còn nguyên giá trị và để tỉnh Bình Dương ngày càng giàu mạnh góp phần thành công vào quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội của cả nước thì phải xây dựng thành công đạo đức xã hội chủ nghĩa cho mỗi người, trang bị cho mỗi người bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc; cần, kiệm, liêm, chính; thương yêu cong người, sống có tình có nghĩa và có tinh thần quốc tế trong sáng, trong quá trình xây dựng đạo đức con người mới cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần ghi nhớ và thực hiện tốt những lời dạy của Người. Vận dụng tư tưởng của Người, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp sau:
Một là, phải giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Khi bàn về bản tính của con người, Bác khẳng định “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Như vậy, Bác khẳng định yếu tố giáo dục và sự tự rèn luyện có tính quyết định tới việc hình thành nhân cách, đạo đức của con người. Đạo đức tốt đẹp trong mỗi con người không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà củng cố và phát triển, cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện về đạo đức về năng lực, rèn luyện mọi lúc mọi nơi, bằng nhiều biện pháp và cách làm khác nhau.
Việc tu dưỡng đạo đức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phải được thực hiện thường xuyên như việc rữa mặt hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ và được thể hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu, trong mọi mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường, đoàn thể, xã hội, từ quan hệ bạn bè đến đồng chí, anh em, cấp trên, cấp dưới, với Đảng, với nước, với dân và cả trong quan hệ quốc tế. Người đưa ra một kết luận khái quát: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ nhân, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”().
Hai là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.
Nói đi đôi với làm là một trong những đạo lý làm người, Bác nói: “Triết lý phương Đông có câu một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, trong tỉnh, cán bộ phải làm gương cho nhân dân; trong một cơ quan, người lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên cấp dưới; trong nhà trường, thầy cô là tấm gương cho học sinh, trong gia đình, bố mẹ là tấm gương cho con cái và ở Việt Nam, Bác Hồ là tấm gương cho mọi thế hệ.
Đối với biện pháp này đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong tỉnh phải thực hiện trước làm gương cho nhân dân. Bác yêu cầu phải nói đi đôi với làm, phải làm gương cho quần chúng, bởi vì: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”, việc làm gương thể hiện ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Trong mọi biểu hiện làm gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ một vai trò rất quan trọng, muốn hướng dẫn cấp dưới và Nhân Dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Cần nêu gương và tiếp tục nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt trong toàn tỉnh, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, để lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân nhân những hành động đẹp, những con người với nhân cách đẹp.
Ba là, xây đi đôi với chống (phê phán, đấu tranh, chống lại những tư tưởng, tác phong xấu, những hiện tượng phi đạo đức, phản văn hóa, những tàn dư của đạo đức và lối sống cũ)
Xây dựng đạo đức mới trước hết phải đẩy mạnh việc giáo dục, từ trong gia đình đến nhà trường, từ đoàn thể đến toàn xã hội; chống các thế lực thù địch, chống thói quen và truyền thống lạc hậu, nó ngấm ngầm ngăn cản cách mạng tiến bộ còn chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mỗi chúng ta, nó chỉ chờ dịp để ngóc đầu dậy.
Kết hợp xây với chống vì trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau, nên không phải “người người đều tốt, việc việc đều hay”. “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”().
Mặt khác, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xác định cái xây, cái chống một cách cụ thể thích hợp cho từng giai đoạn cách mạng. Để xây và chống có hiệu quả cần phát huy vai trò của dư luận xã hội, tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu.
Để xây dựng được đạo đức mới mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong tỉnh cần luôn tự giác, kiên trì, bền bỉ thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, nghiêm túc thực hiện suốt đời. Đặc biệt, hiện nay cả tỉnh luôn gắn quá trình này với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập tấm gương Bác Hồ trở thành một việc làm thường xuyên liên tục, hiệu quả và thực chất trong mọi ngành, mọi giới.
Bình Dương là một tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động, có nhiều lợi thế trong quá trình xây dựng và phát triển toàn diện, để sự phát triển gắn liền với sự bền vững, việc trú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng đạo đức con người mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh là một việc làm vô cùng quan trọng. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Dương, sự quyết tâm nỗ lực nhân dân trong toàn tỉnh, tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu theo đúng lời dạy của Bác Hồ: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 2,5,11,12.
Nguyễn Thị Mai - GV khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài viết đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học của BTG Tỉnh ủy