Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam giai đoạn (1954 - 1975)
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Lào là mối quan hệ hết sức đặc biệt, những sự kiện lịch sử đã minh chứng cho thấy, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau là nhân tố quan trọng đem đến nhiều thành công cho hai dân tộc. Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Lào có tác động tích cực đến cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam và Lào trong giai đoạn 1954 - 1975, để lại nhiều bài học lớn làm cơ sở, để hai dân tộc tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết ngày càng phát triển bền vững.
Từ khóa: Việt Nam, Lào, quan hệ, bảo vệ độc lập
1. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (1954 - 1975)
Trong giai đoạn này, tình hình hai nước Việt Nam, Lào có nhiều nét tương đồng, sau Hiệp định Giơnevơ, nền hòa bình của hai dân tộc đứng trước sự đe dọa lớn, đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến lược toàn cầu”, với âm mưu tăng cường can thiệp sâu, để dập tắt các phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Mỹ ráo riết thực hiện các bước nhằm thay chân Pháp ở Đông Dương, “trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, tiếp tục đưa vũ khí và nhân viên quân sự vào miền Nam Việt Nam và Lào, ngang nhiên đặt Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam vào khu vực bảo hộ của khối xâm lược Đông Nam Á”. Trong đó, vấn đề can thiệp vào Lào trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ với ý đồ xây dựng Lào thành căn cứ chiến lược, làm bàn đạp tấn công miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower còn tuyên bố “việc Lào rơi vào tay cộng sản có thể dẫn đến sự sụp đổ sau đó, tương tự như sự ngã rạp của các quân cờ domino, của các nước láng giềng vẫn còn tự do”. Để đạt được mục đích của mình, “tháng 3/1955 Chính quyền Washinton quyết định viện trợ cho Vientiane 40 triệu USD, trong đó phần dành cho quân sự chiếm tỉ lệ lên đến 80%”, qua đó muốn quân đội Vương quốc Lào trở thành công cụ chính, biến nước này thành bàn đạp để đối phó với chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Trung Quốc, Mỹ tìm cách “phá hoại chính sách hòa bình trung lập của Campuchia và đã từng xúi giục các thế lực phản động thân Mỹ ở Lào gây ra nội chiến và khiêu khích ở biên giới Việt - Lào”.
Trước sự can thiệp trắng trợn của Mỹ nhằm phá hoại nền hòa bình, hòa hợp, thống nhất đối với Việt Nam và Lào, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm “giữ gìn, củng cố hòa bình ở Đông Dương và trên thế giới, tích cực ủng hộ phong trào độc lập dân tộc và góp phần tăng cường lực lượng phe xã hội chủ nghĩa”. Để bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào có chung một kẻ thù là đế quốc Mỹ. Mối quan hệ của Việt Nam với Lào có tầm chiến lược lớn, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc của Việt Nam và sự nghiệp giải phóng đất nước Lào. Sự đặc biệt trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Lào được xây dựng bởi những yếu tố: Thứ nhất, cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, giải phải phóng dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào do Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) lãnh đạo, đều lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản, là nhân tố tạo ra những tiền đề thuận lợi cho xây dựng mối quan hệ khăng khít, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Thứ hai, nhìn vào bản đồ Đông Nam Á, vị trí Việt Nam và Lào như hai người anh em song sinh tựa lưng vào nhau, chung một “xương sống” là dãi Trường Sơn hùng vĩ và chung kẻ thù là đế quốc Mỹ, nên sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trở thành nhân tố sống còn cho sự nghiệp cách mạng hai nước. Ngay từ năm 1954, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết, đẩy mạnh sự giúp đỡ đối với cách mạng Lào, trong đó xây dựng hai tỉnh Sầm Nưa và Phông xa Lỳ thành căn cứ trung tâm cách mạng cho toàn quốc. Theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Lào, Việt Nam đã lập Đoàn 100 người, tiến hành giúp đỡ Lào xây dựng, kiện toàn tổ chức, giúp lực lượng Pathét Lào có đủ sức mạnh, đứng vững trước sự chống phá của các thế lực phản động trong nước do Mỹ giúp đỡ. Được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, cuộc kháng chiến chống can thiệp Mỹ và các thế lực phản động ở Lào đánh dấu bước phát triển mới khi Đảng Nhân dân Lào ra đời tại Hội nghị thành lập Đảng diễn ra tại tỉnh Sầm Nưa 22/3 đến 6/4/1955. Sự kiện này đánh dấu, nhân dân Lào đã có chính đảng vô sản chân chính lãnh đạo đấu tranh với quyết tâm,“ra sức xây dựng lực lượng mọi mặt để tiến lên đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt chiến tranh, giành thắng lợi to lớn hơn”. Từ đây, Đảng Lao động Việt Nam có một đảng anh em tin cậy ở phía Tây để cùng nhau thảo luận và phối hợp hành động hiệu quả. Phương châm đối ngoại của Việt Nam, một mặt giúp đỡ lực lượng cách mạng Pathét Lào xây dựng lực lượng, mặt khác vẫn thể hiện thiện chí hòa bình trong duy trì mối quan hệ với chính phủ Vương quốc Lào. Trên tinh thần đó, ngày 5/9/1962 chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ về Lào, Việt Nam luôn ủng hộ tích cực lập trường của lực lượng cách mạng Lào với mục tiêu và yêu cầu “các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; không can thiệp vào công việc nội bộ của Lào”.
Hàng năm, lãnh đạo cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đều thực hiện các cuộc hội đàm cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn, thắt chặt tình đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp hiệu quả trong đấu tranh chống lại đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai. Đáng chú ý trong cuộc hội đàm cấp cao hai đảng cuối 1960 tại Hà Nội, Lào nhất trí để Việt Nam mở đường sang Tây Trường Sơn, trong đó khẳng định: “Vận mệnh hai nước chúng ta gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”. Đường Trường Sơn Tây (đường Hồ Chí Minh) từ Trung Lào đến Hạ Lào, Khu 5, Miền Đông Nam Bộ Việt Nam đến Đông Bắc Campuchia chủ yếu nằm trên đất Lào với chiều dài hơn 1000km, mở ra thời kỳ sử dụng vận tải cơ giới là chính trong viện trợ của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam và thời tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp đẩy mạnh hoạt động quân sự của hai nước. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định quyết tâm, giúp Lào giữ vững và củng cố vùng giải phóng, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, giữ vững tuyến hành lang vận tải chiến lược 559, đẩy mạnh hoạt động của Đoàn 565, Đoàn 959 nhằm tăng cường lực lượng giúp Lào bảo vệ, củng cố vùng giải phóng, giúp Lào xây dựng bộ đội chủ lực, huấn luyện bộ đội địa phương và lực lượng du kích. Với tinh thần tương thân, tương ái, giúp bạn là giúp chính mình, Việt Nam đã viện trợ tích cực cho Lào từ gạo, thóc, muối, thịt, tôm cá, dầu, sữa, tiền bạc, nông cụ đến xăng, nhớt, quân trang, quân dụng, thuốc men, máy móc, vũ khí các loại...Tính đến năm 1970 dưới sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam và sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội hai nước, lực lượng vũ trang Pathết Lào khôi phục hầu hết các căn cứ địa, vùng giải phóng gồm 03 tỉnh Phông xa Lỳ, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng nối liền với miền Bắc Việt Nam, so sánh lực lượng chuyển biến có lợi cho cách mạng Lào. Nối tiếp thắng lợi, trong năm 1971 liên quân Lào - Việt tiếp tục giành thắng lợi chiến lược quan trọng, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719. Đánh giá những thành công trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần II Đảng Nhân dân Lào (3/2/1972) thông qua nghị quyết, tăng cường đoàn kết Lào - Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản, xem đây là mối quan hệ đặc biệt. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt - Lào đem lại những thắng lợi quan trọng, thế và lực của cách mạng ngày càng lên cao, trong khi lực lượng của các thế lực phản động do Mỹ tiếp sức ngày càng suy yếu, dẫn đến việc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973) và Hiệp định Viêng chăn về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (21/2/1973) được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Sau khi Việt Nam đã giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước (30/4/1975), trong cuộc hội đàm từ ngày 10 đến 11/7/1975, hai Đảng nhận định: “Vận động dân chủ, xóa bỏ chính phủ liên hiệp, xóa bỏ chế độ quân chủ và nhà vua, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân”. Những đánh giá đúng đắn của hai đảng, giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có cơ sở, lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ hành động, đem đến thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước Lào (2/12/1975).
2. Ý nghĩa của quan hệ Việt - Lào đối với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam
Mối quan hệ đặc biệt với Lào có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam trong giai đoạn (1954 - 1975).
Thứ nhất, để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước sự can thiệp của một đế quốc hùng mạnh như Mỹ, Việt Nam phải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, tập hợp đông đảo lực lượng tiến bộ, tạo nên sức mạnh trong đấu tranh. Muốn vậy, Việt Nam phải tăng cường các mối quan hệ quốc tế, xây dựng quan hệ với các nước, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đẩy mạnh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, phải xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tin tưởng với các nước láng giềng trong đó có Lào, Việt Nam khẳng định: “Cần phải đoàn kết với nhân dân Lào đấu tranh đòi lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn”. Trên tinh thần tôn trọng, tin cậy, hợp tác toàn diện, quan hệ Việt - Lào không ngừng được đẩy mạnh, diễn ra trên nhiều mặt, cả bề rộng lẫn chiều sâu. Sự giúp đỡ của Việt Nam cho Lào được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt, từ xây dựng chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng đến nghiên cứu chính sách, đào tạo cán bộ, huấn luyện quân đội, đưa quân tình nguyện sang Lào chiến đấu, cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí và các nhu yếu phẩm cần thiết cho lực lượng kháng chiến Lào. Đánh giá được vai trò, tầm quan trọng của mối quan hệ với nước bạn Lào, Việt Nam xem sự ủng hộ, giúp đỡ Lào cũng là giúp đỡ cho chính mình, thắng lợi của mỗi nước là thắng lợi chung của cả hai dân tộc. Qua đó, góp phần giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày càng vững mạnh, lãnh đạo hiệu quả, giúp quân đội và nhân dân Lào có thêm sức mạnh để đánh thắng sự can thiệp Mỹ và các thế lực phản động. Sự lớn mạnh của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và lực lượng kháng chiến Lào, đồng nghĩa với việc, Việt Nam đã xây dựng được lực lượng đồng minh tin cậy, vững chắc ở phía Tây, tạo điều kiện phối hợp hành động hiệu quả, giúp sự nghiệp giải phóng miền Nam của Việt Nam ngày càng phát triển, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng để hoàn thành sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc.
Thứ hai, hai nước Việt Nam, Lào đều có chung kẻ thù là đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai, sự đoàn kết chiến đấu của quân đội hai nước đã tạo thêm sức mạnh cho hai dân tộc khi đương đầu với kẻ thù mạnh như Mỹ. Trong chiến lược Đông Dương hóa chiến tranh, Mỹ muốn dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương nhằm chia rẽ khối đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, âm mưu của Mỹ đã thất bại, nhân dân Đông Dương đã đoàn kết, đặc biệt sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội Việt Nam với quân đội Lào đã giành những thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Cánh đồng Chum, chiến dịch Lam Sơn 719...làm cho kẻ thù suy yếu, góp phần làm thất bại Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, tiến tới giải phóng miền Nam và hoàn thành sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc.
Thứ ba, sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào trên tinh thần tôn trọng, đồng chí thân ái, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Do vậy, nước bạn Lào cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam hết sức trong khả năng và xem sự giúp đỡ cho Việt Nam cũng chính là giúp đỡ cho chính mình. Lào đồng ý cho Việt Nam mở tuyến đường Trường Sơn Tây (đường Hồ Chí Minh) trên đất Lào từ cuối 1960 để Việt Nam thuận lợi cho việc chuyên chở vũ khí, thuốc men, đạn dược, bộ đội từ miền Bắc chi viện cho miền Nam, góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam. Thông qua đường mòn Hồ Chí Minh, từ 1960 - 1975 miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hàng ngàn tấn vũ khí, thuốc men, đạn dược, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ cho chiến trường, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam, đánh bại các loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ và cùng với nhân dân cả nước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Sự giúp đỡ của Lào đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và đánh bại sự can thiệp của Mỹ.
3. Kết luận
Các thế hệ của hai dân tộc Việt - Lào hẳn sẽ không bao giờ quên những tình cảm thắm thiết, “chia ngọt, sẻ bùi” mà hai dân tộc giành cho nhau trong giai đoạn 1954 - 1975. Sự giúp đỡ của hai dân tộc giành cho nhau trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết, tin cậy, tương thân, tương ái, giúp bạn là giúp cho chính mình. Trong đánh giá về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào, cố Tổng bí thư Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộn đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt”. Ngược lại, sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện, hợp đồng chiến đấu hiệu quả của Lào, góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành giải phóng đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc của mình. Mối quan hệ giữa Việt Nam - Lào là mối quan hệ của của hai “cơ thể” cùng chung một “xương sống”, đó là chung lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênnin, mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn bó mật thiết với nhau liên quan đến những lợi ích thiết thực trong các lĩnh vực chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế, hội nhập quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong tình hình hiện nay, các mối quan hệ quốc tế diễn ra nhanh chóng, khó lường, trong đó có vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao, các nước lớn can thiệp, gây sức ép, chi phối đến các nước nhỏ gây ra nhiều yếu tố phức tạp, nguy hiểm, đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đến độc lập, chủ quyền và gây chia rẽ giữa các nước nhỏ với nhau. Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế thành công, Việt Nam khẳng định: “Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bình thường hóa, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”. Việt Nam tăng cường các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, mở rộng quan hệ với nhiều nước, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, coi trọng vun đắp quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước láng giềng. Lập trường của Việt Nam: “Nhân dân Lào, Campuchia và Việt Nam cùng sống trên bán đảo Đông Dương, gắn bó chặt chẽ với nhau, có quan hệ hữu nghị lâu đời” và luôn coi trọng xây dựng mối quan hệ đặc biệt này. Thiết nghĩ, những bài học quý báu về mối quan hệ Việt - Lào trong giai đoạn 1954 - 1975 được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, tin cậy, dựa trên lợi ích của nhau, mang tính chất sống còn vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Tin chắc rằng, với mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở đặc biệt tin cậy, quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển bền vững, vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc của hai nước, góp phần vào đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trên bán đảo Đông Dương.
TS. Đinh Đức Duy - Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO