Quy định về việc bảo vệ người tố cáo và các điểm mới căn bản trong Luật Tố cáo 2018 về việc bảo vệ người tố cáo
Ngày 12 tháng 6 năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Số: 25/2018/QH14 quy định về “Luật Tố cáo”. Luật này gồm có 9 Chương, 67 Điều (sau đây gọi tắt là Luật tố cáo 2018). Luật tố cáo năm 2018 sẽ thay thế Luật Tố cáo năm 2011 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Quy định về việc bảo vệ người tố cáo được quy định tại Chương VII, mục 1, từ Điều 47 đến Điều 58 của Luật tố cáo 2018
Theo Điều 2, khoản 1, Luật tố cáo 2018 thì “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
Cũng theo Điều 2, khoản 4, Luật tố cáo 2018 “Người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo”.
Là một trong những quyền hiến định, Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Tố cáo là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội và của mọi cá nhân, tổ chức trước những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ chủ thể nào; đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật bảo vệ trật tự xã hội đồng thời góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên để quyền tố cáo của công dân phát huy hiệu quả, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật đòi hỏi việc bảo vệ người tố cáo phải được đặt ra. Luật Tố cáo năm 2011 và Nghị định số Số: 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay bước đầu đã đưa ra quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Mặc dù vậy, các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và thực tế để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả. Do vậy, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.
1. Về Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ
Theo quy định tại Điều 47, Luật Tố cáo 2018 quy định về “Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ” thì:
Về người được bảo vệ, bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Như vậy, điểm mới của Luật Tố cáo 2018 đã xác định cụ thể đối tượng được bảo vệ gồm: “người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo”. Tức là Luật Tố cáo 2018 đã làm rõ thêm khái niệm “người thân thích của người tố cáo” là ai theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2011 để tránh việc hiểu nhầm, việc xác định và áp dụng không thống nhất về phạm vi những người được bảo vệ trong quy định của Luật Tố cáo 2011.
Ngoài ra, Luật Tố cáo 2018 cũng đã mở rộng phạm vi bảo vệ, không chỉ bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo mà còn áp dụng quyền bảo vệ tương tự đối với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (Điều 47, Luật Tố cáo 2018).
Mặc dù phạm vi những người được bảo vệ của Luật Tố cáo 2018 đã được quy định rất cụ thể so với Luật Tố cáo 2011 nhưng trên thực tế còn có những người “thân thích” và “gần gũi” với người tố cáo trên thực tế cũng cần được bảo vệ vẫn chưa được Luật Tố cáo 2018 quy định như: cha mẹ vợ; cha mẹ chồng hoặc anh chị em ruột của người tố cáo. Thậm chí trong thực tế có cả những người như cô, dì, chú, bác, cậu của người tố cáo …. đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử bị đe dọa đến các lợi ích như: vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì họ có được bảo vệ hay không thì Luật Tố cáo 2018 chưa đặt ra. Điều này có thể xảy ra trong thực tế và cũng cần có cân nhắc trong khi thực hiện cũng như khi sủa Luật Tố cáo trong tương lai.
Một điểm mới khác của Luật Tố cáo 2018 là quy định “về địa điểm bảo vệ người được bảo vệ”. Khoản 3, điều 47 của Luật Tố cáo 2018 quy định: Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người nói trên đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Căn cứ vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ, Luật Tố cáo 2018 quy định áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo mà không phụ thuộc vào địa điểm cần bảo vệ. Điều này khắc phục được quy định “cứng nhắc” trong Luật Tố cáo 2011 khi quy định về địa điểm bảo vệ người được bảo vệ: “Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định” (7).
Về phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
2. Về căn cứ áp dụng: Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1, Điều 47 đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết (Khoản 3, Điều 48, Luật tố cáo 2018).
3. Về quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ (Điều 48, Luật tố cáo 2018):
- Về quyền
Người được bảo vệ có các quyền sau đây: được biết về các biện pháp bảo vệ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.
- Về nghĩa vụ:
Người được bảo vệ có các nghĩa vụ sau đây: chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.
4. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo: theo quy định tại (Điều 49, Luật Tố cáo 2018) Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, bao gồm:
- Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
- Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
- Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.
- Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
5. Về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo:
Thứ nhất, đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ: (Điều 50, Luật tố cáo 2018).
- Khi có căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 47 của Luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.
- Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;
+ Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
- Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Thứ hai, xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo: (Điều 51, Luật tố cáo 2018)
- Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
- Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Thứ ba, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. (Điều 52, Luật tố cáo 2018).
- Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiếtCơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
- Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;
+ Căn cứ ra quyết định;
+ Họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ;
+ Nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ;
+ Thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.
- Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.
+ Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại khoản 2, Điều 54 của Luật này.
6. Về các biện pháp bảo vệ: Luật Tố cáo 2018 quy định các biện pháp cụ thể như:
a. Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (Điều 56, Luật Tố cáo 2018): Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây: Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp; Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo; Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. (Điều 56)
b. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57, Luật Tố cáo 2018): Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động bao gồm: Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
c. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm: (Điều 58, Luật Tố cáo 2018) Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn; Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết; Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật; Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm và Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
7. Về trách nhiệm pháp lý của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ:
Đây là một quy định mới, cụ thể đầu tiên mà sau khi có Luật Tố cáo 2018 một Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ trách nhiệm đối với người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ mà không thực hiện hoặc thực hiện đúng quy định của luật từ đó dẫn đế hậu quả là quyền và lợi ích của người được bảo vệ bị xâm phạm.
Theo đó, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập” (4).
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi “Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết” (5).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của Luật tố cáo năm 2018 và Nghị định số: 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018 chúng tôi thấy cả Luật và Nghị định trên đều không quy định thời hạn xem xét ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ là bao nhiêu thời gian kể từ khi người có thẩm quyền nhận được đơn yêu cầu ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Đây có thể coi là một thiếu sót của cả Luật và Nghị định của Chính phủ. Do vậy, trong thời gian tới Chính phủ cần phải chỉ đạo hoặc giao cho một cơ quan chuyên môn nào đó của Chính phủ hướng dân chi tiết về thời hạn áp dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Như vậy, Luật tố cáo năm 2018 đã quy định rất rõ và cụ thể về phạm vi, đối tượng được bảo vệ và trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo và những người được bảo vệ khác, bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Hy vọng rằng với các quy định các quy định khá cụ thể như trên hoạt động giải quyết tố cáo nói chung và việc bảo vệ người tố cáo nói riêng trong thời gian sắp tới sẽ được thực hiện nghiêm túc. Một mặt, khuyến khích động viện những người có tâm huyết thực hiện quyền tố cáo đúng luật để bảo vệ pháp chế, trật tự pháp luật, tài sản của cơ quan, tổ chức và của chính mình. Mặt khắc, tránh sự “trù dập”, “trả thù” từ phái người bị tố cáo, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, Luật tố cáo năm 2018 cũng cần phải cân nhắc đến các đối tượng khác cần được bảo vệ như: cha mẹ vợ; cha mẹ chồng hoặc anh chị em ruột của người tố cáo.... Thậm chí trong thực tế có cả những người như cô, dì, chú, bác, cậu của người tố cáo. Ngoài ra, cũng cần quy định về thời hạn giải quyết đơn của người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ nhưng không áp dụng để xảy ra các thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các đối tượng được bảo vệ theo Luật./.
Tài liệu tham khảo:
(1) Luật Tố cáo 2018;
(2) Luật Tố cáo 2011;
(3)Điểm b, khoản 1, Điều 22, Nghị định số: 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018;
(4) Điểm c, khoản 3, Điều 22, Nghị định số: 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018;
(5) Nghị định số: 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018;
(6) Nghị định số: 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2011;
(7) Khoản 1, Điều 34, Luật Tố cáo 2011.
ThS. Trịnh Duy Biên - Phó Trưởng phòng NCKH-TT-TL