Sắp xếp, tổ chức bộ máy Hệ thống chính trị phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện
1. Sự cần thiết đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở
* Nói đến cơ sở là nói đến cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị, hệ thống hành chính nhà nước. Với kết cấu chính trị, xã hội và văn hóa, ở cấp cơ sở được coi là phức tạp nhất. Ở nước ta, cấp xã gồm xã, phường, thị trấn. Hệ thống chính trị cấp cơ sở có vị trí đặc biệt, vì đó là cấp gần dân nhất, cấp xa trung ương nhất. Cấp chính quyền như tỉnh và huyện là hai cấp trung gian nối Trung ương với cơ sở. Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước thì chính quyền cấp cơ sở là cấp trực tiếp làm việc với dân, còn các cấp khác thì chủ yếu là làm việc với hệ thống chính quyền.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Việt Nam hiện nay bao gồm:
- Tổ chức cơ sở đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở);
- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
- Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (gồm có: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hôi cựu chiến binh, Công đoàn).
* Là một bộ phận không tách rời của hệ thống chính trị cả nước, hệ thống chính trị cấp cơ sở đã góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và đổi mới đất nước. Tuy vậy, hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm, hạn chế, như tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, có xu hướng quan liêu hóa, xa dân ngay tại cơ sở; phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy chưa tốt; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn yếu về năng lực, trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị còn thấp; Không ít cán bộ ở cơ sở bị suy thoái đạo đức phẩm chất và lối sống, hiện tượng tham ô, quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ xảy ra ở nhiều nơi; nhiều nơi tính cục bộ, bản vị trong cán bộ còn nặng nề, gây mất đoàn kết nội bộ; Ở cơ sở, nhiều nơi còn buông lõng và vi phạm công tác quản lý kinh tế - tài chính, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản; chế độ đãi ngộ cho cán bộ cấp xã chưa hợp lý, còn nhiều bất cập...
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã quyết nghị và ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết là cơ sở để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vững mạnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) xác định việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở là nhiệm vụ rất quan trọng. Tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đặc biệt coi trọng đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là cơ sở ở nông thôn. Đây cũng là thể hiện nhận thức mới của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị. Những nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, phương thức đổi mới hệ thống chính trị cấp vĩ mô chi phối quá trình đổi mới hệ thống chính trị cấp cơ sở và sự đổi mới hệ thống chính trị cấp cơ sở có tác động tích cực trở lại hệ thống chính trị nói chung.
Hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã và đang tiếp tục được củng cố, hoàn thiện nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách thực sự. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vấn đề bức xúc đã và đang đặt ra bởi hệ thống chính trị ở cơ sở còn bộc lộ nhiều yếu kém như: hệ thống tổ chức vẫn chưa ổn định; mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị ở đây còn nhiều bất cập; các tổ chức còn lúng túng trong hình thức tổ chức và phương thức hoạt động… Vì vậy mà chưa ngang tầm với yêu cầu thực tiễn phát triển hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Khóa XII), ngày 12/02/2018 Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Kế hoạch số 43-KH/TU và Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch này, đánh giá bước đầu có những bước khả quan, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với hệ thống chính trị cấp cơ sở là cấp chịu sự tác động, thay đổi nhiều của Kế hoạch này, theo đó, nhiệm vụ của Đề án trong việc tinh giản biên chế đối với cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 tinh giản 1.365 cán bộ và người hoạt động không chuyên trách cấp xã (giảm 33,79%); Cấp ấp, khu phố: Giảm 1.141 người không chuyên trách (giảm 33,33%). Để đảm bảo được lộ trình thực hiện theo kế hoạch đặt ra, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, đồng thuận rất lớn của hệ thống chính trị các cấp, là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW (Khóa XII) của Đảng.
Đến nay, nhiều địa phương cấp xã trong Tỉnh Bình Dương đang tiếp tục tiến hành thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An là một trong những điển hình của sự quyết tâm của cả Hệ thống chính trị và nhân dân ở địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 Khóa XII.
2. Thực trạng việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2019.
* Khái quát chung về phường Tân Đông Hiệp.
Phường Tân Đông Hiệp nằm ở phía Bắc của Thị Xã Dĩ An. Hiện nay, phường có 07 khu phố, bao gồm: khu phố Đông Tác, Chiêu Liêu, Tân Long, Đông An, Tân An, Đông Thành và Đông Chiêu. Tổng diện tích tự nhiên của Phường là 1.403,08ha (chiếm khoảng 23,40% diện tích tự nhiên toàn Thị Xã). Tổng số nhân khẩu toàn Phường đến ngày 30/8/2019 là 14.153 hộ, với 91.567 nhân khẩu. Là Phường nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Thị Xã Dĩ An, có nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp.
* Kết quả đạt được trong thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Phường tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 04/4/2018 của Thị ủy Dĩ An.
Trước khi sắp xếp lại bộ máy, theo quy định, phường Tân Đông Hiệp là phường loại 1 được 47 biên chế (bao gồm cả Trưởng và 02 phó Công an phường) và 1 công chức theo đề án của tỉnh, được Tỉnh quyết định tuyển. Tổng cộng 48 biên chế. Năm 2017, thực tế sử dụng biên chế là 46. Ngoài ra, phường còn bố trí 01 Phó Chỉ huy Quân sự theo Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 01/8/2012 của UBND tỉnh Bình Dương và hợp đồng thêm 08 nhân viên để đảm bảo công tác tại địa phương (03 nhân viên tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa, 01 nhân viên Văn phòng, 01 nhân viên Địa chính,01 nhân viên tạp vụ, 01 nhân viên Tài chính, 01 nhân viên chăm sóc cây kiểng, giao bưu).
Từ khi có Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 04/4/2018 của Thị ủy về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ giữa đến cuối năm 2018, có một vài chức danh không chuyên trách nghỉ hưu, nghỉ việc, phường đã bố trí sắp xếp các chức danh không chuyên trách khác đảm nhiệm, không tuyển mới và đã giảm được 03 cán bộ không chuyên trách gồm:
+ 01 Phó Bí thư Đoàn Thanh niên
+ 01 Phó Chủ tịch UBMTTQ phường
+ 01 cán bộ văn thư, thủ quỹ
Đồng thời, phường Tân Đông Hiệp là phường đầu tiên của thị xã Dĩ An đang thí điểm thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Đối với khu phố: đã có 2/7 khu phố thực hiện mô hình Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận.
- Sau khi đề án được phê duyệt: Đảng ủy Phường đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trong đó nêu rõ các chức danh, lộ trình sắp xếp tinh giản trong từ năm 2019-2020. Theo lộ trình, trong năm 2019, Phường tiến hành sắp xếp, bố trí chức danh Phó Bí thư thường trực Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Phường. Thực hiện tinh giảm các chức danh: Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, cán bộ phụ trách công tác Đài truyền thanh, cán bộ phụ trách thương mại-dịch vụ, cán bộ phụ trách tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong tháng 5/2019, Đảng ủy, UBND phường đã họp xét tinh giản trước 03 chức danh (Chủ tịch Hội nông dân, cán bộ phụ trách tiếp dân, cán bộ phụ trách thương mại dịch vụ).
Cũng theo đề án, đến năm 2020 trở về sau, Phường tiến hành sắp xếp, bố trí chức danh phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Khối vận và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường. Thực hiện tinh giảm các chức danh: Công chức Tài chính, Chủ tịch Hội người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo - việc làm, cán bộ phụ trách nội vụ, cán bộ phụ trách công tác tổ chức Đảng.
* Một số vấn đề đặt ra và những khó khăn hiện nay của Phường trong quá trình sắp xếp bộ máy:
- Tình hình tư tưởng của một số cán bộ chưa yên tâm công tác, có biểu hiện giảm nhiệt huyết trong công việc.
- Phường Tân Đông Hiệp thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường; Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Ngoài ra 2 đồng chí này còn kiêm nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng khối vận. Theo lộ trình thực hiện đề án đến năm 2020, sẽ bố trí thêm 01 Phó Bí thư. Nhiệm vụ công tác Đảng ngày càng nhiều, đồng chí Bí thư, Phó Bí thư kiêm nhiều việc sẽ khó khăn trong việc lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
- Việc một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn tới việc bị rối khi giải quyết công việc, không đảm báo tiến độ thời gian theo yêu cầu, trong khi chế độ chính sách về việc kiêm nhiệm chưa có.
- Đối với 02 khu phố thực hiện mô hình Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận cũng gặp khó khăn khi chế độ hỗ trợ thấp, không được giải quyết chế độ kiêm nhiệm dẫn đến việc các đồng chí này tâm tư, so sánh với các khu phố khác trong khi phải thực hiện 2 đầu công việc.
- Hiện công chức địa chính có 2 biên chế và 01 cán bộ hợp đồng vẫn không đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ, phường ưu tiên thực hiện nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hành chính cho dân đảm bảo không để hồ sơ trễ hẹn, ưu tiên công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và phối hợp với các ngành cấp trên dẫn đến việc tham mưu cho UBND phường về công tác quản lý đất đai ở địa phường thực hiện chưa đảm bảo theo nội dung, tiến độ thời gian yêu cầu.
3. Một số kiến nghị cho giai đoạn 2020-2021.
- Thứ nhất, cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã và quy định khung số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, đặc thù của địa phương và bảo đảm giảm biên chế. Quy định và thực hiện nghiêm, thống nhất việc khoán chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
Ngày 24/04/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 về sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; theo đó đối với phường loại 1, được biên chế số lượng là 37 chức danh, tăng 8 chức danh so với Đề án được duyệt. Với đặc điểm phường Tân Đông Hiệp diện tích rộng, dân số đông, địa bàn phức tạp, số lượng cán bộ, công chức cần phải đủ để đảm đương nhiệm vụ của phường, vấn đề đặt ra hiện nay là cấp có thẩm quyền cần căn cứ vào thực tế các địa phương để có sự bố trí định biên cho phù hợp (theo hướng tăng thêm một số định biên nhưng không quá 37 chức danh theo quy định của Nghị định số 34/2019), tránh tình trạng “cào bằng” định biên giữa các đơn vị hành chính phường vì sẽ có những phường số lượng công việc nhiều xuất phát từ diện tích rộng, kinh tế phát triển, dân cư đông...Vì vậy, cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu điều chỉnh số lượng định biên phù hợp với tình hình các phường trong phạm vi pháp luật quy định và cho phép.
- Thứ hai, trong giải quyết chế độ chính sách: vì hiện nay Phường đang trong lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, nên có những cán bộ phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác nhau, tạo nên áp lực từ số lượng công việc rất lớn. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu có hướng dẫn giải quyết chế độ kiêm nhiệm cho cán bộ phường, cán bộ khu phố, đồng thời kiến nghị tăng kinh phí hoạt động cho khu phố để khu phố có điều kiện trích tăng hỗ trợ cho các Chi hội trưởng đoàn thể.
- Thứ ba, để đảm bảo hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, phải thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân ở địa phương. Cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong tiến hành thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở Phường, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp của quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Cụ thể, đối với những cán bộ hợp đồng nay cho nghỉ việc vì lý do tinh giản, cấp có thẩm quyền xem xét có chế độ hỗ trợ nghỉ việc như cán bộ tinh giản theo đề án, trường hợp xét cần thiết phải giữ lại, Phường có nguyện vọng xin được tiếp tục hợp đồng với những cán bộ đó từ nguồn kinh phí khoán của Phường trong trường hợp những cán bộ đó đồng ý việc giữ lại.
Như vậy, từ thực tiễn sắp xếp, tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, nhận thấy đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị không phải xuất phát từ lợi ích riêng của từng tổ chức, mà xuất phát từ lợi ích chung của của đất nước. Lòng dân là tài sản quý giá của Đảng, do đó quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở từng cấp, từng ngành phải thực sự dựa vào nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thông qua đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục hình thành các cơ chế, chính sách, biện pháp để mỗi tổ chức trong bộ máy phục vụ nhân dân tốt hơn, chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động của tổ chức mình./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương: Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 12/2/2018 của Tỉnh Ủy Bình Dương về Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đảng ủy phường Tân Đông Hiệp: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của phường Tân Đông Hiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương -Khóa XII.
- Tỉnh ủy Bình Dương: Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
- Thị ủy Dĩ An: Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 04/4/2018 của Thị ủy Dĩ An về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Ủy ban nhân dân phường Tân Đông Hiệp: Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - văn hóa xã hội - quốc phòng an ninh năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019./.
ThS. Mai Văn Bằng - Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật