Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn - từ Quy định của pháp luật đến việc áp dụng thực tế ở Bình Dương
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã ý thức rõ việc dùng người là quốc sách. Nó không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng có tác động trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Phát huy truyền thống và phương sách dùng người của ông cha ta để lại, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công đào tạo, huấn luyện, xây dựng được một đội ngũ cán bộ trung thành với Tổ quốc và dân tộc, tận tụy kiên cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ.
Kể từ khi hình thành bộ máy nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đến nay, bộ máy nhà nước ta đã có sự thay đổi theo từng thời kỳ để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên đến nay “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều”.
Nắm bắt được thực trạng đó trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản để sắp xếp lại bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực hiệu quả như: Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở”; Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 108/2014/NĐ-CP ban hành ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…
Từ những tinh thần đó tỉnh Bình Dương cũng đã có những chính sách, chỉ đạo bằng những Kế hoạch, Quyết định, Đề án…để sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đó bố trí lại số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách căn cứ vào tình hình đặc điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
1. Các quy định của pháp luật về số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Trước đây tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì tại Điều 4 của Nghị định quy định này số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đối với cấp xã loại 1 là 47 người, cấp xã loại 2 là 43 người, cấp xã loại 3 là 40 người. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/4/2019 sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã có sự thay đổi theo hướng giảm bớt, đối với cấp xã loại 1 là 37 người, cấp xã loại 2 là 33 người, cấp xã loại 3 là 29 người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả số lượng cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về công tác tại xã, phường, thị trấn. Đối với các xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức giảm 01 người.
Như vậy theo quy định hiện tại thì số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được giao động từ 29 - 37 người, giảm khoảng 10 người so với Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Với việc quy định như vậy đảm bảo theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, các quy định của nhà nước và đảm bảo cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
2. Việc áp dụng thực tế tại tỉnh Bình Dương
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII); Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 12/02/2018 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh Bình Dương Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Kèm theo Quyết định 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã được thực hiện như sau:
Năm 2018 - 2020, thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ít nhất 02 đơn vị ở mỗi huyện, thị, thành phố và định hướng kiêm nhiệm các chức danh cấp xã như sau: (Các địa phương nghiên cứu vận dụng linh hoạt tùy vào tình hình thực tế của địa phương).
- Cán bộ
1. Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân (hoặc Chủ tịch UBND).
2. Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch MTTQ (Trưởng Khối dân vận, Chủ tịch HĐND nếu Bí thư không kiêm).
3. Chủ tịch UBND.
4. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân – Chủ nhiệm UBKT đảng ủy.
5. Phó Chủ tịch UBND.
6. Bí thư Đoàn thanh niên.
7. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ.
8. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
9. Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã, phường, thị trấn có nhiều nông dân; đối với phường đô thị không bố trí chức danh Chủ tịch Hội Nông dân).
- Công chức
10. Văn phòng - Văn thư lưu trữ, thủ quỹ.
11. Văn phòng - Nội vụ, thi đua, tôn giáo, dân tộc.
12. Văn phòng - Một cửa.
13. Địa chính, xây dựng, đô thị, giao thông.
14. Môi trường, thủy lợi, nông nghiệp và nông dân.
15. Tư pháp, hộ tịch - Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân.
16. Tư pháp, hộ tịch.
17. Tài chính - thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khoa học công nghệ, hợp tác xã.
18. Kế toán.
19. Văn hóa thông tin - đài truyền thanh.
20. Thương binh xã hội - Gia đình, trẻ em, giảm nghèo, việc làm.
21. Chỉ huy trưởng Quân sự.
- Không chuyên trách
22. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.
23. Chủ tịch Hội Người cao tuổi.
24. Thư ký Đảng ủy.
25. Phó Chủ tịch UBMTTQ phường - Trưởng Ban thanh tra nhân dân.
26. Phó Bí thư đoàn thanh niên - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên.
27. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ.
28. Phó Chỉ huy trưởng Quân sự.
29. Trưởng công an (Cán bộ xã, phường, thị trấn nhưng thuộc biên chế của công an huyện, thị, thành phố)
Tỉnh ủy Bình Dương đã đưa ra kế hoạch thí điểm việc thực hiện Đề án tại phường Lái Thiêu, thuộc thị xã Thuận An, sau khi Lái Thiêu thực hiện thí điểm xong đã rút kinh nghiệm và đã triển khai trong toàn tỉnh. Đến nay hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện Đề án.
Việc thực hiện tinh giản bộ máy nhà nước đảm bảo hoạt động có hiệu lực hiệu quả của tỉnh Bình Dương là phù hợp với các chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước. Hiệu quả bước đầu sau khi thực hiện Đề án giúp bộ máy cấp xã ở Bình Dương tinh gọn hơn, tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước, hạn chế chồng chéo, vai trò trách nhiệm rõ ràng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên, cùng với việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác. Sau khi thực hiện xong Đề án thì toàn tỉnh sẽ tinh giản được 1.365 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách (giảm 33,79%). Đến hết năm 2018 toàn tỉnh đã giảm 280 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Riêng thị xã Thuận An đã giảm được 108 biên chế. Một số phường làm tốt như: Vĩnh Phú (giảm từ 45 xuống còn 31), Hưng Định (giảm từ 43 xuống còn 32).
Tính đến thời điểm hiện tại việc tinh giản bộ máy nhà nước, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của tỉnh đã đạt được những thành công lớn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số vấn đề sau: Đối với một số địa phương cấp xã có số dân ít, tốc độ đô thị hóa chậm thì ít gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án nhưng một số địa phương cấp xã dân số đông, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh thì với số lượng biên chế như vậy thực sự gặp khó khăn trong việc triển khai công việc. Ví dụ như xã Phú An là xã nông nghiệp nằm về hướng Tây Nam của thị xã Bến Cát, với tổng diện tích tự nhiên là 1975,91 ha; dân số toàn xã hiện có 18.750 nhân khẩu (trong đó 8.799 nhân khẩu tạm trú). Trong quá trình thực hiện đề án xã ít gặp khó khăn vì với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách là 29 người thì vẫn đảm bảo được công việc trôi chảy.
Nhưng phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, diện tích hiện nay 14.000 ha, dân số 85.000 nhân khẩu, gấp khoảng 4,5 lần so với xã Phú An nhưng định biên chỉ có 28 người nên có khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, một người phải kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn tới bị rối khi giải quyết công việc, không đảm bảo tiến độ thời gian theo yêu cầu. Như công chức địa chính - xây dựng phải thực hiện rất nhiều công việc, ngoài việc giải quyết hồ sơ hành chính cho dân (năm 2018 nhận và giải quyết 8913 hồ sơ lĩnh vực đất đai, nhà ở, trung bình 1 tháng phải giải quyết trên 700 hồ sơ). Ngoài ra cán bộ địa chính phải tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai; thực hiện phối hợp với các ngành cấp trên trong công tác bồi thường giải tỏa, cấp phép xây dựng, xác minh thực địa; đồng thời phải thực hiện rất nhiều khâu trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 35 của Thị ủy về chỉnh trang các khu dân cư tự phát, tiến tới cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân.
Tính tới thời điểm năm 2017, Bình Dương có 91 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 48 đơn vị hành chính cấp xã loại 1; 39 đơn vị cấp xã loại 2; 4 đơn vị cấp xã hành chính loại 3. Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn sẽ có những điểm đặc thù riêng về quy mô dân số, tốc độ phát triển về kinh tế, về đô thị hóa khác nhau…Nếu áp dụng chung cho các xã, phường, thị trấn theo đúng với Quyết định 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì sẽ có khó khăn cho một số xã, phường, thị trấn có số dân đông, diện tích lớn, tốc độ phát triển đô thị nhanh. Vì vậy trong quá trình thực hiện đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước ở tỉnh Bình Dương đối với các xã, phường, thị trấn cần có cơ chế đặc thù đối với một số xã, phường, thị trấn.
3. Một số khuyến nghị
Như vậy, với mục tiêu tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu quả là một chính sách hết sức đúng đắn và hợp lý của Đảng và Nhà nước ta, tỉnh Bình Dương đã vận dụng một các sáng suốt các chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của tỉnh nhà. Đây được xem là lá cờ đầu của cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII); Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và bước đầu đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên để Quyết định 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được đi vào hiệu quả trong việc bố trí, sắp xếp lại bộ máy nhà nước thì ngoài quy định cứng mỗi xã, phường, thị trấn loại 1 được bố trí tối đa là 29 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thì đối với một số xã, phường, thị trấn có dân số đông, tốc độ phát triển kinh tế - đô thị diễn ra nhanh cần cho phép họ được bố trí thêm người hoạt động không chuyên trách hoặc ký kết hợp đồng lao động từ bên ngoài để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ, công vụ và tỉnh cũng cần giảm bớt tỷ lệ trích nộp ngân sách để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động cho các xã, phường, thị trấn ký thêm hợp đồng lao động./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. Báo cáo kế quả thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của phường Tân Đông Hiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị Quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, năm 2019.
3. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
4. Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
5. Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
6. Quyết định số 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
7. Trang wed: https://www.binhduong.gov.vn.
Nguyễn Thị Ly - GV Khoa Nhà nước và Pháp luật