Thực hiện chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và bộ quy chế quản lý đào tạo - Một số vấn đề đặt ra và kiến nghị
I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
Sau hai năm thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 14/7/2016 chương trình này được điều chỉnh theo Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 134/HD-HVCTQG ngày 21/7/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Sự điều chỉnh này đã khắc phục được một phần đáng kể những hạn chế của Chương trình, trong đó nổi bật nhất là tăng thời gian giảng và thảo luận trên lớp của từng bài, từng phần học, về cơ bản đáp ứng thời lượng cần thiết để có thể chuyển tải nội dung kiến thức đến học viên. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình này vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để hoàn thiện hơn trong thời gian tới. Ở đây tôi không bàn đến toàn bộ chương trình mà chỉ nêu một số vấn đề đặt ra và đề xuất.
Thứ nhất: Xét về tổng thể, chương trình Trung cấp lý luận chính trị sát nhập các môn lại và thiết kế theo phần kiến thức và việc sát nhập này làm cho chương trình gọn hơn so với trước đây. Trong khi đó, Chương trình Cao cấp lý luận chính trị được thiết kế theo khối kiến thức, trong từng khối có nhiều môn khoa học cụ thể. Chẳng hạn khối kiến thức thứ nhất có các môn: Triết học Mác-Lênin; Kinh tế chính trị học; Chủ nghĩa xã hội khoa học… Như vậy, nếu so sánh khung của hai chương trình thì hình như chưa có sự thống nhất cho lắm. Vì thế, nên chăng chúng ta thiết kế lại chương trình trung cấp theo hướng tách ra từng môn khoa học cụ thể để dễ dàng cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Thứ hai: Ở Phần I.1: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác-Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Vì vậy, việc trang bị cho học viên đầy đủ những vấn đề mang tính lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là hết sức cần thiết và hữu ích, bởi vì chương trình trung cấp là trang bị cho học viên kiến thức nền tảng cơ bản để sau này họ có thể học cao cấp hoặc dễ dàng trong việc nghiên cứu. Nhưng thực tế, phần này trong chương trình trung cấp vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra. Vì thế cần có một số điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Một là, bổ sung thêm chuyên đề Dân chủ xã hội chủ nghĩa vào Chương trình, xuất phát từ một số lý do sau:
- Đây là một trong những chuyên đề lý luận cơ bản, quan trọng đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta qua các kỳ Đại hội bàn luận rất nhiều và tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nó là một vấn đề cần thực hiện tốt hơn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
- Đây là một trong những vấn đề bức xúc trong giai đoạn hiện nay không những ở nước ta mà cả trên thế giới; nó được các đảng cầm quyền, hệ thống chính trị các nước, các chính trị gia, các nhà tư tưởng và cả xã hội quan tâm ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau.
- Trong khi đó, thực tế ở nước ta hiện nay sự hiểu biết của một bộ phận nhân dân và cả một bộ phận cán bộ, đảng viên về dân chủ nói chung và dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng cũng chưa rõ ràng, đôi khi còn nhầm lẫn về bản chất của chế độ dân chủ tư sản với bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
- Dân chủ còn là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển, tiến bộ, văn minh của xã hội hiện đại, trong khi đó Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì cũng cần phải xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ. Muốn vậy, chúng ta cần huy động sự đồng thuận của toàn xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp và vì vậy, cần phải tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng thời cần phải làm gì để có được nền dân chủ xã hội chủ nghĩa...
Hai là, tăng giờ giảng bài 5 phần I.1 (Sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân) lên 8 tiết, vì:
- Đây là một vấn đề mang tính lý luận cao, là phạm trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học và là một trong những vấn đề lý luận rất khó hiện nay.
- Nội dung bài giảng thì nhiều trong khi theo thiết kế chương trình chỉ có 4 tiết giảng, như thế không đủ thời gian để làm rõ cho học viên hiểu.
Thứ ba: Điều chỉnh nội dung một số bài theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và thực tế hơn. Vì thực tế trong Chương trình hiện nay cũng còn một số chuyên đề nội dung quá dài; thậm chí lòng vòng, ít trọng tâm và có nhiều khái niệm làm cho học viên và cả người giảng rất khó nhớ. Hơn nửa, tâm lý chung của học viên là càng cụ thể, càng dễ hiểu thì càng tốt, thậm chí không cần phải dài dòng, mang tính lý luận chung chung, nhất là đối với những chuyên đề cần tính thực tế nhiều hơn.
II. VỀ BỘ QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐÀO TẠO
So với Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành các quy chế, quy định Quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ Quy chế 268); sau gần 09 tháng thực hiện Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ Quy chế 1855), nhìn một cách tổng thể thì bộ Quy chế 1855 có nhiều ưu điểm hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn so với Quy chế 268 và phù hợp với thực tế hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy chế này ở tỉnh Bình Dương thời gian qua, chúng tôi thấy rằng có một số vấn đề đặt ra cần có sự nhìn nhận, đánh giá, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đi đến thống nhất trong hệ thống các Trường Chính trị tỉnh, thành phố. Ở đây, tôi không đi sâu phân tích hết 10 Quy chế của bộ quy chế mà chỉ đề cập đến một số Quy chế mà tôi thấy cần có sự quan tâm nhiều hơn.
Thứ nhất: Quy chế Học viên Trung cấp lý luận chính trị - hành chính
Tại Điểm 9, Điều 3 quy định về quyền lợi của học viên thì chỉ cộng điểm cho lớp trưởng và lớp phó hoàn thành tốt nhiệm vụ lần lượt là 0,5 và 0,3. Trong khi đó các tổ trưởng, tổ phó cũng thực hiện nhiệm vụ của lớp trong suốt quá trình học tập nhưng không được cộng điểm. Chính điều này đã nảy sinh sự so sánh, phân bì, thậm chí có trường hợp đã đổ trách nhiệm quản lý lớp và các hoạt động khác cho lớp trưởng và các lớp phó, từ đó gây khó khăn và lúng túng cho chủ nhiệm lớp và Hội đồng xét thi đua, khen thưởng cuối khoá.
Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên cộng điểm cho cả các tổ trưởng và tổ phó để động viên tinh thần trách nhiệm, góp phần động viên tinh thần học tập, rèn luyện và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý lớp tốt hơn, đảm bảo sự công bằng hơn.
Thứ hai: Về Quy chế Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên
Tại khoản a, điểm 1, Điều 3 quy định điều kiện dự thi hết phần học có ghi: Học viên vắng có lý do dưới 20% tổng số thời gian học trên lớp thì học lại nội dung chưa học; còn vắng trên 20% hoặc vắng không có lý do thì học lại cả phần học đó. Điều này đồng nghĩa với việc học viên không được nghỉ bất kỳ buổi học nào và gây khó cho học viên cũng như giáo viên chủ nhiệm lớp. Vì thực tế khó có trường hợp học viên nào trong suốt quá trình học mà không nghỉ ít nhất một buổi vì nhiều lý do khác nhau. Hơn nữa, nếu có lớp học tiếp theo diễn ra ngay sau đó thì dễ bố trí cho học viên học lại, còn nếu sau đó rất lâu mới có lớp diễn ra thì vô hình chung sẽ kéo dài thời gian học tập của học viên không phải 6 tháng mà có thể lâu hơn. Vì vậy, nên chăng chúng ta quy định cho học viên được nghỉ đến 10% tổng số thời gian học như trước kia thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho cả học viên và cán bộ quản lý lớp.
Thứ ba: Về Quy chế Giảng viên
Điều 6 quy định về nhiệm vụ cụ thể của giảng viên, kể cả giảng viên tập sự, giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp đều phải có bài báo khoa học đăng trên bản tin, tạp chí của địa phương và trung ương. Ở đây cần bổ sung thêm đăng bài trên website hoặc nội san của trường, vì hiện nay đại bộ phận các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã xây dựng và đưa vào hoạt động website hoặc nội san của trường mình. Vì vậy, sửa cụm tử “phải có bài báo khoa học đăng trên bản tin, tạp chí của địa phương và trung ương” thành “phải có bài báo khoa học đăng trên bản tin, báo, tạp chí của địa phương hoặc website, nội san của trường hoặc tạp chí của trung ương” thì sẽ bao quát hơn và phù hợp với thực tế hơn.
Cũng tại Điều này, đối với giảng viên phải giảng dạy từ ½ số bài trở lên, đối với giảng viên chính là phải giảng tất cả các bài của chương trình đào tạo, bồi dưỡng do khoa đảm nhận; còn đối với giảng viên cao cấp thì phải giảng tất cả các bài của chương trình đạo tạo, bồi dưỡng do nhà trường phân công. Ở đây xảy ra mâu thuẫn là, một mặt mỗi giảng viên chỉ được đào tạo một chuyên ngành chuyên sâu, cùng lắm là hai chuyên ngành và như vậy có thể giảng các bài ở các khoa học khác không? Có thể được nhưng chắc chắn chất lượng không cao. Mặt khác, hiện nay hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) các trường đều chuyên môn hoá, tức một giáo viên chỉ giảng dạy một chuyên ngành hoặc có thể giảng thêm một vài chuyên đề gần với chuyên ngành mà mình được đào tạo. Đây là một trong những cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học ở các trường chính trị hiện nay, trong đó có Trường Chính trị Bình Dương.
Hơn nữa, một giảng viên có giỏi cách mấy đi chăng nữa cũng khó có thể giảng được tất cả các bài ở các phần học khác nhau, nhất là những giảng viên trẻ. Mặt khác, hiện nay có khoa đảm nhận hai phần học và phối hợp thực hiện ở các phần học khác, trong khi đó để giảng được một phần học đòi hỏi giảng viên phải có chuyên môn sâu. Chẳng hạn, Khoa lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đảm nhận phần I và phần IV. Như vậy, giảng viên có thể giảng được cả phần I.1 và I.2 không, hoặc giảng viên chính có thể giảng hết phần I và phần IV không? Chúng tôi thiết nghĩ điều này rất khó xảy ra trong thực tế.
Mặt khác, cũng là giảng viên nhưng giảng viên mới khác với giảng viên lâu năm kinh nghiệm, không thể đòi hỏi giảng viên mới giống như giảng viên lâu năm. Chưa kể trong thực tế có phần có ít bài nhưng có phần lại nhiều bài hơn. Vì vậy, muốn giảng viên đảm nhận nhiều bài thì cần trải qua quá trình giảng dạy để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm. Cho nên quy định đã là giảng viên thì phải giảng ½ chương trình do khoa đảm nhận vô hình chung chúng ta đã cào bằng về nhiệm vụ, không phù hợp với thực tế, rất khó thực hiện và khó khả thi.
Như vậy, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn này để đánh giá giảng viên cuối năm thì họ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và có thể không hoàn thành trong nhiều năm. Vì vậy chúng ta nên quy định lại điều theo hướng thực tế hơn, để dễ thực hiện hơn và khả thi hơn.
So với chương trình và bộ Quy chế 268 trước đây thì Chương trìnhhiện nay và bộ Quy chế 1855 có nhiều ưu điểm hơn, nhưng để nó có nhiều sức sống hơn, cần có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn, thực tế hơn để từ đó tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nhằm đảm bảo hài hoà giữa Học viện chính trị quốc giia Hồ Chí Minh với việc thực hiện nhiệm vụ của các trường chính trị tỉnh, thành phố. Bởi lẽ, chương trình và quy chế do Học viện ban hành thì các trường phải nghiêm túc thực hiện, nhưng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các trường dễ thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương.
ThS Tô Văn Sơn
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Bình Dương