Thực hiện công tác tư tưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
1. Yêu cầu phải thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay
Sắp xếp tổ chức lại bộ máy nhằm nâng cao hiệu hoạt động là yêu cầu thường xuyên, tất yếu của mỗi tổ chức. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung Đảng khoá XII về sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong quá trình đổi mới và giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay.
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban thường vụ tỉnh uỷ Bình Dương. Việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của trường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cần thiết; xuất phát từ thực tế tổ chức bộ máy của Trường và cơ sở chính trị mà trực tiếp là Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 12 tháng 02 năm 2018 và cụ thể hơn là Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bình Dương phê duyệt Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”, Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Thứ nhất, Cơ cấu tổ chức bộ máy của trường Chính trị hiện nay:
- Ban giám hiệu: Hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng
- Khoa: 4 khoa. Trong đó:
+ Khoa Dân vận: 4 viên chức, gồm trưởng khoa và 3 giảng viên
+ Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: 5 viên chức, gồm 1 phó trưởng khoa và 4 giảng viên
+ Khoa Nhà nước và pháp luật: 4 viên chức gồm trưởng khoa và 3 giảng viên
+ Khoa Xây dựng Đảng: 5 viên chức, gồm trưởng khoa, 2 phó trưởng khoa và 2 giảng viên.
- Phòng: 3 phòng. Trong đó:
+ Phòng Đào tạo: 5 viên chức, gồm trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng và 2 viên chức
+ Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu: 4 viên chức, gồm trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng và 2 viên chức.
+ Phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị: 10 viên chức, gồm trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng và 7 viên chức.
Thứ hai, theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” thì:
- Việc thành lập các khoa, phòng đảm bảo: tối thiểu có 7 người mới thành lập một đầu mối (khoa, phòng và tương đương); khoa, phòng có dưới 10 người được bố trí cấp trưởng và 1 cấp phó; từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó.
- Cơ cấu tổ chức:
Ngoài Ban giám hiệu, Trường chính trị tỉnh được thành lập tối đa 5 khoa, phòng; định hướng như sau:
+ 3 Khoa, gồm: khoa Lý luận cơ sở, khoa Nhà nước và pháp luật; khoa Xây dựng Đảng.
+ 2 Phòng, gồm: Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu.
- Về biên chế:
Biên chế của trường chính trị cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh uỷ xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức; phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm đã được phê duyệt; bảo đảm thực hiện việc tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tối thiểu là 75% tổng số cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng số biên chế của Trường được Ban thường vụ tỉnh uỷ quy định theo lộ trình thực hiện đến năm 2021 là: 38
2. Một số vấn đề đặt ra khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức tại Trường Chính trị
Như vậy, đối chiếu cơ cấu, tổ chức bộ máy của Trường hiện nay với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh uỷ Bình Dương và tổng số biên chế được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao thì Trường chưa đảm bảo yêu cầu về tổ chức bộ máy và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức. Khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và biên chế sẽ dẫn đến tình trạng:
Một là, thừa cán bộ quản lý cấp khoa, phòng:
- Do việc hình thành phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ dư ra ít nhất là 1 chức danh trưởng phòng, 2 chức danh phó trưởng phòng.
- Thành lập khoa Xây dựng Đảng trên cơ sở khoa Xây dựng Đảng và khoa Dân vận sẽ dư 1 chức danh trưởng khoa và 1 chức danh phó trưởng khoa
Hai là, cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu không đạt tối thiểu 75% tổng số cán bộ, viên chức
Ba là, số lượng cho một đầu mối (khoa Nhà nước và pháp luật và phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học ) không đủ 7 viên chức theo quy định thì chỉ được bố trí 1 cấp trưởng.
Nhiệm vụ hiện nay là phải thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức không chỉ đảm bảo yêu cầu về cơ cấu, thời gian quy định mà còn đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường. Để đảm bảo yêu cầu, khi sắp xếp lại sẽ phải thay đổi chức danh quản lý ở một số khoa phòng; trong đó có viên chức từ cấp trưởng phòng, khoa xuống cấp phó hoặc cấp phó phòng, khoa không được tiếp tục được giữ chức vụ quản lý, một số viên chức được điều chuyển đến phòng, khoa mới, thay đổi vị trí việc làm. Điều này dẫn đến một số vấn đề:
Thứ nhất, tư tưởng của viên chức (nhất là những viên chức trong các phòng, khoa thực hiện sáp nhập, thay đổi vị trí công tác và chức vụ) bị tác động. Tâm lý chung là lo lắng, không yên tâm, một số viên chức có thể không đồng ý sự thay đổi đối với mình, suy nghĩ có thể theo hướng tiêu cực.
Thứ 2, đã xuất hiện dư luận theo hướng lệch lạc, có thể kích động, gây tâm lý hoang mang, thậm chí chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ và hiểu không đúng bản chất việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong đội ngũ viên chức của trường.
Những vấn đề trên tác động rất lớn đến chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức và hiệu quả hoạt động của từng viên chức và do đó đến hiệu quả hoạt động của cả tập thể trường.
Vì vậy, ngoài việc xây dựng một đề án sắp xếp hợp lý thì công tác tư tưởng sẽ có vai trò rất lớn để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức của Trường theo đúng chủ trương hiện nay.
3. Một số đề xuất thực hiện công tác tư tưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức của trường Chính trị hiện nay
Tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là phải tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn xã hội. Đối với Trường Chính trị, để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức, yêu cầu công tác tư tưởng hiện nay là cần phải tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của tất cả cán bộ, viên chức. Do vậy, những việc cần phải làm là:
Thứ nhất, tiếp tục đảm bảo thực hiện thật tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
Nguyên tắc tập trung dân chủ cần thực hiện ngay từ khâu xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy. Việc xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy trước hết là chức năng, nhiệm vụ của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, phát huy dân chủ là để phát huy trí tuệ tập thể, để có thể xây dựng đề án tổ chức bộ máy hiệu quả nhất, khả thi nhất. Vì vậy, Đảng uỷ, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể nhà trường cần thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng và tạo điều kiện để đảng viên, quần chúng, viên chức được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, tích cực tham gia đóng ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của trường.
Đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ vừa tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, viên chức vừa tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng uỷ và điều hành, quản lý của Ban giám hiệu nhà trường.
Thứ hai, tạo sự nhận thức đúng đắn và đồng thuận trong cán bộ, viên chức toàn Trường về yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Cần xác định đối tượng để làm công tác tư tưởng là toàn thể cán bộ, viên chức của trường. Bởi vì, quá trình sắp xếp không chỉ những người bị tác động trực tiếp (bị thay đổi vị trí việc làm và chức vụ) mà tất cả viên chức trong bộ máy đều bị chi phối, tác động về tư tưởng.
Trước hết phải tạo được niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường.
Cần phải kịp thời công khai Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, trước hết là công khai trong tổ chức Đảng (từ Đảng uỷ đến các chi bộ). Kịp thời công khai sẽ đảm bảo thể hiện và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ. Thể hiện việc tuân thủ nguyên tắc khách quan, minh bạch trong công tác cán bộ. Việc sớm công khai cũng là biện pháp phòng và ngăn chặn kịp thời những dư luận, tư tưởng lệch lạc như đã nêu vấn đề ở trên; Đồng thời, cũng sẽ tạo được sự tin tưởng của cán bộ, viên chức đối với Đảng uỷ, Ban giám hiệu. Từ niềm tin và sự thống nhất trong Đảng sẽ tạo được sự thống nhất trong toàn thể cơ quan.
Bên cạnh đó, công tác tư tưởng phải làm cho tất cả viên chức xác định rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy không phải chỉ do yêu cầu từ cơ quan cấp trên mà chính là yêu cầu nội tại bộ máy của Trường. Thực trạng bộ máy và cán bộ, viên chức của Trường cũng đặt ra yêu cầu cần phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Vì vậy, nội dung công tác tư tưởng phải phân tích làm rõ tính ưu việt hơn hẳn của Đề án sắp xếp lại so với bộ máy trước khi sắp xếp. Tính ưu việt thể hiện ở sự tinh gọn bộ máy, giảm cán bộ quản lý, vị trí việc làm có khả năng phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn của từng viên chức và bao gồm cả tầm nhìn về quy hoạch cán bộ.
Thứ ba, thực hiện công tác tư tưởng với từng cá nhân cụ thể với hình thức và nội dung phù hợp.
Đối với những cá nhân khi phải thay đổi chức vụ hay vị trí việc làm sẽ ảnh hưởng tư tưởng rất lớn. Đặc biệt phải động viên kịp thời để ngăn ngừa sự kích động từ dư luận ví dụ như: chuyển (hoặc không được bổ nhiệm) là do bị ghét, do đấu đá mất đoàn kết nội bộ…hoặc cũng có thể ngược lại việc chuyển (hoặc bổ nhiệm) là do được ưu ái…Vì vậy, họ cần được sự động viên, khích lệ. Động viên là khâu rất quan trọng trong công tác tư tưởng. Ngoài ra, không chỉ nên coi việc thay đổi là thử thách mà phải động viên, giải thích để mỗi viên chức hiểu sự thay đổi vị trí của họ hoặc (được hay không được bổ nhiệm chức vụ) là phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn và đặc biệt đó là vị trí phù hợp với tổ chức bộ máy, là vì lợi ích chung của tập thể từng phòng, khoa và nhà trường mà không vì bất kỳ lý do nào khác.
Mỗi sự thay đổi về vị trí việc làm đối với viên chức đều có thể gặp những khó khăn nhất định. Công tác tư tưởng là động viên họ loại bỏ tâm lý lo lắng, tự ti, hoặc tư tưởng tự mãn, giúp họ cách thức để thích ứng nhanh với công việc mới, hoà nhập nhanh với tập thể mới. Đồng thời, phải làm công tác tư tưởng đối với cả viên chức ở tất cả các khoa, phòng, động viên họ cần tin tưởng ở người mới đến, gần gũi, hợp tác, tạo điều kiện để người mới nhanh chóng hoà nhập với tập thể.
Thứ tư, thống nhất về nhận thức và nội dung công tác tư tưởng
Công tác tư tưởng phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức đoàn thể, của Ban giám hiệu và lãnh đạo các khoa, phòng.
Các chủ thể thực hiện công tác tư tưởng phải được định hướng thống nhất về cách thức, nội dung, mục tiêu cụ thể. Tránh việc tạo ra những thông tin, cách hiểu không thống nhất. Như vậy, cách thức, nội dung công tác tư tưởng hiện nay phải hướng đến mục tiêu chung là tạo được sự nhận thức đúng đắn, đồng thuận trong tập thể cán bộ, viên chức, người lao động để thực hiện thành công Đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy trường Chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ năm, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên trong thực hiện sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Học tập, làm theo Bác cùng với việc thực hiện Quy định số 08-Qđi/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các khoa, phòng, tổ chức đoàn thể phải là tấm gương tiêu biểu về nhận thức và hành động, phải luôn ủng hộ Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy mà Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng và tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức hoàn thiện bộ máy của Trường, có nhiều đồng chí là đảng viên, là người đứng đầu và cấp phó các phòng, khoa phải thay đổi về chức vụ, điều chuyển vị trí công tác. Công tác tư tưởng cần tác động để các đồng chí đó nêu cao tính gương mẫu, vì lợi ích chung của tập thể, nhận thức đúng đắn, chấp hành nghiêm túc sự phân công của tổ chức; đồng thời lan toả tinh thần đó đến viên chức, người lao động khác trong tập thể phòng, khoa và toàn trường.
Tóm lại, thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trường Chính trị tỉnh Bình Dương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả là xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ nội tại của bộ máy. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn trở ngại nhất định. Vì vậy, làm tốt công tác tư tưởng là cơ sở quan trọng để khắc phục, vượt qua những khó khăn, trở ngại đó.
Trong quá trình hoạt động, bộ máy luôn luôn cần được hoàn thiện, việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm của mỗi viên chức có thể sẽ còn thay đổi để có được vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức phù hợp nhất, bộ máy hoạt động hiệu quả nhất. Do đó, thực hiện tốt công tác tư tưởng không chỉ là công việc trong quá trình sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy Trường Chính trị hiện nay mà phải là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên của Đảng uỷ, chi ủy, các tổ chức đoàn thể, của Ban giám hiệu và lãnh đạo các khoa, phòng Trường Chính trị Bình Dương./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
2. Ban Tổ chức Trung ương, Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
3. Tỉnh uỷ Bình Dương, Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 12 tháng 02 năm 2018 về “Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”.
4. Tỉnh uỷ Bình Dương, Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ phê duyệt Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”.
ThS. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật