Thực hiện yêu cầu về ứng xử văn hóa của giảng viên Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Bình Dương và một số giải pháp
1. Đặt vấn đề
Văn hóa ứng xử là một trong những thành tố của văn hóa. Do vậy, ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những quy phạm ứng xử xã hội phù hợp với điều kiện văn hóa, thể hiện tính người thông qua cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Văn hóa ứng xử được hiểu là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội.
Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội.
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có chức năng cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng Lý luận chính chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Chất lượng và hiệu quả giảng dạy phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và hành vi ứng xử của đội ngũ giảng viên. Do có sự khác biệt nhất định về đặc điểm của học viên học tại Trường Chính trị so với một số trường khác như về vị trí công tác, trình độ, độ tuổi .... Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong Nhà trường, đặc biệt là xây dựng cách ứng xử của người giảng viên trong mối quan hệ với đồng nghiệp, giữa giảng viên với học viên khi tham gia học tập, rèn luyện tại trường và tại các trung tâm liên kết với nhà trường có vai trò hết sức quan trọng, là nội dung được Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đặc biệt quan tâm.
2. Thực hiện yêu cầu về ứng xử văn hóa của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.
Thực hiện quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh. Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt, phổ biến cho tất cả giảng viên, viên chức, người lao động những nội dung về ứng xử văn hóa trong nhà trường và triển khai thực hiện.
Thời gian qua, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bình Dương luôn xác định được vị trí và nhiệm vụ chính trị của mình, là lực lượng chủ lực trong việc giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, phản biện những luận điệu sai trái của những kẻ cơ hội, hận thù giai cấp và các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Về ứng xử với đồng nghiệp: Nhìn tổng thể, tập thể giảng viên Trường Chính trị luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, ứng xử có chuẩn mực, luôn thân thiện với nhau trong giao tiếp, sẵn sàng giúp đỡ nhau, choàng gánh công việc cho nhau lúc gặp khó khăn. Ngoài ra, thông qua các hoạt động như thao giảng, dự giờ, hoạt đông thông qua giáo án cấp khoa và hội đồng khoa học nhà trường; thông qua các cuộc hội thảo khoa học do các khoa và trường tổ chức và thông qua các cuộc họp khối nội dung, đội ngũ giảng viên có dịp trao đổi về chuyên môn, chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, trong việc xử lý các tình huống cụ thể ở trên lớp. Việc trao đổi, góp ý luôn diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân thành, thẳng thắn, đúng mực; góp ý để cùng nhau tiến bộ, không lợi dụng việc đóng góp ý kiến để xúc phạm danh dự của đồng nghiệp dưới mọi hình thức. Qua đó nhằm chỉ ra những ưu điểm của từng giảng viên cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục với mục đích cuối cùng là cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy và bảo đảm sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Về ứng xử với học viên: Chúng ta biết rằng, tất cả học viên học tập, bồi dưỡng ở hệ thống các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng đều là cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Trong đó có không ít học viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; họ có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn công tác phong phú... Với những điểm đặc thù của học viên Trường Chính trị như thế, yêu cầu đội ngũ giảng viên cần nhận thức đúng để có cách ứng xử phù hợp, đúng chuẩn mực, vừa thể hiện bản lĩnh của người giảng viên Trường Chính trị trong giảng dạy và đảm bảo sự tinh tế, thái độ tôn trọng đối với học viên.
Trong quá trình lên lớp, đa số giảng viên của Trường Chính trị Bình Dương luôn có thái độ giao tiếp chuẩn mực với học viên, tôn trọng vị trí công tác, ý kiến phát biểu của học viên, gợi mở những vấn đề qua đó học viên có thể gắn lý luận với thực tiễn ở địa phương, đơn vị công tác; thông qua trao đổi, thảo luận giảng viên cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ học viên nếu giảng viên thể hiện đúng thái độ và chuẩn mực trong quá trình giao tiếp. Sẵn sàng giải đáp những thắc mắc về mặt lý luận luận trong khả năng của mình khi học viên có yêu cầu; tận tình hướng dẫn học viên viết tiểu luận tốt nghiệp cuối khóa, không gây áp lực, khó dễ, làm khó học viên và tuyệt đối không gợi ý để học viên tặng quà.
Đối với công việc: Giảng viên có hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Về nhiệm vụ giảng dạy, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị đều được đào tạo bài bản, chính quy ở các trường Đại học, Học viện có uy tín trong nước, đến thời điểm này đã có 19/23 giảng viên có trình độ sau đại học, 01 giảng viên đang theo học chương trình sau đại học. Theo đánh giá của học viên (kể cả học viên đã ra trường nhiều năm) thì đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Chính trị có tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức lý luận và có phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm của học viên học tại Trường Chính trị; luôn bám sát giáo trình, chủ động cập nhật kiến thức và thông tin thời sự trong và ngoài nước, các văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước để liên hệ vào nội dung bài giảng một cách sinh động; luôn có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự của nhà trường cũng như của bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Với vai trò của mình trong việc truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị luôn nêu cao ý thức và tính kỷ luật trong phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động của các tổ chức, cá nhân về uy tín, danh dự, và vai trò lãnh đạo của Đảng. Không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật phát ngôn khi trả lời, phát biểu, bình luận với các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Trong trường hợp trả lời giới truyền thông nhân các ngày lễ lớn, hay một sự kiện nào đó đều được sự đồng ý và ủy quyền của Ban giám hiệu.
Về nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên của trường trong những năm qua luôn tích cực viết bài tham luận và dự hội thảo khoa học do học viện, các trường và các sở, ngành tổ chức; số lượng giảng viên viết bài ngày càng nhiều, chất lượng bài viết đáp ứng được yêu cầu của ban tổ chức hội thảo. Điển hình, tại hội thảo khoa học “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Học viện Chính trị khu vực 2 tổ chức vào tháng 5 năm 2019 trường chính trị Bình Dương có 07 giảng viên viết bài tham luận, tất cả 06 bài tham luận đều có tên trong danh mục các tham luận của hội thảo (trong đó có 01 tham luận do 02 giảng viên viết chung); hội thảo “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tình Bình Dương” do tỉnh ủy Bình Dương tổ chức và giao cho Ban tuyên giáo tỉnh ủy chù trì, tổ chức vào tháng 11 năm 2019, trường chính trị Bình Dương có 11 giảng viên tham gia viết bài và tất cả các bài tham luận đều được sử dụng và in trong kỷ yếu của hội thảo. Ngoài ra đội ngũ giảng viên còn tích cực viết bài đăng gửi các báo, tạp chí và đăng trên website của trường.
Năm 2020, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo các khoa chuyên môn thực hiện thành công ba cuộc hội thảo khoa học. Trong đó, có hai hội thảo cấp trường. Một, do khoa Xây Dựng Đảng thực hiện với chủ đề “Giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương hiện nay”; Hai, do khoa Nhà nước – Pháp luật thực hiện với chủ đề "Các nhân tố tác động đến kết quả học tập của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đào tạo giai đoạn 2015 - 2020" và một hội thảo cấp khoa do khoa Lý luận cơ sở tổ chức với chủ đề “Giải pháp đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay”.
Có thể nói rằng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trong thời gian qua đều thể hiện được phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cá nhân và hiệu quả trong công việc; chủ động cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học và đi thực tế cá nhân, thực tế của khoa và trường tổ chức.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do khác nhau. Một số giảng viên trong ứng xử với đồng nghiệp như thái độ (chào hỏi), cách xưng hô (thầy – cô hay anh, chị - em hay mày - tao trong quá trình làm việc đặc biệt là khi có sự chứng kiến của học viên)... chưa thật sự tế nhị; cũng có lúc góp ý thẳng thắn, tranh luận về học thuật nhưng đôi khi lại gây ra sự hiểu nhầm lẫn nhau; trong công tác chuyên môn, đa số các giảng viên đều nhiệt tình, giúp đỡ lẫn nhau trong việc góp ý về bài giảng, về giáo án, nhưng vẫn có những giảng viên chưa nhiệt tình, có lúc góp ý mang tính chiếu lệ (không có ý kiến gì hoặc giống các ý kiến đã đóng góp...)
Một số giảng viên vẫn chưa tích cực cập nhật kiến thức, văn bản mới bổ sung vào giáo án và bài giảng; chưa tích cực trong nghiên cứu khoa học (một năm hay nhiều năm liền không có bài viết đăng trên trang thông tin điện tử của trường)
Trong giao tiếp với học viên, vẫn còn một số giảng viên sử dụng ngôn xưng chưa thật sự phù hợp như xưng “Tên” của mình hay xưng thầy, cô trong quá trình giảng dạy (ở đây theo tác giả, để phù hợp với đặc điểm của học viên học tại Trường Chính trị chúng ta nên thống nhất sử dụng ngôn xưng “Tôi” và “đồng chí”); trong quá trình giảng dạy, có giảng viên quá nhập tâm, cuốn vào bài giảng nên nhiều lúc sử dụng những ngôn ngữ mà chúng ta vẫn nghe trong cuộc sống đời thường nhưng nó không phù hợp với ngôn ngữ trong trường học, đặc biệt là Trường Chính trị. Thậm chí có giảng viên trong quá trình giảng dạy lấy người này, người khác (có cả người trong trường) để làm ví dụ, việc đó đã vô tình ảnh hưởng đến uy tính của những người đó, làm mất hình ảnh của giảng viên Trường Chính trị..., cũng có những trường hợp cách đặt câu hỏi của giảng viên, cách đánh giá về câu trả lời của học viên (đồng chí trả lời như vậy là sai...), cách nhận xét như vậy đã không khuyến khích học viên tham gia vào bài giảng, thậm chí làm cho học viên cảm thấy hỗ thẹn trước tập thể lớp, đặc biệt là những học viên lớn tuổi...
3. Giải pháp
Để thực hiện tốt yêu cầu về ứng xử văn hóa của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, theo tác giả chúng ta cần thực hiện tốt đồng bộ một số giải pháp sau
Thứ nhất, về phía Ban Giám hiệu
- Tiếp tục quán triệt đến tất cả cán bộ, viên chức người lao động về quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (đặc biệt là phong cách ứng xử)
- Tăng cường công tác nắm bắt dư luận về ứng xử văn hóa của giảng viên một cách đa chiều.
Với vị trí công tác và các mối quan hệ, Ban Giám hiệu thông qua lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và của cấp cơ sở để lắng nghe phản ánh của những người đã từng là học viên và một số đang là học viên ở Trường Chính trị phản ánh về ứng xử của giảng viên trong quá trình học tập tại trường với lãnh đạo và đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị.
Ban Giám hiệu cũng có thể nắm bắt thông tin trực tiếp qua người học (do đặc điểm của đối tượng học tại trường đều là cán bộ) trong những buổi tiếp xúc trực tiếp hàng ngày trong cuộc sống, hoặc thông qua các buổi nghe thông tin thời sự, nghe Nghị quyết ... hoặc thông qua sự phản ánh của giáo viên chủ nhiệm lớp, của các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị ... để nắm bắt về cách ứng xử của giảng viên.
- Tăng cường nhắc nhở lãnh đạo các khoa, phòng trong các cuộc họp giao ban về việc quán triệt, nhắc nhở thường xuyên đối với giảng viên về ứng xử với đồng nghiệp, với học viên và với công việc.
Thứ hai, về phía lãnh đạo khoa
- Trước hết phải thể hiện tinh thần nêu gương trong ứng xử với giảng viên (đặc biệt là ứng xử với chính mình và công việc)
- Làm tốt công tác cầu nối giữa các giảng viên trong khoa, giữa giảng viên trong khoa với giảng viên các khoa phòng trong sinh hoạt chuyên môn, trong ứng xử, nhằm tạo sự đoàn kết và thống nhất cao.
- Tăng cường công tác dự giờ, thao giảng qua đó có thể thấy được về tác phong, cách ứng xử của mỗi giảng viên, tinh thần, thái độ với công việc (cập nhật kiến thức về lý luận và thực tiễn...)
- Bên cạnh đó, lãnh đạo khoa cũng cần nắm bắt dư luận về ứng xử của giảng viên do mình quản lý một cách đa chiều.
- Đánh giá kết quả thi đua hàng quý của giảng viên một cách khách quan cũng là kết quả đánh giá về ứng xử của giảng viên một cách trung thực và hiệu quả nhất.
Thứ ba, đối với giảng viên
- Bản thân mỗi giảng viên cần xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong nhà trường qua đó sẽ biết phải ứng xử như thế nào cho đúng với chuẩn mực trong từng mối quan hệ cụ thể (đặc biệt phải xem học viên vừa là người học, đồng thời cũng là người đồng chí; chỉ khác nhau về vị trí công tác, môi trường công tác...)
- Phải thể hiện rõ được bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm của người giảng viên, qua đó có thể ứng xử và phản biện một cách khoa học các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ danh dự của Đảng, Nhà nước cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.
Để làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước; cập nhật các thông tin thời sự trong và ngoài nước, gắn với lý luận để giải thích những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống một cách khoa học.
- Phải thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm với cơ quan, với đồng nghiêp, với bản thân. Không ngừng tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ về chuyên môn; tăng cường nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học để vận dụng vào bài giảng một cách phù hợp, thuyết phục nhất.
- Có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, của học viên trong quá trình sinh hoạt chuyên môn và giảng dạy trên lớp; thường xuyên quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, các trang mạng xã hội như Zalo, Facbook với khả năng đăng tải và chia sẻ thông tin cá nhân tự do. Chúng ta chưa cần bàn đến các chế tài được quy định trong luật an ninh mạng, chỉ dựa vào vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị thì chúng ta cũng có thể thấy được tầm ảnh hưởng rất lớn của các bài viết, bình luận, chia sẻ của giảng viên trên các trang mạng xã hội đến tư tưởng, niềm tin của học viên, cán bộ, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ giảng viên Trường Chính trị phải thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong ứng xử văn hóa của mình trên các trang mạng xã hội, từ cách dùng từ ngữ, nội dung thông tin, chia sẻ các thông tin.
4. Kết luận
Văn hóa ứng xử là một lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú của con người diễn ra hàng ngày, đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi dân tộc. Đối với mỗi cá nhân con người, văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường hàng ngày, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của người đó. Thành công của một người nhiều khi không phải ở chuyên môn giỏi mà còn ở cách ứng xử với mọi người (ứng xử văn hóa) ví như một người có chuyên môn chỉ ở mức trung bình mà biết giao tiếp, ứng xử hợp tác với đồng nghiệp một cách tốt đẹp, linh hoạt, nhạy bén thì có thể thu hái nhiều thành công hơn những người có thể giỏi hơn về chuyên môn, nhưng kiêu ngạo, chủ quan, giao tiếp ứng xử kém và thiếu tinh thần hợp tác.
Với tầm quan trọng của ứng xử văn hóa đối với việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của trường chính trị, đặc biệt là đội ngũ giảng viên (tiếp xúc trực tiếp với học viên ở trên lớp) phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, chuẩn mực trong ứng xử nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn, giữ lại hình ảnh tốt đẹp về văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức, người lao động trường chính trị trong tâm trí của người học và của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh.
ThS. Phan Văn Bằng - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở