Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, được sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ trong Tỉnh. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng chuyên môn cho giảng viên.
Trên tinh thần nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý”. Trong những năm qua, giảng viên Trường đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như tham gia đề tài khoa học các cấp, viết sách, viết bài hội thảo khoa học, viết bài đăng báo, tạp chí khoa học ISSN, bài đăng Webside...Giảng viên Trường Chính trị luôn xem hoạt động nghiên cứu khoa học là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy. Mặt khác, theo quy chế hoạt động, nghiên cứu khoa học là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của mỗi giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH DƯƠNG THỜI GIAN QUA
2.1. Nguồn lực phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học
2.1.1. Về nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học
Tổng số giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương tính đến ngày 31/12/2020 là 23 giảng viên trong đó có các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên kiêm chức ở Phòng Đào tạo - Nghiên cứu Khoa học, Phòng tổ chức - hành chính - thông tin tư liệu và giảng viên 03 khoa: Lý luận cơ sở, Nhà nước - Pháp luật và Xây dựng Đảng. Về trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, có 2 tiến sĩ, 18 thạc sĩ và 3 cử nhân.
Nhìn chung, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có học vị tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành phù hợp, cơ cấu ngành nghề được đào tạo phong phú, có trách nhiệm nghề nghiệp, chuyên môn giỏi và khả năng nghiên cứu tốt.
2.1.2. Về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học
Hiện tại, thư viện Trường có khoảng 3.000 đầu sách bao gồm tài liệu tham khảo chuyên ngành, giáo trình các loại, tiểu luận, luận văn, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, tạp chí chuyên ngành, các loại báo, công báo, thời báo phục vụ cho việc tham khảo, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cán bộ, giảng viên và học viên.
2.2. Một số kết quả đạt được và nguyên nhân
2.2.1. Một số kết quả đạt được
Trong những năm qua, với tinh thần chủ động, tích cực, bám sát các kế hoạch định hướng nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành quả nhất định, cụ thể như sau:
- Đề tài nghiên cứu khoa học: Trong thời gian qua, các Khoa của Trường đã bảo vệ thành công 06 đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài đi sâu nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tìm các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất.
- Tham gia Hội thảo khoa học: Nhiều giảng viên của Trường tích cực đầu tư viết bài đạt chất lượng tham dự nhiều hội thảo khoa học, được đăng kỷ yếu và trình bày tham luận tại các hội thảo do các đơn vị tổ chức như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II, Trường Chính trị - hành chính thủ đô Viêng Chăn, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Huế, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương, Huyện ủy - UBND huyện Bàu Bàng...
- Về tổ chức Hội thảo khoa học: Hàng năm các khoa chuyên môn đều chủ động tham mưu cho Trường các hội thảo khoa học cấp Trường, cấp khoa. Các đề tài đi sâu giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Các hội thảo khoa học đã tập hợp nhiều bài viết có chất lượng của các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp gợi mở nhiều hướng suy nghĩ trong tư duy phát triển để hướng đến những đổi mới đem đến sự thành công. Trong năm 2020, các khoa đã tiến hành tham mưu và thực hiện 03 hội thảo khoa học mang giá trị lý luận - thực tiễn sâu sắc và đem đến nhiều hiệu ứng tích cực trong nghiên cứu khoa học.
- Đặc biệt, trong năm 2019, Trường đã tổng hợp được sức mạnh trí tuệ của các giảng viên về nghiên cứu khoa học để xuất bản thành công giáo trình Tình hình và nhiệm vụ địa phương phục vụ tốt cho chương trình đào tạo học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Biên soạn Tài liệu học tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho Lớp đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo.
- Với tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học, giảng viên Trường đầu tư sâu về chuyên môn bài viết để được duyệt đăng trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISSN, tham gia hội thảo khoa học quốc tế, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, viết sách, viết bài đăng trên các báo, tạp chí và trang thông tin điện tử của Trường với nội dung, đề tài phong phú, đa dạng, mang hàm lượng “chất xám” cao và thể hiện tính tuyên truyền, giáo dục tốt.
2.2.2. Nguyên nhân
- Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã có nhiều hình thức sinh động, đa dạng, thu hút đội ngũ giảng viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chuyên môn và chất lượng bài giảng.
- Giảng viên đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với quá tình đào tạo, bồi dưỡng. Giảng viên các khoa đã tích cực đi nghiên cứu thực tế, mạnh dạn, tâm huyết nghiên cứu những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết, có tính ứng dụng thực tiễn cao, phát huy được tính tích cực, chủ động và thúc đẩy công tác giảng dạy đạt kết quả tốt hơn.
2.3. Một số hạn chế và nguyên nhân
2.3.1. Một số hạn chế
Công tác nghiên cứu khoa học của Trường vẫn chưa theo kịp “hơi thở” phát triển của Tỉnh, thiếu các đền tài làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra, đặc biệt là các vấn đề mang tính đột phá chiến lược giúp Bình Dương phát triển bền vững.
Việc đăng ký các đề tài khoa học các cấp thực hiện chưa bài bản, vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong quy trình đăng ký và các bước thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Số lượng các bài viết đăng trên Webside còn ít, chất lượng vẫn còn hạn chế, thiếu các bài viết chủ đạo theo các chủ điểm tuyên truyền hàng tháng. Chất lượng một số bài viết trong các hội thảo chưa cao, công tác biên tập, duyệt bài vẫn còn một số hạn chế.
2.3.1. Nguyên nhân
Thứ nhất, việc lựa chọn các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hay, đáp ứng yêu cầu đơn vị thụ hưởng và vượt qua quy trình xét duyệt của các cấp có thẩm quyền đòi hỏi phải có tư duy sáng tạo và xây dựng chương trình thực hiện mang tính thuyết phục cao nên rất khó thực hiện.
Thứ hai, vẫn còn thiếu cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời nhằm tạo động lực cho giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Chưa có hướng dẫn cụ thể về các bước để hoàn thiện công trình nghiên cứu khoa học. Việc xét duyệt các bài viết khoa học còn chậm, việc bố trí thời gian hội thảo chưa thật sự khoa học.
Thứ ba, nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, tốn nhiều công sức, thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trải qua một quá trình kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu nên số ít giảng viên chưa thật sự tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học.
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
- Thứ nhất, cụ thể hóa và quán triệt Quy chế nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2252 - QĐ/HVCTQG ngày 2 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo ra động lực, lan tỏa tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên.
- Thứ hai, Ban Giám hiệu đẩy mạnh hỗ trợ bằng cách quảng bá tiềm lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, liên hệ với các đơn vị thụ hưởng, tìm kiếm các đề tài khoa học để đội ngũ giảng viên thực hiện. Mặt khác, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng cơ chế khen thưởng và có chế tài để tạo động lực cho giảng viên nghiên cứu khoa học.
- Thứ ba, Hội đồng khoa học Trường cần đổi mới tư duy và phương pháp hoạt động trong việc duyệt bài viết, thông qua giáo án, xét duyệt đề tài và thực hiện đề tài khoa học. Thực hiện “Ngày khoa học” trong từng tháng. Hàng năm, cần có “Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học” để đánh giá hoạt động khoa học trong năm, đề ra nhiệm vụ cho năm sau.
- Thứ tư, giảng viên phải nghiên cứu kỹ quy chế nghiên cứu khoa học, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, chủ động, tích cực liên hệ tìm kiếm các đề tài nghiên cứu khoa học, phát huy tư duy sáng tạo, chủ động thuyết trình những vấn đề thiết thực, cấp thiết để thuyết phục các đơn vị thụ hưởng đặt hàng. Mặt khác, đẩy mạnh tham mưu các giải pháp cho Ban Giám hiệu để không ngừng nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường phối hợp giữa giảng viên các phòng, khoa để phát huy tối đa “chất xám” thực hiện hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học.
- Thứ năm, các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành trong tỉnh có thể nghiên cứu phối hợp cùng Trường Chính trị tổ chức các hội thảo khoa học để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết đang đặt ra. Đồng thời, có thể cân nhắc đặt hàng hoặc phối hợp với Trường Chính trị để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
4. KẾT LUẬN
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của nhân dân”. Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục phát triển của những người làm nghiên cứu khoa học để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam XHCN hùng cường.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã đạt một số thành tựu đáng khích lệ. Qua đó, giúp đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, giảng dạy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của Trường, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học đôi khi còn chưa khoa học.
Theo nhà bác học Albert Einstein: “Toàn bộ khoa học chỉ là sự tinh lọc những suy nghĩ thường ngày”. Khoa học sẽ làm cho suy nghĩ của chúng ta trở nên sáng suốt hơn, muốn vậy “bộ lọc suy nghĩ”, tư duy của chúng ta phải không ngừng đổi mới, phát triển để không ngừng sáng tạo. Thiết nghĩ, cần phải đổi mới tư duy hành động, tạo thêm những xung lực mới, xây dựng đội ngũ giảng viên dám nghĩ vấn đề mới, biết làm tấn tới những điều hay và dám thẳng ngay chịu trách nhiệm. Từ đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường phát triển lên tầm cao mới, mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đồng thời, để vận dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, thiết nghĩ Ban Giám hiệu nên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng kết các thành quả nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình hành động ứng dụng nhằm thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phát triển, nâng cao vị trí, vai trò, chức năng và tầm vóc của Trường theo tinh thần trong Quy định số: 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hy vọng rằng, với bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn xa, trông rộng, ý chí quyết tâm đổi mới của Ban Giám hiệu, tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức, cá nhân liên quan trong thời gian tới công tác nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị sẽ có những thành quả tích cực. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề khó mà thực tiễn và tình hình thực tế của Bình Dương đang đặt ra. Qua đó, đóng góp một phần công sức, trí tuệ để xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh, hiện đại, bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số: 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 Về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Quy chế nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2252 - QĐ/HVCTQG ngày 2 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
5. Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (2021), Báo cáo tổng kết công tác hoạt động năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
TS. Đinh Đức Duy