Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thao giảng, dự giờ tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Thao giảng, dự giờ là một trong những nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, quan trọng đối với mỗi giảng viên. Thực hiện hoạt động thao giảng, dự giờ sẽ giúp giảng viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình, từng bước trưởng thành trong công tác chuyên môn. Các giảng viên có thể học tập, củng cố thêm nhiều kiến thức, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Từ đó có thể từng bước hoàn thiện bản thân, hoàn thiện bài giảng và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Đồng thời, thông qua hoạt động này, nhà trường có thể chọn được những giảng viên tiêu biểu để kịp thời bồi dưỡng tham dự các kỳ thi Giảng viên dạy giỏi cấp toàn quốc, khen thưởng kịp thời và làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đề bạt những cán bộ, giảng viên đủ năng lực, trình độ.
Quy định về hoạt động thao giảng, dự giờ tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành các văn bản qua các giai đoạn khác nhau, và hiện hành nằm trong Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhằm cụ thể hóa quy định của Trung ương để phù hợp với đặc thù tại địa phương, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương cũng chủ động xây dựng những quy định về hoạt động thao giảng, dự giờ của nhà trường được ban hành kèm theo Quy chế Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Những quy định này thường xuyên được cập nhật, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, học tập của nhà trường. Trên cơ sở quy định của Trung ương và của nhà trường, Ban Giám hiệu đã triển khai đến các khoa, phòng thông qua các đợt phát động thi đua. Các khoa cũng chủ động xây dựng kế hoạch thi đua ngay từ đầu năm, trong đó có hoạt động thao giảng, dự giờ. Kết quả thao giảng, dự giờ của các khoa cũng chính là một trong những tiêu chí dùng để đánh giá, phân loại tập thể khoa và giảng viên cuối năm.
Những kết quả đạt được trong hoạt động thao giảng, dự giờ tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thời gian qua:
Vai trò quan trọng của hoạt động thao giảng, dự giờ đối với việc nâng cao chất lượng giảng viên, và sâu xa hơn là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là rất lớn, vì vậy Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả hoạt động thao giảng, dự giờ, đảm bảo các nội dung được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù của nhà trường. Hằng năm, Ban Giám hiệu luôn chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch thao giảng ngay từ đầu năm học, trong đó xác định rõ thời gian tổ chức thao giảng, dự giờ các cấp cũng như tổ chức các hội thi. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể của nhà trường, các khoa chuyên môn cũng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa trong năm, từ đó có định hướng bồi dưỡng những giảng viên giỏi tham gia các hoạt động thao giảng, dự giờ cấp trường và tham mưu cho Ban Giám hiệu những giảng viên tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đặt ra với tinh thần chủ động, sáng tạo, hoạt động thao giảng, dự giờ của nhà trường đã đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết các giảng viên đều xác định đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động này. Khi thao giảng, dự giờ, các giảng viên đều chuẩn bị bài kỹ hơn, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu nhiều hơn, từ đó chất lượng bài giảng được nâng lên, tạo động lực cho các giảng viên hứng thú với việc thao giảng, dự giờ hơn.
Hàng năm nhà trường luôn đảm bảo tỷ lệ giảng viên tham gia thao giảng cấp khoa đạt 100%. Trên cơ sở kết quả thao giảng, các khoa cử giảng viên tham gia thao giảng cấp trường. Từ năm 2005 đến nay, đã có 32 lượt giảng viên tham gia thao giảng cấp trường và hầu hết đều được xếp loại giỏi trở lên.
Bên cạnh đó, nhà trường, các khoa chuyên môn cũng như các đoàn thể còn linh hoạt tổ chức các hội thi nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong công tác giảng dạy như Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp khoa của khoa Nhà nước - Pháp luật, khoa Lý luận cơ sở, khoa Xây dựng Đảng, Hội thi giảng viên dạy giỏi của Chi đoàn thanh niên dành cho những đoàn viên là giảng viên, …
Riêng đối với các kỳ thi giảng viên dạy giỏi của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ khi tổ chức đến nay, nhà trường luôn đảm bảo chọn ra những giảng viên đủ tiêu chuẩn, năng lực và trình độ để tham gia. Vì vậy, tính đến nay, 100% các giảng viên tham gia hội thi này luôn đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc qua các năm. Đối với các giảng viên đạt danh hiệu cao ở cấp Trung ương, nhà trường cũng kịp thời khen thưởng để động viên, khích lệ tinh thần. Đặc biệt, nhà trường còn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh tặng Bằng khen, tạo điều kiện để xét nâng lương trước thời hạn, điều này chính là nguồn khích lệ rất lớn để các giảng viên khác trong trường cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong công tác giảng dạy.
Đối với hoạt động dự giờ, hàng năm nhà trường luôn đảm bảo 100% giảng viên các khoa thực hiện nội dung này theo quy định. Hoạt động dự giờ được thực hiện trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa tổ chức dự giờ đối với mỗi giảng viên của nhà trường. Thứ hai, mỗi giảng viên sẽ tham gia dự giờ đối với những bài giảng của các giảng viên khác, với những giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng. Vì vậy, trong trường hợp này, giảng viên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng dự giờ. Đứng ở hai vị trí khác nhau, mỗi giảng viên sẽ dễ dàng tích lũy được nhiều kiến thức, tự rút ra được nhiều kinh nghiệm chuyên môn cho bản thân. Đặc biệt, các khoa chuyên môn còn thường xuyên tổ chức dự giờ chéo giữa các khoa. Thông qua dự giờ chéo, các khoa sẽ nâng cao hơn nữa việc trao đổi kinh nghiệm, tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ đồng nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Đó là những kết quả mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, để được như vậy, trước hết phải kể đến sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Học viện thông qua các quy định, quy chế được ban hành; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thao giảng, dự giờ hàng năm; sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo các khoa chuyên môn trong việc tạo điều kiện về mặt thời gian, vật chất, tinh thần và nghiệp vụ chuyên môn để các giảng viên có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất; vai trò của các đoàn thể trong việc động viên, khích lệ giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trẻ. Các giảng viên tham gia thao giảng, dự giờ cấp khoa, cấp trường cũng như tham gia hội thi các cấp luôn có tinh thần chủ động, trách nhiệm cao; khi được nhận xét, đánh giá sau thao giảng, dự giờ luôn có tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, lãnh đạo khoa cũng như Hội đồng khoa học nhà trường từ khâu chọn bài, soạn giáo án đến việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, tác phong sư phạm,…từ đó, có phương hướng hoàn thiện những nội dung trên nhằm nâng cao chất lượng bài giảng của mình. Đặc biệt, hội đồng giám khảo khi chấm điểm thao giảng, dự giờ (Hội đồng khoa học nhà trường, lãnh đạo các khoa, đồng nghiệp) luôn thể hiện sự công tâm, khách quan, khoa học, nắm vững chuyên môn, đưa ra những ý kiến đóng góp chính xác, chặt chẽ nhằm giúp giảng viên hoàn thiện bài giảng và phương pháp giảng dạy một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động thao giảng, dự giờ tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại như sau:
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thao giảng, dự giờ hàng năm luôn được chủ động, tuy nhiên trong năm học vẫn phát sinh thêm một số hoạt động ngoài kế hoạch mang tính khách quan nên đôi khi Ban Giám hiệu, các khoa chuyên môn cũng như Hội đồng khoa học nhà trường rơi vào thế bị động trong việc tổ thức thao giảng, dự giờ theo kế hoạch đã đưa ra.
Hoạt động thao giảng, dự giờ còn tập trung chủ yếu ở các khoa chuyên môn và đối với các giảng viên, chưa có quy định bắt buộc đối với các giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng. Do đó chưa có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện về chất lượng thao giảng, dự giờ đối với tất cả giảng viên của nhà trường.
Một số giảng viên vẫn còn tâm lý e ngại, thụ động đối với hoạt động thao giảng, dự giờ của khoa cũng như của nhà trường, do đó chưa tự tin, chưa có sự chuẩn bị tốt bải giảng của mình nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài giảng, kết quả đánh giá sau thao giảng, dự giờ chưa cao.
Một số buổi thao giảng, dự giờ còn thực hiện trên lớp học giả định, các "học viên" là Hội đồng khoa học nhà trường, lãnh đạo khoa hoặc là các đồng nghiệp nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của giảng viên và ảnh hưởng đến việc việc triển khai bài giảng, việc tương tác với học viên.
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay vẫn có những môn học chưa có chương trình đào tạo chính quy, các giảng viên tham gia giảng dạy những bài này chủ yếu mới được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức các khóa ngắn hạn như: Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, những giảng viên tham gia thao giảng những nội dung này rất khó để có thể đạt được những kết quả cao nhất.
Vẫn còn một số giảng viên chưa cập nhật mẫu giáo án mới theo quy định của Học viện; nội dung bài soạn còn sơ sài, chung chung, chưa gắn nhiều với thực tiễn ở cơ sở và chưa kịp thời cập nhật những chủ trương, chính sách mới nhất của Đảng và Nhà nước; một số giáo án điện tử còn cẩu thả, sơ sài.
Trong thao giảng, một số giảng viên chưa sử dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, nặng về thuyết trình, ít tương tác, tiếp xúc với học viên. Nhiều bài giảng còn khô khan, chưa thu hút học viên.
Vẫn còn tình trạng giảng viên chưa thực hiện đúng các bước lên lớp, phân chia thời gian chưa hợp lý dẫn đến tình trạng "cháy" hoặc "ướt" giáo án. Tác phong sư phạm của một số giảng viên chưa thật sự tốt, vẫn còn tình trạng nói nhanh, nói thừa, nói giọng địa phương; sử dụng ngôn ngữ cơ thể chưa phù hợp.
Theo quy định của Học viện, mỗi giảng viên có thể tham gia nhiều lần Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc. Tuy nhiên, tính đến nay tại nhà trường chưa có giảng viên nào tham gia Hôi thi này lần thứ hai. Điều này vô tình tạo tâm lý chủ quan đối với những giảng viên đã từng đạt thành tích cao trong các hội thi cấp Trung ương.
Từ những thực trạng nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các khoa chuyên môn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện thành công hoạt động thao giảng, dự giờ, góp phần nâng cao chất đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Kế hoạch thao giảng, dự giờ phải được chủ động xây dựng và ban hành ngay từ đầu năm học. Các khoa chuyên môn cũng cần xây dựng kế hoạch thao giảng, dự giờ hàng năm và chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu, đồng thời xác định rõ vai trò trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của khoa. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và thái độ chính trị cho giảng viên, tạo sự thống nhất và đồng thuận để giảng viên tham gia với tinh thần, thái độ và trách nhiệm cao nhất.
- Công tác rút kinh nghiệm, đánh giá sau thao giảng, dự giờ cần được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Việc tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần thao giảng, dự giờ một cách nghiêm túc, kịp thời sẽ giúp nhà trường có cái nhìn tổng quan về hoạt động này, từ đó đưa ra phương phướng hành động phù hợp hơn trong các hoạt động tiếp theo. Việc góp ý, nhận xét một cách chân thành, khách quan, công bằng đối với giảng viên sẽ giúp cho giảng viên ngày càng hoàn thiện hơn trên mọi mặt trong công tác giảng dạy. Đồng thời, có sự khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời tạo động lực cho các giảng viên phấn đấu tốt hơn.
- Các giảng viên cần chuẩn bị bài giảng một cách nghiêm túc, tỉ mỉ. Mỗi giảng viên cần có sự tham khảo ý kiến về mọi mặt đối với tập thể khoa trong việc hoàn thiện bài giảng của mình. Trước khi thao giảng, dự giờ, mỗi giảng viên cần có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo từng nội dung từ phương pháp cho đến các trang thiết bị hỗ trợ, làm chủ giáo án, làm chủ thời gian và có sự bao quát đối với lớp.
Một số đề xuất, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thao giảng, dự giờ tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương trong thời gian tới:
- Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa cần tiếp tục thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác thao giảng, dự giờ hàng năm theo quy định. Chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch thao giảng, dự giờ ngay từ đầu năm học. Thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho các giảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu cần đạt được thông qua hoạt động này. Triển khai kế hoạch thao giảng, dự giờ kịp thời để mỗi giảng viên nghiên cứu, chủ động hơn trong việc chuẩn bị bài.
- Hội đồng tham gia chấm kết quả thao, dự giờ giảng cần chính xác, công tâm, khách quan, khoa học. Nhận xét phải thẳng thắn, trung thực, tránh nể nang, cảm tính. Hội đồng khoa học nhà trường phải đảm bảo thành phần, đặc biệt những người tham gia Hội đồng phải là những người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, có kinh nghiệm lâu năm, có chuyên môn, nghiệp vụ chắc và sâu. Bên cạnh nhận xét của hội đồng chấm thao giảng, dự giờ có thể mời thêm ý kiến nhận xét của học viên thông qua nhiều hình thức khác nhau như phỏng vấn trực tiếp, phiếu lấy ý kiến, …
- Bên cạnh việc tổ chức thao giảng, dự giờ định kỳ theo kế hoạch, Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học có thể tổ chức các đợt dự giờ đột xuất để mỗi giảng viên có ý thức tốt hơn trong việc chuẩn bị bài giảng, tránh tình trạng chỉ khi thao giảng, dự giờ thì giảng viên mới chuẩn bị tốt bài giảng của mình. Đồng thời, đánh giá một cách toàn diện hơn chất lượng bài giảng thực tế trên lớp của mỗi giảng viên.
- Nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công tác thao giảng, dự giờ, đảm bảo thời gian thao giảng, dự giờ của mỗi giảng viên theo quy chế của Học viện. Đồng thời tiếp tục giữ nguyên nội dung là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét thi đua của các khoa, cá nhân mỗi giảng viên. Tiếp tục có những sự khen thưởng, động viên kịp thời, xứng đáng cả về vật chất và tinh thần để làm gương và tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn trường.
- Tăng cường liên kết tổ chức thao giảng, dự giờ chéo giữa các khoa, liên kết tổ chức các hội thi liên quan đến giảng dạy nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa chất lượng thao giảng, dự giờ và tạo sự phong phú, đa dạng trong cách thức đánh giá, nhận xét sau thao giảng, dự giờ, đồng thời tạo điều kiện để các khoa nâng cao mối quan hệ trong công tác và học tập.
- Nhà trường có thể liên kết với một số trường khác trong cùng cụm thi đua tổ chức thao giảng, dự giờ chung, tổ chức các hội thi giảng dạy giỏi vào những năm mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc nhằm tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị giữa các trường trong cụm.
- Các phòng chức năng cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Ban Giám hiệu trong việc tổ chức thao giảng, dự giờ cho giảng viên, lấy ý kiến phản hồi của học viên, các hội thi của nhà trường nhằm thực hiện tốt tiến độ kế hoạch đề ra. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động thao giảng, dự giờ của các khoa, của trường.
- Mỗi giảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực cố gắng, tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và chất lượng giảng dạy, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
- Bên cạnh việc tổ chức thao giảng, dự giờ cho những giảng viên ở các khoa, nhà trường có thể tổ chức thao giảng, dự giờ cho các giảng viên kiêm nhiệm hoặc có thể mở rộng đối với các giảng viên thỉnh giảng nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan hơn chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên tại trường./.
ThS. Trần Cảnh – GV khoa Xây dựng Đảng