Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Dầu Tiếng – thực tế từ một số xã
Dầu Tiếng là một huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương, cách trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 50 km. Phía bắc giáp huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước; Phía Đông và Đông Nam giáp thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương; phía Tây Bắc và Tây Nam giáp huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; phía Nam giáp huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc về phê duyệt quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2020. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 72.139 ha; trong đó, đất nông nghiệp 62.142ha, đất phi nông nghiệp 9.973ha và đất chưa sử dụng là 23ha. Nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trong đó cây cao su vẫn là cây chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của huyện. Tính đến giữa năm 2020 diện tích cây cao su là 49.800 ha (diện tích cao su tiểu điền là 22.750 ha). Diện tích cây ăn quả 650 ha. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu ước đạt 4.655 ha. Huyện Dầu Tiếng đang tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền.
Thời gian qua, để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển, bên cạnh việc vận dụng các chính sách chung, huyện Dầu Tiếng đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chuyên canh nông nghiệp. Tiếp tục triển khai giai đoạn 3 dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hoà, Minh Thạnh”; 02 dự án hỗ trợ mô hình tưới nước tiết kiệm. Đến nay, toàn huyện có 217 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (100 trại gia cầm, 117 trại nuôi gia súc), trong đó có 148/217 trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (trại lạnh), chiếm 68,2%; 221 nhà nuôi chim yến; 660 ha cây ăn quả, trong đó có 102 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chuối nuôi cấy mô với diện tích 117.08 ha do Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đầu tư và 27 ha do người dân tự đầu tư tại xã Thanh An. Ngoài ra, công ty cũng đang chuẩn bị đầu tư 2.300 ha cây có múi ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), hỗ trợ phân bón cho người nông dân... Những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần thiết thực để hình thành và phát huy vai trò của các mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao tại một số xã, cụ thể:
Một, tại xã Thanh An.
Điển hình là dự án trồng chuối cấy mô Thanh An là mô hình hợp tác giữa CTCP Nông nghiệp U&I và Công ty TNHH MTV cao su Dầu. Dự án này tập trung vào sản xuất cây giống, trồng và chăm sóc nông sản chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 117ha và liên kết xuất khẩu chuối ra nước ngoài. Hiện nay, sản phẩm chuối của dự án được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...góp phần nâng cao thị phần và năng lực cạnh tranh của nông sản mang thương hiệu Việt Nam.
Bên cạnh dự án đó, người dân trong xã ngày càng nhân rộng và phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng hữu cơ, sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, đặc biệt là cây ăn trái. Xã Thanh An cũng là một trong hai xã ở huyện Dầu Tiếng mà các hộ nhà vườn trồng măng cụt trong xã được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”.
Hai, xã An Lập
Điển hình là mô hình trồng dưa lưới của gia đình bà Nguyễn Như Ngọc ở ấp Đất Đỏ, đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới Đài Loan trên diện tích 4.480m2. Bà Ngọc cho biết, trồng dưa lưới trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Với mô hình này, gia đình bà có thể trồng được 2 - 3 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Dầu Tiếng.
Ba, xã Long Hòa
Điển hình là trang trại nấm Tấn Hưng với diện tích khoảng 1ha, chủ trang trại nấm Tấn Hưng là bà Nguyễn Thị Minh Tấn. Với việc làm chủ kỹ thuật “lò hấp phôi nấm”, trang trại Tấn Hưng tập trung sản xuất và cung ứng sản phẩm phôi nấm bào ngư và phôi nấm linh chi và nấm linh chi thành phẩm. Sản phẩm phôi nấm bào ngư trang trại bán ra thị trường mỗi năm khoảng 150.000 phôi, giá từ 3.500đ đến 4.000 đ/phôi tùy theo từng thời kỳ; Sản phẩm nấm linh chi bình quân bán được 2 tấn/năm với giá bán khoảng 450.000đ đến 500.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng 600 triệu đồng/năm
Bốn, xã Thanh Tuyền
Trang trại hoa lan của gia đình ông Võ Văn Quang, ở ấp Đường Long. Với việc ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào trong các khâu chọn giống và chăm sóc lan. Hiện nay diện tích trồng lan của gia đình ông vào khoảng 5.000 m2, với cây giống chủ yếu là lan môcara các loại. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật trồng lan, cùng với kinh nghiệm rút ra trong quá trình trồng thử nghiệm trước đó, mô hình hoa lan của gia đình ông phát triển tốt, năng suất, hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng ổi lê Đài Loan (ruột đỏ) của bà Nguyễn Thị Mận, ngụ ấp Rạch Kiến. Với kỹ thuận chăm sóc theo hướng hữu cơ và bao trái, sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng. Mỗi ngày, gia đình bà thu hoạch gần 150kg ổi, bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Mỗi ha đất, bà có thể trồng khoảng 700 cây ổi lê, năng suất trung bình mỗi cây ổi lê khoảng 70kg/ năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Năm, xã Minh Hòa
Điển hình là trang trại trồng lan Mai Quốc của Ông Nguyễn Tấn Phước Vinh ở ấp Hòa Lộc. Đây cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại huyện. Trang trại chủ yếu trồng giống lan dendro với diện tích lớn khoảng 6 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. chủ trang trại, chia sẻ ở Việt Nam hiện nay ít người trồng loại lan này, vì nó chủ yếu trồng bằng than và trồng trên giàn, do vậy phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, mái che và cả hệ thống tưới nước tự động. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở TP.Hồ Chí Minh. Thu nhập mỗi năm của trang trại hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên thực tế ở một số xã và nghiên cứu các tài liệu có liên quan, việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất, chi phí đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao cao gấp 3 - 4 lần so với phương pháp truyền thống. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng trên thực tế người dân vẫn gặp khó để tiếp cận được nguồn vốn này.
Thứ hai, lãnh đạo địa phương (cấp xã) chủ yếu là tuyên truyền về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, còn việc ứng dụng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người dân. Theo ghi nhận từ lãnh đạo một số xã, người dân vẫn thói quen canh tác chủ yếu là trồng cây cao su, việc chuyển đổi qua giống cây khác với kỷ thuật cao gặp rất nhiều khó khăn về vốn và kỹ thuật, xét về mặt tâm lý họ sợ gặp phải rủi ro. Đây cũng là yếu tố cản trở việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Thứ ba, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực am hiểu về khoa học - kỹ thuật (gồm cả cán bộ và cả người dân), tuy nhiên nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện vẫn đang còn thiếu.
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao chính là hướng đi bền vững phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới lãnh đạo địa phương cần phải lắng nghe, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên tuyền, quảng bá, xây dựng chính sách mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; quảng bá và xúc tiến thương mại tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm qua đó tạo động lực cho người dân tiếp tục đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; có chính sách vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và hướng dẫn kỷ thuật cho người dân một cách hiệu quả; Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; Tạo điều kiện thuận lợi để đưa chương trình khuyến nông lồng ghép vào chương trình tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, để người dân tiếp cận nhanh nhất, ứng dụng hiệu quả nhất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất.
Có thể khẳng định, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Dầu Tiếng đã và đang phát huy hiệu quả, vai trò của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện nhà. Với những thành quả mà lĩnh vực nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng đã đạt được, cũng như triển vọng, tiềm năng đang mở ra cho thấy những mô hình kinh tế nói trên đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của địa phương hiện nay. Sự phát triển của các mô hình nông nghiệp này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn tại địa phương./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ V. Huyện ủy Dầu Tiếng
2. Ủy Ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2019), Báo cáo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019.
3. Ủy Ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2019), Tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020
4. Ủy Ban nhân dân các xã Thanh An; An Lập; Long Hòa; Thanh Tuyền; Minh Hòa (2019), Tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020
ThS. Phan Văn Bằng - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở