Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đội ngũ Nữ viên chức, người lao động trường Chính trị tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Phụ nữ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ. Người luôn trân trọng, thương yêu và không ngừng đấu tranh cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về cơ bản cũng bao gồm các nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ theo Công ước quốc tế về quyền con người.
Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người từng viết trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3/1952): “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong sách "Lịch sử nước ta": "Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời". Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống yêu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966): “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 2/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Trong bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”. Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước ta”.
Không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Ngày 9/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.
Một trong những nội dung quan trọng của công tác phụ nữ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3/1960), Bác nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v... đều nhằm mục đích ấy”. Báo Nhân Dân, số 3199, ngày 28/12/1962 có đăng bài viết của Bác “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ” dưới bút danh T.L., trong đó có đoạn viết: “Ngày xưa, Bà Trưng, Bà Triệu, đã phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân. Trong lịch sử của dân tộc ta nhất là những thời kỳ cách mạng và kháng chiến, phụ nữ đã rất dũng cảm. Hiện nay, phụ nữ đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ – Diệm ở miền Nam.(…) Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phụ nữ đã được giải phóng. Hiến pháp đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ. Luật Hôn nhân và gia đình đã công bố rõ ràng…”.
Với sự quan tâm sâu sắc tới việc chăm lo và bảo vệ cho phụ nữ, Bác luôn đấu tranh để phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Trong bài nói với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, ngày 1/1/1967, Bác nhắc nhở: “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.
Ngoài những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, Bác còn chỉ ra nhược điểm của phụ nữ, bày tỏ sự cảm thông và hướng dẫn cách khắc phục. Tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc ngày 1/8/1960, Bác nói: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.
Để phát huy vai trò của phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác căn dặn: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi và động viên: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước” (…) Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Theo sự kỳ vọng của Bác, phụ nữ cần phải ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Khẳng định Phụ nữ không chỉ có vai trò những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, mà luôn phấn đấu để đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… rèn luyện và phấn đấu, tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Người đã dành tặng phụ nữ Việt Nam.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, nữ viên chức- Người lao động trường Chính trị tỉnh Bình Dương luôn là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường. Bằng sức lao động sáng tạo của mình, phụ nữ trường Chính trị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của trường trong suốt thời gian vừa qua.
2. Vai trò của nữ viên chức, người lao động Trường Chính trị Bình Dương hiện nay.
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay có viên chức tổng số là 48 người, trong đó là nữ viên chức- người lao động là 22 người. Suốt những năm qua, được sự quan tâm của Đảng Ủy, Ban Giám hiệu, sự hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ từ đồng nghiệp, đội ngũ nữ viên chức- Người lao động luôn hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, cụ thể trong phong trào thi đua năm 2020, nữ viên chức- Người lao động đạt đã được kết quả: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1 người; Hoàn thành tốt hiệm vụ 17 người, Hoàn thành nhiệm vụ: 2 và nhận các danh hiệu thi đua rất cao (Lao động tiên tiến: 9 người; Chiến sĩ thi đua cơ sở: 1 người; Hiệu trưởng tặng giấy khen: 9 người).
-Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, phụ nữ Trường Chính trị luôn thể hiện sự sáng tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong xử lý các công việc. Hiện nay Bí thư Đảng Ủy-Hiệu trưởng nhà trường là nữ, Đảng Ủy trường có 7 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí nữ, lãnh đạo khoa, phòng đa phần cũng là nữ, Ban Chấp hành Công đoàn có 2/3 là nữ, Chi đoàn cơ sở tuy số lượng ít, nhưng có 1 phó bí thư là nữ… nữ viên chức luôn có trình độ chuyên môn vững, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng lãnh đạo quản lý khéo léo, khoa học, giữ vai trò nồng cốt trong các hoạt động của trường, giúp xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của Trường Chính trị ngày càng tốt hơn.
Ngoài vai trò là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nữ viên chức, người lao động Trường Chính trị còn thể hiện tốt ở các vai trò khác: Là 1 giảng viên, chuyên viên và là thành viên các tổ chức đoàn thể:
- Trong hoạt động công tác giảng dạy, giảng viên nữ tại Trường Chính trị luôn chiếm đa số (Trong số 20 giảng viên hiện tham gia giảng dạy, có 12 giảng viên là nữ). Các tiết dạy của các giảng viên nữ đều được học viên đánh giá cao. Các cô luôn thể hiện sự tỉ mỉ, chịu khó, chu đáo trong việc soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu, cầu thị lắng nghe sự góp ý của đồng nghiệp, của học viên để bổ sung, trau chuốt bài giảng, áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy, ra đề thi, kiểm tra… Hàng năm, trong hoạt động thi giảng viên giỏi, nữ giảng viên luôn hăng hái tham gia và đạt kết quả cao. Ngoài ra viên chức nữ tích cực tham gia các hội đồng thi tuyển chức danh của các cơ quan khi được mời và tạo được uy tín tốt cho Trường Chính trị.
- Với nhiệm vụ công tác chuyên môn khác và tham gia hoạt động đoàn thể, nữ viên chức- người lao động của trường luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt 100% danh hiệu “Nữ hai giỏi” vào hàng năm, với gần 30 viên chức và người lao động nữ, Công đoàn cơ sở đã thành lập Ban nữ công nhằm bảo vệ, chăm lo quyền lợi chính đáng cho chị em nữ, qua đó chia sẻ, hỗ trợ chị em đồng nghiệp khi gặp khó khăn, hiếu hỷ. Được sự quan tâm, động viên và hỗ trợ đó nên phụ nữ Trường Chính trị luôn là lực lượng tích cực trong việc tham gia các hoạt động phong trào do cấp trên phát động đều mang về thành tích cao cho trường như: Tập thể nữ giảng viên khoa Xây dựng Đảng tham gia các cuộc thi: “Tìm hiểu 90 năm Lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương” do Ban Tuyên giáo tổ chức thì 100% đạt giải thưởng cao trong đó có 1 giải ba cá nhân; Cuộc thi “Tìm hiểu về Công an Nhân dân” do Công an tỉnh phối hơp với Tỉnh Đoàn đạt 1 giải nhì; Tham gia cuộc thi “Nhớ lời Bác dạy” do Cơ quan Tỉnh Đoàn phát động đạt 1 giải nhất. Ngoài ra, viên chức, người lao động nữ còn tham gia sôi nổi và nhiệt tình các cuộc thi nấu ăn, hát karaoke do Công đoàn cơ sở tổ chức vào các ngày kỷ niệm 8/3, 20/10 và 20/11 hàng năm.
- Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nữ viên chức- Người lao động của trường luôn chủ động, tích cực tham gia, làm chủ trì các hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường. Trong các hội thảo khoa học và các số nội san, số lượng bài viết của chị em nữ cũng luôn chiếm đa số. Ngoài ra, một số giảng viên còn tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí, báo địa phương, tham gia các cuộc thi trên các báo đài và đã đạt giải thưởng cao.
Ngoài vai trò người viên chức nữ ở cơ quan, thì với vai trò là người vợ, người mẹ, chị em nữ luôn là những người giữ lửa cho mái ấm gia đình, là điểm tựa cho chồng, con vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Hàng năm, các gia đình nữ cán bộ, giáo viên nhà trường đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, các cháu là con của họ đều là những bé khỏe, bé ngoan, chăm chỉ học tập, rèn luyện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nữ viên chức, người lao động nhà trường còn hạn chế như: Có tư tưởng an phận, ngại va chạm…từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác. Đối với nữ viên chức là giảng viên trẻ còn ít kinh nghiệm thực tiễn trong công tác giảng dạy; trong giao tiếp ứng xử đôi lúc chưa khéo léo.
3. Những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đối với viên chức- người lao động nữ Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay.
3.1 Những giải pháp đối với nữ viên chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý.
- Nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Trường Chính trị Tỉnh, thường xuyên tuyên truyền, vận động để chính bản thân mỗi nữ viên chức- Người lao động phải tích cực thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy và nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp tục chủ động tham gia học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan trong thời gian sắp tới; cần tiếp cận thực tế, học hỏi nhiều kiến thức từ thực tiễn hơn bên cạnh những kiến thức trong sách vở, trong giáo trình để giúp chị em nữ phong phú hơn về kiến thức, từ đó tự tin hơn trong công tác chuyên môn và giao tiếp ứng xử.
- Đảng Ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa để nữ viên chức- người lao động tiếp tục được học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, tham gia học tập các Nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập và rèn luyện theo Tư tưởng Hồ Chí Minh để bổ sung vào kiến thức trong công tác chuyên môn nói chung, đặc biệt là công tác giảng dạy lý luận chính trị của nữ viên chức là giảng viên nói riêng; đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm công tác, giảng dạy lẫn nhau; chăm lo đời sống cho nữ cán bộ, giảng viên để họ yên tâm công tác, nghiên cứu và cống hiến.
- Ban Giám hiệu luân chuyển, điều động viên chức nữ qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong chuyên môn. Qua qua quá trình luân chuyển công tác đó, lãnh đạo nhà trường cân nhắc, đánh giá và đề bạc những viên chức nữ vào những vị trí cao hơn.
- Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên phối hợp để có những chính sách quan tâm, ưu tiên cho viên chức- Người lao động nữ, đồng thời theo dõi và biểu dương kịp thời những chị em đã có thành tích tốt trong lao động và rèn luyện, từ đó sẽ là nguồn động viên tinh thần cho chị em hăng hái thi đua tốt hơn và khẳng định vị trí vai trò của mình tại cơ quan, đơn vị công tác.
3.2 Những giải pháp đối với nữ viên chức, người lao động.
- Nữ viên chức, người lao động Trường Chính trị phải luôn nêu cao và giữ vững tinh thần đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau, rèn luyện tinh thần, bản lĩnh tự tin, dám nghĩ, dám làm, có suy nghĩ độc lập, sáng tạo, cầu thị học hỏi trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khéo léo duyên dáng trong giao tiếp ứng xử, từ đó chung tay xây dựng một môi trường công tác, giảng dạy thân thiện, nhằm phát huy một cách toàn diện năng lực của chính mình trong thực hiện nhiệm vụ chung tại cơ quan.
- Thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch công tác, chương trình làm việc khoa học để có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, vừa đảm bảo vẫn thực hiện tốt vai trò của một người phụ nữ ở gia đình.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Trường chính trị tỉnh Bình Dương đã, đang và tiếp tục cố gắng học tập, công tác và cống hiến, luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu, rèn luyện không ngừng để xứng đáng là những nữ viên chức- Người lao động “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, khẳng định vị thế của mình trong xã hội nhằm đóng góp sức sáng tạo và tài năng cho sự phát triển vững mạnh của Nhà trường nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung trong thời đại mới.
Một số hình ảnh hoạt động của nữ viên chức – Người lao động Trường Chính Trị Tỉnh Bình Dương trong thời gian vừa qua.
Hình 1: Giảng viên Trường đạt giải cao trong cuộc thi: “Tìm hiểu 90 năm Lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương”
Hình 2: Viên chức nữ tham gia Hội thi nấu ăn chào mừng 20-10
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Năm 2009, tập 10,11,12.
2. Báo cáo tổng kết hoạt động trường Chính trị Bình Dương năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2021.
3. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng đảng của Đảng Ủy trường Chính trị Bình Dương năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Võ Huỳnh Như Thuyên – GV khoa Xậy dựng Đảng