Xây dựng thương hiệu tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế
Thương hiệu không còn đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, giữa địa phương này và địa phương khác mà cao hơn nhiều, là tài sản rất có giá, là uy tín của doanh nghiệp, của địa phương và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp, điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư đối với một địa phương. Xây dựng một thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký cái tên đó mà là tổng hợp các hoạt động để tạo ra cho được một “hình ảnh rõ ràng và khác biệt ” cho riêng mình.
Thương hiệu có thể tạo nên cuộc chiến trong tâm trí khách hàng và chính khách hàng quyết định sự thành công hay thất bại của một thương hiệu. Đó chính là lý do các thương hiệu thành công trên thế giới như Nike, Pepsi, Toyota, Sony... rất ít đề cập đến đặc điểm và lợi ích của sản phẩm mà tập trung xây dựng và củng cố một vị trí đặc biệt trong trái tim khách hàng (nói đến Nhật Bản chúng ta sẽ nghĩ đến những thương hiệu nổi tiếng như Sony, Toyota.., công nghệ điện tử và ô tô...).
Đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp cũng như các địa phương hoàn toàn độc lập, tự chủ trong việc quyết định: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Họ tự chịu trách nhiệm đối với quyết định sản xuất kinh doanh của bản thân dựa trên những tín hiệu thị trường; chịu sự tác động của quy luật cung cầu và cơ chế căn bản vận hành của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do
Để chiếm được trái tim khách hàng cần có chữ tín. Thương hiệu mạnh nhờ chữ tín và cũng chính chữ tín làm nên thương hiệu. Sự trung thành của khách hàng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có giữ được chữ tín về chất lượng giá trị thương hiệu.
Sự trung thành chỉ có thể có được sau những lần trải nghiệm tích cực, tạo mối quan hệ tin tưởng lâu dài giữa khách hàng và thương hiệu. Khi thương hiệu có những khiếm khuyết cũng đồng nghĩa với việc đổ vỡ niềm tin nơi khách hàng.
Thương hiệu hiện đang được các doanh nghiệp cũng như các địa phương quan tâm, chú ý và bàn đến nhiều. Người ta nói đến thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp, các địa phương đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng.
1. Vậy thương hiệu là gì?
+ Thương hiệu là một cam kết tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị trong một thời gian dài và đã được chứng nhận qua hiệu quả sử dụng và bởi sự thoả mãn của người tiêu dùng.
+ Thương hiệu là hình ảnh có tính chất văn hoá, lý tính, cảm tính, trực quan và độc quyền mà bạn liên tưởng tới khi nhắc đến một sản phẩm hay một công ty.
2. Xây dựng thương hiệu địa phương
Xây dựng thương hiệu địa phương là xây dựng và phát triển một bản sắc riêng cho địa phương đó. Do đó, thương hiệu địa phương không phải chỉ là việc xây dựng những đô thị với những tòa nhà to lớn, những giá trị vật chất hữu hình mà chính là phải tạo ra những giá trị vô hình mang nhận thức tích cực về địa phương.
Xây dựng thương hiệu cho một địa phương không nên chỉ là nhiệm vụ của một tổ chức đơn lẻ. Trái lại, đó là nỗ lực của nhiều cơ quan, đối tác có liên quan, và điều đó đảm bảo rằng mọi góc nhìn đa chiều cũng như các vấn đề tồn tại đều được xem xét và quá trình thực thi được thuận lợi nhất. Như thế, chiến lược thương hiệu phải được chỉ đạo và bảo trợ bởi cơ quan quyền lực cao nhất trong cộng đồng, với mục đích lãnh đạo và kết hợp nhiều cơ quan, đơn vị, đối tác liên quan.
Xây dựng thương hiệu địa phương cũng không có nghĩa là giới hạn trong phạm vi địa lý, hành chính của địa phương đó, mà cần phải có tầm nhìn chiến lược trong tổng hoà lợi ích của cả một khu vực, hoặc chí ít là vùng ngoại vi xung quanh nó. Các chuyên gia về thương hiệu địa phương cũng khuyên rằng, trong quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu cho một địa phương, một thành phố, cần xem xét tổng thể chiến lược phát triển thương hiệu chung cho cả một khu vực hoặc một quốc gia, từ đó mới có thể định vị những giá trị đặc trưng, khác biệt, và không trùng lắp với các địa phương khác.
3. Sự cần thiết xây dựng thương hiệu địa phương
Một thương hiệu rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo là nền tảng để biến một địa phương trở thành nơi thu hút đầu tư, điểm đến du lịch và một nơi sống lý tưởng.
Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, thương hiệu địa phương đang phổ biến và mang lại những lợi thế cạnh tranh vượt trội và bền vững hơn so với địa phương, quốc gia thụ động khác. Với tư duy mới, chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp và xem bản thân địa phương mình cũng là một Thương hiệu. Thương hiệu địa phương không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền, mà còn tạo ra những hiệu ứng tốt về hiệu quả đầu tư và thị trường từ bên ngoài, kích thích những nội lực bên trong. Nói ngắn gọn là sẽ góp phần làm thăng hoa các giá trị bản sắc và mang lại những lợi ích bền vững trong phát triển của địa phương.
Trong một thế giới cạnh tranh quyết liệt nhằm thu hút các nguồn lực kinh tế, vốn đầu tư, con người, tài nguyên,… cho các địa phương, các thành phố, phần thắng nghiêng về những địa phương xây dựng được một hình ảnh hấp dẫn, một định vị rõ ràng và một niềm tin tưởng tuyệt đối. Điều này có được không chỉ bằng các chính sách, mà còn cần một chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương bền vững.
Chiến lược xây dựng thương hiệu cho một địa phương tức là thúc đẩy các tiềm năng và thế mạnh của địa phương đó, nhằm đưa ra những cam kết phù hợp, hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng như các du khách. Nó không phải là một chiến dịch quảng cáo hay một khẩu hiệu. Thay vào đó, chiến lược xây dựng thương hiệu trước hết cần phải thông qua hành động cụ thể, thể hiện thông qua những cam kết và kết quả cụ thể. Thương hiệu của một địa phương có ảnh hưởng đến mọi hoạt động, từ hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch đến các chính sách quản lý đô thị và thu hút các nguồn lực khác.
Có nhiều lý do tại sao một chiến lược thương hiệu là rất quan trọng đối với một địa phương nào đó, nhưng phổ biến nhất là để kích thích tăng trưởng kinh tế.
4. Xây dựng thương hiệu tỉnh Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua 30 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh ưu tiên hàng đầu. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, tỉnh đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, Bình Dương cần xây dựng được một thương hiệu riêng, mang giá trị bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế.
Thực tế cho thấy việc khách du lịch hay nhà đầu tư chọn địa phương nào để đến phụ thuộc vào hai yếu tố: địa phương đó thực lực có gì và địa phương đó đã có “thương hiệu” về thực lực đó hay chưa. Có hai tham chiếu để cân nhắc một địa phương như thế nào được gọi là có thực lực đó là lợi thế cạnh tranh tự nhiên (vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh) và lợi thế cạnh tranh do con người ở đó tạo ra (hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách).
Trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút khá đông các nhà đầu tư, phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nhiệp một phần là có lợi thế về vị trí địa lý và quan trọng nhất là chính sách ưu đãi rất tốt của tỉnh dành cho họ. Tất cả những lợi thế này do chúng ta tạo ra. Không phải tự nhiên mà có. Và thương hiệu của Bình Dương dần dần được hình thành qua trải nghiệm của khách du lịch và nhà đầu tư nơi đây. Họ sẽ kể với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Có lợi thế cạnh tranh tự nhiên và biết tối ưu hoá lợi thế đó qua công tác quản lý, giáo dục và chính sách cụ thể sẽ tạo nên một thương hiệu nổi bật cho Bình Dương
Với mục tiêu hàng đầu là trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Vì vậy, một trong những nhóm “khách hàng” đặc biệt mà Bình Dương rất quan tâm là các nhà đầu tư nước ngoài. Sự có mặt của họ sẽ mang lại việc làm và nguồn thu ngân sách quan trọng cho tỉnh nhà và góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Với chính sách “trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư”, Bình Dương đã huy động hiệu quả vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là vốn FDI. Tính đến 31/3/2015, Bình Dương đã vươn lên là một trong 05 tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư FDI vào Bình Dương lên 20,7 tỷ USD vốn đăng ký với 2.449 dự án. Tại Bình Dương đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Điểm nhấn trong thu hút FDI là phần lớn các dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, điện gia dụng, may mặc, giày da, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp, các dịch vụ cao cấp và bất động sản.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi và thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như giúp cán bộ quản lý giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết, thụ lý các thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công. Đồng thời triển khai sử dụng phần mềm một cửa, với các tiện ích hỗ trợ như: Tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng Internet, tin nhắn SMS; nhận hồ sơ trực tiếp qua mạng Internet…
Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược Công ty Richard Moore Asscociates “So với một số tỉnh thành ở Việt Nam, Bình Dương là tỉnh có một số lợi thế cạnh tranh nhất định. Việc biến lợi thế cạnh tranh này thành các điểm khác biệt thương hiệu để thu hút cả các nhà đầu tư và khách du lịch cần có các bước triển khai bài bản và chuyên nghiệp” Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, Bình Dương và Đà Nẵng là 02 địa phương đạt được những thành công ấn tượng trong quy hoạch phát triển đô thị. Thông qua quá trình quy hoạch lại và sử dụng quỹ đất để tự đầu tư phát triển, Đà Nẵng đã tạo dựng được hình ảnh khuôn mẫu của một “thành phố đáng sống”. Trong khi đó, cùng với thể chế quản lý nhằm tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh, Bình Dương đã đi theo hướng đô thị hóa gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Về khía cạnh thu hút các nhà đầu tư, như vậy Bình Dương đã có thực lực, đã có thành tích và được ghi nhận. Việc của chúng ta bây giờ là xây dựng hình ảnh, một thương hiệu cho Bình Dương, nhắc đến Bình Dương là người ta phải nhớ ngay thương hiệu gắn liền với Bình Dương. Chẳng hạn khi nói tới Đà Nẵng là du lịch, là nơi “đáng sống nhất Việt Nam”. Hội An là phố cổ. Huế là cố đô, là du lịch văn hoá. Vậy, Bình Dương sẽ chọn cái gì làm giá trị cốt lõi khi xây dựng thương hiệu địa phương? Các khu công nghiệp? Ẩm thực? Du lịch ? Có nhiều thứ để Bình Dương lựa chọn. Nhưng sẽ chỉ có một lựa chọn thuyết phục nhất theo tôi đó là “thành phố công nghiệp”, nó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu là trở thành tỉnh công nghiệp và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 của tỉnh.
Tóm lại: Chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán và đòi hỏi nhận thức cao nhất của chính quyền địa phương. Song song với đó là yêu cầu tham gia của nhiều bên đối tác liên quan, cùng với các chuyên gia phù hợp, có trách nhiệm và có tầm nhìn.
Chiến lược xây dựng thương hiệu ở các địa phương nói chung và Bình Dương nói riêng là chìa khoá thu hút nguồn nhân lực, vốn đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, văn hoá - xã hội. Có chính sách đúng đắn, quy hoạch tổng thể khoa học, nhưng không có một chiến lược thương hiệu mạnh, thì mọi nỗ lực của chính quyền địa phương khó có thể được biết đến một cách rộng rãi, và quan trọng hơn khó có thể là điểm đến thực sự đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách du lịch. Vì vậy, Bình Dương cần có chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư. Qua đó, tạo động lực để Bình Dương tiếp tục phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững của các nhà đầu tư xứng đáng với thương hiệu “thành phố công nghiệp”, nói đến Bình Dương là nói đến và nghĩ đến “thành phố công nghiệp” một thành phố năng động và sáng tạo.
ThS. Phan văn Bằng
GV khoa Lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỉnh ủy Bình Dương (2015), “Công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn ở tỉnh Bình Dương”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Bình Dương
2. www.Sokhcn.binhduong.gov.vn “góp ý để Bình Dương phát triển và hội nhập quốc tế”
3. Baochi.edu.vn “cách xây dựng thương hiệu địa phương”
4. www.eliteprshool.edu.vn “xây dựng thương hiệu địa phương tổng thể chiến lược cạnh tranh phát triển kinh tế”