Xây dựng văn hóa công sở trong bối cảnh tinh giản cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” theo Quyết định số 733/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, nhiều đơn vị ở các cấp đã xây dựng văn hóa công sở và đạt kết quả bước đầu. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là trong bối cảnh tin giản cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và xây dựng chính quyền điện tử, việc xây dựng văn hóa công sở đóng vai trò quan trọng và là nhiệm vụ cần thiết để phát triển địa phương.
1. Cần nhận thức đúng và đầy đủ hơn về Văn hóa công sở
Từ văn hóa có rất nhiều nghĩa, trong tiếng Việt văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống; theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn; trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống ... Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn”
Tổng Giám đốc UNESCO, Federio Mayor định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”
Với những ý nghĩa đó, văn hóa có mặt ở mọi nơi, ở mọi hoạt động sản xuất vật chất, tinh thần của con người. Có thể nói văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy, bảo tồn, duy trì và phát triển theo dòng lịch sử phát triển của nhân loại.
Công sở là một tổ chức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước để tiến hành một công việc chuyên ngành của nhà nước. Công sở là một tổ chức thực hiện cơ chế điều hành, kiểm soát công việc hành chính, là nơi soạn thảo văn bản để thực hiện công vụ, đảm bảo thông tin cho hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, nơi phối hợp hoạt động thực hiện một nhiệm vụ được nhà nước giao. Là nơi tiếp nhận yêu cầu, đề nghị, khiếu nại của công dân. Do đó, công sở là một bộ phận hợp thành tất yếu của thiết chế bộ máy quản lý Nhà nước.
Văn hoá công sở là một hệ thống được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin giá trị về thái độ của các nhân viên làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc trong công sở và hiệu quả hoạt động của nó. xây dựng văn hoá công sở là xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, có kỉ cương và dân chủ. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý cũng như các thành viên của cơ quan phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan mình. Muốn như thế cán bộ phải tôn trọng kĩ luật cơ quan, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với một người, đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội. Theo đó có thể nói khái niệm “Văn hóa công sở”không chỉ là những biểu hiện bên ngoài công sở mà văn hóa công sở phải chứa đựng những giá trị cốt lõi công sở hướng đến ở hiện tại và tương lai.
Xây dựng văn hoá công sở là xây dựng hệ thống những giá trị bên trong và bên ngoài của công sở. Nếu xét ở một góc độ hiệu quả, xây dựng văn hóa công sở là xây dựng và khẳng định thương hiệu của công sở trong xã hội hiện đại. Do đó, đòi hỏi phải có những quy định của nhà nước về hệ giá trị chuẩn mực làm mục tiêu; để đạt được mục tiêu đó phải có sự cộng tác của nhà quản lý cũng như các cán bộ, công chức, viên chức vì mục tiêu chung của công sở, thỏa mãn những nhu cầu thiết thân của các thành viên và đáp ứng sự kỳ vọng của các tổ chức và cá nhân bên ngoài tổ chức.
Văn hóa công sở được cấu thành từ các yếu tố sau: (1) Yếu tố hình thành hệ thống giá trị văn hóa công sở như: truyền thống, hiện đại, trình độ học vấn, trình độ văn minh, giá trị cấu trúc, giá trị chức năng và giá trị vật chất; (2) Giá trị truyền thống và hiện đại; (3) Trình độ học vấn và trình độ văn minh; (4) Giá trị của Chân - Thiện - Mỹ.
Từ yếu tố trên cho thấy, văn hóa công sở có vai trò cực kỳ quan trọng, thể hiện: Văn hóa công sở tạo điều kiện cho các bên tham gia vào quan hệ hành chính ở công sở thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Văn hóa công sở là điều kiện phát triển tinh thần và nhân cách cho con người. Văn hóa công sở đem lại giá trị toàn diện cho con người. Văn hóa công sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển con người.
Yếu tố văn hóa xuất hiện trong công sở xuất phát từ chính vai trò của công sở trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bộ máy hành chính. Một công sở chỉ làm tròn nhiệm vụ và chức năng của nó khi tạo dựng được mối quan hệ tốt giữa cán bộ, công chức, viên chức trong công việc, các chuẩn mực ứng xử, các nghi thức tiếp xúc hành chính, ý thức chấp hành kỷ luật trong và ngoài cơ quan.
Vì vậy để để biến phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” thành chiến lược cần xây dựng trên 3 trụ cột sau: Thứ nhất, là cần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở. Thứ hai, kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Thứ ba, hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.
2. Đánh giá việc thực thi Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương và những hạn chế, tồn tại như sau:
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.694,64 km2; dân số 1.947.220 người.Tỉnh Bình Dương hiện có 09 đơn vị hành chính cấp huyện; có 91 đơn vị hành chính cấp xã và các đơn vị cơ quan, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp,.. tương đương cấp huyện.
Để triển khai có hiệu quả phong trào thi đua Cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số: 4076/KH-UBND, ngày 16/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về “Tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác triển khai Quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện phong trào tthi đua “xây dựng văn hóa công sở”.
Bước đầu, đã thực hiện được công tác tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở, như: triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, phát động phong trào thi đua 100% cán bộ, công chức và viên chức cơ quan phấn đấu thực hiện tốt phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp” và đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại cơ quan, …
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại đơn vị thường xuyên được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, sát sao chỉ đạo. Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo lịch và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thông qua bộ phận một cửa; việc niêm yết lịch và nội quy nơi tiếp công dân được thực hiện tại bộ phận một cửa và trên trang thông tin điện tử của từng đơn vị.
Một số đơn vị thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng của Thủ trưởng đơn vị, công chức làm công tác tiếp công dân để tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Qua đó, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị giảm dần trong năm.
Công tác chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, bố trí xây dựng môi trường văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị được thực hiện sắp xếp ngăn nắp các phương tiện, hồ sơ tài liệu tại nơi làm việc. Việc bài trí công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước từng bước cải tiến cả bên trong và bên ngoài trụ sở làm việc. Nhiều cơ quan đã tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn, các trang thiết bị, máy móc,… nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ tại cơ quan nhất là các đơn vị có nhiều hồ sơ, tài liệu dễ cháy.
Trang phục làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước từng bước được chuẩn hóa về hình thức, thẩm mỹ và phù hợp điều kiện kinh tế - văn hóa, xã hội của địa phương, như việc mặc trang phục, đeo thẻ công chức, viên chức, giao tiếp ứng xử,… theo quy chế đã được cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực sự chú trọng và từng bước đi vào nề nếp. Phong cách giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ đã có những tiến bộ rõ rệt. Cụ thể thực hiện công khai các nội dung công việc của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác tháng, quý, năm, kinh phí hoạt động hàng năm; việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển,... thông qua Website của cơ quan, đơn vị tại Hội nghị Cán bộ công chức ở đơn vị và trên bảng thông tin nội bộ tại cơ quan.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại một cách thẳng thắn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện văn hóa công sở hiện nay:
Đầu tiên là việc thiết lập hệ thống mục tiêu xây dựng văn hóa cho tập thể và cá nhân trong công sở còn thiếu. Một số công sở trong tỉnh hiện nay chưa thấy rõ nét được sự giao thoa giữa mục tiêu chung của công sở và mục tiêu riêng của từng cán bộ, công chức, mà biểu hiện thường thấy nhất đó là nhà quản lý chỉ xem công sở là một đòn bẩy, một phương tiện để tiến thân, còn công chức đi làm là để có thu nhập. Cán bộ, công chức chưa thật tâm đến sứ mệnh của tổ chức mình đang phục vụ.
Thời gian gần đây, một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của người dân. Cán bộ, công chức là người thay mặt Nhà nước để thực thi chính sách và đồng thời cũng là người phản ánh với Nhà nước những bất cập, thiếu sót của chính sách do nhà nước ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, nhưng cán bộ, công chức nhiều lúc giải quyết công việc chưa thấu tình, đạt lý hay hợp lý mà chưa hợp tình thì khó có thể làm hài lòng người dân. Trong đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tuy có tiêu chí mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhưng đôi lúc kết quả đánh giá lại thiên về những điều không liên quan gì với chuyên môn. Vì vậy, có trường hợp người tài rơi rơi vào trạng thái “cô đơn trong công sở”, họ không phát huy được năng lực của mình và kết cục là “chảy máu chất xám”.
Đã có nhiều văn bản cấm hút thuốc, sử dụng chất có cồn trong giờ làm việc, nhưng xem ra việc thực thi hẳn còn nhiều điều phải xem lại. Có cán bộ, công chức từng tuyên bố: “Thà bỏ việc chứ không bỏ thuốc lá!”,… Sử dụng chất có cồn trong giờ làm việc là một vấn đề phổ biển hiện nay ở các công sở. Thật ra ra không nhiều người muốn như vậy, nhưng việc trao đổi thông tin, quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, đi liền với đó là quan hệ giao tiếp thông qua tách trà, ly rượu, đã tiếp khách thì thường là phải có rượu, bia, vì “phi tửu bất thành lễ”, nếu không thì e không phải đạo, không hiếu khách, mà đã tiếp khách thì cả chủ và khách đều phải vui vẻ, nhiệt thành, tạo nên không gian văn hoá ẩm thực rất đa dạng và chứa đựng nhiều cảm xúc. Nếu việc giao lưu ẩm thực ở mức độ vừa phải thì không sao, song thực tế thường hay quá đà, đây đã làm mất thời gian, tổn hại sức khoẻ và gây lãng phí tiền bạc của tập thể, cá nhân.
Lãng phí là một biểu hiện thiếu văn hóa hiện nay ở một số công sở. Lãng phí thời gian làm việc: Buôn chuyện tại công sở, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc trong thời gian đi công tác. Lãng phí nguồn lực công như: Tiền điện thoại, tiền điện, vật tư văn phòng… Đỉnh điểm của sự lãng phí đó là lãng phí cơ hội. Xét trên góc độ tổ chức, nếu công sở không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hoàn thành nhưng chậm tiến độ, hiệu quả không cao thì chắc chắn sẽ lãng phí (giảm đi) sự kỳ vọng, tin tưởng từ bên ngoài đối với công sở.
3. Một số giải pháp để nâng cao văn hóa công sở trong bối cảnh tin giản cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh bình dương hiện nay
Một là, Xây dựng hệ giá trị chuẩn về “Văn hóa công sở” là yêu cầu trước tiên. Giá trị văn hóa không thể cân, đo, đong, đếm được mà nó phải được hình thành từ trong ý thức, tạo dựng niềm tin và động lực của mỗi cá nhân. Chỉ khi nào cán bộ, công chức có niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa mà công sở đang theo đuổi, khi đó những biểu hiện thiếu văn hóa tại các cơ quan nhà nước mới bị dẹp bỏ dần. Sẽ không thừa nếu nói rằng để đạt được những giá trị văn hóa công sở, chỉ thực hiện được bằng cách cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau; lãnh đạo làm gương để nhân viên noi theo, tất cả cán bộ, công chức, viên chức cùng hành động. Bên cạnh đó, phải có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm những chuẩn mực về văn hóa trong công sở.
Hai là, Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động: Mỗi cán bộ, viên chức phải tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện. Để làm tốt được điều đó thì trong phong trào thi đua phải lấy cán bộ, công chức, viên chức làm trung tâm. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Tổ chức thực hiện phong trào phải thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua.
Ba là, Xây dựng môi trường văn hóa ứng xử: Văn hóa ứng xử có vai trò cực kỳ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị. Văn hóa ứng xử là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ công chức. Mặt bằng ứng xử cán bộ công chức thấp hơn đòi hỏi thực tiễn của một xã hội hiện đại. Vẫn còn hành vi lạm quyền, sách nhiễu, đòi “bôi trơn”, coi thường, làm phiền nhân dân ở không ít cơ quan, đơn vị. Cán bộ công chức mà vụ lợi thì không thể ứng xử văn hóa được. Thực tế minh chứng có trường hợp có học, có trình độ cao nhưng vẫn ứng xử kém, thậm chí còn đánh lộn, gây án mạng. Chỉ khi nào cán bộ công chức ý thức trách nhiệm cao nhất với công việc của mình trong bộ máy nhà nước thì họ mới có những ứng xử chuẩn mực để dân tin yêu.
Mặc khác, việc nâng cao nhận thức và giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống thượng tôn pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức cần phải được đặc biệt chú trọng, bởi lẽ, nó góp phần xây dựng được một Chính phủ, một Nhà nước kiến tạo. Muốn có một xã hội văn minh thì trước tiên chúng ta cần có đội ngũ những người cán bộ công chức văn minh, ứng xử đúng theo những chuẩn mực đề ra. Các cơ quan chủ quản của cán bộ công chức cần phải phát hiện ra những hành vi của cán bộ công chức có ứng xử không phù hợp để chỉnh nắn, giáo dục. Kiên quyết xử lý và loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ công chức chậm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Người dân cần phát huy hơn nữa những quyền hiến định của công dân, của cử tri trong việc giám sát thực thi công vụ của cán bộ công chức. Kịp thời phản ánh, không ngại đấu tranh trước những ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ công chức tới cơ quan có thẩm quyền.
Các cơ quan, đơn vị ngay từ đầu vào phải tuyển dụng được những cán bộ vừa có tài, có đức một cách công tâm. Đồng thời cần có những lớp đào tạo về kỹ năng ứng xử giúp cán bộ công chức bổ khuyết được lỗ hổng kiến thức văn hóa. Đơn giản như các hành vi bắt tay, cười, xin lỗi... cũng phải được dạy bài bản, cặn kẽ. Những quy tắc ứng xử được ban hành để uốn nắn, chấn chỉnh cán bộ công chức phải chú ý đến khả năng thực thi trong đời sống, tránh cứng nhắc và truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ nâng cao ý thức tự giác, văn hóa ứng xử của mỗi người từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Bốn là, Xây dựng bầu không khí làm việc: xây dựng và gìn giữ bầu không khí làm việc nơi công sở là một trong những điều quan trọng hiện nay. Không thể có một công sở văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại những căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên, cấp trên đề phòng cấp dưới… Không thể là văn hóa, nếu cán bộ, công chức khi làm việc chỉ để đến tháng nhận lương, ngoài ra không quan tâm đến những vấn đề khác. Nếu không khí làm việc cởi mở, tin tưởng lẫn nhau sẽ khơi nguồn được sự sáng tạo của các thành viên và ngược lại, nếu bầu không khí nặng nề, căng thẳng sẽ là rào cản đối với hoạt động của công sở. Vì vậy, cần tạo ra phong trào thi đua, gắn kết quả phong trào thi đua với khen thưởng, chú trọng việc biểu dương,tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào.Việc tôn vinh phải chính xác, công bằng, tạo động lực để thúc đẩy phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Năm là: xây dựng tác phong chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp có nghĩa là biết cách phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất. Tác phong làm việc năng động, khoa học kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào công việc. Tác phong chuyên nghiệp đòi hỏi phải thực hiện tốt những nội dung cơ bản:
- Thực hiện chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính: nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; đeo, cài thẻ tên, phù hiệu, thẻ chức danh khi thực hiện nhiệm vụ. Có ý thức tổ chức kỷ luật, sắp xếp sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả. Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình và phê bình rút kinh nghiệm, có biện pháp và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khi để xảy ra sai sót trong thực hiện nhiệm vụ. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, cộng tác giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Tích cực trao dồi chuyên môn, kỷ năng quản lý, thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ: Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính chuyên nghiệp làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất tham gia đóng góp với cấp trên.
- Tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm: Có tinh thần cầu thị lắng nghe, tâm huyết, tận tụy, gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc; sẵn sàng nhận và nổ lực trong mọi công việc, không kén chọn vị trí công tác, không chọn việc dễ, bỏ việc khó. Có tinh thần đấu tranh tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa đại khái, kém hiệu quả. Không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh kéo dài thời gian xử lý công viêc của cơ quan, tổ chức và người dân. Cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải công tâm, khách quan trong đánh giá, sử dụng cán bộ thuộc quyền quản lý. Không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín hoặc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm được giao.
- Thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử: Trong giao tiếp với người dân phải lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn miệng cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo điều hành phân công công việc của cấp trên, không trốn tránh thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Đối với đồng nghiệp phải có tinh thần hợp tác tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan đơn vị. Cán bộ công chức viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý không được duy ý chí áp đặt bảo thủ và tôn trọng lắng nghe ý kiến của cấp dưới, gương mẫu trong giao tiếp ứng xử.
- Thường xuyên tu dưỡng,rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống: Có lối sống trong sạch lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hành tiết kiệm phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực, không có biểu hiện cơ hội công tâm khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội, không sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa, hút thuốc lá đúng nơi quy định, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ. Tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ, tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan cưới hỏi tang lễ mừng thọ sinh nhật tân gia, không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm trong tham gia lễ hội. Tích cực tham gia xây dựng giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp, môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở,
- Trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc: khi thực hiện nhiệm vụ, trang phục phải gọn gàng sạch sẽ, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc đặc thù, trang phục của ngành và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đối với ngành có trang phục riêng phải thực hiện theo quy định của ngành.
- Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cơ quan, đơn vị địa phương phát động, tổ chức
4. Kết luận
Từ thực trạng văn hóa công sở trên địa bàn tỉnh đến nay cho thấy, nhận thức về văn hóa công sở của các ngành, các cấp, các địa phương nhìn chung chưa đầy đủ, một số cơ quan, đơn vị chưa thấy được mối liên hệ qua lại giữa trình độ văn hóa công sở với hiệu quả, năng suất của công việc tại công sở. Cần phải nhìn nhận rằng, chúng ta còn thiếu các quy định chuẩn mực về văn hóa công sở và các chế tài xử lý vi phạm, thiếu đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở. Điều đó đã dẫn đến hiệu quả công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước thấp, cản trở quá trình hội nhập. Để tạo môi trường văn hóa tốt trong công sở, vấn đề quan trọng là người đứng đầu một cơ quan phải tạo được cơ chế tốt để các nhân viên có điều kiện phát triển, một môi trường hòa đồng thân thiện có tính đoàn kết cao. Và điều cốt lõi là người lãnh đạo cần giải quyết tốt được bài toán về quyền lợi của mỗi thành viên trong cơ quan sao cho công bằng, phù hợp với năng lực làm việc và khả năng cống hiến của từng người.
ThS. Võ Châu Thảo - Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo số :70/BC- UBND , ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương
|
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQGHCM, năm 2002
3. Kế hoạch số: 4076/KH-UBND, ngày 16/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về “Tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”
4. Nguyễn Như Ý: Đại Tự Điển Tiếng việt, Nxb văn hóa Thông tin, năm 1998
5. Quyết định số 733/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.