Ý nghĩa thời đại Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)
Bản Tuyên ngôn Độc lập là tư tưởng, là tâm nguyện và kết quả của hành trình tìm đường cứu nước, thực tế đấu tranh cách mạng và tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 02-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một thực thể tiến bộ trong một thế giới đa cực, toàn cầu hóa, góp phần tích cực phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng con người. Đó là Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội - Giải phóng con người. Với ý nghĩa đó, Tỉnh Bình Dương hiện nay đang ra sức xây dựng tỉnh nhà đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, tăng cường đối ngoại, phấn đấu xây dựng và phát triển Bình Dương trở thành thành phố thông minh, đô thị văn minh, giàu đẹp,..
1. Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, theo thỏa thuận của các nước Đồng Minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.
Ở trong nước, ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 6-4-945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức các Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức chính phủ Lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4-1945 trở đi,cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ,phong phú về nội dung và hình thức. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi Đồng minh vào Đông Dương; đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờngày 13-8-1945,Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quyết định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương, tức chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[1].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Ngày 2- 9-1945,tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là ngày Quốc khánh của nước ta.
2.Nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và hoàn hành tại phố Hàng Ngang, Hà Nội, được in trong bài đầu tiên của tập 4 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, từ trang 1 đến trang 3 là in lại theo báo Cứu quốc, số 36, ra ngày 5-9-1945[5].
Về nội dung của Tuyên ngôn Độc lập có 3 nội dung chính:
Một là, đặt sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào quyền chính đáng chung (lẽ phải, quyền Tạo hóa) của các dân tộc trên thế giới. Từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789, Hồ Chí Minh suy ra những quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam và quyền con người (Từ quyền con người: Mọi người, ai cũng có quyền tự do Trời cho (Tạo hóa cho), trong đó có quyền lớn nhất là quyền được sống, Hồ Chí Minh suy rộng ra quyền của tất cả các dân tộc trên thế giới cũng như vậy- “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống,quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do”).
Hai là, khẳng định tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và lập nên chế độ chính trị mới
- Tố cáo thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”- đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Cụ thể là :
+ Áp bức về chính trị: chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những pháp luật dã man.Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung Nam Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.Chúng ràng buộc dư luận thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
+ Về kinh tế: Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng (hầm)mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảnh và nhập cảnh. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta được giàu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.Ngày 9 tháng 3 năm nay,Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật.Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng...
- Khẳng định đối tượng đánh đổ để thiết lập chính quyền cách mạng là phát xít Nhật và chế độ quân chủ phong kiến.
Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thực là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp…
Nhận định trên đây của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên Ngôn Độc lập có thể là nhằm hai ý:
+ Có ý ngăn ngừa chiến tranh sắp tới vì Hồ Chí Minh biết rằng, thực dân Pháp hoàn toàn không có quyền hành gì ở Việt Nam nữa, nhưng chúng lại đang rắp tâm tái chiếm Việt Nam. Đầu tháng 9 năm 1945, theo sự phân công quốc tế, quân Đồng Minh vào Việt Nam để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Phía bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) và phía nam vĩ tuyến 16, quân Anh kéo vào. Đáng chú ý là quân Anh ủng hộ thực dân Pháp, làm bức che cho quân Pháp kéo vào Nam bộ để tái chiếm Việt Nam.
Do vậy, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân, đăng báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945 (Cùng ngày với việc đăng cũng tại báo này, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa):
“Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quânPháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.
Hỡi đồng bào! Hiện một số dân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”[5]
Do thấy trước được điều đó, cho nên ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”;
+ Khẳng định một cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phátxít”. Như vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam càng thể hiện tính chính nghĩa, tiến bộ, góp phần cùng nhân dân thế giới tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
Ba là, Tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời có quyền hưởng và quyền bảo vệ tự do, độc lập.
Từ những lý lẽ trên đây, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh tuyên bố:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [5].
3. Ý nghĩa củaTuyên ngôn Độc lập đối với công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
3.1. Ý nghĩa củaTuyên ngôn Độc lập
Một là, Tuyên ngôn độc lập làm cơ sở vững chắc cho việc khẳng định trên thực tế quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.
Tuy chưa có giá trị pháp lý cao vì văn bản này mới chỉ là văn bản của một Chính phủ lâm thời, nhưng làm văn bản của một Chính phủ giành chính quyền một cách chính đáng: giành chính quyền từ tay Nhật Bản, đứng về phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phát xít; từ sự thoái vị của một ông vua (Bảo Đại) và chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến hàng ngàn năm.
Giá trị này làm cơ sở để tiến tới những bước vững chắc xây dựng một chế độ chính trị với giá trị pháp lý phổ cập trên thế giới: một chế độ chính trị do dân lập ra, có Hiến pháp chỉ đạo hoạt động của các quyền lực nhà nước và xã hội.
Tuyên ngôn Độc lập xây nền tảng cho các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Hai là, Tuyên ngôn độc lập khẳng định và tôn vinh sự đấu tranh anh dũng và là sự nối tiếp truyền thống yêu nước chống ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ ghi dấu ấn cá nhân vị lãnh tụ của dân tộc mà còn là sự tự khẳng định sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp nối truyền thống của tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam đúc kết từ hàng ngàn năm.
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và với sự kiện ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã bác bỏ những luận điểm không đúng của một số người trong nước và ngoài nước cũng như bác bỏ sự xuyên tạc của những thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam về những vấn đề của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về tính chính danh của chế độ chính trị cộng hòa dân chủ Việt Nam.
Ba là, Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lan tỏa thúc đẩy tích cực công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 trở đi
Hơn 70 năm qua của chế độ chính trị từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, dân tộc Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã và luôn phát triển. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những giá trị đó trong Tuyên ngôn Độc lập, có thể hiểu là tiếp nhận tư tưởng tam dân của Tôn Trung Sơn, nhưng tư tưởng đó mang nội dung mới (cũng giống như Hồ Chí Minh hay dùng những mệnh đề Nho giáo nhưng thực ra nội dung được Hồ Chí Minh nêu ra là hoàn toàn mới), vẫn luôn luôn hướng dẫn hành động cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Đó có thể là trên những vấn đề:
Quyền con người trong quan hệ với quyền dân tộc. Vấn đề độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc.
Sự phát triển của dân tộc Việt Nam luôn luôn nằm trong dòng phát triển chung của nhân loại. Giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hợp với giá trị tiến bộ chung trong văn hóa nhân loại.
3.1. Ý nghĩa thực tiễn của Tuyên ngôn Độc lập trong công cuộc xây dựng và phát triển Tỉnh Bình Dương hiện nay
- Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong hành trình ấy, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng” trong Tuyên ngôn Độc lập; về điều mong muốn cuối cùng "toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" trong Di chúc gắn với “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”[3]. Ý nghĩa đó, Bình Dương hiện nay đứng trước tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra cùng những tác động ảnh hưởng đến cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại trên thế giới, khu vực đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn giữ được tốc độ phát triển kinh tế GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) trong 6 tháng đầu năm tăng 6,73% so cũng kỳ năm 2019 (8,09%), trong đó, công nghiệp-dịch vụ-nông, lâm, thủy sản tăng tương ứng: 7,2%-5,65%-3,45%. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm; các chế độ chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động trong dịp Lễ, Tết được triễn khai thực hiện chu đáo (chi 537,5 tỉ đồng dịp Tết nguyên đáng 2020), xây dựng sửa chữa 04 căn nhà tình nghĩa và 33 căn nhà đại đoàn kết (3,2 tỉ đồng), tặng 600 truyền hình cho hộ nghèo phục vụ sinh hoạt gia đình; rà soát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, có 1.535 đối tượng có nhu câu vay 70 tỷ đồng [2].
- Từ việc khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người, lời căn dặn "đầu tiên là công việc đối với con người", chăm lo cho con người trong bản Di chúc lịch sử, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã đồng lòng vượt qua khó khăn, thiên tai, đại dịch đưa tỉnh nhà phát triển. Bên cạnh, việc đầu tư phát triển kinh tế, vấn đề chăm lo giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống của người dân; xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa đã tạo thành phong trào và được người dân hưởng ứng cao. “Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” hằng năm đều đạt trên 95%” [4].
- Minh chứng sinh động này không chỉ thể hiện nguyên tắc “bất biến” của Người là độc lập, tự chủ, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân để ứng với cái “vạn biến” luôn thay đổi, khó lường mà còn thể hiện tư duy đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này cũng cho thấy, nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là để được “bình đẳng” và có “quyền bình đẳng” trong quan hệ quốc tế, thì phải xây dựng thực lực đất nước vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Với ý nghĩa đó, Bình Dương đã nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước; phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể trong xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Thực hiện tốt phát triển kinh tế -xã hội gắn với quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội “tổ chức tuần tra vũ trang được 14.195 cuộc, qua đó giải tán 4015 đám đông tụ tập về khuya, phát hiện 640 vụ, với 2.280 đối tượng vi phạm pháp luật”[2].Công tác đối ngoại được triển khai tích cực góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác của tỉnh với các địa phương, đối tác trong và ngoài nước, tạo điều kiện để tăng cường liên kết vùng, hỗ trợ phát triển, thu hút đầu tư và giao lưu văn hóa. Công tác quản lý cán bộ, công chức đi nước ngoài được quan tâm, đảm bảo đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Nhận thức ý nghĩa thực tiễn của Tuyên ngôn Độc lập, trên cơ sở phát triển của tỉnh Bình Dương rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, Bình Dương luôn ra sức phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, năng động sáng tạo của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, cùng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Hai là, Quan tâm và thực hiện đồng bộ 4 nội dung cơ bản trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên sâu sát cơ sở để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắt và vấn đề mới phát sinh.
Ba là, tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược, trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy tối đa các nguồn lực: nhân lực, khoa học-công nghệ và nhất là đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông.
Bốn là, Chủ động triển khai thực hiện những chính sách của Chính phủ, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển tòan diện con người, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Năm là, thực hiện liên kết, hợp tác hiệu quả với các địa phương trong và ngoài nước; phát huy và khai thác tối đa các nguồn lực. Chủ động tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế.
Sáu là, thực hiện tốt cải cách hành chính, thực hiện hài hòa các lợi ích giữa các thành phần kinh tế, Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với chăm lo, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện.
Bảy là, phát huy vai trò của các Đoàn thể chính trị-xã hội; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và hướng về cơ sở; luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho công nhân lao động, người dân tạm trú trên địa bàn; các cấp các ngành tạo điều kiện để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội.
Tóm lại: Trong 75 năm qua, giá trị trường tồn của Bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Bác Hồ kính yêu của chúng ta soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình Hà nội, đã làm cho mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam:
“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương: Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 -19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 -02/92020), Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Thông tin nội bộ, số 8/2020, tr.8.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương: Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Thông tin nội bộ, số 8/2020, tr.25.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.34
4. Đảng Bộ tỉnh Bình Dương: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Bình Dương, tháng 5 năm 2020.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hà nội, năm 2020.
ThS. Võ Châu Thảo - Trưởng khoa Xây dựng Đảng