Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy đáng kính của cán bộ, đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969), anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người là kết tinh của trí tuệ, văn hóa, sức mạnh của dân tộc Việt Nam và cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng XHCN, đồng thời để lại cho chúng ta hệ tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, soi đường cho những bước phát triển của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thầy đáng kính đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, Người để lại cho chúng ta những bài học quý giá về tinh thần tự học, ý chí quyết tâm vì lý tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ thực sự do nhân dân lao động làm chủ. Bản thân cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, là “cuốn sách sống” giá trị để các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo, học tập và vững bước trên con đường cách mạng đầy chông gai mà mình đã lựa chọn.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ tác phẩm Đường Cách mệnh đến các bài viết sau này, các buổi tiếp xúc, nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục cán bộ, đảng viên xem đây là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng, trong đó nhấn mạnh “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Tư tưởng, nguyên tắc, những bài học trong giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Hồ Chí Minh trở thành chuẩn mực khi đánh giá đạo đức, năng lực người cán bộ, đảng viên, trong đó người cán bộ, đảng viên tốt phải là người cách mạng chân chính, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc và phải hội đủ năm đức tính là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo đó, người cán bộ, đảng viên phải yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào, sẵn sàng chịu khổ cực trước đồng bào, hưởng hạnh phúc sau đồng bào. Cán bộ, đảng viên phải ngay thẳng, không có việc gì phải giấu Đảng, lúc Đảng giao việc dù việc to hay việc nhỏ đều phải ra sức làm cẩn trọng, không sợ người ta phê bình mình, phê bình người khác thì phải luôn luôn đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cán bộ, đảng viên cần có đầu óc trong sạch, sáng suốt, biết việc làm có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, cần phải dũng cảm, gặp việc khó phải có gan để làm, không tham địa vị, tiền tài, không ham người khác tâng bốc mình, ý thức được việc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để giúp chính bản thân mình và đồng chí tiến bộ, đó là cách tốt nhất để cán bộ, đảng viên phục tùng lợi ích của Đảng và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra một số “căn bệnh” của chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải như: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương…Do đó, việc học tập, trau dồi đạo đức của cán bộ, đảng viên là công việc suốt đời, đòi hỏi sự cần mẫn và thường xuyên. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục đào tạo người cán bộ, đảng viên phải “vừa hồng vừa chuyên”, vừa có đức vừa có tài, trong đó việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ then chốt, “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cần rèn luyện cho mình tính đảng, bởi nếu tính đảng kém thì việc gì cũng không làm nên. Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, được giao công việc phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng, cẩn thận, làm đến nơi, đến chốn, lý luận và thực hành phải luôn luôn đi liền với nhau. Người khẳng định “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, phải huấn luyện chính trị, lý luận, văn hóa, nghề nghiệp sao cho hiệu quả nhất để mỗi cán bộ, đảng viên từng bước hoàn thiện đạo đức, nhân cách, hoàn thành tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình. “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Để trở thành cán bộ, đảng viên tốt thì việc học tập, nghiên cứu kiến thức, trau dồi đạo đức là công việc suốt đời. Tôn chỉ của Đảng đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ độc lập, giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH đã có nhiều thế hệ học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưởng thành, sống hết mình vì lý tưởng, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên những thắng lợi vẻ vang. Có được những thành quả to lớn đó, là tâm huyết và quyết tâm không ngơi nghỉ của người thầy – lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để giáo dục cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhiều phương pháp, thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong đó đặc biệt chú trọng phương pháp nêu gương“một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, phương pháp giáo dục này thể hiện lời nói đi đôi với việc làm, lý luận kết hợp với thực tiễn, mang tính thuyết phục, người được giáo dục sẽ “tâm phục, khẩu phục” từ đó sẽ tạo nên những hiệu ứng tốt đẹp và sức lan tỏa những điều hay, việc tốt có giá trị nhân văn cho xã hội.
Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta trong những năm qua đạt được những kết quả to lớn, trong đó vai trò cán bộ, đảng viên có những đóng góp hết sức quan trọng thể hiện qua tư duy đổi mới, dám nghĩ, biết làm, năng động và sáng tạo. Song bên cạnh đó đã bộc lộ một số hạn chế, với mặt trái của cơ chế thị trường, sự thiếu trau dồi đạo đức và tinh thần cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Thực tiễn đã khẳng định chân lý, tư tưởng, những bài học về giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và mang tính thời sự cho chúng ta. Do vậy, để giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục và có những thiết chế đủ mạnh để chế tài những sai phạm, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc tư tưởng, thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người cách mạng, xem đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tu dưỡng và phấn đấu suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng đạo đức, sự giáo huấn đối với cán bộ, đảng viên vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đất nước ta trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, đứng trước nhiều thời cơ cũng không ít những thách thức, muốn phát triển, tiến bộ, vượt qua khó khăn, hội nhập thành công sẽ không thể thiếu những người cán bộ, đảng viên đủ tài, đủ đức, đây là nhân tố then chốt quyết định tâm thế vững chắc của nội lực trong quá trình hội nhập. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ theo đạo đức, tác phong, tinh thần tự học, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay rất cấp thiết.
Thứ nhất, Đảng và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, làm theo đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu gắn với những hành động thực tiễn thiết thực, tránh lý thuyết dông dài, nói không đi đôi với làm, đối phó, làm theo phong trào. Các cấp ủy tổ chức cơ sở Đảng cần đẩy mạnh, đổi mới phương pháp giáo dục, tuyên truyền, sáng tạo trong thực hiện công tác tư tưởng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên giác ngộ được việc học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương cách tốt nhất để trau dồi chính bản thân, giúp mình trở thành con người tốt, cán bộ giỏi, trở thành niềm tự hào của gia đình, cống hiến nhiều hơn cho xã hội và sự phát triển của dân tộc.
Thứ hai, Đảng, Chính phủ tiếp tục xây dựng những chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực hơn nữa trong khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ để chọn được nhân tài cho đất nước, có chính sách thu hút và tạo cơ chế thuận lợi để nhân tài phát huy hết năng lực và trí tuệ của họ. Đồng thời có những thiết chế xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, trình độ gây thất thoát tài sản của nhà nước, tham ô, hối lộ gây hại cho nước, gây khổ cho dân.
Thứ ba, phát động phong trào đẩy mạnh nêu gương người tốt, việc tốt trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa những điều hay, gương tốt trong xã hội, giúp cán bộ, đảng viên ngày ngày “soi gương” tốt để tự răn mình, tránh những cám dỗ dẫn đến thoái hóa, biến chất. Giúp họ có động lực và quyết tâm phấn đấu trở thành con người tốt, cán bộ giỏi có ích cho dân, có lợi cho đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam với Chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với tiếp biến các giá trị văn hóa, tư tưởng thế giới, trở thành kim chỉ nam cho những thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm, bài báo, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên hết sức giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, dễ hiễu và dễ đi vào lòng người. Nội dung bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn cán bộ, đảng viên “khắc cốt, ghi tâm” là tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn đặt quyền lợi của tổ quốc, nhân dân lên hàng đầu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng to đẹp vì hạnh phúc của nhân dân. Trên tinh thần đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện quyết tâm “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đồng thời tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong khâu đào tạo, tuyển dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc học tập kiến thức, trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ là công việc suốt đời đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Người khẳng định, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Hiện nay, chúng ta đang ở thế kỷ XXI, thế kỷ của kinh tế tri thức, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành xu hướng chủ đạo, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đã đưa ra quan niệm về việc học: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. So sánh để thấy, trí tuệ, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc học, bởi thực tế quan điểm mấu chốt về việc học của UNESCO là tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đề cao tầm quan trọng của việc học và con người thực sự khẳng định được giá trị của mình khi coi trọng việc học. Trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay, thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy lớn của cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, luôn đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên hàng đầu, có đạo đức trong sáng, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, trang bị vững chắc trình độ tin học, ngoại ngữ, tiếp thu nhanh công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ, đóng góp công sức cùng với nhân dân xây dựng đất nước Việt Nam XHCN ngày càng phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành công, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy đáng kính của chúng ta lúc sinh thời.
ThS. Đinh Đức Duy - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
5. X.Y.Z (2010), Sửa đổi lối làm việc, NXB Trẻ, TP.HCM.
Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, HN, tr.280
Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, HN, tr.292
Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, HN, tr.313
Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, HN, tr.284