Đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1964)
Tại Côn Đảo, chính quyền Việt Nam Cộng hòa phân chia thành hai loại tù nhân: Tù chính trị câu lưu và tù án. Tù chính trị câu lưu (can cứu chính trị) là những người tù Cộng sản hoặc tình nghi hoạt động cho Cộng sản và các đảng phái đối lập. Tất cả đều không có án tòa vì không có cơ sở để kết án. Từ năm 1957 - 1964 đợt đấu tranh đầu tiên của phong trào chống ly khai Cộng sản đã giành những thắng lợi vang dội, đánh đổi bằng những hi sinh mất mát khủng khiếp của anh em tù chính trị.Thắng lợi đầu tiên này đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Côn Đảo phát triển, góp phần quan trọng giáo dục và giác ngộ cách mạng cho các chiến sỹ trên đảo, tạo thành một trận tuyến hùng mạnh đấu tranh chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù.
1. Tinh thần đấu tranh anh dũng của lực lượng tù chính trị câu lưu Côn Đảo chống ly khai Cộng sản
Tháng 1-1957, 360 tù chính trị câu lưu đầu tiên bị đày ra Côn Đảo, kể từ đó, lực lượng tù chính trị câu lưu tăng lên không ngừng.Đối với tù chính trị câu lưu đấu tranh chống ly khai Cộng sản là hình thức cao nhất trong đấu tranh bảo vệ khí tiết, là ngọn cờ đầu, là trung tâm phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Tất cả những người tù bị buộc phải xác định rõ lập trường của mình theo hai hướng: Một là đi theo con đường Đảng Cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Hai là chấp nhận “ly khai Cộng sản” để “trở về với chính nghĩa quốc gia do Ngô Tổng thống lãnh đạo”. Thực tế trong hoàn cảnh chiến trường mới, tư tưởng con người luôn diễn biến từng phút, từng giây, sự phân hóa trong lực lượng tù chính trị câu lưu là điều tất yếu.Ngoại trừ những đảng viên Cộng sản trung kiên ý thức rõ dã tâm của quân thù, quyết bảo vệ uy thế của Đảng và phẩm chất cao quý của người Đảng viên nhất quyết không ly khai Cộng sản.Số tù nhân còn lại chỉ là quần chúng cách mạng, là thanh niên, học sinh, có người là nông dân hoặc thuộc các Đảng phái khác...Mặc dù việc chấp nhận phải ly khai Cộng sản dù có xót xa, day dứt nhưng trước gông xiềng, bạo lực, thủ đoạn tâm lý của địch, tư tưởng nhất thời đã dao động.
Đến tháng 8/1957 số lượng chống ly khai là 1.449 người (41 nữ).Địch áp dụng chế độ tra tấn, cấm cố hà khắc. Tất cả các phòng đều bị nhốt chật, cúp nước, không cho tắm rửa, khẩu phần ăn tồi tệ nhất. Đỉnh điểm địch cắt toàn bộ rau, đồ tươi, gạo đỏ, ép ăn gạo mốc trắng, anh em tù bắt đầu bị sưng bướu chân răng, kiết lỵ…kẻ địch quyết tâm bỏ chết anh em tù chính trị, lấy cái chết để tác động tư tưởng, ép ly khai. Khi gần chết địch sẽ dụ dỗ ly khai để cho chữa bệnh…
Vượt lên trên tất cả những đày ải khổ cực, tất cả anh em tù vẫn giữ vững khối đoàn kết.Ngoài thời gian dành cho việc trao đổi bàn bạc kế hoạch đối phó với địch anh em dành trọn thời gian cho việc học tập.Đối với các chiến sỹ cách mạng Côn Đảo thực sự là một trường học lớn, mà bài học lớn nhất là sự thử thách tình yêu Tổ quốc và khí tiết cách mạng.Tổ chức học lý luận chính trị, học văn hóa, chuyên môn, các vấn đề về lý luận, lập trường cách mạng càng được giác ngộ sâu sắc hơn trong hoàn cảnh ngục tù.Những bài học về lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng của Đảng, lý tưởng cách mạng vô sản được chính những cán bộ của Đảng giảng dạy trong ngục tù tăm tối. Tuy nhiên, bên trong sự im lặng rợn người của các phòng giam, khu Chuồng Cọp, là một cuộc chiến rất dữ dội trong tư tưởng từng người tù.Sống và chết, ly khai và không ly khai, vinh và nhục…Không ai muốn chịu nhục nhưng rồi cái chết hiện ngay trước mắt từng phút giây. Sức chịu đựng của con người không phải vô hạn và không ai giống ai, hàng ngũ đã vơi dần trên trận tuyến phất cao lá cờ Cộng sản nơi địa ngục Côn Đảo.
Hàng trăm người đã hy sinh anh dũng, gần một ngàn người vẫn bám giữ vị trí trong cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng. Ngày 1/4/1960 trong đợt phân loại tàn khốc ròng rã dưới nắng mưa của địch suốt 4 ngày liên tiếp chỉ còn lại 59 người kiên cường chống ly khai, địch đưa về Chuồng Cọp và khủng bố vô cùng man rợ.Tháng 3-1961, lực lượng chống ly khai chỉ còn 17 người.17 “Chiến sỹ Chuồng Cọp” chịu cảnh cấm cố cùng cực nơi địa ngục trần gian. Sự tồn tại của 17 anh em chống ly khai ốm yếu, bại liệt mà địch vô cùng hung hăng không khuất phục được đã trở thành thách thức đối với bộ máy ở Côn Đảo, là niềm tin đối với anh em tù còn lại.Ngày 27/3/1961 địch tra tấn đánh chết 5 người, ít ngày sau thêm 2 người hi sinh vì ngấm đòn.Một trận đòn thù, 7 người kiên trung đã vùi thây trong đất.Chế độ “Nhân vị” dưới thời Ngô Đình Diệm là vậy. Sau trận đánh là những đợt xối nước đêm, 10 con người đang tiến dần vào cõi chết. Mỗi “Chiến sỹ Chuồng Cọp” là cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt trong từng giây, từng phút: Có nên chết hay không? Khi đã chết hết ai là người báo lại cho Đảng âm mưu, thủ đoạn của địch? Ta đã chiến đấu một quãng đường dài, từ chỗ gần 1500 người giờ đây có ra đi cũng không hổ thẹn…Trong tình hình đó, tiếp tục một vài anh em hi sinh, có người bị dao động tư tưởng chấp nhận chữa bệnh và ly khai. Ban lãnh đạo trong tù đã thống nhất nhận định, chấn chỉnh tư tưởng những người còn lại: Các anh là biểu tượng tinh thần chiến đấu của Đảng, của tù chính trị Côn Đảo, các anh không còn là của riêng mình mà là kết tinh tinh thần chiến đấu của tất cả anh em tù chính trị nên phải nêu cao quyết tâm, quyết tử không ly khai Cộng sản.
Còn lại 6 người ở Chuồng Cọp tiếp tục cuộc đấu tranh chống ly khai.Trong đấu tranh anh Lưu Chí Hiếu đã hi sinh vì bị địch dội 40 thùng nước lạnh trong đêm, khí tiết sáng ngời của anh đã tác động mạnh đến cuộc đấu tranh trên đảo. “5 anh Chuồng Cọp” được đưa đi tẩm bổ, dụ dỗ tiếp tục ép ly khai. Trong cuộc đấu tranh kiên cường, các anh bị địch chuyển về đất liền, chuyển về các nhà lao khác nhau, đày ải trở lại Côn Đảo nhưng cuối cùng cuộc đấu tranh đã toàn thắng. Các anh được trả tự do và tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của những chiến sỹ kiên trung.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng, rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại Hàng Dương trong những hoàn cảnh hết sức khủng khiếp và thương tâm khi độc lập tự do của Tổ quốc còn chưa sáng lạn. Nhưng tất cả họ ra đi đều cảm thấy thanh thản, cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ với Dân, với Đảng. Từng ấy con người qua đợt sàng lọc thâm độc lần thứ nhất của địch kéo dài gần 7 năm chỉ còn lại 6 người sống sót trọn vẹn nghĩa tình thủy chung với Đảng, với Dân, với Nước. Sáu bông hoa tinh khiết trên đảo là nguồn động viên cho tất cả tù nhân, cho toàn mặt trận đấu tranh trên đảo noi theo tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng giữa ngục tù Côn Đảo.
2. Sự tác động của phong trào chống ly khai Cộng sản đến tinh thần đấu tranh của các tù nhân Côn Đảo
Những người chấp nhận ly khai bị đưa về Trại 2, gọi là “Trại quốc gia”, buộc phải học tố cộng, phải chào cờ “quốc gia”, hô khẩu hiệu phản động…nhằm triệt hạ khí tiết, biến người tù chính trị thành kẻ phản bội, làm tay sai cho chúng. Tuy vậy, chỉ có một số ít tù chính trị thuộc loại khuất phục, đầu hàng, còn đại bộ phận tù chính trị đã nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức và tiếp tục đấu tranh. Khí tiết cách mạng của Trại 1 Cộng sản, đặc biệt là của các “Chiến sỹ Chuồng Cọp” đã thôi thúc, cổ vũ, động viên Trại 2 đấu tranh mạnh mẽ. Vượt qua những dao động ban đầu, noi gương Trại 1 Cộng sản, anh em trên đảo phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau, đấu tranh mạnh mẽ làm phá sản ý đồ xây dựng “Trại Quốc gia” của địch. Sau đó lực lượng đấu tranh chống chào cờ, chống học Tố cộng, chống hô khẩu hiệu phản động ở Trại 2 bị địch áp dụng chế độ khủng bố giống như tù chính trị chống ly khai. Đến thời điểm này, một bộ phận tù chính trị Trại 2đã vươn lên sát cánh cùng Trại 1 trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết.Thấm thía thất bại đau xót, thấm thía nỗi cay đắng tủi nhục khi bị khuất phục, những người tù từng lỡ dao động lại tiếp tục sát cánh cùng Trại 1 Cộng sản đấu tranh trong giai đoạn mới.
Từ tháng 8-1962, lực lượng tù chính trị câu lưu bước vào thời kỳ đấu tranh vươn lên khôi phục toàn bộ khí tiết với quy mô rộng lớn ngay trong đội ngũ những người từng chấp nhận ly khai. Ngày 1-5-1963, tại phòng 4, Trại 4, Chi bộ mang tên Lê Hồng Phong được thành lập, gồm: Bí thư Lương Chi, Phó Bí thư Đặng Ngọc Cảnh phụ trách tổ chức; Đảng viên Đỗ Hằng phụ trách tuyên huấn…Sự ra đời của Chi bộ đánh dấu bước phát triển mới, tổ chức chặt chẽ của phong trào đấu tranh trong ngục tù, củng cố tinh thần, tư tưởng kiên trung của mỗi chiến sỹ trong mặt trận đấu tranh khốc liệt. Trong những năm tiếp theo, Chi bộ Lê Hồng Phong cùng những cốt cán lãnh đạo của đoàn tù chính trị câu lưu khác đã lãnh đạo và rèn luyện lực lượng đấu tranh của tù chính trị câu lưu. Các thành viên Chi bộ Lê Hồng Phong có vai trò lãnh đạo, rèn luyện lực lượng tù chính trị câu lưu và là hạt nhân hình thành Đảng bộ Lưu Chí Hiếu sau này.
3. Những bài học từ phong trào đấu tranh chống ly khai Cộng sản của tù chính trị câu lưu Côn Đảo trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên hiện nay.
Bảo vệ khí tiết là mức độ đấu tranh cao nhất của tù chính trị. Đây là thử thách quyết liệt nhất đối với tù chính trị.Chống ly khai Cộng sản là cuộc đấu tranh mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, là một mặt trận đấu tranh khốc liệt và không cân sức.Cuộc đấu tranh trên đảo khốc liệt song hành với diễn biến trên chiến trường miền Nam: mỗi khi trong đất liền ta mở cuộc tiến công lớn thì trên đảo địch sẽ đánh đập, khủng bố vô cùng dã man tù nhân với một quy mô lớn. Mỗi một lời tuyên bố không ly khai của anh em tù đều phải trả giá bằng máu và mạng sống.Nhiều người đã hy sinh anh dũng để năm người cuối cùng toàn thắng và tỏa sáng, hàng ngàn người đã vấp ngã, thấm thía nỗi đau của mỗi lần thất bại tạm thời, lại đứng dậy đấu tranh, giành lại vị trí bảo vệ khí tiết.Điều này cho thấy, trong thực tiễn, những tấm gương đấu tranh bất khuất là bài học sâu sắc về lý tưởng, về lòng trung thành, về lý luận cách mạng để giác ngộ cách mạng cho các chiến sỹ khác.
Diễn biến của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết đồng hành với quá trình xây dựng tổ chức và tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Những thành viên kiên trung, cùng những người từng vấp ngã, từng ly khai nhanh chóng chấn chỉnh tư tưởng, noi gương sáng để vực dậy tổ chức tiếp tục phong trào đấu tranh. Ngày nay, trong công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên dù đất nước đã hòa bình độc lập nhưng những người đảm nhiệm công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị vẫn phải đảm bảo một nguyên tắc then chốt là giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, niềm tin vào lý tưởng Cộng sản, vào những thành quả cách mạng thì quá trình đào tạo mới đạt hiệu quả. Bài học lịch sử còn đó, thực tiễn xương máu cha ông đổ xuống vẫn vọng vang từ một thời đấu tranh hào hùng, kiên trung của dân tộc thì vấn đề xác định lập trường tư tưởng chính trị vẫn là vấn đề quan trọng trong mỗi con người. Vinh hay nhục, thành công hay thất bại, vấp ngã phải đứng lên rút kinh nghiệm, sửa sai suy cho cùng yếu tố tiên quyết trước tiên vẫn ở xác định lập trường tư tưởng chính trị đúng đắn.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị tư tưởng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận định:“Tình trạng suy thoái ,"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.” Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; Mặt khác công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả. Vấn đề phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang diễn ra. Vì vậy trong các giải pháp đưa ra, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tích cực đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ những vấn đề thực tiễn trên cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên ngày càng trở thành một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi những người giảng dạy phải có đủ năng lực, phẩm chất để truyền lửa cách mạng, khẳng định tư tưởng lập trường vững vàng cho cán bộ, đảng viên, vững vàng niềm tin vào lý tưởng Cộng sản.
Thuở ấy, các chiến sỹ nơi ngục tù đã tâm niệm: Đảng đã trao Đảng cho ta, ta phải giữ ta cho Đảng, thì ngày nay yêu cầu đó vẫn vẹn nguyên mục đích, giá trị dù chúng ta đã hưởng những thành quả hòa bình, đổi mới. Những bài học từ cuộc đấu tranh trong ngục tù sẽ là hành trang để những người tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng hôm nay học tập, trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa…Bài học từ cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng Cộng sản của tù chính trị câu lưu Côn Đảo sẽ mãi có giá trị lớn lao về thực tiễn, về lý luận cách mạng, góp phần làm rạng danh Việt Nam, rạng danh Đảng,và đưa cách mạng đến thành công như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”
Lê Thị Hiệp - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
[4]. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập.Tập 12.Nxb Chính trị Quốc gia. 2011. Tr402