Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh bình dương
Phát triển nền “kinh tế xanh” là một trong những mục tiêu của chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Trong bối cảnh phát triển công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng thì ngược lại, du lịch Bình Dương không tạo ra được sự khởi sắc, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh. Du lịch không phát triển bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động, trong đó có nguyên nhân từ việc chưa khai thác hết tiềm năng về du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái.
Bình Dương có được lợi thế, có sức cạnh trạnh và đã từng thu hút du khách đến chính là vùng miệt vườn trái cây, mà Lái Thiêu trở nên nổi tiếng là mình chứng cho tiềm năng này. Lái Thiêu nơi có nhiều loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng, gắn liền với các làng nghề truyền thống chứa đựng bản sắc văn hóa địa phương phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Vì vậy, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch Bình Dương phát triển. Nó là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, sản xuất mang tính bền vững, phục vụ cộng đồng là một xu hướng phát triển bền vững trên thế giới góp phần thực hiện thành công chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong những năm tới.
1- Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái của tỉnh Bình Dương
Bình Dương không có những danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng. Vì vậy tiềm năng du lịch sinh thái ở tỉnh Bình Dương trước hết thể hiện ở nguồn tài nguyên du lịch sinh thái: hệ thống sông nước cùng với đó là những vùng đất ven sông màu mỡ thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái. Sông nước ở Bình Dương là những con sông lớn, nhiều phù sa, lưu lượng nước và dòng chảy tương đối ổn định.
Trong đó, sông Sài Gòn chảy qua Bình Dương về phía Tây, đoạn từ Lái Thiêu lên tới Dầu Tiếng dài 143 km, độ dốc nhỏ nên thuận lợi về giao thông vận tải, về sản xuất nông nghiệp, cung cấp thủy sản, cùng với những cánh đồng dọc sông Đồng Nai, tạo nên vùng lúa năng suất cao và những vườn cây ăn trái xanh tốt.
Sông Thị Tính là phụ lưu của sông Sài Gòn chảy qua huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, rồi lại đổ vào sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn, sông Thị Tính mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến cát và huyện Bàu Bàng.
Sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) dài 635 km chảy qua địa phận Bình Dương ở thị xã Tân Uyên, một phần huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Dĩ An.
Riêng địa phận huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên còn có sông Bé chảy qua, dòng sông này chủ yếu cung cấp nước tưới cho các vùng sản xuất nông nghiệp.
Dựa trên lợi thế đất đai, sông nước, khí hậu, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương cũng phát triển. Với nhiều loại sản phẩm, nhất là sản phẩm trồng trọt: các loại cây ăn trái đặc sản như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ…và các loại trái cây có múi khác. Ngoài ra cũng như nhiều vùng ở Đông Nam bộ, Bình Dương cũng là quê hương nổi tiếng của các vườn điều, tiêu, cao su. Các cách thức canh tác cũng đa dạng với những mô hình tổ chức sản xuất khác nhau nhưng đặc biệt là mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mô hình liên kết sản xuất giữa những hộ nông dân. Đây cũng là một sản phẩm mà có thể tạo lợi thế cho du lịch sinh thái gắn với vườn cây phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể kể đến những vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái như sau:
Một là, Thị xã Thuận An
Vườn trái cây Lái Thiêu: đến Thuận An là phải đến vườn trái cây Lái Thiêu. Có nước và phù sa sông Sài gòn, nơi đây là vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Gọi là vườn trái cây Lái Thiêu nhưng trên thực tế hiện nay cây ăn trái được trồng ở các phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Phú và xã An Sơn. Hiện nay, khu vực 6 phường, xã thuộc tiểu vùng ven sông Sài Gòn của Thuận An, nhân dân thường trồng nhiều loại cây ăn quả, trong đó phổ biến nhất là các loại như: Măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ. Có thể nói đây là vùng chuyên canh măng cụt lớn nhất Đông Nam Bộ với phẩm chất và hương vị thơm ngon nổi tiếng. Trái măng cụt Lái thiêu đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo thương hiệu trái cây đặc sản của vùng đất này. Thống kê ở thời điểm năm 2015, tổng diện tích trồng cây ăn trái của vùng là 1.188 ha. Ngoài trái cây, những chủ vườn trái cây Lái Thiêu còn sáng tạo nên những món ăn độc đáo như: gà hoặc cút nướng sầu riêng, gà hoặc tôm trộn gỏi măng cụt… rất hấp dẫn.
Không chỉ vườn cây ăn trái, Thuận An còn được biết đến với khu du lịch sinh thái Dìn Ký (Bình Nhâm, Vĩnh Phú), khu du lịch văn hóa Phương Nam (Vĩnh Phú). Đang xây dựng cụm du lịch Sài Gòn (Bình Chuẩn), khu Resort An Lâm River (Vĩnh Phú) vùng sinh thái khu du lịch Cầu Ngang (Hưng Định) và vùng phụ cận Thạnh Quý (An Thạnh), An Mỹ (An Sơn). Mô hình trang trại xanh TRee – Child Farm tại phường Bình Nhâm với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế hòa vào thiên nhiên cho du khách đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Hai là, Thị xã Tân Uyên
Cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên: gắn với cái tên này là trái bưởi. Bưởi Tân Uyên nói chung đã có tiếng từ lâu, nhưng bưởi Bạch Đằng có vị ngọt dịu đặc biệt mà không lẫn với hương vị của bất kỳ loại bưởi nào. Không chỉ phát triển giống bưởi đặc sản, mà cù lao này còn là mảnh đất thích hợp với nhiều loại trái cây khác đặc biệt là trái cây có múi. Cùng với sông nước (sông Đồng Nai), cù lao Bạch Đằng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp hẫn, đầy tiềm năng phát triển.
Tân Uyên còn được nhớ đến với những món ăn đặc sản từ sông Đồng Nai như tôm, cá lăng, cá duồng. Đặc biệt loại cá duồng rất hiếm. Cá duồng có hình dáng giống như cá chép, nhưng thịt thơm ngon hơn hẳn. Đây là một trong những loại cá được xem là đặc sản trên sông Đồng Nai và Tân Uyên được hưởng sự ưu ái đó của thiên nhiên. Ngoài ra, vào mùa mưa trên sông Đồng Nai xuất hiện một số loại cá đặc sản khác như: cá chuột, chạch lấu, cá chẽm có hương vị riêng của tự nhiên mà không phải nơi nào du khách cũng có thể được thưởng thức.
Ba là, Huyện Bắc Tân Uyên
Vùng cây ăn quả có múi Hiếu Liêm. Cây ăn quả có múi không phải là loại cây trồng có từ xa xưa của vùng đất Hiếu Liêm. Xã Hiếu Liêm là xã ven Sông Bé, nằm ở phía Đông tỉnh Bình Dương, nơi có nguồn nước ngọt quanh năm và phần lớn là đất phù sa Sông Bé, rất phù hợp cho phát triển các loại cây ăn quả; nhất là là cây ăn quả có múi như bưởi, chanh, cam, quýt, đặc biệt trái cam xoàn rất thơm và ngọt. Hiện nay, toàn xã có khoảng 60 hộ trồng các loại cây có múi theo quy mô hàng hóa, chiếm hơn 90% trong tổng số 602 ha cây ăn quả trên địa bàn xã Hiếu Liêm. Ngoài ra, Hiếu Liêm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 4.100 ha, chiếm 90,3% diện tích toàn xã. Đây là một lợi thế lớn của xã Hiếu Liêm để phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Ở Hiếu Liêm nổi tiếng với trang trại bưởi Phương Uyên được đầu tư, phát triển theo quy trình kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) và đến nay đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho trang trại Phương Uyên và trang trại Lâm Thành Thương. Nước cam nguyên chất vừa thơm vừa có vị ngọt dịu từ những trái cam vừa hái là nước uống đặc biệt khi đến nơi này.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh (Green Eye Resor) xã Tân Định. Khu du lịch này nằm trên một dãy đồi thoai thoải bên dòng sông Bé và lẫn trong những vườn điều bạt ngàn. Toàn bộ khu du lịch được xây dựng trên diện tích khoảng 200 ha.
Trong quần thể đó có dáng dấp một ngôi làng Tây nguyên với những ngôi nhà sàn với vẻ ngoài đơn sơ như nhà sàn truyền thống nhưng nội thất bên trong rất sang trọng, vừa hiện đại vừa mang đậm nét Tây nguyên Việt Nam. Mỗi ngôi nhà được thiết kế 1 hoặc 2 phòng ngủ và một phòng khách. Nơi đây còn có nhà hàng, khách sạn, hồ bơi, khu giải trí phục vụ cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn.
Trong những năm qua, Mắt Xanh đã đón nhiều đoàn khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nhiều đoàn khách là những doanh nghiệp, cơ quan kết hợp tổ chức hội nghị và nghỉ dưỡng cho cán bộ, viên chức, người lao động. Đây cũng là điển hình của loại hình du lịch sinh thái khai thác vườn cây công nghiệp ở Bắc Tân Uyên và tỉnh Bình Dương.
Bốn là, Huyện Dầu Tiếng
Xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng: là cửa ngõ phía Nam của huyện Dầu Tiếng, nằm ở vị trí giáp ranh của ba tỉnh thành: Bình Dương, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Có các tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh, đường ĐT.744, sông Sài Gòn, và tiếp giáp với Khu du lịch Địa đạo Củ Chi.
Thanh Tuyền có diện tích tương đối lớn (6.232 ha), trong đó đất nông nghiệp 5.390,14 ha, chiếm 86,5% diện tích tự nhiên, hướng Đông Bắc là đất phù sa cổ phù hợp phát triển cây cao su, hướng Tây ven sông Sài Gòn là đất phù sa bằng phẳng và màu mở phù hợp cho cây lúa và cây ăn quả. Thế mạnh về kinh tế của xã Thanh Tuyền là nông nghiệp, giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của xã. Thanh Tuyền có 215 ha vườn cây ăn quả đặc sản như măng cụt, sầu riêng, ổi (ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP). Trái cây măng cụt sản lượng đạt từ 800-1.000 tấn/năm, qua 3 năm tham gia hội thi trái cây ngon cụm miền đông Nam bộ đều đạt các giải cao.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện dự án mở rộng khu di tích địa đạo Củ Chi gắn với du lịch sinh thái sang xã Thanh Tuyền với quy mô 116 ha, đây là cơ hội để xã Thanh Tuyền phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tập trung với quy mô lớn ven sông Sài Gòn gắn với phát triển du lịch đường sông và du lịch nghỉ dưỡng phục vụ khách tham quan du lịch
Hồ Dầu Tiếng: thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; tuy nhiên, phần lớn lưu vực nằm trên huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh. Khu du lịch lòng hồ Dầu Tiếng với diện tích 2.560 ha, có sức chứa hơn 1,5 tỷ m3, cạnh hồ là dãy núi Cậu với 1.594 ha rừng phòng hộ là điều kiện lý tưởng để huyện phát triển kinh tế du lịch sinh thái.
Hồ Dầu Tiếng, với không gian rộng lớn, cảnh thiên nhiên trải dọc theo hai bên hồ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình và thơ mộng. Nếu đi từ hướng thị trấn Dầu Tiếng lên hồ ta có cảm nhận như đang đi trên cao nguyên Đà Lạt. Xuống lòng hồ với các đảo nhỏ như đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò cùng những cơn sóng tạo nên những cảnh sắc mới lạ, thu hút du khách đến tham quan với cảm giác như đang dạo trên Vịnh Hạ Long hay biển Nha Trang vậy.
2. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái tỉnh Bình Dương
2.1. Kết quả thực hiện các hoạt động phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái
Quyết định số 2303/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: “Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh;…Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang đặc trưng văn hóa địa phương”. Tầm nhìn đến năm 2030, Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Dương, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương bao gồm 3 không gian chính là: không gian phía Nam gồm khu vực Thành phố thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An và một phần của thị xã Bến Cát; Không gian phía Tây bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn và khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát; Không gian phía Đông gồm dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Cả 3 không gian đều nhấn mạnh trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, đây cũng chính là tiềm năng và lợi thế so sánh về sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Dương.
Trên cơ sở quy hoạch của ngành du lịch tỉnh Bình Dương, trung tâm du lịch Cầu Ngang được hình thành và đang được đầu tư phát triển làm điểm du lịch sinh thái kiểu mẫu để từ đó nhân rộng ra các khu vực khác.
Ngày 16 tháng 10 năm 2012, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 – 2016. “Quy định này nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo mảng xanh bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn các xã Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định, phường An Thạnh, thị xã Thuận An và xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên"
Từ năm 2013, Dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đầu tư nhằm phát triển có chiều sâu vùng cây ăn quả hiệu quả cao này để tiến tới nhân rộng ở các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng tương tự. Dự án có tổng quy mô là 588 ha. Đồng thời dự án này còn nhằm mục tiêu kết nối với vùng bưởi Bạch Đằng, Tân Uyên. Đây cũng là động lực để vùng cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung phát triển mạnh hơn.
Dự án “Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch” ở xã Thanh Tuyền được triển khai thực hiện giai đoạn 2012- 2015 và đến nay vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển theo đề án “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái” tại xã Thanh Tuyền giai đoạn 2016 -2020.
Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ một số điểm du lịch trọng điểm như: khu du lịch sinh thái Dìn Ký, khu du lịch văn hóa Phương Nam, vùng sinh thái khu du lịch cầu Ngang và vùng phụ cận khu phố Thạnh Quý (An Thạnh) và ấp An Mỹ (An Sơn).
Tăng cường đầu tư xây dựng, chỉnh trang bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Phú Long; cấp tỉnh: miếu Mộc Tổ, đền Bình Nhâm, Chiến khu Thuận An Hòa và làng nghề truyền thống gốm sứ khu vực xã Hưng Định.
Các hoạt động quảng bá du lịch sinh thái cũng được tỉnh và các địa phương tích cực thực hiện. Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch cùng với thị xã Thuận An đã tổ chức tốt “Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2013, 2015 tại Khu du lịch cầu Ngang thu hút gần 100.000 lượt khách tham gia. Tạo đà phục hồi dần thương hiệu lễ hội truyền thống Mùa trái chín mùng 05 tháng 5. Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2013 lần đầu tiên tổ chức trong 04 ngày, từ ngày 08 - 12/6/2013 và lần 2 năm 2015 tại khu du lịch Cầu Ngang phường Hưng Định với các hoạt động lễ hội đặc sắc như: Lễ khai mạc với chủ đề “Huyền thoại một vùng đất”, hội chợ trái cây và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp với 60 nhà vườn tham gia gian hàng bán trái cây đặc sản vườn Lái Thiêu như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, bòn bon…; hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu”. Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” hàng năm đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến xem và thưởng ngoạn vườn trái cây ở cầu Ngang. Đồng thời lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” cũng đã góp phần khôi phục lại tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái của Lái Thiêu – Bình Dương, quảng bá du lịch miệt vườn phục vụ du khách nhân dịp tết Đoan Ngọ (mùng 05 tháng 5 âm lịch) ở khu vực Cầu Ngang – Hưng Định và các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Ngoài ra, ngành du lịch Bình Dương còn tham gia các hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Dương như tham gia triển lãm Du lịch quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Điều phối phát triển miền Trung và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 12 tháng 9 năm 2015 tại Thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận.
Về nguồn nhân lực du lịch, nhiều năm qua tỉnh đã chú trọng thu hút nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này theo đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung của tỉnh. Ngoài ra còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn kiến thức, kỹ năng về du lịch. Ví dụ năm 2015 tổ chức 3 lớp với 261 người tham gia, gồm: Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ buồng và lễ tân trong khách sạn, nhà nghỉ; tập huấn kiến thức về phát triển mô hình du lịch sinhh thái vườn cho các hộ nhà vườn; Bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên.
Ngoài ra, ngành du lịch Bình Dương còn tham gia các hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Dương như tham gia triển lãm Du lịch quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”…
Kết quả cụ thể về lĩnh vực du lịch, thống kê đến tháng 10 năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến Bình Dương đạt 3,8 triệu lượt (167.000 lượt khách quốc tế), doanh thu du lịch toàn tỉnh đạt 900 tỷ đồng. Trong đó có sự đóng góp của du lịch sinhh thái.
2.2. Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch sinh thái thái gắn với vườn cây ăn trái tỉnh Bình Dương
Thứ nhất: Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu
Sản phẩm không an toàn là vấn đề cơ bản nhất. Hầu hết các nhà vườn đều chưa áp dụng theo các tiêu chuẩn GAP (thậm chí còn lạm dụng thuốc độc hại trong chăm sóc và bảo quản trái cây). Điều này gây tâm lý lo lắng và không an toàn cho du khách khi đến những nơi này. Nếu có đến, họ cũng chỉ là lướt qua tham quan mà không thực hiện các hoạt động trải nghiệm thực tế trong vườn cây.
Sông, rạch đều có nguy cơ và đã ô nhiễm. Ví dụ rạch Vàm Búng ở khu du lịch Cầu Ngang thường xuyên bị ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt và nước thải từ các hoạt động kinh tế; về mùa mưa còn chịu ảnh hưởng của triều cường từ sông Sài gòn nên môi trường và độ an toàn cho du khách không đảm bảo, do đó du khách thường sẽ không lựa chọn hình thức đi thuyền ngắm cảnh.
Các sản phẩm dịch vụ khác như nhà nghỉ, nhà hàng, không gian cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tận hưởng hương vị trái cây, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch sinh thái còn thiếu và chất lượng thấp.
Bên cạnh đó là các hoạt động cho khách du lịch không đa dạng, thiếu sự sáng tạo, khác biệt, hấp dẫn.Các chủ vườn là người hiểu rõ nhất sản phẩm du lịch của mình nhưng hầu hết họ lại không phải là người có kỹ năng tổ chức các hoạt động cho du khách và thuyết minh. Vì vậy, khách chủ yếu đi dạo một vòng, ngắm cây, đôi khi dừng lại ăn một vài món được coi là đặc sản vùng. Vườn trái cây Lái Thiêu là một ví dụ điển hình.
Thứ hai: Chưa có sự liên kết vùng tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn để quảng bá và giữ chân du khách
Tính kết nối các các sản phẩm du lịch sinh thái ở các vùng trong tỉnh và giữa sản phẩm du lịch sinh thái với các sản phẩm du lịch khác còn thấp. Hãy thử so sánh con số trong 3,8 triệu lượt khách đến Bình Dương thì có 1,6 triệu lượt khách đến khu Lạc cảnh Đại Nam văn hiến. Như vậy, phần lớn du khách đến Bình Dương chỉ đến “Đại Nam” là chủ yếu.
Nhiều vùng trái cây như Thanh Tuyền, Hiếu Liêm gần như chưa trở thành điểm đến của khách du lịch. Khu du lịch “Mắt xanh” ở xã Tân Định đã hoạt động nhiều năm nhưng có nhiều người Bình Dương cũng chưa biết sự tồn tại của nó.
Thứ ba: hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở các vùng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái còn yếu kém.
Đường giao thông là vấn đề lớn, cản trở sự phát triển của sản xuất và du lịch sinh thái. Hầu hết hệ thống giao thông trong nội bộ vùng trồng cây trái chưa được xây dựng, nâng cấp; Đường nhỏ hẹp, xuống cấp, có vùng chủ yếu vẫn là đường đất (như vùng cây ăn trái Hiếu Liêm, Thanh Tuyền) mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi.
Giao thông thủy chưa khai thác hết tiềm năng để liên kết các vùng, tạo sản phẩm du lịch phong phú. Trong đó bao gồm cả hệ thống bến, cảng và phương tiện dùng cho du lịch sông nước.
Hệ thống cấp, thoát nước trong các khu vườn chưa đảm bảo môi trường sinh thái an toàn. Hiện nay hầu hết các vùng trồng cây ăn trái, hệ thống cấp thoát nước chưa được chú trọng đầu tư xây dựng và không được thường xuyên nạo vét, vệ sinh nên không đáp ứng được mục tiêu vừa phục vụ tưới tiêu vừa đảm bảo cảnh quan và môi trường sinh thái.
3. Một số giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái tỉnh Bình Dương
3.1. Chú trọng chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái
Đây là giải pháp quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất hiện nay.
Vì vậy, trước hết và cơ bản là phải thay đổi từ tư duy, nhận thức của người sản xuất, cụ thể là các chủ nhà vườn. Sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái mang đến lợi ích không chỉ ở việc bán trái cây như thông thường mà ở nhiều lĩnh vực. Cần phải tuyên truyền hiệu quả để người sản xuất hiểu rõ ý nghĩa này.
Các cơ quan nhà nước, trong đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giữ vai trò chính trong việc tổ chức, hướng dẫn các nhà vườn thực hiện các mô hình sản xuất sạch (sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP). Thực hiện có hiệu quả và nhân rộng các dự án như Dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm, từ đó dẫn dắt, lôi kéo người sản xuất khác tham gia.
Nâng cấp cơ sở vật chất trong cung ứng các dịch vụ hỗ trợ du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng, nhất là không gian nghỉ ngơi, hoạt động tại vườn, trên sông của du khách phải được sạch sẽ và đặc biệt phải an toàn.
Tổ chức các hoạt động du lịch gắn với vườn cây. Ví dụ: ngoài hoạt động truyền thống như bán vé tham quan vườn cây 1 lần và du khách được tự do hái ăn…;có thể tổ chức hướng dẫn du khách tham gia thu hoạch như một trải nghiệm thực tế. Hoạt động này trở nên rất thích thú với nhiều du khách đặc biệt là trẻ em. Hoặc hướng dẫn du khách tham gia chế biến những món ăn từ trái cây mà họ hái được…
3.2. Xây dựng liên kết các sản phẩm du lịch hình thành mạng lưới
Du lịch sinh thái không nằm ngoài các sản phẩm du lịch chung của tỉnh. Vì vậy, phải liên kết các các sản phẩm du lịch sinh thái ở các vùng trong tỉnh và giữa du lịch sinh thái với các sản phẩm du lịch khác đặc biệt là du lịch “miệt vườn” để nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch. Ví dụ:
Liên kết giữa các nhà vườn với hệ thống nhà nghỉ. Liên kết vùng bưởi Bạch Đằng - vùng trái cây Hiếu Liêm – Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt xanh Tân Định. Du khách có thể du lịch trên sông Đồng Nai, tham quan nhà vườn bưởi Bạch Đằng, tham gia trải nghiệm thực tế vùng trái cây Hiếu Liêm và về nghỉ ngơi, thư giản, giải trí tại khu nghỉ dưỡng Mắt Xanh.
Hay trước khi đến và dừng lại ở vườn trái cây Lái Thiêu, khu du lịch Cầu Ngang, du khách có thể tham quan các cơ sở nghề gốm sứ truyền thống ở Hưng Định, gốm sứ Minh Long…cùng với hành trình đến Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp…Với vùng này, du khách cũng có thể đến với du lịch Dìn Ký, khu du lịch Phương Nam với sản phẩm du lịch trên sông, ẩm thực, nhà nghỉ…
Khu vực huyện Dầu Tiếng có thể tạo sản phẩm du lịch liên kết vườn cây Thanh Tuyền – Địa đạo Củ Chi – Khu du lịch Hồ Dầu Tiếng, Núi Cậu thậm chí cả khu du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh, khai thác cả đường bộ và đường thủy, du lịch sông nước – vườn cây – tâm linh.
Nhiệm vụ này phải được xây dựng chiến lược dài hạn, phải có sự tham gia, đồng thuận, chủ động của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã và từng người dân, trong đó các cơ quan văn hóa, du lịch đóng vai trò chính trong tổ chức thực hiện.
3.3. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật
Hệ thống giao thông phải được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trước hết là thực hiện phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với hệ thống giao thông trong các vườn trồng cây ăn trái như Thanh Tuyền, Hiếu Liêm và cả vườn trái cây Lái Thiêu.
Đồng thời phải phát triển hệ thống giao thông đường bộ, giao thông đường thủy đảm bảo thuận tiện kết nối giữa các vùng để khai thác mọi tiềm năng du lịch của tỉnh. Trong đó, đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, khai thác Cảng Bà Lụa thành cảng du lịch và xây dựng các bến thuyền du lịch tại các địa phương như Thanh Tuyền, Bạch Đằng…đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sinh thái nói riêng và ngành du lịch Bình Dương nói chung.
Hệ thống cấp thoát nước trong các vườn cây phải thường xuyên được nạo vét đảm bảo về mỹ quan và vệ sinh môi trường. Nhiệm vụ này các chủ vườn là người thực hiện chính, các cơ quan bảo vệ môi trường hỗ trợ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Ngoài ra, hệ thống sông rạch cũng cần được đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiệm vụ này không chỉ ở việc dọn vệ sinh mà cơ bản phải bắt đầu từ việc kiểm soát nguồn nước thải, rác thải ra sông rạch.
3.4. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo kiến thức, kỹ năng có hệ thống. Với du lịch sinh thái, nguồn nhân lực phải bao gồm các chủ vườn. Như vậy, cần phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch cho những người nông dân này, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, thuyết minh, hướng dẫn và cả tổ chức các hoạt động trong vườn cây. Các hướng dẫn viên, nhà tổ chức hoạt động du lịch cần phải có khả năng dẫn dắt các chủ vườn, định hướng cho họ sáng tạo những sản phẩm du lịch mới. Về lâu dài, phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về du lịch sinh thái không chỉ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải am hiểu về văn hóa, con người và những vùng cây ăn trái của tỉnh Bình Dương .
Tóm lại, Du lịch tỉnh Bình Dương hướng đến 2030 với mục tiêu được xếp vào nhóm có du lịch phát triển trong cả nước. Mục tiêu này phụ thuộc lớn vào việc phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về du lịch của “3 không gian”; và do đó cũng sẽ phụ thuộc vào việc phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển vườn cây ăn trái. Điều này đòi hỏi sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện.
ThS. Phan Văn Bằng
Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
http://dulichbinhduong.org.vn
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2015, Báo cáo công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch năm 2015; Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2016