“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước” là câu nói mà Nguyễn Trãi đã đúc kết qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc qua quá trình trải nghiệm thực tiễn phong phú, dõi theo người xưa, nhìn vào thực tại đã khẳng định rằng “Nước lấy dân làm gốc/ Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và trong thời đại Hồ Chí Minh “Lòng dân - Vận nước” vẫn là một tất yếu, trong đó lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”.
Hoàn toàn khác với quan điểm của các chế độ cai trị trước đó về nội hàm khái niệm Nhân dân, Đối với Hồ Chí Minh, Người quan niệm “Nhân dân” có nội hàm rất rộng, Người dùng khái niệm này để chỉ “mọi con dân nước Việt”, không phân biệt dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, người có tín ngưỡng hay người không có tín ngưỡng, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo..... Đồng thời, trong quan niệm của Người “Nhân dân” là mỗi con người Việt Nam cụ thể, là bất kỳ một cá nhân nào trong cộng đồng người Việt. Như vậy, với Hồ Chí Minh, “Nhân dân” vừa là một tập hợp bao gồm đông đảo quần chúng, vừa được hiểu là mỗi con người Việt Nam cụ thể. Xuất phát từ cách nhìn nhận về quan niệm “Nhân dân” ở một góc độ khác so với các thời kỳ cai trị trước đó, Bác khẳng định bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ trong nước phải lấy sự hài lòng của người được phục vụ (Nhân dân) làm mục tiêu.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến Nhân dân phải chịu cảnh áp bức, thống khổ, nên con người vĩ đại ấy cả cuộc đời đã quyết tâm thực hiện một ham muốn: “Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(). Trong quá trình đó, trong suy nghĩ cũng như trong hành động Người luôn nêu cao quyết tâm: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm/ Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”()
Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến sự tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến, thấy cuộc sống khổ cực và bất công mà người dân nước Nam phải gánh chịu, chứng kiến các cuộc khởi nghĩa của Nhân dân lần lượt thất bại, đồng thời Bác đã sớm được làm quen với văn hóa phương Tây khi còn ngồi trên ghế nhà trường, làm quen với khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789 nên Bác đã sớm có khát vọng ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc, đúng như sau này Bác kể lại: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái...Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” và Người đã quyết định sang phương Tây để “Xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Năm 1911, khi Bác ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng, để có tiền sống và đi Người đã làm nhiều nghề khác nhau, từ phụ bếp đến bồi bàn, rửa ảnh, quét tuyết...., hoàn cảnh làm việc, sinh sống gặp những khó khăn lớn nhưng không lớn bằng quyết tâm cứu nước cứu dân của Bác.
Bác khẳng định, một trong những yếu tố để cách mạng Việt Nam có thể thành công và thành công triệt để là phải vì dân, phải lấy dân làm gốc bởi vì dân là cội nguồn của mọi sức mạnh, là lực lượng vô tận để dựng nước và giữ nước. Người tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Nhân dân, “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”() và “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Với Hồ Chí Minh, Nhân dân không chỉ có sức mạnh mà còn là nguồn sáng tạo, là những người thông minh giàu kinh nghiệm. Bác khẳng định thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu, sự hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu Nhân dân. Vì tin vào sức mạnh của dân, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải gần gũi dân, dựa vào lực lượng của dân. Xa rời Nhân dân thì tài giỏi mấy cũng không làm gì được. Lịch sử đã chứng minh, khi nào giai cấp cầm quyền tin dân, được lòng dân thì có nước, dân không tin không được lòng dân là mất nước. Bài học của nhà Hồ, nhà Nguyễn là những ví dụ điển hình.
Lấy được lòng dân, đoàn kết được nhân tâm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng tháng tám -1945; sau thắng lợi ấy Bác đã yêu cầu nhà nước mới – nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chăm lo tới đời sống của Nhân dân, Ngày 3-9-1945 tức là chỉ sau ngày tuyên bố độc lập, Hội đồng Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp phiên đầu tiên dưới quyền chủ toạ của Hồ Chủ tịch, Bác đã yêu cầu Chính phủ cách mạng trước hết phải đi đến làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành…. Người cho rằng, phải thực hiện thành công bốn điều đó, để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức cho tự do, độc lập.
Bác Hồ thăm Nhân dân xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: Tư liệu
Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, trong thư, người đứng đầu nhà nước tuyên bố: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Khi được hưởng tự do, hạnh phúc thật sự thì người dân mới hiểu hết ý nghĩa và càng quý trọng nền độc lập, từ đó càng có ý thức bảo vệ nó hơn. Vì vậy, sau ngày độc lập Hồ Chí Minh đã cùng Đảng và Nhân dân bắt tay ngay vào xây dựng “ Nhà nước dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người nhấn mạnh: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”(). Làm “đầy tớ”, công bộc của dân là một trách nhiệm rất vẻ vang nhưng rất khó khăn nặng nề. Vì vậy, người cầm quyền phải tin tưởng Nhân dân, kính trọng Nhân dân, liên hệ chặt chẽ và bàn bạc với Nhân dân; nắm vững tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, thực hành dân quyền, dân sinh, dân trí, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu và biết sử dụng sức mạnh của dân.
Sau năm 1945, Nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến tranh vệ quốc, Người đau với từng nỗi đau của mỗi người dân, chúng ta có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ và hành động của Người. Bác đặc biệt dành sự thương nhớ cho đồng bào Miền Nam - nơi “đi trước về sau”, Bác nói: “Một ngày Tổ quốc chưa thống nhất, Miền Nam chưa được giải phóng là một ngày tôi ǎn không ngon, ngủ không yên”. Với tình cảm sâu nặng, thiết tha Bác khẳng định: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Tháng 7-1969, hai tháng trước khi Bác mất, khi trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo đến từ Cuba về tình cảm của Bác đối với Miền Nam, Bác nói: “Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”().
Khi tuổi cao, sức yếu, Người vẫn chưa vào thăm đồng bào Miền Nam được, nhưng trong sâu thẳm trái tim Người luôn nhớ đến Miền Nam và giành cho Miền Nam những tình cảm đặc biệt thiêng liêng bởi nơi đó đã tiễn chân Bác ra đi tìm đường cứu nước, là một phần của non sông Việt Nam đúng như Bác đã khẳng định: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”(), “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(), Miền Nam còn là nơi có phần mộ của cha Bác yên nghỉ nhưng kể từ khi về nước Bác chưa thể một lần viếng thăm. Vì vậy, mỗi lần có đoàn đại biểu của Miền Nam ra thăm miền Bắc, Người đều đề nghị sắp xếp để được gặp; hàng ngày, Người tự tay mình chăm sóc cây vú sữa và cây dừa là quà đồng bào Miền Nam gửi tặng, khi sức đã yếu Người vẫn cố gắng mỗi ngày khi tập thể dục đi bộ thêm mấy chục bước để duy trì sức khỏe để hoàn thành tâm nguyện vào đồng bào Miền Nam.
Ngày 2/9/1969, trái tim Người đã ngừng đập khi Miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất, mong mỏi được vào thăm đồng bào Miền Nam chưa thành hiện thực. Biến đau thương trở thành hành động cách mạng, lúc này những lời căn dặn của Người trong bản Di chúc lịch sử: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ đồng bào, chiến sỹ cả nước trong hành trình chiến đấu và chiến thắng. Và cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đã thắng lợi, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Niềm mong ước của Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất liền một dải đang vươn lên, hội nhập và phát triển cùng bạn bè quốc tế.
Bài học có dân là có tất cả không chỉ đúng trong những năm “nếm mật nằm gai”, dựa vào dân để xây dựng phong trào trong đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền, mà ngày nay càng chứng minh sự đúng đắn của nó, nhiều cán bộ lãnh đạo hết lòng vì dân, ở đâu, khi nào cũng được dân kính trọng, tôn vinh, ví như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được tôn vinh là “Đại tướng của Nhân dân”...
Hiện nay, đất nước đang trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trở thành một xu thế khách quan tất yếu đối với các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Điều này đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước, những người có nhiệm vụ phục vụ Nhân dân phải lấy dân làm gốc, phục vụ Nhân dân, huy động sức mạnh trong Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Lấy dân làm gốc, phục vụ Nhân dân còn là đạo lý của người cán bộ, đảng viên, bởi “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc” do Nhân dân cung cấp; tiền lương chúng ta nhận, phương tiện chúng ta làm việc là từ tiền thuế của dân. Lấy dân làm gốc, phục vụ Nhân dân là quay về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang hết sức mình để thực hiện các mục tiêu cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời quần chúng Nhân dân đã làm giảm sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tác động đến sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội và gây bức xúc trong xã hội. Nó làm cho Nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo của Đảng, đến việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
Từ thực trạng đó, để thực sự lấy dân làm gốc, để phát huy được tối đa sức mạnh của Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chúng ta cần làm tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, triển khai sâu rộng, thực hiện có hiệu quả và thực chất Chỉ thị số 05-CT/TW (2016) của Bộ Chính trị chuyên đề 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua đó, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn của Đảng, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của sự nghiệp cách mạng; đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi người trong cơ quan và đơn vị “tự soi”, “tự sửa” và tự phấn đấu; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể, thiết thực của mình để phục vụ Nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Coi đây là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu để đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm.
Thứ hai, luôn luôn xuất phát từ lợi ích của đại đa số Nhân dân để xây dựng chính sách. Đúng như lời Bác đã dạy “Muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc mà làm”
Đặt lợi ích của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, cán bộ phải biết dám từ bỏ lợi ích cá nhân để phục vụ và bảo vệ lợi ích chung của tập thể, của Nhân dân, đây là một nội dung quan trọng để có thể xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân theo tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Thứ ba, cán bộ luôn gần dân, luôn quan tâm đến đời sống thực tiễn của Nhân dân, để nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, yêu cầu của dân sinh, dân trí... để cùng Nhân dân giải quyết, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu phê bình của nhân dân để điều chỉnh hành vi, tác phong công tác và sửa chữa khuyết điểm của mình. Ngoài việc phải gần dân, sâu sát Nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, cán bộ, đảng viên còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Trong thời gian qua, người dân còn phàn nàn nhiều về việc cán bộ, đảng viên ở một vài bộ, ngành, nhất là ở một số địa phương ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với Nhân dân, đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và Chính phủ để kịp thời giải quyết.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội, văn hóa, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân chân chính, hạn chế tác hại của lợi ích nhóm, chống tham nhũng có hiệu quả. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành động tham ô, xâm hại đến lợi ích chính đáng của Nhân dân, nhất là ở cơ sở hiện nay, từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với cán bộ.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, điều tra dư luận xã hội, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phục vụ cho công tác xây dựng Đảng hiện nay. Khi sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, trên tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên. Bên cạnh đó, đảng viên làm công tác lãnh đạo quản lý, cấp ủy viên phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt đảng, tích cực đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm.
Nhân dân trong trái tim Bác Hồ đã và đang tiếp thêm động lực cho toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
ThS. Nguyễn Thị Mai - Khoa LLMLN, TTHCM
() Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H – 201, t 5, tr. 15