Nhìn lại 40 năm quan hệ Việt Nam - Thái Lan (1976-2016)
Năm 2016 tròn 40 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Thái Lan (6/8/1976 - 6/8/2016), điểm lại những mốc sự kiện chính trong quan hệ Việt Nam và Thái Lan để thấy được những quyết tâm của hai nước trong việc vượt qua những khó khăn, thử thách đưa mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển, vì hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước. Những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mối quan hệ hai nước là sự gần gũi về mặt địa lý, phong cách làm ăn truyền thống vàcó một nền văn minh nông nghiệp rất phong phú.
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ (30/4/1975), nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam là mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh quá lớn. Việt Nam tích cực tham gia Hiệp ước Bali (2/1976) thể hiện thiện chí của mình trong việc bắt tay hợp tác với các nước trong khu vực đặc biệt là tổ chức ASEANmà Thái Lan là thành viênquan trọng. Không chỉ có Việt Nam điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, mà chính Thái Lancũng phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với xu thế và nguyện vọng chung của khu vực và thế giới vì mục tiêu hoà bình và hợp tác cùng phát triển. Những thiện chí hợp tác của Việt Nam dần đánh tan đám mây nghi ngờ của Thái Lan và một số các nước khác trong khu vực, ngày 5/7/1976 Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh ra tuyên bố 4 điểm về đối ngoại của chính phủ Việt Nam gồm có “Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước; Cam kết không để lãnh thổ của mình cho bất kì nước ngoài nào sử dụng để chống lại nước khác; Thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp, hợp tác kinh tế, trao đổi văn hoá với các nước; Ra sức hợp tác nhiều mặt với các nước”.
Tiếp đó, Việt Nam cửPhái đoàn Ngoại giao sang thăm các nước ASEAN (1/1976) trong đó có Thái Lan nhằm giải thích rõ mục đích và quyết tâm của mình như đã tuyên bố. Như vậy, cả Việt Nam và Thái Lan đều gặp nhau ở một điểm là mong muốn thiết lập mối quan hệ láng giềng thân thiện để có điều kiện hợp tác nhằm thúc đẩy đất nước phát triển. Thái Lan chủ động mời một phái đoàn ngoại giao Việt Nam sang thăm Thái Lan, ngày 22/5/1975 phái đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền đẫn đầu sang thăm Thái Lan và đàm phán với Thủ tướng Thái Lan Seni Pramot mở đường cho việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Với những cố gắng của hai chính phủ trong việc từng bước tiến tới bình thường hóa quan hệ, ngày 6/8/1976 Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Phichay Rattacun tới Hà Nội cùng hội đàm với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh. Hai bên cùng kí Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan. Hiệp định này có một ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm và thiện chí của hai nước trong việc tạm gác lại quá khứ để hướng tới xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.Việc kí kết hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao Thái Lan và Việt Nam đặt một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước. Năm 1977 thủ tướng Thái Lan Kriangsak Chomanan với chính sách đối ngoại mềm dẻo theo truyền thống đã có những động thái tích cực trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam mà chính quyền Seni Pramot đã đặt nền tảng cơ sở. Không những thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Thái Lan thời kì này được nâng lên một bước với việc các cán bộ ngoại giao cấp cao của hai bên gặp gỡ và trao đổi nhiều vấn đề hợp tác. Cụ thể, ngày 28/9/1977 tại trụ sở của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã có cuộc gặp gỡ và hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan Uppađi Pcharigiankun. Hai bên nhất trí sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao thông qua sứ quán của hai chính phủ tại Viêng Chăn (Lào), sau đó liên tiếp có nhiều cuộc gặp gỡ của phái đoàn ngoại giao hai bên tại Viêng Chăn (Lào). Ngày 2/12/1977 Việt Nam và Thái Lan tuyên bố thông cáo chung về bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày 13/12/1977 nhận lời mời của chính phủ Thái Lan, phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Nguyễn Xuân dẫn đầu sang thăm Thái Lan nhằm bàn thảo về việc chuẩn bị địa điểm đặt Sứ quán Việt Nam tại Băng Cốc. Với những bước đi tích cực của hai bên đã tạo ra những điều kiện tích cực cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngày 27/12/1977 Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Thái Lan sang thăm Việt Nam nhằm chuẩn bị cho việc kí kết Hiệp định về hành không giữa hai nước. Ngày 9/1/1978 Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh cũng chính thức sang thăm Thái Lan, sau hai ngày đàm phán, hai bên đã đi đến quyết định chính thức đặt Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội và ngược lại là sứ quán Việt Nam tại Băng Cốc. Đồng thời, hai bên ký hai hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại - hợp tác kinh tế - khoa học kĩ thuật và Hiệp định hàng không. Tháng 9/1978 mối quan hệ tiến triển tốt đẹp giữa Thái Lan và Việt Nam được đánh dấu bằng chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kriangsak Chomanan và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai bên đã thống nhất được một số vấn đề quan trọng đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, từ cuối năm 1978 chính vấn đề xung đột tại Campuchiađã tác động xấu đến quan hệ hai nước, dưới sự tác động của các nước lớn làm cho vấn đề xung đột tại Campuchia trở nên hết sức phức tạp. Quan điểm, lập trường của Việt Nam và Thái Lantrong việc giải quyết “vấn đề Campuchia” không tìm được tiếng nói chung dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Đây là điều rất đáng tiếc bởi không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của hai nước, cơ hội hợp tác toàn diện của hai nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình và ổn định của cả khu vực Đông Nam Á.Sau khi các bên tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết “vấn đề Campuchia”, thế lực Polpot bị loại bỏ khỏi chính trường, đặt cơ sở cho đất nước Campuchia trở lại hòa bình cũng là lúc quan hệ Thái Lan và Việt Nam ngày một ấm lên. Tháng 8/1988 Thủ tướng Thái Lan Chatchai Choonhavan tuyên bố “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, rõ ràng đây là một động thái tích cực của chính phủ Thái Lan trong việc tiến tới bình thường hóa và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Phía Việt Nam cũng tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” và việc đẩy mạnh mối quan hệ với các nước ASEAN là mục tiêu quan trọng của Việt Nam.
Từ 1990 đến nay cho dù Thái Lan trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ, nhưng các chính phủ Thái Lan đều coi việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam. Có thể kể đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Anna Panyarasun (1992), chuyến thăm của Thái tử Maha Vichyra Loncon (1993), Thủ tướng Choun Lekpai (4/1994). Phía Việt Nam có các chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt (9/1991 và 7/1992), Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993). Song song với việc trao đổi đoàn và các chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước, kim ngạch buôn bán giữa hai nước tăng nhanh, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan từ 78,1 triệu USD (1992) lên tới 2252,2 triệu USD (1996) và ngược lại xuất khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam tăng từ 14,2 triệu USD (1992) lên tới 3892,8 triệu USD (1996). Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt như chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh. Việt Nam và Thái Lan đã thành lập Ủy Ban hổn hợp về kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hai nước đã đã ký Hiệp định chống ma túy, trao đổi tội phạm, phối hợp kiểm tra chung trên biển trong khu vực Vịnh Thái Lan, đồng thời thiết lập đường dây nóng giữa hai chính phủ để giải quyết những vấn đề cấp bách. Đặc biệt, hai nước đã tích cực giải quyết những vấn đề khó còn tồn đọng bấy lây, đó là vấn đề chồng lấn và khảo sát tài nguyên biển trong Vịnh Thái Lan, vấn đề thềm lục địa, vấn đề trật tự trên biển và vấn đề Việt kiều tại Thái Lan.
Trong những năm gần đây mối quan hệ hai nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Yingluck Shinawatra (30/11 - 1/12/2011) và chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25 - 27/6/2013), hai bên đã chính thức nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược (6/2013).Lập trường của Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lượcvới các nước trong đó có Thái Lan, Việt Nam khẳng định “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là cácđối tác chiến lược”. Hai nước đãký kết 3 văn kiện hợp tác gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 – 2018; Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2014 - 2016; Thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Chachongsao (Thái Lan).Với sự chủ động và tích cực của Việt Nam và Thái Lan, mối quan hệ Đối tác Chiến lược hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đẩy mạnh tính hiệu quả sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan ocha (11/2014) và chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2015). Có thể tóm tắt sự phát triển mối quan hệ hai nước đẩy mạnh trên một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, trên lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến đầu năm 2016, Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, trong khi đó Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng số vốn 25,79 triệu USD.
Thứ hai, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước có những bước đi vững chắc thể hiện sự tin cậy, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, tiến hành tuần tra chung trên biển, góp phần duy trì ổn định trật tự trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Thái Lan,tích cực trao đổi các đoàn, chuyên viên, học viên nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau và góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước. Trong hợp tác an ninh, lực lượng an ninh hai nước trao đổi đoàn cấp cao sang thăm và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người và dẫn độ tội phạm.
Thứ ba, trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, Bộ Giáo dục hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục, Thái Lan hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy tiếng Thái tại một số trường đại học của Việt Nam,Thái Lan ủng hộ Đề án thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan trong các trường đại học tại Việt Nam.Thái Lan đã ủng hộ Việt Nam đăng ký Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, hai nước duy trì trao đổi đoàn, giao lưu văn hóavà số lượng khách du lịch hai nước đến thăm quan lẫn nhau không ngừng tăng theo hàng năm. Đặc biệt,Thái Lan đã tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng hai khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Uđon Thani và Nakhon Phanom, nơi năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước.
Thứ tư, trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai nước tăng cường hợp tác trong việc phát triển và khai thác tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, phát triển các tuyến đường bay giữa hai nước.
Thứ năm, trong hợp tác về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, hai nước tập trung khảo sát về phát triển nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp, chế biến nông sản, đối phó với cúm gia cầm, trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý nghề cá tại mỗi nước.
Thứ sáu, trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, hai nước ký Hiệp định khung về hợp tác khoa học-công nghệ (tháng 3/1997), hiện đang tiến hành những kế hoạchđể thúc đẩy mối quan hệ về khoa học-công nghệcủa hai nước lên tầm cao mới.
Hiện nay, quan hệ Đối tác chiến lượchai nước Việt Nam - Thái Lan tiếp tục được đẩy mạnh trong các nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường hợp tác tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác tiểu vùng Mê Công.Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cũng như triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như họp Nội các chung, Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan. Nhất trí chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hai bên thực hiện tốt các thỏa thuận của cấp cao hai nước; rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp tác hiện có, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.Trong cuộc hội đàm giữa thủ tướng hai nước trong chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2015), Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẽ quan ngại về vấn đề Biển Đông đang đe dọa an ninh, hòa bình trong khu vực và nhất trí các tranhchấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đồng thời đề nghị tăng cường đối thoại để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đánh giá về sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp của hai nước trong thời gian qua, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan Ocha khẳng định: “Chúng ta là những người bạn, hứa sẽ cùng nhau phấn đấu và không bỏ bạn của mình”.
Mối quan hệ tốt đẹp hai nước có vai trò hết sức quan trọng không chỉ thúc đẩy sự phát triển ổn định, phồn thịnh của hai quốc gia mà còn có vai trò quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của Khu vực Đông Nam Á và đặc biệt góp phần xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng đoàn kết và lớn mạnh. Quan điểm của Việt Nam xem việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế, xây dựng lòng tin trong mối quan hệ với các nước đặc biệt là các nước trong khu vực như Thái Lan là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đổi mới để phát triển và giữ vững độc lập dân tộc. Việt Nam khẳng định “nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bình thường hóa, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Việc ASEAN trở thành Cộng đồng chung (2015), đây thực sự là một vận hội lớn cho quan hệ các nước ASEAN nói chung và Việt Nam – Thái Lan nói riêng, nếu biết nắm bắt cơ hội, đổi mớicơ chế, có những chiến lược đúng đắn sẽ đưa mối quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh trong cáclĩnh vực mà ASEAN ưu tiên đẩy mạnh liên kết.Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường Thái Lan và ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hai chiều sẽ tăng nhanh. Mặt khác qua hợp tác, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý, điều hành của Thái Lan để cải thiện được môi trường thương mại, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế, tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Để nắm bắt được vận hội trên, Việt Nam phải vượt qua những thách thức không nhỏ, khi sản phẩm, thị trường dịch vụ chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, sự tự do di chuyển lao động tay nghề cao và cơ chế thị trường Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Đây là những khó khăn không nhỏ của Việt Nam khi đẩy mạnh quan hệ với Thái Lan trong thời gian tới, khi mà mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Nhìn lại 40 năm quan hệ Việt Nam - Thái Lan (1976 - 2016) thiết nghĩ, trước những thời cơ và thách thức đang đặt ra cho hai nước trong thời gian tới, với tiềm năng, kinh nghiệm truyền thống, tư duy sáng tạo, chắc chắn hai nước sẽ có những chiến lược mang tính đột phá để vượt qua khó khăn, phát huy ưu điểm, khác phục hạn chế, đưa mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Có thể khẳng định, để nâng tầm mối quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược với sự hợp tác mạnh mẽ, toàn diện giữa hai nước trong nhiều mặt như hôm nay là cả quá trình phấn đấu, vượt qua những nghi ngờ, khó khăn, thử thách trong quan hệ hai nước. Điều đó khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt trong đường lối đối ngoại của Việt Nam và Thái Lan đã mang lại kết quả tích cực, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, vì sự phát triển phồn thịnh của hai nước, hai dân tộc, góp phần quan trọng đem lại hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á.
ThS. Đinh Đức Duy - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Nguyễn Tương Lai (2001), Quan hệ Thái Lan – Việt Nam trong những năm 90, NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội, Tr69.