Phát huy sức trẻ, nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ Trường Chính trị Bình Dương
Hiện nay, bất cứ một trường học nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng đó là: đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Trường Chính trị Bình Dương trong những năm qua luôn xác định đây là hai nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của nhà trường. Trong đó, việc đẩy mạnh cho giáo viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng – quan trọng – bắt buộc – cần thiết để hướng dến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Đặc biệt, đối với đội ngũ giáo viên trẻ (GVT), được coi là đội ngũ kế cận, tương lai của nhà trường, là những người mới vào nghề, đag trong độ tuổi thanh niên, tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo với nghề. GVT trong các trường chính trị phải đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong công tác giảng dạy không chỉ do môi trường hay đối tượng học mà còn do chính yêu cầu tự thân của người giáo viên có khả năng nghiên cứu độc lập và ứng dụng thực tiễn vào bài giảng. Chính vì vậy, hoạt động NCKH sẽ góp phần nâng cao trình độ cho GVT để đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thực tiễn trong công tác giảng dạy. Cụ thể:
- NCKH giúp GVT có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời bổ sung những nội dung mới vào trong bài giảng của mình.
- Quá trình tham gia NCKH sẽ góp phần giúp GVT phát triển tư duy, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc độc lập.
- NCKH giúp GVT tự cập nhật thông tin, kiến thức một cách thực sự hiệu quả.
- Thông qua việc NCKH, sẽ tăng thêm sự hiểu biết về ngành nghề, góp phần hình thành và bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp cho GVT. Điều này, giúp GVT có thể hòa nhập tốt hơn, chủ động hơn trong công việc của mình.
Hiện nay, hoạt động NCKH là một trong những nhiệm vụ của người giáo viên. Điều này, được nêu rõ tại thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giáo viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, trường chín trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thông tư số: 06/2011/TTLT- BNV-BGDĐT)
Trong những năm qua, đã khẳng định được vị thế và phát huy khả năng, nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ trên những nhiệm vụ công tác được giao, luôn tích cực trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thực tế. Cụ thể: GVT đã tích cực tham gia học tập, nghiên cứu Nghị quyết của Đảng để vận dụng vào bài giảng theo từng chuyên đề. Đồng thời, tích cực đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở theo kế hoạch của khoa, của trường để từ đó giúp GVT am hiểu sâu sắc hơn thực tiễn sinh động ở cơ sở để vận dụng vào bài giảng làm cho bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục. Trong lĩnh vực NCKH, GVT trường Chín trị Bình Dương thời gian qua cũng đã tích cực tham gia viết các bài tham luận khoa học, viết bài cho Website của trường, cho các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, tham gia thực hiện các đề tài cấp khoa, cấp trường. Thông qua các hoạt động trên đã giúp cho đội ngũ GVT của trường hình thành khả năng tư duy độc lập, khả năng tổng hợp, phân tích, nhìn nhận vấn đề ngày càng sâu sắc, khả năng viết và diễn đạt ngày càng được trau dồi. Để từ đó, GVT tự đánh giá, điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy sát với thực tế, sát với yêu cầu của người học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy hoạt động NCKH của GVT trường Chính trị Bình Dương trong những năm qua vẫn còn những tồn tại, bất cập như sau:
Thứ nhất, GVT chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH nên hầu hết GVT ở các khoa chưa thực sự chủ động đi nghiên cứu thực tế, chưa có nhiều bài viết trên website của trường, trên các báo địa phương hay các tạp chí chuyên ngành…
Thứ hai, do điều kiện GVT mới bước vào nghề cho nên phải đầu tư phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu tài liệu, giáo trình, phục vụ cho việc soạn giảng, lên lớp. Mặt khác, đặc thù chung của trường Chính trị là đối tượng học viên là những người có kinh nghiệm thực tiễn và địa vị công tác nên GVT thường bị áp lực về mặt tâm lý nên họ chủ yếu tập trung để có được bài giảng tốt. Chính điều này, làm cho GVT chưa sắp xếp được thời gian một cách hợp lý để tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, tài liệu và hoạt động NCKH.
Thứ ba, GVT là những người có thâm niên công tác và giảng dạy chưa nhiều do đó, đối với họ rất khó để xác định được nội dung nghiên cứu, hướng nghiên cứu hay cách tiếp cận các nguồn tài liệu khác nhau.
Giai đoạn hiện nay, hoạt động giảng dạy và NCKH là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, đồng thời cũng là hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản để giúp GVT nâng cao được chất lượng bài giảng. Để NCKH đạt được kết quả tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tào, thiết nghĩ cần phải có sự kết hợp đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tự bản thân GVT phải thực sự coi NCKH là 1 tiêu chuẩn về chất lượng chuyên môn.
Thực tế GVT có thâm niên công tác dưới 5 năm rất khó xác định hướng đề tài hợp lý và chưa đủ năng lực để tự NCKH vì còn thiếu kinh nghiệm về lý thuyết và thực hành. Do đó, GVT phải chủ động học hỏi và nhờ thầy cô đi trước định hướng, dẫn dắt các vấn đề cần nghiên cứu. Song song đó, cần tích cực đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, nghiên cứu tài liệu, văn kiện, các chính sách mới… Đồng thời, cần tích cực học ngoại ngữ để có thể tiếp cận được thông tin đa chiều từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Hai là, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần có cơ chế tạo điều kiện đưa GVT đi thực tế ở cơ sở trong một thời gian nhất định.
GVT khi mới về nhận công tác tại trường đều được đào tạo cơ bản về chuyên môn nhưng với yêu cầu giảng dạy tại trường chính trị đòi hỏi GVT không những chắc về chuyên môn, mà còn phải có kiến thức thực tiễn sâu rộng. Do đó, hoạt động đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở trong một thời gian nhất định là hết sức cần thiết. Trên thực tế, nhiều trường chính trị trên cả nước đã thực hiện điều này. Tuy nhiên, sau quá trình đi thâm nhập thực tế, cần phải đặt ra yêu cầu mỗi giáo viên phải có một đề tài nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Đây cũng chính là căn cứ để đánh giá quá trình nghiên cứu thực tế của mỗi GVT.
Ba là, hoạt động NCKH của nhà trường nên từng bước định hướng các mảng nghiên cứu, khuyến khích GVT tham gia bằng sự động viên, khích lệ.
Phòng NCKH cần thực hiện đúng chức năng chuyên môn. Cần chủ động nghiên cứu để tham mưu với Đảng ủy, Ban giám hiệu các đề tài và hướng nghiên cứu để góp phần định hướng trong công tác nghiên cứu khoa học. Qua đó, giúp GVT còn thiếu kinh nghiệm có thể xác định và chọn đề tài nghiên cứu cho phù hợp.
Bốn là, phát triển phong trào thi đua NCKH sâu rộng trong toàn trường.
Thi đua NCKH của giáo viên cần kết hợp đồng thời với phong trào dạy tốt, học tốt. Đồng thời, kết quả NCKH thông qua việc viết bài tham luận, viết bài cho Website và nội san của trường, tham gia vào các đề tài cấp khoa, cấp trường…là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, gắn liền với công tác thi đua, khen thưởng hàng năm.
Hoạt động NCKH là một hoạt động rất quan trọng, đây cũng là cơ sở cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện được mục tiêu phấn đấu của trường Chính trị Bình Dương là: xây dựng đội ngũ GVT thực sự vững vàng, là lực lượng kế cận xứng đáng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới./.
ThS. Vũ Thị Yến - GV khoa Dân vận