Quá trình đặt nền móng cho bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên ở Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái… ở nhiều nước trên thế giới lên cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Hiến pháp ở một loạt các nước tư bản cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của Hiến pháp ở các nước Cộng hòa Xô viết vào đầu thế kỷ XX. Ở nước ta trong giai đoạn này cũng đã xuất hiện luồng tư tưởng cho rằng Việt Nam phải có một bản Hiến pháp ngay sau khi giành được độc lập, chủ quyền. Tuy nhiên xuất phát từ nhận thức và động cơ khác nhau nên có những chủ trương khác nhau về vấn đề này.
Trong bối cảnh chung của thời đại và những nét riêng của lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã lĩnh hội những nội dung cốt lõi trong học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó, có vấn đề nhà nước và quyền lực nhà nước, về xây dựng pháp luật dân chủ. Là người am hiểu sâu sắc văn hóa chính trị phương Đông, với một trí tuệ phi thường, Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo những tinh hoa tư tưởng của nhân loại trên cơ sở những yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam và từ đó xây dựng nên những tư tưởng của riêng mình với những nét độc đáo hiếm thấy.
Hoàn toàn khác với các bậc tiền bối cả về hướng đi, cách đi và mục đích đi, việc ra đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vào ngày 05/6/1911 đã giải quyết được nhiệm vụ kép rất bức thiết cho dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ: một là, nhận diện chính xác tình hình xã hội Việt Nam; hai là, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Đồng thời, khi tiếp xúc với nền dân chủ tư sản, Người đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của pháp luật trong quản lý và điều hành xã hội.Trên cơ sở đó, Người đã có những hành động đúng đắn để giải phóng dân tộc và một trong những vấn đề Người hướng tới là nhanh chóng thiết lập một bản Hiến pháp thực sự dân chủ ở Việt Nam.
Kể từ khi Hiến pháp ra đời đến nay, có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về Hiến pháp. Theo quan điểm Mác-Lênin, “Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, trong đó quy định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của một Nhà nước, một xã hội như: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá-xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đặc biệt là tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Hiến pháp thể hiện một cách tập trung nhất ý chí của Nhà nước, bản chất giai cấp của Nhà nước.”
Tư tưởng về xây dựng một Hiến pháp dân chủ đã Người phản ánh trong rất nhiều tác phẩm của mình.
Trước hết, tác phẩm phải nói đến là bản diễn ca với tựa đề “Việt Nam yêu cầu ca” (1922), tác phẩm này đã bày tỏ nguyện vọng của Người về sự cần thiết phải có một Hiến pháp dân chủ.
Năm 1919, trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xây do Người khởi thảo gồm 8 điểm; trong đó điểm thứ hai yêu cầu phải: “Cải cách nền pháp lí ở Đông Dương bằng cách cho người dân bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu”. Đây là lần đầu tiên, một người An Nam dám công khai đứng ra đòi cải cách luật pháp ở các nước thuộc địa để người dân thuộc địa được hưởng các quyền tự do, dân chủ như người chính quốc. Vì vậy, mặc dù bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã gây được tiếng vang lớn tại Hội nghị và thu hút sự chú ý của bọn thực dân.
Sau đó vào năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca”, Người đã phản ánh lại nội dung của “bản yêu sách 8 điểm” bằng lối thơ để dễ phổ biến, dễ đi vào quần chúng nhân dân. Người viết:
“....Hai xin phép luật sửa sang
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng
...
Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Như vậy, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã yêu cầu về một thứ mà đầu thế kỷ XXI, Hiến pháp Việt Nam đã chính thức ghi nhận: pháp quyền; tuy nhiên sự khác biệt ở đây là: Nếu như ở đây Người yêu cầu về sự xuất hiện của pháp quyền thì Hiến pháp hiện hành của chúng ta lại cam kết thực thi một Nhà nước pháp quyền.
Thứ hai, phải kể đến là “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1927), đây là tác phẩm lên án chính quyền thuộc địa bất hợp pháp ở Việt Nam. Người đã tố cáo bộ mặt tàn bạo lố lăng, giả nhân, giả nghĩa...của những cá nhân đại diện thực thi chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã chọc sâu vào bản chất phản dân chủ, vô nhân đạo, phi công lí của nền cai trị thực dân Pháp. Tác phẩm có đoạn viết: “Dưới sự cai trị của ngài (Anbe Xarô- toàn quyền Đông Dương), dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất Châu Âu và sung sướng nhất trần đời”. Sự lên án chế độ thực dân nói chung và tổ chức quyền lực của chính quyền thuộc địa nói riêng đã được tiến hành bởi các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Tuy nhiên, sự lên án đó còn chung chung trừu tượng, theo lập trường của ý thức hệ phong kiến. Với sự phê phán, tố cáo chế độ thực dân Pháp cũng như bộ máy thống trị của quan lại, nhân viên chính quyền thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức của người dân Việt Nam. Tính đặc sắc trong sự phê phán, lên án của Nguyễn Ái Quốc đối với chế độ thực dân là Người xuất phát từ nhiều phương diện rất khác nhau của một lập trường dân chủ, dân tộc, yêu nước kiên định, không khoan nhượng... “Từ bản thân lí tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, để từ đó dựng nên bức tranh về Chủ nghĩa thực dân, đế quốc rất nhiều vẻ mặt và kẻ nào cũng đặc trưng tiêu biểu cho sự xấu xa tàn bạo, phi nghĩa, bất nhân của chế độ thực dân Pháp”.
Từ sự phủ nhận chính quyền của thực dân Pháp ở Việt Nam, có thể thấy rằng Nguyễn Ái Quốc không chấp nhận một chính quyền bất hợp hiến trên đất nước ta. Lúc này, trong tư tưởng của Bác, Việt Nam phải được độc lập và có chủ quyền, mô hình tổ chức Nhà nước Việt Nam trong tương lai phải là một mô hình chính diện đối lập với mô hình phản diện của chính quyền thuộc địa.
Thứ ba, là bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba của dân tộc Việt Nam, ra đời sau “Nam quốc sơn hà” (1077) của Lí Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” (1428) của Nguyễn Trãi. Đến lượt mình, để viết một bản tuyên ngôn tuyên bố với thế giới về nền hoà bình của dân tộc, Hồ Chí Minh biết lịch sử đã giao phó cho mình một công việc mà cha ông ta đã làm vào thế kỷ XI và thế kỷ XV. Vì vậy, bản tuyên ngôn độc lập phải thể hiện được ước vọng của ngàn đời trước và ngàn đời sau của dân tộc Việt Nam về một nền độc lập tự chủ và Người đã không làm cả dân tộc phải thất vọng.
Sau khi đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 2 - 9 - 1945, giữa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
“Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lập quốc kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới rằng: Nước Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập, tự chủ, tạo tiền đề lí luận cho việc khẳng định quyền độc lập, tự chủ dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên xuất phát từ “đạo lí và chính nghĩa” để thừa nhận một giá trị tiến bộ của nền văn minh nhân loại, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sau khi nhắc lại những lời đó trong tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, Hồ Chí Minh đã đưa ra suy luận khoa học: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nếu như, quyền con người được đề cập trong “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ chỉ được hiểu là quyền cá nhân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra quyền độc lập, quyền tự do của tất cả các dân tộc, đây là nội dung cốt yếu của quyền con người. Như vậy, đối với Bác quyền con người không chỉ được hiểu là quyền cá nhân mà còn là quyền của tập thể, quyền của cả một dân tộc.
Mọi dân tộc sinh ra đều có quyền bình đẳng, tự quyết định vận mệnh dân tộc của mình. Đó là “ lẽ phải không ai có thể chối cãi được”. Đó chính là chân lý của nhân loại, đạo lý của con người “ không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đạo lý ấy là “Gốc của thiện. Làm trái lại là ác. Phải lấy thiện chống ác. Trên thế giới, trong xã hội ta và trong bản thân mỗi người”. Quyền tự quyết của dân tộc như vậy xuất phát từ tính nhân bản của nhân loại, đó chính là quyền con người. Do đó, với việc khẳng định quyền độc lập dân tộc, “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện tính nhân bản rất sâu sắc. Đoạn kết của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khẳng định độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở cho việc ra đời Hiến pháp năm 1946 sau này - đây cũng chính là bản tuyên ngôn đặt nền móng cho nền lập hiến Việt Nam.
Sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người đã lập tức đặt vấn đề soạn thảo Hiến pháp vì Người nhận thức rằng Hiến pháp chỉ tồn tại trong một quốc gia có độc lập và chủ quyền. Vì vậy, khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã giành được thắng lợi thì phải có Hiến pháp.
Như vậy, “Tuyên ngôn độc lập” đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Hiến pháp. Đến lượt mình, Hiến pháp lại khẳng định những giá trị độc lập dân tộc mà “Tuyên ngôn độc lập” đã ghi nhận.
Hiến pháp bao gồm quy định có tầm cao nhất nhằm điều chỉnh việc tổ chức Nhà nước, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước; hình thức, cơ cấu và mối quan hệ của Nhà nước với công dân. Hiến pháp là tất cả các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, quy định thể chế chính trị của quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy, quy định về chế độ kinh tế, quyền sở hữu, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.... Nói cách khác, Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia. Chính vì tính đặc thù của Hiến pháp là văn bản quy định về tổ chức quyền lực Nhà nước, tổ chức chính trị của quốc gia, cho nên việc thiết lập Hiến pháp là thể hiện chủ quyền của quốc gia.
Như vậy, cùng với quá trình hoạt động cách mạng thực tế và với những tác phẩm của mình, chủ tịch Hồ chí Minh ngày càng bày tỏ rõ quan điểm về một nhà nước có pháp quyền, và đó phải thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Nhìn lại một chặng đường lịch sử gần hai phần ba thế kỷ kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, càng hiểu ra sự minh triết của Hồ Chí Minh-Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền đích thực của dân tộc Việt Nam.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay của Nhà nước, trong đó nhiệm vụ thứ ba là tổng tuyển cử và lập hiến, Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch ra sắc lệnh 14/SL về cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội.
Ngày 20-9-1945, Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh thành lập ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. ngày 2-3-1946, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày bản dự thảo Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội (khoá I, kỳ họp thứ nhất) đã thành lập Ban dự thảo hiến pháp gồm 11 người là đại biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Ngày 28-10-1946,kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I đã khai mạc. Ngày 9-11-1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống.
Vào thời điểm này, khiQuốc hội thông qua Hiến pháp, thực dân Pháp tiếp tục phản bội các hiệp định đã ký kết với chính phủ ta, chúng không ngừng khiêu khích và tấn công bằng vũ lực ở nhiều nơi, hòng lật đổ chính quyền non trẻ và lập lại ách thống trị của chúng ở Việt Nam. Trước tình hình đó, trong phiên họp ngày 9-11-1946, sau khi tuyên bố Hiến pháp trở thành chính thức, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp khi có điều kiện thuận lợi. Theo Nghị quyết của Quốc hội trong điều kiện chưa thi hành được hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong hiến pháp để ban hành các sắc luật.
Ngày 19-12-1946, mười ngày sau khi Quốc hội thông qua hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của hiến pháp không có điều kiện thực hiện; Vì vậy, lúc đầu Quốc hội được thành lập là Quốc hội lập hiến nhưng vì hoàn cảnh lịch sử nên mặc dù hiến pháp đã được ban hành song Quốc hội chưa hết nhiệm vụ mà cần tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân (Quốc hội lập pháp), do đó Quốc hội lập hiến được duy trì thành Quốc hội lập pháp.
Như vậy, trong bộn bề những việc cấp bách hàng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp năm 1946 mà cho đến nay, giới nghiên cứu về luật pháp đánh giá là bản hiến pháp mẫu mực nhất - một hiến pháp dân chủ.Hiến pháp gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều.
Các bản hiến pháp đã từng ra đời và tồn tại trong lịch sử Việt Nam, bản thân nó đều chứa đựng những giá trị to lớn cả về mặt lịch sử và pháp lý. Mỗi bản hiến pháp lại có những đóng góp riêng vào quá trình phát triển chung của nền lập hiến Việt Nam.
Hiến pháp năm 1946 là hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta mang tính chất dân chủ nhân dân.
Bởi vì: Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên được chính nhân dân ta xây dựng nên bằng con đường trực tiếp (lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo đầu tiên cuối năm 1945) và bằng con đường gián tiếp (thông qua Quốc hội do nhân dân cả nước bầu ra), do đó nó thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước; Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên đã xác định các quyền dân tộc cơ bản cũng như các quyền cơ bản của công dân một nước độc lập, có chủ quyền và các quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân... ; Hiến pháp năm 1946 cũng lần đầu tiên đã xác định những cơ sở cho việc xây dựng một chế độ xã hội mới, một Nhà nước kiểu mới, lần đầu tiên hiến pháp xác định hình thức chính thể của Nhà nước ta là Cộng hoà dân chủ nhân dân.
Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: … phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu lên một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.
Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử vô cùng vẻ vang mà dân tộc Việt Nam đã giành được trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, xác lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện. Nó ghi dấu vai trò vô cùng to lớn của vị anh hùng giải phóng dân tộc, người cha già của non sông Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Mai - Giảng viên khoa LLMLN, TTHCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1,Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 1, H.2011.
2,Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 2, H.2011.
3,Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 4, H.2011.
4, Vũ Đình Hoè, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hoá thông tin -Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, H. 2001.
5, V.I. Lênin, Tuyển tập, quyển 1, phần 1, Nxb Sự thật, H.1959.
6, Đinh Xuân Lâm, Dương Lan Hải, Nghiên cứu Việt Nam-một số vấn đề lịch sử kinh tế - xã hội - văn hoá; Nxb. Thế giới 1998.
7, Nguyễn Văn Luật, Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Công an nhân dân 2012.
8, Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới và pháp luật ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.1982.
9, Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật , Bình luận khoa học hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1992, Nxb Khoa học xã hội, H.1996.
10,Viện nghiên cứu khoa học pháp lí-Bộ tư pháp, kỷ yếu hội thảo “các nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới, nhà nước thực sự của dân do dân vì dân”, H.1997.
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 2, H.2011, tr. 438
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 4, H.2011, tr.1
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 4, H.2011, tr.4