Thực hành kết hợp giữa lời nói và hành động theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh của giảng viên Trường Chính trị Bình Dương để nâng cao chất lượng trong giảng dạy lý luận chính trị
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ở đây cần hiểu rằng, lời nói là toàn bộ những bài nói, bài viết cũng như những chị thị, quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng. Thực chất, lời nói của Hồ Chí Minh bao gồm nội dung lý luận, tư tưởng, quan điểm thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách do Người sáng tạo ra. Còn hành động của Hồ Chí Minh được hiểu là biện pháp, cách thức tổ chức và những hoạt động nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách đó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Qua đây có thể hiểu lời nói của người giảng viên là toàn bộ những bài nói, bài viết, nội dung bài giảng, những công trình nghiên cứu trong công việc chuyên môn hay trong hoạt động giao tiếp xã hội. Còn hành động được biểu hiện là biện pháp, cách thức tổ chức và những hoạt động nhằm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những điều mình đã nói, đã viết, đã nghiên cứu hay được triển khai, phổ biến.
Kết hợp giữa lời nói và hành động được Hồ Chí Minh nêu thành quan điểm rõ ràng, Người chỉ rõ: “Miệng nói tay phải làm mới được”, “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Trong quá trình tuyên truyền, vận động cách mạng, Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, hô hào bằng lời nói mà còn bằng việc làm thực tế của mình, lý luận gắn liền với thực tiễn để thúc đẩy nhân dân đi đến hành động cách mạng. Trong nhiều hoàn cảnh, Người chủ trương nói ít làm nhiều và chỉ nói khi cần thiết. Theo Hồ Chí Minh, nói đúng đã khó nhưng làm cho đúng, cho có hiệu quả thiết thực còn khó hơn. Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ, là công bộc của dân dứt khoát phải gánh vác công việc cùng với nhân dân, thậm chí phải làm ngay, làm trước, phải làm nhiều hơn, kiểu mẫu hơn. Điều quan trọng ở đây không phải chỉ có làm mà còn phải làm hết sức mình, làm có năng suất, có chất lượng, có hiệu quả, làm để làm gương. Mỗi cán bộ, đảng viên và gia đình mình phải thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là qua Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho thấy Đảng ta vẫn thường xuyên nhắc nhở và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với cán bộ, đảng viên phải thực hành lời nói gắn liền với việc làm, tư tưởng gắn liền với hành động. Hiểu cách khác, Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói là phải làm. Làm để thuyết phục, để lôi kéo quần chúng nhân dân làm theo. Nên quán triệt sâu sắc giữa lời nói và việc làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng đối với những giảng viên đang công tác tại trường chính trị Chính trị tỉnh Bình Dương. Điều này cần được xác định là một trong những nội dung cốt lõi của việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều này, giảng viên trường Chính trị cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Thứ nhất, có lập trường chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, khả năng phân tích, xem xét, đánh giá, dự báo tình hình một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Trước những sự kiện chính trị có tính phức tạp, nhạy cảm và sự tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch luôn có quan điểm, chính kiến rõ ràng, giữ vững định hướng tư tưởng. Kiên quyết bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các bài nói, bài viết, bài giảng và trong từng hành động của mình. Tuy nhiên, đối với nội dung này, nói đúng đã khó, để hành động cho đúng, cho có hiệu quả thiết thực còn khó hơn. Đòi hỏi, mỗi giảng viên phải có nhận thức chính trị sâu sắc và niềm tin để hiểu rõ lý tưởng cộng sản, ý nghĩa chính trị của từng việc làm cụ thể, để kiên định mục tiêu cách mạng, tự giác đi đầu trong mỗi hành động. Không thể để tồn tại tình trạng giảng viên giảng dạy lý luận chính trị mà mình lại là người hoài nghi, dao động và giảm sút niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Không thể có giảng viên tuyên truyền về nghị quyết trong khi chính mình lại hoang mang, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Thiếu niềm tin và nhận thức không đúng, đủ bản chất của vấn đề sẽ làm cho giảng viên nói riêng dễ bị dao động trước những biến đổi lớn của hiện thực xã hội, mất phương hướng trước những tình huống chính trị phức tạp, mất động lực khi giải quyết vấn đề và trở thành người nói nhiều mà làm ít, nói một đường, làm một nẻo, thậm chí nói mà không làm.
Thứ hai, thực hành lời nói đi đôi với việc làm trong hoạt động của giảng viên trường chính trị cần gắn liền với việc rèn luyện phong cách ứng xử, giao tiếp và lối sống. Trong quan hệ giao tiếp, ứng xử người giảng viên phải giữ đúng chuẩn mực, tác phong và yêu cầu của giảng viên trường chính trị theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành. Đồng thời, phải có thái độ cởi mở, chân thành, sâu sát và gần gũi đối với người học.
Mỗi giảng viên phải thực sự là tấm gương sáng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” biểu hiện cụ thể ở các đức tính, như: yêu nghề, say mê, gắn bó hết mình với công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao; có ý thức tiết kiệm của công, không tham nhũng, lãng phí; công minh, chính trực, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực; luôn chấp hành và gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có lối sống trung thực, giản dị, gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp;có tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, vị tha, không đố kỵ, ganh ghét. Gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi, ở cơ quan, đơn vị cũng như nơi cư trú, gắn bó mật thiết và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, nhân dân. Thực hiện tốt 19 điều đảng viên không được làm và Quy định 76 của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Không thể để có giảng viên tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống mà chính mình lại đang thoái hóa, biến chất và sa sút về phẩm chất đạo đức và lối sống.
Thứ ba, giảng viên cần không ngừng trau dồi nâng cao tri thức, tích lũy vốn sống thực tiễn, rèn luyện kỹ năng. Đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết đối với giảng viên nói chung và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói riêng. Có kiến thức chuyên môn sâu rộng, vốn thực tiễn phong phú sẽ giúp giảng viên củng cố cho mình tình yêu đối với nghề, tìm ra các phương pháp tiếp cận mới để nhận thức, phân tích, đánh giá, xử lý các tình huống xảy ra trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Đây cũng là căn cứ tạo điều kiện cho họ hiểu nội dung cần truyền đạt và biết truyền đạt nội dung một cách phổ thông, dễ hiểu, khoa học và chính xác.
Hơn nữa trong điều kiện hiện nay trình độ của người học ngày càng cao, nhu cầu hiểu biết ngày càng rộng nên nếu giảng viên trường chính trị có tầm hiểu biết rộng, tổng hợp, vốn thực tiễn phong phú sẽ giúp chúng ta tự tin để giải quyết thấu đáo mọi nội dung giảng dạy bằng những phương pháp khác nhau và củng cố được uy tín của mình, tạo niềm tin cho người học. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn có kỹ năng giảng dạy tốt giảng viên trường chính trị cần được trang bị các nhóm tri thức sau:
- Tri thức về các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những tri thức này sẽ giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, niềm tin và bản lĩnh chính trị cho giáo viên giảng dạy lý luận chính trị. Mặt khác, sẽ giúp hình thành phương pháp luận đúng đắn cho việc nghiên cứu, học tập và toàn bộ quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Tri thức về khoa học xã hội và nhân văn. Đây là những tri thức không chỉ có chức năng nâng cao sự hiểu biết về con người và giáo dục con người mà còn tạo cơ sở cho việc hình thành kỹ năng nói, viết, kỹ năng đối thoại và nghệ thuật gây ấn tượng với người học. Bề rộng của khối kiến thức này sẽ góp phần hình thành những yếu tố đa dạng trong nhân cách của người giáo viên, góp phần tăng cường khả năng hiểu biết về xã hội và con người; hình thành các kỹ năng cần thiết cho hoạt động giảng dạy, giao tiếp. Trên cơ sở đó tìm tòi ra các phương pháp giảng dạy phù hợp.
- Tri thức khoa học chuyên ngành. Các tri thức này trực tiếp góp phần hình thành lòng yêu nghề và năng lực hoạt động nghề nghiệp ở cả hai phương diện rộng và sâu; ở cả hai cấp độ lý thuyết nghề nghiệp và kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.
- Ngoài tri thức và tầm hiểu biết rộng, tổng hợp, giảng viên trường chính trị cần phải có kiến thức thực tiễn. Để có được vốn kiến thức thực tiễn phong phú lồng ghép vào trong các bài giảng, đòi hỏi giảng viên phải thực hiện theo biện pháp mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên như sau: “Nghe”: luôn phải lắng tai nghe tất cả các thông tin từ mọi đối tượng, mọi giới trong các ngành, nghề lĩnh vực khác nhau. “Hỏi”: Hỏi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, những người có kinh nghiệm để họ chia sẻ. “Thấy”: thông qua việc đi thực tế, bản thân mỗi người phải tích cực đi đến, xem xét mà thầy. “Xem”: xem báo chí, sách vở, trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Ghi”: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì ghi lại để dung”.
Mỗi giảng viên trường chính trị Bình Dương cần phải vận dụng và thực hành thật tốt vấn đề thống nhất giữa lời nói và hành động trong công tác giảng dạy, cũng như trong các hoạt động xã hội hàng ngày để nâng cao tính thuyết phục trong từng bài giảng của mình. Đây là một trong những yêu cầu để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường trong giai đoạn hiện nay và cũng là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
ThS. Vũ Thị Yến - Giảng viên khoa Dân vận