Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản…”
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều lớp huấn luyện cán bộ đã được Đảng và Bác Hồ tổ chức. Bình Dương là một trong những tỉnh sớm mở được các lớp và thành lập được trường để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chính quyền, đoàn thể tại cơ sở. Qua từng giai đoạn lịch sử của cách mạng trường luôn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đi tiên phong trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương và thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao phó. Nhiều cán bộ, Đảng viên do trường đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cốt cán giữ cương vị quan trọng, lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan trong tỉnh…
Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa I đã họp, quyết định nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đồng thời chỉ rõ: “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác này”. Quán triệt tinh thần trên các địa phương trong cả nước tích cực chuẩn bị nhiều mặt cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ về cơ sở, nhân lực, tài liệu…
Đầu năm 1949, tình hình quốc tế có những chuyển biến lớn, có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngày 14/01/1949, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 thông qua “Chiến lược cầm cự và chuẩn bị tổng phản công” với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng” và sửa soạn cho công cuộc kiến quốc tương lai. Về nhiệm vụ công tác nội bộ Đảng, nhằm chuẩn bị lực lượng cán bộ và nâng cao trình độ lý luận chính trị của Đảng, Nghị quyết Hội nghị xác định: Tất cả Đảng viên phải học tinh thông đường lối, chính sách của Đảng…; tổ chức đảng viên mới đến đâu phải huấn luyện hết đến đó. Phương pháp học tập: Lập tổ tự học ở mỗi cơ quan, mỗi tổ chức Đảng; các trường Đảng luôn mở liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh.
Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, ngày 10/5/1949, thay mặt tỉnh ủy đồng chí Vũ Duy Hanh ký quyết định thành lập các ban chuyên môn của tỉnh ủy Thủ Dầu Một, trong đó ban Tuyên huấn do đồng chí Tiêu Như Thủy, nguyên Trưởng chi văn hóa kháng chiến tỉnh Thủ Dầu một làm trưởng ban. Lúc này nhận thức về huấn luyện chỉ bao gồm: công tác huấn luyện và học tập cho tất cả đảng viên và cán bộ của Đảng.
Theo chỉ thị của Tỉnh ủy, công việc gấp rút là phải biên soạn tài liệu học tập mang tính chất phổ thông, song đảm bảo cung cấp được những kiến thức cơ bản về cách mạng, về Đảng cho tất cả cán bộ, Đảng viên trong tỉnh và nhất trí đặt tên gọi của bộ tài liệu ấy là: “Vỡ lòng Cộng sản” gồm các bài:
Giai cấp là gì?
Cách mạng là gì?
Cách mạng dân tộc dân chủ.
Cách mạng vô sản (cách mạng Xã hội chủ nghĩa)
Chủ nghĩa cộng sản.
Sơ lược lịch sử Đảng.
Tháng 6/1949, tỉnh phát hành được tập tài liệu đầu tiên với số lượng đủ cho mỗi Đảng viên. Sau khi có tài liệu, Tỉnh ủy chỉ thị cho mỗi chi bộ, kể cả các chi bộ lực lượng vũ trang trong tỉnh hằng tháng phải dành một ngày để học tập tài liệu đó. Lần đầu tiên tại Đảng bộ Thủ Dầu Một, việc học tập được phát động và chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ. Không khí học tập “Vỡ lòng cộng sản” sôi nổi, hăng hái trong tất cả các Chi bộ. Có thể nói, vào thời điểm này, công tác tư tưởng của Đảng còn đơn giản, xoay quanh trong việc nâng cao nhận thức về cách mạng nói chung, về vai trò lãnh đạo của Đảng mà chưa đi sâu vào các khía cạnh của công tác Xây dựng Đảng.
Từ ngày 20 đến 30/01/1950, Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng bộ Thủ Dầu Một được tiến hành tại sở cao su Trao Trảo, xã Vĩnh Tân. Hội nghị này là một bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và những mặt công tác khác ở tỉnh Thủ Dầu Một. Đồng thời, đây là một lớp tập huấn ngắn hạn đối với các đại biểu, chương trình gồm những bài học cụ thể về lý luận và cách tổ chức thực hiện các công tác Đảng, chính quyền, dân vận, quân sự địa phương. Giảng viên từng vấn đề là cán bộ trong đoàn kiểm tra Trung ương. Hiệu trưởng là đồng chí Phan Trọng Tuệ.
Sau hội nghị Trao Trảo, đoàn kiểm tra Trung ương giao cho Thủ Dầu Một một số tài liệu chính trị trong đó có 02 bộ tài liệu huấn luyện cho cán bộ cơ sở và Đảng viên thường: Chương trình cơ sở và chương trình bổ túc cơ sở. Mỗi chương trình gốm 06 bài. Với 12 bài như trên, mỗi bài vừa giảng vừa thảo luận trong 02 ngày, thêm 02 ngày kiểm tra cuối khóa tổng cộng 26 ngày. Như vậy mỗi tháng có thể mởi 01 khóa. Vào thời điểm này, bên chính quyền cũng cần mở lớp đào tạo cán bộ chủ chốt ở cơ sở như chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính xã…
Để kiện toàn cơ cấu, và chuyên sâu trong công tác đào tạo cán bộ, ban Tuyên huấn tỉnh ủy đã bàn bạc với ủy ban kháng chiến hành chính nhất trí đề nghị của Tỉnh ủy chọn người thành lập Trường Chính trị chung cho tỉnh, chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ kể cả cán bộ Đảng và cán bộ chính quyền ở cơ sở. Tất cả các hoạt động kinh phí của trường đều từ ngân sách nhà nước. Trường Chính trị ấy vừa là Trường Đảng, vừa là Trường Hành chính do đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn làm Hiệu trưởng, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên huấn làm Hiệu phó phụ trách nội dung, một cán bộ giáo dục sẽ được điều sang làm Hiệu phó phụ trách quản trị hành chính. Ngoài ra cơ cấu tổ chức các cán bộ, nhân viên khác.
Phối hợp với các cán bộ của trường, các cán bộ Tuyên huấn được phân công đến giảng các bài quy định tại các lớp hành chính, các ngành và các đoàn thể. Có thể nói năm 1950 là một năm bước ngoặt đối với công tác đào tạo cán bộ trong tỉnh. Vấn đề đào tạo cán bộ đi vào nề nếp, chương trình đào tạo thống nhất phù hợp với yêu cầu trước mắt của việc đào tạo cán bộ cơ sở phục vụ kháng chiến. Các khóa huấn luyện về Đảng đã giúp học viên nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Cộng sản, điều lệ Đảng, công tác nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình., công tác kháng chiến kiến quốc, công tác quần chúng…
Sau khi chấn chỉnh về mặt tổ chức, theo nghị quyết của Hội nghị Trao Trảo, Tỉnh ủy ra chỉ thị cho các Đảng bộ trực thuộc mở lớp tại chức ban đêm cho cán bộ cơ sở và Đảng viên ở tất cả các Đảng bộ ấy. Tài liệu học tập thống nhất là chương trình cơ sở và chương trình bổ túc cơ sở được in lại và phổ biến rộng rãi. Cho đến nay, hình thức đào tạo tại chức vẫn được Trường Chính trị Bình Dương áp dụng, điều chỉnh về mặt thời gian phù hợp với đặc thù công tác của cán bộ cơ sở.
Khoảng giữa năm 1950, Ban Tuyên huấn xứ ủy phát hành tài liệu “ Những điều người Đảng viên Cộng sản phải biết và phải làm” kèm theo chỉ đạo tổ chức học tập tài liệu này. Tỉnh Thủ Dầu Một phát động một đợt học tập tại chức tài liệu nói trên trong toàn Đảng bộ và trường Đảng tỉnh góp một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền giảng dạy, tuyên truyền tài liệu.
Như vậy, từ việc học tập những tài liệu như: Vỡ lòng cộng sản (1949), Chương trình cơ sở và chương trình bổ túc cơ sở (1950), cho đến tài liệu những điều người cộng sản phải biết và phải làm (1950) đã đóng góp tích cực trong công tác đào tạo huấn luyện cán bộ, các lớp huấn luyện này là tiền thân quan trọng, cơ sở chính trị, lý luận tổ chức cho việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Tất cả các Đảng viên đều rất ham học tập, khao khát được nâng cao trình độ hiểu biết về Đảng, về mục đích lý tưởng của Đảng…Và Trường Chính trị tỉnh được xây dựng từ yêu cầu cấp thiết của cách mạng cũng như nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên.
Tháng 5/1951, chấp hành chủ trương của Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở sát nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Sau khi nhập tỉnh, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện chỉ thị của xứ ủy trong năm 1950 về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở chủ yếu với hình thức tại chức. Dựa vào những tài liệu chủ yếu như: Tuyên ngôn, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam…Từ cuối năm 1950, sau khi thất bại trong chiến dịch Biên Giới, thực dân Pháp bắt đầu được Mỹ giúp sức về vật chất, cử Đờlát Đờtátxinhi sang làm tổng chỉ huy kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương, tăng cường chiến tranh xâm lược. Ở Thủ Biên, địch càn quét quyết liệt, đóng nhiều đồn bốt, chia cắt các huyện lỵ, cắt đứt đường giao thông liên lạc giữa các huyện với các cơ quan đầu não của tỉnh đóng tại chiến khu Đ. Trước tình hình đó trường Đảng tạm thời ngưng mở các lớp để thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác.
Do hai tỉnh mới được sát nhập, việc đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian này được quan tâm trước tiên. Vì vậy công tác tư tưởng của tỉnh trong thời gian này tập trung các vấn đề củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ kháng chiến thắng lợi đến cùng; giữ vững niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của chính phủ, Bác Hồ…
Giữa năm 1953, khi đồng chí Lê Đình Nhơn học xong khóa 3, trường Chính trị trung cao cấp Trường Chinh ở Nam Bộ (lúc đó ở khu 9 các tỉnh miền Tây Nam Bộ) trở về, trường Đảng có điều kiện hoạt động trở lại. Trường mở liên tiếp hai khóa “Cải tạo tư tưởng” tại Cây Chanh, mỗi khóa khoảng hai tháng với trên dưới 60 học viên, gồm cán bộ trung, sơ cấp của tỉnh và huyện, cán bộ tiểu đoàn, đại đội các đơn vị vũ trang trong tỉnh. Học viên học đến đâu liên hệ đến đó về tình hình tư tưởng, đạo đức, hành động của mình thời gian qua. Các biểu hiện về chủ nghĩa cá nhân với những mức độ khác nhau được phân tích, mổ xẻ thẳng thắn. Từ đó tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 8/3/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa II ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về việc mở trường Đảng ở các cấp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng. Nội dung của chỉ thị quy định một số vấn đề về việc mở trường Đảng các cấp, thực hiện giáo dục chính trị và lý luận cho cán bộ của Đảng. Đối với trường Đảng ở cấp tỉnh, nhiệm vụ chính là huấn luyện cán bộ cơ sở, chủ yếu là các chi ủy viên ở xã. Nội dung học tập gồm: Đường lối cách mạng Việt Nam; Các chính sách của Đảng (kể cả thời sự); Những hiểu biết cơ bản về Đảng (kể cả công tác chi bộ). Thời gian học tập khoảng một tháng rưỡi. Về tổ chức và lãnh đạo nhà trường, Chỉ thị yêu cầu: Trường Đảng mỗi cấp phải có một Hiệu trưởng, từ một đến hai Hiệu phó lãnh đạo chung công tác nhà trường; có một số cán bộ làm giảng viên chuyên trách và một số cán bộ làm công tác hướng dẫn, giáo vụ, tổ chức, hành chính, quản trị.Về cán bộ hướng dẫn, tạm thời quy định ở các trường khu, tỉnh và thành phố khoảng 30 học viên cần có một cán bộ hướng dẫn. Cán bộ làm công tác trường Đảng phải được lựa chọn về mặt chính trị và tư tưởng; những cán bộ làm công tác giảng dạy và hướng dẫn học tập phải có một trình độ nhận thức chính trị và văn hóa nhất định… Có thể nói chỉ sau một thời gian khi ký Hiệp định Giơnevơ, từ năm 1957, Trung ương Đảng đã chú trọng, nâng cao tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, cùng với các địa phương khác, Trường Chính trị tỉnh cũng được kiện toàn tổ chức, chú trọng nội dung, hoạt động để phục vụ sự nghiệp cách mạng cho đến ngày nay.
Như vậy, từ những lớp bồi dưỡng đầu tiên của Ban Tuyên huấn, đến khi thành lập trường Chính trị và kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi (7/5/1954), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngoài những thành tích đáng trân trọng ấy, Trường Chính trị tỉnh cũng đã từng bước lớn theo năm tháng đầy gian khổ, hi sinh của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Những bước trưởng thành về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cùng với các ban ngành khác cũng như các tầng lớp nhân dân Thủ Dầu Một đã biến thành sức mạnh tinh thần và vật chất góp phần đánh thắng kẻ thù. Đó cũng là hành tranh của cán bộ, giáo viên để tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ kế tiếp để xứng đáng với những bước đi chông gai, vững vàng mà đầy tự hào của nhà trường những năm tháng đầu tiên thuở ấy./.