Cuộc đời mỗi con người ai cũng sẽ đặt vào tuổi thanh xuân của mình những ước mơ và khát khao tương lai. Thời gian sẽ trôi qua nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ sẽ mãi là niềm kiêu hãnh, một điểm tựa tinh thần vững chắc để vươn lên hoàn thiện và công hiến. Lịch sử dân tộc ta đã ghi dấu ấn của một lớp đông đảo thanh niên coi tương lai của dân tộc là tương lai của chính mình. Với vũ khí là những trang giáo án, họ đã đem sức trẻ, trí tuệ và tuổi thanh xuân của mình để “trồng người” trong mưa bom bão đạn.
Tiếng gọi từ R
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam thực hiện chuyển giao quân, tập kết nhưng Mĩ - Diệm đã ra sức phá hoại Hiệp định. Cách mạng miền Nam ở vào thời kỳ khó khăn tổn thất nhất, các cơ sở của Đảng bị chính quyền Diệm lùng sục, hàng loạt các Đảng viên bị bắt, các chiến sỹ cách mạng bị hành hình. Cuối năm 1959, Nghị quyết Trung ương 15 khóa II đã được truyền đạt đến tận cơ sở, thổi bùng lên ở miền Nam một phong trào đấu tranh vũ trang mạnh mẽ. Ngày 26/1/1960, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đã tập kích căn cứ Tua Hai, một tiểu khu quân sự quan trọng chỉ cách thị xã Tây Ninh 5km, giải phóng một vùng rộng lớn tạo hành lang mở rộng căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Tháng 12/1960 đã diễn ra Đại hội lịch sử thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên địa bàn Tây Ninh. Ngày 23/1/1961 Trung ương cục miền Nam được thành lập, cuối 1961 Trung ương Cục đã quyết định chọn vùng Bắc Tây Ninh làm nơi xây dựng căn cứ đầu não của Trung ương. Trung ương cục thay mặt Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam, cũng từ đó, Trung ương cục có mật danh là “R”
Trong kháng chiến chống Mĩ, ở mật khu R có một cơ quan gọi là “Tiểu ban giáo dục R” trực thuộc Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Trong thời mưa bom bão đạn, nơi ấy các thầy cô của “Tiểu ban giáo dục R” có nhiệm vụ cao cả “trồng người”, gieo mầm cho cách mạng, đồng thời phát triển giáo dục sang các vùng khác của miền Nam. Tiểu ban giáo dục R làm nhiệm vụ đề xuất chủ trương, đường lối, nhiệm vụ công tác giáo dục cách mạng từng thời điểm cụ thể và lâu dài cho Trung ương cục.
Từ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, rất nhiều đoàn cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo ưu tú, vững chắc về lập trường tư tưởng, giỏi trong công tác chuyên môn được chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những cán bộ ấy, có những người tập kết ra bắc sau năm 1954, lên đường vào R cũng là lúc trở về quê nhà miền Nam. Người đặt nền móng cho nền giáo dục giải phóng là ông Năm Diêu (Dương Văn Diêu) - Trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam, là một người miền Nam tập kết ra Bắc được giao nhiệm vụ “gieo mầm nơi chiến khu” và tiếp đó là lớp lớp các nhà giáo vàng son của dân tộc thuở ấy.
Các thầy cô giáo được phân công về địa bàn mở lớp, vận động quần chúng và kiêm luôn nhiệm vụ cầm súng chiến đấu, chống càn, phá vây. Tài liệu ít ỏi, chỉ có một số đem vào từ miền bắc, sách báo các thầy cô đã bắt tay vào biên soạn chương trình sách giáo khoa, đồng thời phối hợp với các giáo chức vùng tạm chiếm, tuyên truyền giảng dạy nền giáo dục của dân tộc. Các trường được mở với nhiều hình thức, công khai, bán công khai, vừa dạy - học vừa chiến đấu, chống càn.
Trường Nguyễn Văn Trỗi là cái nôi của giáo dục chiến khu lúc bấy giờ, cần phải có một ngôi trường để ươm mầm cho tương lai, cho cách mạng. Các cán bộ của Trung ương, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các nhà báo…đã thường xuyên đến thăm và động viên thầy và trò của trường. Những mầm non của cách mạng học tập hăng say rèn lyện, sẵn sàng để trở thành những chiến sỹ sắt đá kiên trung. Hai chữ thầy cô trong cái nôi kháng chiến vô cùng thiêng liêng. Những người chèo lái đò trong mưa bom để đưa khách qua sông, nuôi nấng vun đắp những mầm xanh tương lai, hiến dâng cho đất nước những mùa xuân thay áo mới. Thầy cô trở thành niềm tin hi vọng, là tấm gương ý chí phấn đấu cho học sinh ở R cố gắng vươn lên. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, một số được gửi đến các cơ quan, một số ở lại trường, số còn lại tổ chức đưa ra Bắc học tập chờ ngày trở về phục vụ miền Nam.
Rất nhiều thầy cô đến từ hai miền Bắc, Nam đã hi sinh anh dũng khi đất nước còn chưa thống nhất. Nhưng tuổi thanh xuân của họ mãi mãi được ghi vào những trang tự hào nhất của giáo dục Việt Nam. Bom đạn có thể hủy diệt cả những mầm non, hủy diệt tuổi trẻ nhưng những hạt mầm được gieo trong lửa đạn thuở ấy đã trở thành những trái ngọt hồng tươi cho cuộc đời. Những học sinh năm xưa của đất thánh chiến khu đã trở thành những chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhiều đồng chí giữ vai trò quan trọng của trung ương, của các tỉnh thành, trong lực lượng vũ trang hay các giáo sư tiến sỹ. Tất cả, đời đời nghiêng mình trước những tấm lòng của thầy cô thuở ấy - Họ đã đem tuổi xuân theo tiếng gọi từ R đi gieo mầm cho tương lai.
Những hi sinh thầm lặng ở tiểu ban giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một
Thuở ấy, là những thầy cô giáo dù vũ khí chỉ là cây bút, trang giáo án đơn xơ nhưng mỗi thầy cô khi nhận nhiệm vụ ở chiến trường đều xác định rõ vai trò của người lính xung trận. Bom đạn bên tai, cái chết rình rập, gian khổ trường kỳ nhưng không một ai đắn đo. Tất cả họ đều phơi phới tinh thần dù ở nơi cần phải cẩn mật nhất. Và trong những tháng năm ấy lịch sử dân tộc đã ghi lại một thời vàng son những tấm lòng cô thầy!
Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Tài ( Dầu Tiếng - Thủ Dầu Một) là 1 trong 3 nhà giáo đầu tiên của tiểu ban giáo dục R tỉnh Thủ Dầu Một. Từ những năm 1965, ông cùng các đồng nghiệp thực hiện chủ trương của cấp trên phát triển phong trào giáo dục toàn tỉnh vì vùng giải phóng đã được mở rộng hơn. Ngoài việc đào tạo cán bộ còn nhằm mục đích dạy chữ cho con em trong tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ tiểu ban đã tập hợp đội ngũ giáo viên đạo tạo lại. Trong giai đoạn này hệ thống trường lớp phát triển mạnh ở Thanh Tuyền, Thanh An, An Tây, Phú An, Long Nguyên, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi…Các giáo viên của tiểu ban giáo dục tỉnh đã về tiểu ban giáo dục Trung ương cục R mượn tài liệu, sách giáo khoa đem từ miền Bắc vào để biên soạn, tái bản, cấp phát cho các trường.
Sự nghiệp giáo dục giữa vùng địch hậu như ở Thủ Dầu Một ngày càng phát triển mạnh. Từ giai đoạn 1965, Mỹ áp dụng chiến lược chiến tranh cục bộ, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, giặc vây, trực thăng quần đảo, các trường lớp bị phá hủy, thầy trò vừa chiến đấu, tránh bom, vừa duy trì trường lớp. Giặc rút, trường lớp lại hoạt động bình thường. Trong kháng chiến chống Mỹ, vì sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh Thủ Dầu Một đã có 29 nhà giáo và cán bộ giáo dục hi sinh. Đó là nhà giáo Trần Thị A (Thanh Tuyền - Dầu Tiếng), trong lúc giảng bài, giặc thả bom xăng nhà giáo hi sinh ngay trên bục giảng thân thương. Sự tàn ác của quân thù không vùi dập được những đóa hoa rực rỡ của đất nước. Giặc phá trường nơi này thầy cô chuyển trường chỗ khác, đơn xơ, tạm bợ nhưng kiên trung và ấm áp tình người.
Đó là thầy giáo Lâm Thanh Đáo xã Hòa Lợi ( Bến Cát - Thủ Dầu Một) vừa dạy học vừa cầm súng đánh giặc. Trong cuộc đối đầu với địch, thầy rơi vào tay giặc. Chúng dụ dỗ, tra tấn đánh đập để khai thác thông tin nhưng thầy quyết giữ trọn khí tiết của một nhà giáo cách mạng. Không khai thác được thông tin, giặc cột thầy vào xe tăng và lôi đi cho đến chết.
Lịch sử không quên tấm gương hi sinh anh dũng của nhà giáo Nguyễn Quốc Phú. Cuối năm 1965 Hội nhà giáo yêu nước trực thuộc Tuyên Huấn tỉnh được thành lập. Thầy Nguyễn Quốc Phú được bầu làm phó chủ tịch Hội nhà giáo yêu nước tỉnh Thủ Dầu Một sau đó thầy chuyển về công tác trong Ban Trí vận mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1967, thầy Phú bị địch vây bắt tại khu Bàn Cờ ( Sài Gòn), mặc dù bị tra tấn dã man cho đến chết nhưng thầy giữ vững ý chí đấu tranh của người chiến sỹ cách mạng đến phút cuối cùng cuộc đời mình....
Gian khổ, bom đạn, hi sinh không thui chột được nền giáo dục giải phóng. Địch có thể hơn chúng ta về vũ khí, về tàn bạo nhưng yếu tố con người đã trở thành vũ khí sắt đá để cách mạng Việt Nam dành thắng lợi. Không thể kể hết những tấm gương anh dũng hi sinh của các nhà giáo, nhưng những ký ức thời đi “gieo hạt” trong chiến tranh, tuổi xuân của thầy cô đã vẽ nên những vẻ đẹp ngời sáng, chân dung của những nhà giáo cách mạng đi gieo mầm trong mưa bom!
Xin mượn những câu thơ trang trọng để kết thúc bài viết tri ân:
Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm./.
Lê Thị Hiệp - Khoa Xây dựng Đảng