Vận động quần chúng nhân dân - Từ lý luận trong tác phẩm Đường Kách Mệnh đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Tác phẩm “Đường kách mệnh” được xuất bản năm 1927, trong bối cảnh ở Việt Nam lúc đó chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo, chưa giành được chính quyền. Với chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp, nhân dân bị bưng bít thông tin và bị đầu độc bởi văn hoá thực dân, cho nên những nội dung quan trọng của “Đường Cách mệnh” đã trở thành cẩm nang về lý luận cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng. Trong đó, vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Nguyễn Ái Quốc đề cập đến trên nhiều phương diện khác nhau: Từ việc xác định gốc của cách mạng là công - nông, xác định vai trò quan trọng của thanh niên, phụ nữ, các tổ chức của dân cày, Công hội, Hợp tác xã, việc tổ chức, tập hợp các lực lượng này là mấu chốt quan trọng để cách mạng thành công. Tác phẩm đặt nền móng cho vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay.Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra đường lối phát triển cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có vấn đề tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó cũng chính là tiếp tục sự nghiệp của “Đường cách mệnh” mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra từ năm 1927.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sinh thời,Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là tư tưởng xuyên suốt để Đảng ta chú trọng phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh những vấn đề quan trọng về vai trò, phương hướng, nhiệm vụ để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp mà “Đường kách mệnh” đã đề ra hơn 90 năm về trước.
1. Vai trò của nhân dân vàđại đoàn kết dân tộc đối với cách mạng Việt Nam.
Đại đoàn kết là một truyền thống quý báu và là sức mạnh to lớn của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đoàn kết tạo nên sức mạnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thực hiện đoàn kết chính là tận dụng tối đa sức mạnh của quần chúng nhân dân trong những nhiệm vụ cách mạng. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.Lịch sử dân tộc ta đã chỉ rõ trong suốt quá trình tồn tại, các thế lực thù địch luôn nhòm ngó, xâm lược nước ta. Vì vậy đặt ra cho chúng ta bên cạnh xây dựng đất nước phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị lực lượng để bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề thực hiện đại đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân luôn là nhiệm vụ quan trọng mà mọi thời đại hướng tới. Đặc biệt từ khi Đảng ra đời, Đảng và Bác Hồ luôn đề cao nhiệm vụ đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong mối quan hệ Dân - Đảng…
Trong lịch sử chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, trong đó có những lần thất bại.Các cuộc kháng chiến thất bại đều có những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức mạnh toàn dân: Hồ Quý Ly: “Vừa rồi nhân họ Hồdo chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận, quân cuồng Minh thừa cơ gây họa, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”…Nguyễn Ánh: “Cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ”…và đưa đến những hậu quả nặng nề đối với giống nòi, quốc gia dân tộc: nhà Minh xâm lược 20 năm và hơn 80 năm Pháp thuộc. Bài học xương máu còn đó, luôn nhắc nhở mọi người Việt Nam cũng như mọi thời đại phải luôn sẵn sàng lực lượng, đoàn kết, sẵn sàng sức mạnh quốc gia dân tộc không chỉ để kháng chiến mà còn để bảo vệ Tổ quốc!
Trải qua chiều dài lịch sử, vai trò to lớn của Nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết luôn được các triều đại phong kiến coi trọng. Ý thức “dân là gốc” được hình thành từ rất sớm. Tới nhà Trần, ý thức “Dân là gốc” được phát huy cao hơn. Ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên sức mạnh toàn dân đã bảo vệ vững chắc quốc gia bờ cõi. Thời nhà Trần thực hiện tư tưởng nước nhà hợp sức. Với tư tưởng đó mà các quan lại, quý tộc thời Trần đã vững tin vào sức mạnh của nhân dân. Khi đất nước thanh bình, Trần Quốc Tuấn đã đưa ra kế sách: Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước. Triều đại nhà Lê cũng khẳng định “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Sau này vua Hàm Nghi khi rời kinh đô Huế để hạ chiếu Cần Vương phát động kháng chiến chống Pháp nhà vua cũng khẳng đinh: “Dân là gốc của xã tắc”. Từ ngày có Đảng, Đảng và Bác Hồ đặc biệt đánh giá cao vai trò to lớn của Nhân dân:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
…
Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”
Từ việc ý thức vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nên việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc là công việc mang tính chất chiến lược của chính quyền mọi thời đại. Ở nước ta sức mạnh này đã được kiểm nghiệm trong lịch sử bằng cả những thành công và thất bại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, sức dân đoàn kết cần phải có sự lãnh đạo nhất quán, sáng suốt để tận dụng sức mạnh đoàn kết cho những mục đích nhân văn cao cảgiành thắng lợi. Đặc biệt trong tình hình mới hiện nay, thời kỳ mở ra nhiều thời cơ hội nhập phát triển nhưng cũng đặt đất nước trước nhiều khó khăn thử thách, vấn đề đại đoàn kết dân tộc càng mang tính chất cốt lõi cho sự thành công của cách mạng. Mối quan hệ giữa lòng Dân - ý Đảng cần phải đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc để có thể phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo công tác tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp. Những âm mưu của kẻ thù kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân luôn luôn diễn ra.
Trước đây trong bối cảnh nước ta chưa giành được chính quyền thì việc xác định lực lượng cách mạng, đoàn kết các lực lượng là một vấn đề quan trọng, và thực tế hiện nay, sự nghiệp cách mạng thắng lợi, những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới chính là nhờ khối đại đoàn kết dân tộc được dày công vun đắp, tăng cường, nhờ lòng Dân đã gắn với ý Đảng. Sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, toàn Dân là nền tảng vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.
2. Đoàn kết đấu tranh từ tác phẩm Đường kách mệnh đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.
Trong bối cảnh nước ta chưa giành được chính quyền, tác phẩm “Đường kách mệnh” đã khẳng định vấn đề vì áp bức mà sinh ra đấu tranh để dành quyền tự do, quyền sống, và những người bị áp bức càng nặng thì càng có lòng kiên quyết đấu tranh và tình thần cách mạng càng cao. Với lập luận đó Nguyễn Ái Quốc đã xác định công - nông là cái gốc của cách mệnh, vì vậy phải có những biện pháp, cách thức tổ chức để tập hợp hai lực lượng này. Đây là một nhận định đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đưa ra những lý do để giải thích vì sao tinh thần cách mạng của công -nông là kiên quyết nhất, và là nền tảng của cách mạng lúc bấy giờ:
“1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn,
2. Là vì công nông là đông nhất cho nên có sức mạnh hơn hết,
3. Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy nên công nông là gốc cách mệnh”
Trong lịch sử, công - nông đã luôn thực hiện tốt vai trò là nền tảng của cách mạng ngay từ những cuộc đấu tranh đầu tiên trong phong trào cách mạng 1930-1931, lần đầu tiên công - nông liên minh trong đấu tranh đến những thắng lợi của cách mạng sau này công nông luôn là lực lượng đông đảo và quyết liệt nhất. Tiếp tục tinh thần từ “Đường kách mệnh” trong Cương lĩnh 2/1930, Luận cương tháng 10/1930, đều xác định nền tảng của cách mạng là công - nông. Trên cơ sở đó, Chính cương năm 1951 đã điều chỉnh nền tảng của cách mạng là công nhân, nông dân và trí thức và vẫn nhấn mạnh vai trò to lớn của công nông.
Trong tình hình mới, Đại hội XII khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo”. Đánh giá tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc, Đại hội XII đề ra một số chủ trương lớn để thực hiện đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Những chủ trương và nhiệm vụ mà Đảng đề ra đều căn cứ trên những đánh giá tình hình trong nước, quốc tế, đánh giá sự biến động của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Đảng đề cập trong đó vấn đề cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, thực hiện chính sách phù hợp với từng giai cấp, tầng lớp nhân dân, tập hợp sức mạnh của nhân dân vào Mặt trận chung vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối liên minh đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp, giữa nhân dân với Đảng.
Đối với giai cấp công nhân:
Trong bối cảnh của “Đường kách mệnh”, công nhân Việt Nam mới ra đời chưa lâu cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và bị bóc lột tàn bạo nên là giai cấp kiên quyết cách mạng nhất, có ý thức tổ chức kỷ luật cao nhất, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, bị ba tầng áp bức bóc lột đế quốc, phong kiến và tư sản. Phần lớn họ xuất thân từ nông dân nên có cơ sở khách quan để liên kết tự nhiên trong đấu tranh cùng với nông dân. Ngay khi ra đời giai cấp công nhân Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tích cực của Cách mạng tháng Mười Nga. Do vậy, mặc dù lực lượng còn ít nhưng sớm vươn lên tiếp thu những tư tưởng tiên tiến. Nhận định vấn đề đó Nguyễn Ái Quốc đã đề cập vấn đề tập hợp lực lượng công nhân với những biện pháp sơ khai bước đầu trong tổ chức Công hội, trong vấn đề đoàn kết với công nhân quốc tế. Người khẳng định:“Nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc chắn Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Chính vì vậy Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ trong Đường kách mệnh những vấn đề cơ bản trong tổ chức Công hội, tạo tiền đề để công nhân đoàn kết với nhau: Cách tổ chức, vị trí của công nhân trong tổ chức, mối quan hệ giữa công hội và chính đảng, những việc cần tránh, cần làm trong tổ chức, trật tự trong Công hội và khẳng định: “Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa, cho nên tổ chức phải nghiêm ngặt, chỉ huy phải mau mắn, làm việc phải kín đáo”
Ngày nay, do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm qua đã tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khối đại đoàn kết dân tộc, giai cấp công nhân có sự đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Công nhân Việt Nam yêu nước, tin tưởng vào Đảng và không ngừng vươn lên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với việc tăng nhanh về số lượng, đặc biệt ở loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh việc củng cố xây dựng các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường; thu nhập, việc làm, đời sống của nhiều công nhân gặp khó khăn. Nhiều vấn đề kinh tế xã hội phát sinh như: vấn đề nhà ở, tiền lương, nợ bảo hiểm, vi phạm dân chủ…tình trạng đình công, bãi công sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, đời sống, lòng tin của công nhân đối với Đảng và Nhà nước. Đại hội XII nhấn mạnh cần phải: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lạo động của công nhân”
Đối với giai cấp nông dân:
Trong những năm đầu thế kỷ XX, giai cấp nông dân Việt Nam chiếm khoảng 90% dân số. Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, nông dân cũng chịu ba tầng áp bức bóc lột tàn bạo là đế quốc, phong kiến và tư bản. Trong hoàn cảnh này, nông dân Việt Nam bị bần cùng hóa bởi bị chiếm đoạt ruộng đất, sưu cao, thuế nặng khiến cho đời sống điêu đứng. Chính vì vậy nông dân không ngừng đấu tranh cách mạng. Đây là giai cấp có tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất cho độc lập tự do của dân tộc và khao khát giành lại ruộng đất cho dân cày khi có lực lượng tiên phong lãnh đạo. Nhận định tiềm năng cách mạng to lớn cho cách mạng của nông dân, trong quá trình chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho việc thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc tập hợp và tổ chức đấu tranh cho dân cày. Đường kách mệnh đã có hẳn một phần luận giảng của Người về vấn đề tổ chức dân cày, để trang bị cho lớp cán bộ đầu tiên những hiểu biết lý luận cơ bản nhất. Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Dân cày ta rất cực khổ, nghề không có mà làm, đất không đủ mà cày, đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc”. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ những chính sách áp bức của pháp đối với nông dân, sưu cao thuế nặng, ép giá lúa trong mùa thuế, chiếm đoạt ruộng đất, đuổi nông dân ra khỏi làng…Từ đó Người liệt kê những thống khổ của nông dân: mất ruộng, mất gạo, bán vợ đợ con, làm nô lệ, chết đói, bị áp bức về chính trị, văn hóa…Chính vì vậy,nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng.Đường kách mệnh đã chỉ ra con đường, cách thức cho nông dân phải làm khi thành lập tổ chức của mình trong các hoàn cảnh công khai và bí mật. Đó chính là những bước đi đầu tiên từ rèn luyện tinh thần đấu tranh, đòi quyền lợi kinh tế đến quyền lợi chính trị sau này. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định ngay khi Đảng ta chưa ra đời để nắm lấy sứ mệnh lãnh đạo dân chúng làm cách mạng: “Sự tự do, bình đẳng phải cách mệnh mà lấy lại, hội nông là một cái nền cách mệnh của dân ta. Nếu thợ thuyền và dân cày trước tổ chức kiên cố, sau đồng tâm hiệp lực mà cách mệnh thì sẽ khỏi những sự cực khổ ấy”
Ngày nay trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nông dân vẫnlà lực lượng đông đảo, có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Tuy nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nguồn đất canh tác bị thu hẹp, nhiều nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp, một bộ phận ra thành thị làm việc trong các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ gây ra những biến động lớn ở nông thôn và các đô thị. Bộ phận còn lại chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, hiện đại hóa sản xuất nhưng lại khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Có thể thấy nông dân giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng, quá trình tích tụ ruộng đất và sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển…Với nhiều tác động đa chiều phân hóa giàu nghèo sẽ ngày càng lớn, một bộ phận thiếu đất sản xuất, không có việc làm dễ bị bần cùng hóa. Vấn đề đô thị hóa, triển khai các dự án kinh tế - xã hội, thu hồi đất, tái định cư diễn ra thường xuyên tác động sâu sắc đến đời sống, tư tưởng của nông dân, nảy sinh nhiều tình huống gay gắt, phức tạp. Từ thực tế đó, Đại hội XII nêu rõ chủ trương:Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ.
Như vậy có thể thấy, tinh thần của Đường kách mệnh trong việc tập hợp công nhân và nông dân - cái gốc của cách mệnh vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, Đảng ta vẫn tiếp tục sự nghiệp mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra từ đầu thế kỷ XX và điều chỉnh, phát huy cho phù hợp với tình hình hiện tại trong việc xây dựng khối liên minh công - nông - trí. Trước đây, trong hoàn cảnh khó khăn và cũng đầy biến động của đất nước đầu thế kỷ XX, tác phẩm Đường kách mệnh cũng đã phân tích vai trò và việc tập hợp lực lượng thanh niên, phụ nữ mặc dù thời điểm ấy ở nước ta chưa có tổ chức thanh niên. Người khẳng định phụ nữ, thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mệnh sẽ đóng góp to lớn cho sự thành công của cách mệnh, chính vì vậy phải liên lạc, tập hợp và giáo dục những lực lượng này. Thanh niên sẽ là nguồn nhân tài cho Đảng, phụ nữ là một lực lượng đông đảo trong xã hội, vì vậy phải vận động và tổ chức họ: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Những tư tưởng ấy đến ngày nay vẫn đúng đắn trong bối cảnh đổi mới đất nước. Đặc biệt thanh niên hện nay là một lực lượng xã hội to lớn, xung kích. Đây là lực lượng có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao năng lực và cống hiến. Thanh niên có sự năng động, sáng tạo, tiếp thu, thích ứng nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Còn phụ nữ là lực lượng đông đảo và ngày càng trưởng thành về mọi măt, ngày càng bình đẳng với nam giới và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.Chính vì vậy bên cạnh việc tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác như: doanh nhân, cựu chiến binh, đồng bào ở nước ngài…thì Đảng ta vẫn xác định vai trò to lớn của thanh niên, phụ nữ và có những chính sách phù hợp để phát triển và tập hợp họ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XII đã nêu lên những vấn đề cấp bách, cần thiết của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trong đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược nhất quán, cơ bản và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.Nhiệm vụ ấy đã tiếp tục sự nghiệp của “Đường kách mệnh” đã trăn trở từ đầu thế kỷ XX và đã đem về những thành quả cho cách mạng. Từ việc nhận định lực lượng, nêu rõ nỗi thống khổ của công - nông, tác phẩm đã vạch rõ con đường đấu tranh, đoàn kết công nông. Mặc dù chưa đầy đủ mọi lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tác phẩm cũng đã đặt những viên gạch nền móng lý luận đầu tiên cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, đường lối chiến lược tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Thực hiện thắng lợi chủ trương đại đoàn kết dân tộc là nền tảng quan trọng để chúng ta chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và vươn lên tầm cao mới, sánh vai với các dân tộc trên thế giới.
Lê Thị Hiệp - GV khoa Xây dựng Đảng